一合取っても武士は武士 : Dù chỉ có một cốc gạo nhỏ thì người võ sĩ vẫn là võ sĩ
Ý nghĩa của câu thành ngữ này là,
dù chỉ có thu nhập từ công việc là 1 cốc gạo nhỏ nhưng miễn là có thì người
võ sĩ (samurai) vẫn là võ sĩ, vẫn là vị trí đứng đầu trong chuỗi sĩ - nông - công - thương, cho dù
tiền lương cực kỳ ít ỏi đi nữa thì là một người samurai, niềm tự hào, lòng
kiêu hãnh vẫn luôn ở đó không hề suy suyển.
Như phần trước đã có giới thiệu, câu thành ngữ "người võ sĩ dù chưa ăn vẫn cứ
ngậm tăm", người võ sĩ dù đang rất đói với cái bụng trống rỗng nhưng vẫn ngậm
tăm giả vờ mình đã ăn no bụng, là một câu thành ngữ nổi tiếng.
Võ sĩ ở thời Edo kiếm sống bằng cách nhận lương. Việc kiếm thu nhập từ việc
lập công như trong thời kỳ Chiến quốc ngày càng ít đi, nên các võ sĩ giàu có
cũng ngày càng ít và chỉ còn lại các võ sĩ nghèo khó. Vào thời kỳ đó, phương
cách trả lương cho samurai được chia thành 3 dạng: “phong đất”, “phát gạo”,
“tiền công”.
“Phong đất” có nghĩa là nhận thu nhập bằng đất phong. Ví dụ như thường
nghe nói là “vùng đất 100 thạch gạo”. Có nghĩa là, vùng lãnh thổ được cấp phát
1 năm sẽ thu hoạch được 100 thạch gạo. Người samurai sở hữu vùng đất có giá
trị 10.000 thạch gạo trở lên thì được gọi là “lãnh chúa”.
Tuy nhiên, không phải tất cả số gạo thu hoạch được trên vùng lãnh thổ đó đều
thuộc về samurai. Người nông dân trồng lúa sẽ được nhận một phần gạo như là
tiền công cho mình. Phần gạo làm ra về cơ bản được chia theo chế độ
“Tứ - Công - Lục - Dân”. Người võ sĩ thu gạo như một dạng thu thuế từ
người nông dân. Cụ thể, samurai nhận được 40% và người nông dân nhận 60% lượng
gạo thu hoạch được. Bên cạnh đó, vẫn có một số vùng theo chế độ “Ngũ - Công -
Ngũ - Dân”, tức là lượng gạo thu hoạch được chia đều 50% cho võ sĩ và người
nông dân.
Tiếp theo là “phát gạo” (trong tiếng Nhật đọc là “kura mai”),
các tướng quân và chư hầu cấp thấp chưa có đất phong riêng thì sẽ nhận gạo như
là một dạng của tiền lương từ kho gạo của lãnh chúa hoặc Mạc phủ. Lượng gạo sẽ
khác nhau tùy theo địa vị xã hội, và dao động từ khoảng 30 đến 400 bao, nhưng
không phải phần gạo của cả năm sẽ được trả hết trong một lần, mà số gạo được
chia thành nhiều lần chi trả. Vì vậy nó còn được gọi là
gạo được chia ra để cấp phát (tiếng Nhật đọc là “kiri mai”).
Công việc làm thêm dán ô |
Cuối cùng là trả “tiền công”, nghĩa là nhận lương bằng tiền mặt. Tuy
nhiên, samurai có vị trí thấp nhất chỉ được nhận mỗi năm 3 lạng 1 phân tiền
(*trực dịch từ chữ Hán tự: 3両1分).
Quy ra đồng tiền ngày nay thì được khoảng 250.000 đến 300.000 Yên. Điều này
cho thấy rằng cuộc sống thật sự khó khăn nếu họ không có công việc làm thêm
hoặc những cách khác để kiếm thêm thu nhập.
Như vậy, trong thời Edo hầu hết tiền lương đều được chi trả bằng gạo. Tuy
nhiên, cuộc sống cũng không thể diễn ra chỉ với gạo, nên người ta cũng cần đổi
gạo thành tiền mặt tại các trạm đổi gạo được gọi là “trạm gạo” (*trực
dịch từ tiếng Nhật「蔵前」: [Tàng - Tiền], “tàng” trong tàng trữ, nghĩa là
chứa đựng; “tiền” trong “mặt tiền”, nghĩa là phía trước. Đoạn này đang nói về
“gạo”, nên hai chữ Hán tự này dịch nghĩa là: phía trước của nơi đang chứa
gạo). Do việc đổi tiền mặt tốn nhiều thời gian và công sức, từ đó có một nghề
mới đã ra đời, gọi là “fudasashi” (*môi giới gạo), những người nhận đổi tiền
thay với một khoản hoa hồng nhỏ.
Người môi giới gạo ngoài vai trò là đại lý đổi gạo thành tiền, họ còn bắt đầu
tham gia vào ngành tài chính, chẳng hạn như cho vay tiền và nhận thế chấp từ
người đi vay bằng số gạo dự kiến sẽ được nhận vào năm sau. Có rất nhiều tướng
quân và các chư hầu cấp thấp thiếu tiền, phải vay tiền hàng năm, và cả những
samurai phải chật vật trả tiền lãi.
Có một số samurai được đãi ngộ tốt và có lương cao, chẳng hạn như nhân vật
Toyama no Kin-san, câu chuyện của Ông còn được chuyển thể thành phim lịch sử,
nhưng vẫn có nhiều samurai phải sống trong cảnh nghèo khó. Tuy nhiên,
ngay cả khi ở trong hoàn cảnh nghèo khó, người võ sĩ vẫn tự hào về địa vị
của mình, là vị trí cao hơn vị trí của một người làm nông nghiệp, công nghiệp và
thương mại, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ như một người võ sĩ, đây chính là
nguồn gốc của câu thành ngữ này.
Lưu ý nhỏ: những phần được đánh dấu (*) là chú thích của người dịch.