Cách nhận biết và tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình

2024/06/27

DịchVụKếToán-Kiểmtoán

I. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định hữu hình

  • Theo khoản 1 điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, những tài sản hữu hình thỏa mãn đồng thời ba tiêu chuẩn dưới đây được coi là tài sản cố định hữu hình :
    • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
    • Có thời gian sử dụng trên 1 năm.
    • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 trở lên.
    • Đối với những tài sản hữu hình không đủ 3 tiêu chuẩn trên được coi là công cụ dụng cụ.

II. Cách tính nguyên giá của tài sản cố định

1. Tài sản cố định từ mua sắm

  • Nguyên giá tài sản cố định hữu hình = Giá mua + Thuế (Không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) + Các chi phí liên quan
  • Trong đó:
    • Giá mua là giá thực tế phải trả để mua tài sản. Đối với trường hợp tài sản cố định hữu hình mua trả chậm, trả góp, giá mua là giá tài sản mua theo phương thức trả tiền ngay tại thời điểm mua không bao gồm lãi trả chậm.
    • Các chi phí liên quan là những chi phí phải chi để đưa tài sản vào trạng thái sử dụng như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ; …
  • Lưu ý: Tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là tài sản cố định vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn “Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó”. Còn nhà cửa, vật kiến trúc được ghi nhận như tài sản cố định và xác định nguyên giá như trên.

Ví dụ: Ngày 30/05/2018, công ty mua một tài sản cố định là chiếc xe ôtô Honda CR-V của công ty ôtô Mặt Trời Mọc với giá mua bao gồm VAT là 1.058.000.000đ (trong đó VAT là 96.181.818đ). Lệ phí trước bạ là 105.800.000đ, phí kiểm định xe ô tô là 240.000, phí cấp mới là 11.000.000đ. Nguyên giá của chiếc xe ôtô Honda CR-V?
Nguyên giá chiếc xe ôtô Honda CR-V = Giá mua chưa bao gồm VAT + Lệ phí trước bạ + Phí kiểm định + Phí cấp mới.Nguyên giá = 1.058.000.000 – 96.181.818 + 105.800.000 + 240.000 + 11.000.000
= 1.078.858.182đ
* VAT là các khoản thuế được hoàn lại.

2. TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi

  • Nguyên giá của tài sản cố định mua theo hình thức trao đổi tài sản cố định không tương tự hay tài sản khác bằng (=) giá trị hợp lý của tài sản cố định hữu hình nhận về hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, cộng (+) các khoản trả thêm hoặc trừ (-) các khoản thu về, cộng (+) cho các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn), cộng (+) Các chi phí liên quan để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
  • Ví dụ: Ngày 25/01/2018, công ty A trao đổi 1 tấn nếp thơm lài với giá bán trên thị trường hiện tại là 25.500đ/kg và 30.000.000đ tiền mặt với công ty B để lấy máy cày Mitsubishi MT2201D. Vậy nguyên giá của máy cày Mitsubishi MT2201D? (Biết để có thể đưa vào sử dụng thì công ty phải chi 100.000đ tiền xăng để kiểm tra động cơ máy và 400.000đ tiền phí kiểm định).
    Nguyên giá của xe máy cày Mistsubishi MT2201D = Giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi + Khoản tiền phải trả + Tiền xăng + Phí kiểm định = 1.000*25.500 + 30.000.000 + 100.000 + 400.000 = 51.000.0000đ

    • Đối với tài sản cố định hữu hình mua theo hình thức trao đổi với một tài sản cố định hữu hình tương tự, hoặc bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (*). Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình là giá trị còn lại của tài sản cố định hữu hình đem trao đổi. (*) Tài sản tương tự là các tài sản có công dụng tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương.
    • Ví dụ: Tháng 6/2015, công ty A mua xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lững để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của công ty với nguyên giá là 300.000.000đ và trích khấu hao trong 6 năm theo phương pháp khấu hao đường thẳng. Tháng 6/2018, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường xa nên công ty A đã trao đổi chiếc xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lững để đổi lấy chiếc xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng kín của công ty B. Vậy nguyên giá của chiếc xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng kín là ?
      Giá trị hao mòn = Thời gian sử dụng (năm) x (Nguyên giá/Thời gian trích khấu hao (năm))
      Giá trị hao mòn của xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lửng = 3 x (300.000.000/6)
      Giá trị hao mòn xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lửng = 150.000.000đ
      Giá trị còn lại = Nguyên giá – Giá trị hao mòn
      - Giá trị còn lại xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lửng = 300.000.000 – 150.000.000 = 150.000.000đ
      Xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng lững và xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng kín là 2 tài sản tương tự. Vậy nguyên giá của xe tải Hyundai trọng tải 2.5 tấn thùng kín = Giá trị còn lại của xe tải trọng tải 2.5 tấn thùng lững = 150.000.000đ.

    3. Tài sản cố định hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất

    • Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng.
    • Lưu ý: Trường hợp tài sản cố định đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
    • Nguyên giá Tài sản cố định hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình, cộng (+) các chi phí liên quan để đưa tài sản vào sử dụng trừ (-) các khoản lãi nội bộ, giá trị sản phẩm thu hồi được trong quá trình chạy thử, sản xuất thử, các chi phí không hợp lý như vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác vượt quá định mức quy định trong xây dựng hoặc sản xuất).
    • Ví dụ: Ngày 21/03/2015, Công ty xây dựng Nam Phong tự xây dựng một văn phòng ở thành phố Đà Nẵng để sử dụng làm văn phòng đại diện cho công ty tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 18/01/2016, văn phòng ở thành phố là Đà Nẵng có thể chính thức đưa vào hoạt động và giá trị quyết toán là 1tỷ đồng. Nguyên giá của văn phòng ở thành phố Đà Nẵng = Giá trị quyết toán = 1 tỷ đồng.

    4. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình do đầu tư xây dựng:

    • Tương tự như tài sản cố định hữu hình tự xây dựng, nguyên giá tài sản cố định do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành, cộng (+) các chi phí liên quan khác.
    • Lưu ý: Trường hợp tài sản cố định do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

    5. Tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa:

    • Nguyên giá tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc Tổ chức định giá chuyên nghiệp.
    • Ví dụ: Công ty Tân Phong là khách hàng thân thiết của công ty Minh Ngọc. Nhân dịp cuối năm 2016, công ty Minh Ngọc tặng máy in màu cho công ty Tân Phong. Công ty Tân Phong sử dụng máy in màu này để phục vụ in ấn của công ty. Máy in màu được tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá là 42.000.000đ.
      Vậy công ty Tân Phong ghi nhận nguyên giá của máy in màu là 42.000.000đ.

    6. Tài sản cố định hữu hình được cấp; được điều chuyển đến:

    • Nguyên giá tài sản cố định hữu hình được cấp, được điều chuyển đến được xác định theo hai cách như sau:
      • Giá trị còn lại của tài sản cố định trên số kế toán ở đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển.
      • Giá trị theo đánh giá thực tế của tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật, cộng (+) các chi phí liên quan.

      Ví dụ: Tháng 5/2018, Công ty X cấp cho chi nhánh ở Bình Dương máy rang cà phê RIO với nguyên giá là 90.000.000đ. Giá trị còn lại của máy rang cà phê đến tháng 5/2018 là 75.000.000đ. Chi phí vận chuyển máy rang cà phê RIO từ công ty mẹ xuống chi nhánh Bình Dương là 600.000đ. Chi nhánh Bình Dương ghi nhận máy rang cà phê RIO với nguyên giá là bao nhiêu?
      Nguyên giá của máy cà phê RIO = Giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của công ty mẹ (đơn vị điều chỉnh) + chi phí vận chuyển = 75.000.000 + 600.000 = 75.600.000đ.

    7. Tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp:

    • Đối với Tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp thì nguyên giá tài sản được xác định theo một trong ba cách sau:
    • Nguyên giá tài sản tài sản cố định hữu hình là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí.
    • Nguyên giá được xác định bằng sự thoả thuận doanh nghiệp và người góp vốn.
    • Nguyên giá là do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
    • Ví dụ: Ngày 16/06/2018, công ty cổ phần A thành lập gồm 3 cổ đông sáng lập là ông X, ông Y và ông Z. Ngày 20/06/2018, ông Y góp vốn bằng 1 chiếc máy photocopy mới và tiền mặt trị giá 50.000.000đ. Ngày 21/06/2018, sau khi họp hội đồng thành viên cả 3 cổ đông sáng lập nhất trí và thống nhất định giá chiếc máy photocopy là 45.000.000đ. Nguyên giá của máy photocopy?
      Nguyên giá của chiếc máy photocopy nhận góp vốn là giá trị do cổ đông sáng lập nhất trí định giá = 45.000.000đ.

    Nguồn: https://ketoananpha.vn/cach-nhan-biet-va-tinh-nguyen-gia-tai-san-co-dinh-huu-hinh.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ