Các loại giấy tờ của Kiểm toán viên (Phần 1)

2024/06/27

DịchVụKếToán-Kiểmtoán

Công việc kiểm toán là một công việc đòi hỏi phải tới cơ sở làm việc của khách hàng để thực hiện thu thập các bằng chứng kiểm toán. Bên cạnh đó, Kiểm toán viên cũng cần phải lưu trữ các loại giấy tờ làm việc để làm bằng chứng và hỗ trợ cho công tác kiểm toán của những năm tiếp theo. Do đó, việc tìm hiểu sơ bộ các hồ sơ, giấy tờ cần có của Kiểm toán viên là vô cùng cần thiết.

I. Các giấy tờ và vật dụng tùy thân

Chứng minh nhân dân

  • Chứng minh nhân dân được sử dụng để nhận phòng khách sạn trong trường hợp bạn phải làm việc nhiều ngày ở công ty khách hàng và cần qua đêm. Bên cạnh đó, chứng minh nhân dân còn dùng để lấy thẻ khách hay thẻ tạm để vào công ty khách hàng (đặc biệt với các khách hàng có văn phòng làm việc ở các tòa nhà thương mại).

Hộ chiếu

  • Một số doanh nghiệp có các hoạt động sản xuất ở các quốc gia khác ngoài lãnh thổ Việt Nam nên Kiểm toán viên phải đi công tác ở các quốc gia đó để thực hiện các thủ tục kiểm toán. Do đó, các bạn cần phải chuẩn bị sẵn cho mình một quyển hộ chiếu còn thời hạn.

Thẻ bảo hiểm y tế

  • Nếu phải đi công tác xa và dài ngày, hãy mang theo thẻ bảo hiểm y tế của bạn để đề phòng các trường hợp bất trắc phải vào bệnh viện.

Thẻ ngân hàng

  • Khi đi xa bạn không nên cầm theo quá nhiều tiền mặt, thay vào đó, hãy chuẩn bị cho mình một chiếc thẻ ngân hàng, tốt nhất là thẻ thanh toán quốc tế trong trường hợp cần chi tiêu cá nhân.

Yêu cầu đặt xe

  • Thông thường đối với các khách hàng ở gần, quy mô đội kiểm toán nhỏ thì sẽ thường gọi taxi. Tuy nhiên đối với các trường hợp đi tỉnh xa, lực lượng Kiểm toán viên đông thì thường phải đặt xe. Giấy đặt xe cần phải bao gồm tên và mã nhân viên của bạn, lý do đặt xe, số người đi cùng,…

Yêu cầu tạm ứng tiền mặt

  • Mỗi công ty sẽ có một chính sách tạm ứng phí công tác cho nhân viên của mình. Bạn hãy nhớ ứng trước tiền mặt để chi trả cho các khoản phí trong quá trình công tác như tiền phòng, phí đỗ xe, phí cầu đường,…

Giấy đi đường

  • Thông thường ở một số công ty trước khi đi công tác phải chuẩn bị giấy đi đường. Giấy đi đường là giấy xác nhận điểm đi và điểm đến cũng như các hoạt động của đội Kiểm toán trong toàn bộ quá trình công tác. Giấy đi đường là cơ sở để thanh toán các chi phí công tác phát sinh trong thời gian đi công tác (trong trường hợp không có tạm ứng tiền mặt).

Bìa hồ sơ

  • Bìa hồ sơ là vật dụng cần thiết để bạn lưu trữ các giấy tờ cần thiết. Bạn không nên làm lạc mất các giấy tờ này vì có thể nó là bằng chứng kiểm toán quan trọng.

Sổ tay

  • Sổ tay dùng để ghi chép các vấn đề cần trao đổi với khách hàng hay ghi chú các mục cần lưu ý. Bạn nên chuẩn bị trước các câu hỏi và hỏi khách hàng một lần để tiết kiệm thời gian của cả hai và ghi lại cẩn thận các giải trình của khách hàng, không nên hỏi đi hỏi lại vấn đề mà khách hàng đã phản hồi.

Đồ dùng cá nhân

  • Khi đi công tác nhiều ngày hay đi công tác xa, bạn nên chuẩn bị các vật dụng cá nhân của mình đầy đủ vì ở một số nơi có thể sẽ khó khăn trong việc mua đồ vì không có nhiều siêu thị hay tiệm tạp hóa. Lưu ý chỉ mang những vật dụng thật cần thiết như bàn chải, kem đánh răng, quần áo,…để hành lý của bạn không bị cồng kềnh.

II. Các giấy tờ làm việc

1. Lên kế hoạch kiểm toán

Thông tin khách hàng

  • Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, việc tìm hiểu các thông tin về khách hàng sẽ giúp cho Kiểm toán viên khoanh vùng được các công việc cần làm, từ đó, phân bổ thời gian và nhân lực hiệu quả và hợp lý. Những thông tin khách hàng cần thu thập như: Đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp FDI; giấy tờ làm việc của Kiểm toán năm trước (nếu có).

Thư chấp nhận kiểm toán

  • Thư chấp nhận kiểm toán là bằng chứng cho thấy công ty chấp thuận cho Kiểm toán viên thực hiện việc kiểm toán và sẵn sàng cung cấp các bằng chứng hay tài liệu mà Kiểm toán viên yêu cầu. Thư chấp nhận kiểm toán chứa tất cả thông tin cần thiết, chẳng hạn như thời hạn, tài liệu hỗ trợ, hướng dẫn,…Ngoài ra, nó cung cấp thông tin liên quan đến phí kiểm toán.

Chiến lược kiểm toán

  • Hồ sơ về chiến lược kiểm toán tổng thể là tài liệu ghi lại các quyết định và thông tin quan trọng cần thiết cho việc lập kế hoạch kiểm toán. Ví dụ, Kiểm toán viên có thể tóm tắt chiến lược kiểm toán tổng thể thành một bản ghi nhớ, trong đó bao gồm các quyết định quan trọng về phạm vi, lịch trình và cách thức tổng thể thực hiện cuộc kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán

  • Kế hoạch kiểm toán được lập chi tiết hơn so với chiến lược kiểm toán tổng thể, bao gồm nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán sẽ được các thành viên của nhóm kiểm toán thực hiện. Việc lập kế hoạch kiểm toán được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán. Ví dụ, lập kế hoạch cho các thủ tục đánh giá rủi ro được thực hiện khi bắt đầu cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, lập kế hoạch cho nội dung, lịch trình và phạm vi của thủ tục kiểm toán cụ thể tiếp theo lại phụ thuộc vào kết quả của thủ tục đánh giá rủi ro. Ngoài ra, Kiểm toán viên có thể bắt đầu thực hiện một số thủ tục kiểm toán cho một số giao dịch, số dư tài khoản và thuyết minh trước khi lập kế hoạch cho tất cả các thủ tục kiểm toán còn lại.

Lưu ý: Theo quy định tại đoạn 08-11 và hướng dẫn tại đoạn A6 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230 (VSA 230), Kiểm toán viên phải lưu hồ sơ chiến lược kiểm toán và hồ sơ kế hoạch kiểm toán vào hồ sơ kiểm toán.

2. Thực hiện kiểm toán

2.1. Thử nghiệm kiểm soát (Test of control – TOC)

Thông thường đối với thử nghiệm kiểm soát, các giấy tờ làm việc cần chuẩn bị có thể là: bảng tường thuật (narrative note); bảng hỏi (ICQ và ICEQ); lưu đồ (flowchart)

Bảng tường thuật

  • Định nghĩa: Một văn bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ. Nó sẽ nêu chi tiết những gì xảy ra trong hệ thống ở mỗi quy trình và sẽ bao gồm các kiểm soát hoạt động ở mỗi quy trình.
  • Ưu điểm:
    • Những cuộc trao đổi được viết thành ghi chú một cách dễ dàng
    • Dễ hiểu
  • Nhược điểm:
    • Các ghi chú tường thuật có thể quá rườm rà, đặc biệt nếu hệ thống bán hàng và phân phối phức tạp
    • Có thể gây khó khăn trong việc xác định các kiểm soát nội bộ còn thiếu.

Bảng hỏi

  • Định nghĩa:
    • Bảng câu hỏi kiểm soát nội bộ (ICQ) hoặc bảng câu hỏi đánh giá kiểm soát nội bộ (ICEQ) chứa danh sách các câu hỏi; ICQ được sử dụng để đánh giá xem các biện pháp kiểm soát có tồn tại hay không trong khi ICEQ kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát.
  • Ưu điểm:
    • Chuẩn bị nhanh chóng, là một phương pháp tiết kiệm thời gian.
    • Đảm bảo rằng tất cả các kiểm soát hiện có trong hệ thống đều được xem xét và ghi lại; do đó các biện pháp kiểm soát nội bộ còn thiếu sẽ được phát hiện và đánh dấu rõ ràng.
  • Nhược điểm:
    • Khách hàng có thể dễ dàng phóng đại mức độ của các kiểm soát hiện tại khi họ được hỏi một loạt câu hỏi liên quan đến các kiểm soát tiềm năng.
    • Một danh sách câu hỏi tiêu chuẩn có thể bỏ sót các kiểm soát bất thường của công ty.

Lưu đồ 

  • Định nghĩa: Lưu đồ là một minh họa đồ họa của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với hệ thống bán hàng và gửi hàng. Các dòng thường thể hiện chuỗi các sự kiện và các ký hiệu tiêu chuẩn được sử dụng để biểu thị các điều khiển hoặc tài liệu. 
  • Ưu điểm:
    • Có thể dễ dàng xem toàn bộ các quy trình vì tất cả được trình bày cùng nhau trong một sơ đồ.
    • Do sử dụng các ký hiệu tiêu chuẩn cho các kiểm soát nên rất dễ phát hiện ra các kiểm soát bị thiếu.
  • Nhược điểm:
    • Đôi khi khó sửa đổi, vì bất kỳ sửa đổi nào cũng có thể phải vẽ lại toàn bộ sơ đồ.
    • Vẫn cần có các ghi chú tường thuật đi kèm với sơ đồ và do đó nó có thể là một phương pháp tốn thời gian.

2.2. Thử nghiệm cơ bản (Substantive test)

a) Tài liệu chung
  • Sổ cái/Sổ nhật ký chung (General ledger – GL)
    • Là sổ lưu trữ toàn bộ các thông tin kế toán và tổng hợp tất cả các giao dịch tài chính của một tổ chức/công ty (chọn lọc từ các sổ phụ) được ghi nhận trong kỳ kế toán. Cập nhật Sổ cái được coi là những bút toán cuối cùng để cung cấp toàn bộ thông tin, dữ liệu dùng để lập Báo cáo tài chính cho một tổ chức/công ty. Kiểm toán viên dùng Sổ cái để đối chiếu với các khoản mục được trình bày trên Báo cáo tài chính để đảm bảo rằng các số liệu trên Sổ cái được đưa lên Báo cáo tài chính một cách đầy đủ và chính xác.
  • Sổ chi tiết (Sub ledger)
    • Sổ kế toán chi tiết dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến các đối tượng kế toán cần thiết phải theo dõi chi tiết theo yêu cầu quản lý. Số liệu trên sổ kế toán chi tiết cung cấp các thông tin phục vụ cho việc quản lý từng loại tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí chưa được phản ánh trên Sổ nhật ký và Sổ cái. Thông thường Kiểm toán viên sẽ dùng sổ chi tiết để kiểm toán các phần hành như khoản phải thu, khoản phải trả,…
  • Bảng cân đối phát sinh/Bảng cân đối thử (Trial balance – TB)
    • Bảng cân đối phát sinh thường được lập ở cuối kỳ (có thể là cuối tháng, cuối quý hoặc cuối năm). Bảng này được dùng để theo dõi biến động của các tài khoản trong kỳ. Đây là một trong những công cụ để lập nên Báo cáo tài chính. Số liệu để lập nên Bảng cân đối phát sinh là số liệu từ Sổ cái các tài khoản. Đây là tài liệu quan trọng để Kiểm toán viên đối soát các nghiệp vụ phát sinh của doanh nghiệp.
  • Biên bản họp Hội đồng (Board minutes) 
    • Biên bản họp hội đồng thành viên là văn bản ghi nhận nội dung, ý kiến, phiếu biểu quyết tại cuộc họp hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, biên bản họp hội đồng thành viên sẽ ghi nhận toàn bộ thông tin của người tham gia, diễn biến cuộc họp, kết quả bỏ phiếu biểu quyết và kết quả cuối cùng của cuộc họp.
    • Biên bản họp hội đồng quản trị là biên bản được lập ra khi có cuộc họp hội đồng quản trị của công ty cổ phần được diễn ra. Biên bản ghi lại nội dung, diễn biến của cuộc họp, chủ tọa cuộc họp, thành phần tham dự, những ý kiến thảo luận của các thành viên, biểu quyết bỏ phiếu.....
    • Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty cổ phần. Các vấn đề sẽ được quyết định bằng cách tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Nội dung diễn ra trong cuộc họp cổ đông, kết quả giải quyết các vấn đề, ý kiến cổ đông… phải được lưu lại trong biên bản họp Đại hội đồng cổ đông.
    • Kiểm toán viên sử dụng Biên bản họp Hội đồng để khoanh vùng các thay đổi có khả năng làm ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty (Article of incorporation)
    • Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả thành viên, cổ đông trong công ty khi thành lập và hoạt động. Điều lệ được xây dựng trên cơ sở pháp luật doanh nghiệp. Các nội dung khác của Điều lệ công ty do thành viên, cổ đông được phép tự thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Thông qua Điều lệ công ty, Kiểm toán viên sẽ có cái nhìn tổng quan về hoạt động của doanh nghiệp và các bên chịu trách nhiệm chính của công ty.
  • Biên bản góp vốn
    • Biên bản thỏa thuận góp vốn thành lập công ty là văn bản ghi nhận các nội dung về số vốn mà các cổ đông bỏ ra để hợp tác kinh doanh với nhau khi thành lập công ty. Biên bản này thường được các cổ đông sáng lập thống nhất và ký kết trước khi cùng nhau mở công ty. Việc thỏa thuận góp vốn khi thành lập công ty rất quan trọng vì có liên quan đến các vấn đề như trách nhiệm của các cổ đông hoặc để giải quyết tranh chấp liên quan đến vốn góp. Kiểm toán viên có thể thông qua biên bản góp vốn để biết được cổ đông sáng lập của doanh nghiệp và kịp thời rà soát các rủi ro có thể xảy ra khi có các thay đổi hay biến động về thành viên sáng lập.
  • Thư quản lý (Management letter)
    • Thư quản lý là sản phẩm phụ thường có trong các cuộc kiểm toán mà chất lượng của Báo cáo tài chính chưa thật hoàn hảo. Trong Thư quản lý, Kiểm toán viên thường nêu ra các vấn đề còn yếu kém trên tất cả các khía cạnh, có thể là quy trình quản lý, năng lực cán bộ, quy trình kiểm soát, sử dụng các phương tiện, dụng cụ quản lý, đánh giá, giá cả, tỷ giá, kỹ thuật tính toán... làm cho bất kỳ vấn đề gì có liên quan đến việc lập và trình bày Báo cáo tài chính bị sai lệch, có thể sai lệch hoặc có nguy cơ sai phạm.
  • Giấy tờ làm việc (Working papers)
    • Giấy tờ làm việc kiểm toán là tài liệu ghi lại trong quá trình kiểm toán bằng chứng kiểm toán thu được trong quá trình kiểm toán Báo cáo tài chính, kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán hệ thống thông tin và điều tra. Giấy tờ làm việc kiểm toán được sử dụng để hỗ trợ công việc kiểm toán được thực hiện nhằm cung cấp sự đảm bảo rằng cuộc kiểm toán đã được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán liên quan.
Còn tiếp...
Nguồn: https://knowledge.sapp.edu.vn/knowledge/job-preparation-c%C3%A1c-lo%E1%BA%A1i-gi%E1%BA%A5y-t%E1%BB%9D-c%E1%BB%A7a-ki%E1%BB%83m-to%C3%A1n-vi%C3%AAn

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ