Chuyển đổi VAS sang IFRS ở Việt Nam đã và đang triển khai như thế nào?

2024/06/07

TintứcIFRS

Chuyển đổi VAS sang IFRS ở Việt Nam đã và đang triển khai như thế nào? Đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của người làm trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế tại Việt Nam. Chúng ta cùng hé lộ các giai đoạn chuyển đổi sang IFRS, phương án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới (VFRS) và các kiến thức cần trang bị để đón đầu việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS trong bài viết này nhé!



1. Ra đời “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam”

IFRS là viết tắt của cụm từ International Financial Reporting Standards, dùng để chỉ các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế được xây dựng để tạo ra ngôn ngữ kế toán chung trên toàn thế giới. VAS là viết tắt của Vietnam Accounting Standards, dùng để chỉ các chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Tính đến tháng 4/2018, đã có tới 144 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng các chuẩn mực IFRS. Và trong 22 quốc gia khảo sát còn lại, phần lớn đều đang trong lộ trình áp dụng hoặc đã có quyết định áp dụng IFRS. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS là tất yếu của thời đại.

Vào ngày 18/03/2013, Quyết định số 480/QĐ - TTg về Chiến lược Kế toán - Kiểm toán cho đến năm 2020, định hướng tầm nhìn tới 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định này được ban hành nhằm hướng bổ sung, cập nhật các chuẩn mực báo cáo tài chính hiện nay của Việt Nam theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế của IFRS và nghiên cứu phương án áp dụng các chuẩn mực này tại Việt Nam.

Ngày 23/5/2017, Ban chỉ đạo và Ban soạn thảo của “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam” được thành lập bởi Bộ Tài chính. Đề án được soạn thảo và xây dựng dành cho các đối tượng cụ thể dựa trên:Học hỏi kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS của các quốc gia khác trên thế giới;
Khảo sát nhu cầu áp dụng các chuẩn mực này ở Việt Nam;
Đánh giá tác động của IFRS đến công tác quản lý của nhà nước cũng như nền kinh tế;
Đánh giá sự khác biệt của pháp luật hiện hành và các chuẩn mực IFRS.

Ngày 16/03/2020, Bộ trưởng bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC để phê duyệt “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam”.

2. Các giai đoạn chuyển đổi từ VAS sang IFRS

Dựa theo “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam”, lộ trình áp dụng khi chuyển đổi VAS sang IFRS gồm 3 giai đoạn:Giai đoạn 2019 - 2021: Giai đoạn chuẩn bị
Giai đoạn 2022 - 2025: Giai đoạn tự nguyện
Giai đoạn từ sau 2025: Giai đoạn bắt buộc

2.1. Giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi sang IFRS (2019 - 2021)

Đây là giai đoạn mà Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị những điều kiện gồm tài liệu, cơ chế, nhân lực để việc triển khai áp dụng các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế tại các doanh nghiệp dễ dàng hơn. Bao gồm:Tài liệu dịch tiếng Việt các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS);
Các văn bản tài liệu hướng dẫn áp dụng IFRS;
Cơ chế tài chính liên quan;
Quy trình triển khai cho các đối tượng cụ thể;
Đào tạo nguồn nhân lực.

Như vậy, chúng ta đang ở giai đoạn chuẩn bị áp dụng IFRS tại Việt Nam. Và để áp dụng các chuẩn mực này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải dành thời gian để nghiên cứu các cơ chế, tài liệu và quy trình.

2.2. Giai đoạn tự nguyện (2022 - 2025)

Tại giai đoạn này, một số doanh nghiệp có nhu cầu và có đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng các chuẩn mực IFRS cho việc lập báo cáo tài chính sẽ được Bộ tài chính lựa chọn. Cụ thể:

2.2.1. Lập báo cáo tài chính hợp nhất

Một số doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp sau sẽ được lựa chọn áp dụng các chuẩn mực IFRS trong việc lập báo cáo tài chính hợp nhất:Công ty niêm yết;
Công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước với quy mô lớn, được tài trợ các khoản vay bởi các định chế tài chính quốc tế;
Công ty mẹ chưa được niêm yết với đặc điểm là công ty đại chúng có quy mô lớn;
Các công ty mẹ khác đủ nguồn lực, có nhu cầu tự nguyện áp dụng.

2.2.2. Lập báo cáo tài chính riêng

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sở hữu 100% vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) có đủ nguồn lực, có nhu cầu, tự nguyện áp dụng các chuẩn mực IFRS sẽ được Bộ tài chính lựa chọn lập báo cáo tài chính riêng.

Trong quá trình áp dụng các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), về việc xác định nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp này cần phải đảm bảo:Cung cấp đầy đủ thông tin;
Giải trình minh bạch, rõ ràng với cơ quan quản lý, giám sát và cơ quan thuế.

2.3. Giai đoạn bắt buộc (từ sau năm 2025)

Sau khi đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn tự nguyện, Bộ tài chính sẽ xem xét quy định thời điểm cụ thể bắt buộc áp dụng các chuẩn mực IFRS vào việc lập báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của từng đối tượng cụ thể dựa trên tình hình thực tế, nhu cầu cũng như khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp.

2.3.1. Lập báo cáo tài chính hợp nhất

Sau khi xác định được thời điểm bắt buộc áp dụng, các đối tượng sau đây sẽ bắt buộc phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo các chuẩn mực IFRS:Các công ty niêm yết;
Các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước;
Các công ty mẹ chưa niêm yết là các công ty đại chúng quy mô lớn;
Các ngân hàng thương mại (do ngân hàng nhà nước quy định);
Các công ty mẹ khác không nằm trong đối tượng bắt buộc được khuyến khích áp dụng các chuẩn mực IFRS khi lập báo cáo tài chính hợp nhất.

2.3.2. Báo cáo tài chính riêng

Từng nhóm doanh nghiệp sẽ được xác định thời điểm bắt buộc áp dụng các chuẩn mực IFRS khi lập báo cáo tài chính riêng theo các chuẩn mực IFRS.

Nhóm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty con của một công ty nước ngoài bắt buộc phải sử dụng báo cáo tài chính riêng theo chuẩn IFRS. Nhóm ngân hàng thương mại sẽ được quy định việc áp dụng chuẩn mực IFRS trong lập báo cáo tài chính riêng dựa theo quy định Ngân hàng Nhà nước.

Lưu ý rằng, khi áp dụng các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), các doanh nghiệp phải thực hiện việc cung cấp thông tin đầy đủ, thực hiện giải trình minh bạch, rõ ràng với cơ quan giám sát, quản lý và cơ quan thuế đối với hoạt động xác định nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước.

2.4. Lưu ý khi chuyển đổi VAS sang IFRS

Những doanh nghiệp nằm trong danh sách các đối tượng bắt buộc áp dụng các chuẩn mực IFRS sẽ phải áp dụng mọi chuẩn mực đã có hiệu lực theo quy định của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB) tại cùng thời điểm.Trong trường hợp có sự thay đổi, bổ sung các chuẩn mực, chậm nhất sau 3 năm bắt đầu từ thời điểm thay đổi, bổ sung có hiệu lực, Việt Nam sẽ áp dụng các chuẩn mực thay đổi.

Trong trường hợp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng các chuẩn mực IFRS cho lập báo cáo tài chính riêng hoặc hợp nhất, các doanh nghiệp không cần phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Các doanh nghiệp này chỉ cần sử dụng duy nhất một bộ báo cáo tài chính để công bố.

3. Phương án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) trong bối cảnh hiện nay

Trong khi một nhóm các doanh nghiệp sẽ tiến tới bắt buộc sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), các doanh nghiệp còn lại (thường là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không có điều kiện, nhu cầu áp dụng IFRS) sẽ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).

Phương án áp dụng cụ thể như sau:Bộ Tài chính sẽ ban hành hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới (VFRS) phù hợp với chuẩn mực IFRS, nhu cầu các doanh nghiệp và yêu cầu điều hành, quản lý của Việt Nam vào trước ngày 31/12/2024.
Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới (VFRS) sẽ tiếp thu tối đa các quy định phù hợp đối với tính chất đặc thù nền kinh tế, nhu cầu của các doanh nghiệp và đảm bảo quá trình thực hiện khả thi.
Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam mới sẽ được thường xuyên rà soát, cập nhật so với IFRS để có mức độ phù hợp cao nhất so với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính có hướng dẫn kế toán cụ thể riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu cũng như không có điều kiện áp dụng IFRS và VFRS.

3.1. Giai đoạn chuẩn bị áp dụng VFRS vào Việt Nam (2020 - 2024)Đến trước tháng 3/2020, xây dựng và ban hành "Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam". Thực tế, ngày 16/03/2020, Bộ trưởng Bộ tài chính đã ký quyết định phê duyệt đề án áp dụng.

Trước tháng 6/2020, Ban soạn thảo, tổ biên tập cho chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam được thành lập.
Trước 15/11/2024, nghiên cứu, xây dựng và ban hành VFRS. Bao gồm:Các chuẩn mực báo cáo tài chính mới.
Các chuẩn mực báo cáo tài chính thay thế những chuẩn mực kế toán cũ tương ứng tại hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành.
Trước 15/11/2024, các văn bản hướng dẫn áp dụng VFRS thay thế cho các văn bản hiện hành cần được nghiên cứu, xây dựng và ban hành. Lưu ý, thời gian thực hiện cùng với thời gian ban hành IFRS.

3.2. Giai đoạn triển khai áp dụng VFRS tại Việt Nam (từ năm 2025)Tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thuộc mọi lĩnh vực cần áp dụng VFRS. Loại trừ đối tượng chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ và đối tượng áp dụng IFRS.

Bộ tài chính thường xuyên rà soát lại VFRS trong quá trình triển khai để:Cập nhật thay đổi của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Đảm bảo VFRS phù hợp với mức độ cao nhất theo thông lệ quốc tế.

*Thông tin khác 

Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn: https://blog.sapp.edu.vn/certifr/chuyen-doi-vas-sang-ifrs-o-viet-nam

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ