Để bắt kịp các thay đổi của ngành bảo hiểm trên toàn cầu và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, IFRS 17 được ban hành vào ngày 18/05/2017 và sửa đổi vào ngày 25/06/2020, với nhiều điểm mới so với những chuẩn mực hiện tại.
Điểm nổi bật trong IFRS 17 là yêu cầu nhiều ước tính, xét đoán và đánh giá dựa trên thông tin, tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, việc áp dụng chuẩn mực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm ở thời điểm hiện tại và ngược lại.
Với yêu cầu này, doanh nghiệp cần phải tiến hành các bước đánh giá đặc điểm danh mục hợp đồng bảo hiểm, lựa chọn các chính sách kế toán để phân loại hợp đồng và mô hình phù hợp. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn cần phải ước tính khả năng sinh lời của hợp đồng ngay từ thời điểm ký kết.
Các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động cũng sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào phương pháp chuyển đổi và chính sách kế toán khi áp dụng IFRS 17.
Theo đó, sự thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định kế hoạch, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ giữa các phương pháp chuyển đổi, thực hiện đánh giá tác động tài chính cũng như có các điều chỉnh hợp lý về hoạt động bảo hiểm.
Đi sâu vào nghiệp vụ bảo hiểm, khả năng định phí bảo hiểm cũng như khẩu vị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định rủi ro điều chỉnh trong mô hình đo lường các nghĩa vụ bồi thường theo IFRS 17, sau đó là tính đầy đủ của các quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Với những khía cạnh đã phân tích ở trên, việc áp dụng IFRS 17 đem lại nhiều thách thức cũng như cơ hội để nâng cấp năng lực và quy trình trong nhiều mảng hoạt động khác nhau tại doanh nghiệp.
Các yêu cầu theo IFRS 17 có mức độ phức tạp cao, chi tiết hơn nhiều so với các chuẩn mực và quy định hiện hành tại Việt Nam và có tác động mạnh mẽ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Để áp dụng IFRS 17, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có những thay đổi về mặt quy trình, hệ thống và dữ liệu báo cáo tài chính cũng như năng lực tính toán, định phí. Với xu hướng áp dụng IFRS trong tương lai gần tại Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm nên bắt đầu xây dựng kế hoạch thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực, trên cơ sở đánh giá toàn diện từ góc độ tác động tài chính và hoạt động kinh doanh.
Trong đó, có bảy công việc mà doanh nghiệp bảo hiểm cần ưu tiên trong thời gian tới để sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS 17:
- Một là, tìm hiểu các mô hình, phương pháp và dữ liệu theo yêu cầu của IFRS 17.
- Hai là, thực hiện đánh giá tác động tổng thể của IFRS 17 đối với hoạt động của doanh nghiệp.
- Ba là, đưa ra các quyết định chiến lược về vốn, quản trị rủi ro, đặc biệt là vấn đề vốn đang còn thiếu hụt trên thị trường Việt Nam.
- Bốn là, tuyển dụng và đào tạo các chuyên gia tính toán, tài chính và công nghệ.
- Năm là, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống và phần mềm quản lý bảo hiểm.
- Sáu là, thu hút các đối tác nhằm hỗ trợ thực hiện chuyển đổi - các nhà tư vấn và nhà cung cấp công nghệ.
- Bảy là, thu thập thông tin cần thiết để tính toán và hồi tố các thông tin so sánh trong quá khứ.
Trong các công việc trên, hệ thống quản lý thông tin dữ liệu lịch sử và khả năng tính toán sẽ là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang áp dụng IFRS 17.
Để có được các ước tính chính xác, doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu trong khoảng thời gian đủ dài, chi tiết theo nhiều góc độ như: ngành nghề, đơn vị kinh doanh, khách hàng hay theo từng nhà tái bảo hiểm. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cũng phải tính đến yếu tố đầu vào về ngành, kinh tế vĩ mô trong quá trình chuyển đổi và tính toán theo chuẩn mực mới.
*Thông tin khác
https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-bat-nhip-voi-ifrs-17.htm