Nếu bạn có hứng thú thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa mộc mạc,
nên thơ vừa hoang sơ hùng vĩ thì
Vườn quốc gia vùng đất ngập nước Kushiro có thể sẽ là điểm dừng chân vô
cùng lí thú cho bạn đấy. Kushiro không chỉ nổi tiếng với “danh xưng” đầy kiêu
hành là “Vùng đất ngập nước lớn nhất Nhật Bản”, mà nó còn điểm thêm cho
mình nét đặc trưng riêng nhờ hình hài vô cùng kiêu sa, tráng lệ của những dòng
sông uốn khúc và khu rừng bảo tồn đa dạng các loài động thực vật bên trong nó.
1. Đặc điểm của vườn quốc gia
- Ngày thành lập: Ngày 31 tháng 7 năm 1988
- Diện tích: 28.788ha
- Vị trí: Hokkaido
Phần trung tâm của vùng đất ngập nước
2. Địa hình và phong cảnh
Vùng đất ngập nước Kushiro dường như nằm cách bờ biển Thái Bình Dương khoảng
40km ở điểm sâu nhất. Nhưng khu vực rộng lớn này từng là một phần của đại
dương vào thời cổ đại. Ngược dòng lịch sử để cùng tìm hiểu về quá trình hình
thành nên vùng đất ngập nước hiện hữu như ngày hôm nay.
- Khoảng 20.000 năm trước: Trong kỷ băng hà cuối cùng, mực nước biển thấp hơn ngày nay và các vùng đất ngập nước hiện nay là đất liền.
- 10.000 đến 6.000 năm trước: Nước biển tràn vào đất liền, vùng đất ngập nước hiện tại trở thành đại dương.
- 6.000 đến 4.000 năm trước: Khi nước biển rút đi, trầm tích và than bùn bắt đầu tích tụ, tạo ra vùng đất ngập nước.
- Hiện tại: Khoảng 3.000 năm trước, một số hồ bị hủy hoại và sau đó nó có diện mạo như ngày nay là một vùng đất ngập nước.
Hầu hết các hồ và đầm lầy đều tập trung ở phía đông của vùng Kushiro. Nguyên
nhân được cho là do chuyển động của các khối kiến tạo. Ở vùng đất ngập nước,
mặt đất ở phía đông có xu hướng chìm xuống và phía tây dâng cao nên nước tích
tụ ở phía đông thấp hơn, tạo thành hồ. Lý do tại sao sông Kushiro chảy ở phía
đông của vùng đất ngập nước tương tự là do nền đất vùng đất ngập nước có xu
hướng "cao ở phía tây và thấp ở phía đông".
Vườn quốc gia đầm lầy Kushiro đã và đang bảo tồn môi trường tự nhiên nguyên sơ
của vùng đồng bằng vốn đã bị mất ở các khu vực khác. Với cảnh quan rộng lớn,
có tính tự nhiên cao, đây là một cảnh quan độc đáo và duy nhất ở Nhật Bản.
3. Thực vật
Các vùng đất ngập nước có các kiểu thảm thực vật độc đáo tùy thuộc vào cách
chúng tương tác với nước. Khoảng 80% diện tích vùng đất ngập nước Kushiro được
bao phủ bởi thảm thực vật chủ yếu là lau sậy, cây cói và cây tổng quán sủi.
Chúng sống nhờ vào độ ẩm từ nước chảy của khu vực xung quanh
Cây lau sậy
Ở vùng đồng hoang sphagnum (vùng đất ngập nước cao tầng), nhờ được làm ẩm
bởi nước mưa, các loài thực vật vùng lạnh và núi cao như cây bông và hoa lan
phát triển. Trong các hồ và đầm lầy, có các loài thực vật thủy sinh như hạt
dẻ nước cũng phát triển. Ngoài ra, hơn 700 loài thực vật có thể được tìm
thấy ở vùng đất ngập nước và các khu vực xung quanh.
4. Động vật
Vùng đất ngập nước Kushiro có diện tích vô cùng rộng lớn, đa phần trong số đó
vẫn chưa được con người khai phá đến và là nơi sinh sống của nhiều sinh vật.
Động vật đa dạng bao gồm 39 loài động vật có vú, khoảng 200 loài chim, 5 loài
bò sát, 4 loài lưỡng cư, 38 loài cá và khoảng 1.100 loài côn trùng. Những loài
tiêu biểu là hươu sika và cáo đỏ, loài quý hiếm là đại bàng đuôi trắng, loài
cá nước ngọt lớn nhất Nhật Bản Itou.
Sếu đầu đỏ, đại diện cho Vườn quốc gia đầm lầy Kushiro, đã suy giảm số
lượng do bị săn bắt quá mức và những thay đổi trong môi trường, đã có lúc
chúng được cho là đã tuyệt chủng. Nhưng thông qua nhiều nỗ lực bảo tồn khác
nhau, quần thể của chúng đã phục hồi, chủ yếu được tìm thấy ở vùng đất ngập
nước Kushiro. Ngoài ra, nó có thể được nhìn thấy ở phía đông Hokkaido và các
khu vực khác.
Khí hậu mát mẻ của Đầm lầy Kushiro còn là nơi sinh sống của các loài như kỳ
nhông phương bắc, được cho là sống sót sau kỷ băng hà. Những loài này có môi
trường sống rất hạn chế để phù hợp với chúng. Chính vì thế,
đầm lầy Kushiro chiếm một vị trí quan trọng
là nơi sinh sống của chúng.
5. Văn hoá
Khoảng 400 tàn tích từ thời kỳ đồ đá cũ đến thời kỳ văn hóa Ainu nằm rải rác
trên những ngọn đồi xung quanh vùng đất ngập nước Kushiro. Chúng thường được
tìm thấy ở Hồ Silaltoro, Hồ Toro, Hồ Takkobu và cao nguyên phía đông dọc theo
Sông Kushiro.
Ngoài ra, ở vùng lân cận đầm lầy Kushiro, các tư liệu từ cuối thời Edo đề cập
rằng có một kotan (làng) quy mô lớn ở khu vực Toro Motomura, nơi người dân bản
địa Ainu sinh sống. Họ có quan hệ mật thiết với nhau và hình thành nên kotan,
nơi họ săn bắt và đánh cá trong môi trường thiên nhiên phong phú. Họ đánh bắt
cá hồi ở sông hồ, săn hươu sika và gấu nâu trên đồng và núi, cũng như hái lá
huệ tỏi và hạt dẻ nước.
Hạt dẻ nước, đặc sản của hồ Toro, dễ thu hái, cho năng suất ổn định, có thể
bảo quản tốt khi phơi khô nên còn được dùng làm thực phẩm bảo quản vào mùa
đông. Cho đến những năm 1970, người dân đã tổ chức một lễ hội mang tên
Bekanbekamuinomi (lễ hội hạt dẻ nước) trên bờ Hồ Toro để bày tỏ lòng biết ơn
đối với sự dồi dào của hạt dẻ nước.
Điểm qua một vài nét nổi bật của vườn quốc gia đầm lầy Kushiro, có điều gì
thôi thúc bạn “xách balo lên và đi” ngay không? Hãy thử tới đây trong chuyến
du lịch Nhật Bản và dùng cả 5 giác quan của mình để cảm nhận vẻ đẹp của thiên
nhiên hoang dã đã hình thành và phát triển từ xa xưa ở khu vực này nhé!
Nguồn: https://www.env.go.jp/park/kushiro/point/index.html