[KTNB] Nhiệm vụ của Kiểm Toán

2024/06/19

DịchVụKếToán-Kiểmtoán

I. Kiểm toán là gì ?

Kiểm toán là hoạt động kiểm tra, xác minh tính trung thực, chính xác của báo cáo tài chính. Thông qua đó, người làm kiểm toán có thể cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các chính sách kế toán quan trọng và các thuyết minh khác.

II. Phân loại Kiểm toán theo hình thức tổ chức

1. Kiểm toán Nhà nước

Theo Luật Kiểm toán nhà nước thì kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, được thành lập và điều hành bởi Quốc hội, hoạt động độc lập và tuân theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng tiền, tài sản và ngân sách của nhà nước nhằm hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng.

2. Kiểm toán Độc lập

Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và những công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Kiểm toán độc lập chịu trách nhiệm về tính trung thực của báo cáo tài chính do kế toán cung cấp, đánh giá mức độ phù hợp về chuẩn mực kiểm toán theo quy định pháp luật.

3. Kiểm toán Nội bộ

Kiểm toán nội bộ là công việc kiểm toán được tiến hành trong nội bộ, có thể là công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước, công tác kiểm tác nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, hoặc đối với doanh nghiệp.
Kiểm toán viên nội bộ tập trung đánh giá về việc thực hiện pháp luật và quy chế của nội bộ, kiểm tra tính chính xác của hệ thống kế toán và kiểm soát chất lượng thực thi các công việc khác được giao.

III. Những công việc của Kiểm toán viên

1. Lập ra kế hoạch kiểm toán

Khâu đầu tiên và rất quan trọng của kiểm toán là lập kế hoạch nhằm định hướng cho toàn bộ hoạt động sau này. Nếu kiểm toán viên lập kế hoạch kiểm toán tốt, mọi công việc sẽ diễn ra suôn sẻ, dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh.

2. Xây dựng nên chương trình kiểm toán

Việc xây dựng chương trình kiểm toán giúp kiểm toán viên thực hiện công việc chặt chẽ và chính xác. Để có thể xây dựng nên chương trình kiểm toán, kiểm toán viên cần phải xác định số lượng và thứ tự các bước, các công việc cần làm kể từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc công việc kiểm toán.

3. Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán khác nhau

Sử dụng các phương pháp kiểm toán để thu thập thông tin là công việc trọng tâm của kiểm toán viên, cụ thể như sau:
  • Kiểm toán cân đối: Dựa trên các phương trình kế toán để kiểm toán.
  • Đối chiếu trực tiếp: Dựa trên các nguồn tài liệu khác nhau để đối chiếu một chỉ tiêu.
  • Đối chiếu logic: Nghiên cứu các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu có quan hệ với nhau.
  • Điều tra: Dùng các cách khác nhau để tiếp cận và đánh giá các đối tượng kiểm toán.
  • Trắc nghiệm: Tái diễn các hoạt động nghiệp vụ để xác minh lại kết quả của một quá trình, một sự việc đã qua

4. Ghi chép thông tin kiểm toán

Mọi thông tin thu thập được liên quan đến nhận định và con số, sự kiện đều cần kiểm toán viên phải ghi chép lại. Đây là căn cứ, bằng chứng khách quan rất quan trọng để đưa ra những kết luận kiểm toán.

5. Đưa ra kết luận và lập báo cáo

Cuối cùng, kiểm toán viên có trách nhiệm đưa ra kết luận kiểm toán. Kết luận này cần được thể hiện ở biên bản hoặc báo cáo kiểm toán. Để đưa ra được kết luận chính xác, kiểm toán viên cần phải:Xem xét các khoản nợ phát sinh ngoài dự kiến.
  • Xem xét các sự kiện xảy ra sau khi kết thúc sự kiện.
  • Đánh giá tính liên tục trong hoạt động của đơn vị.
  • Tập hợp thư giải trình từ Ban Giám đốc.
Sau khi đã đưa ra kết luận, kiểm toán viên cần tổng kết các kết quả và lập thành báo cáo kiểm toán, để từ đó đưa ra kết luận cuối cùng về báo cáo tài chính của một tổ chức hoặc doanh nghiệp.

IV. Chức năng, ý nghĩa và vai trò của Kiểm toán viên

1. Chức năng của kiểm toán

Chức năng của kiểm toán về cơ bản là xác minh và đưa ra ý kiến khách quan.
  • Chức năng xác minh: với mục đích xác định tính trung thực của các dữ liệu, tính pháp lý về việc thực hiện nghiệp vụ hay lập báo cáo tài chính. Có thể nói, xác minh chính là chức năng cơ bản nhất gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của ngành nghề này.
  • Chức năng đưa ra ý kiến: thể hiện qua hoạt động tư vấn về chất lượng thông tin. Cụ thể:
    • Tư vấn đối với cơ quan nhà nước về những bất cập trong chế độ tài chính kế toán, từ đó kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện sao cho phù hợp;
    • Tư vấn đối với các đơn vị được kiểm toán bằng cách chỉ ra những thiếu sót trong hệ thống kế toán nội bộ, công tác quản lý tài chính từ đó đề xuất phương pháp khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

2. Ý nghĩa, vai trò của kiểm toán

  • Tạo niềm tin cho những người quan tâm đến báo cáo tài chính: những thông tin do kiểm toán cung cấp luôn có mức độ chính xác cao, tạo được niềm tin cho những người đang quan tâm đến các đối tượng kiểm toán: doanh nghiệp, ngân hàng, nhà cung cấp, nhà quản lý… ;
  • Hướng dẫn nghiệp vụ: kiểm toán đưa ra những ý kiến khách quan nhằm củng cố nề nếp hoạt động tài chính của đơn vị từ những mối quan hệ về đầu tư, kinh doanh, phân phối đến các hoạt động thanh toán;
  • Nâng cao hiệu quả quản lý: khi các đơn vị được kiểm toán đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh… thì kiểm toán sẽ đảm bảo đơn vị đang đi đúng hướng, duy trì kỷ cương, quản lý hệ thống tài chính chặt chẽ… và trở thành cố vấn công minh giúp đơn vị kiểm toán phát triển hơn.
Nguồn: https://www.meinvoice.vn/tin-tuc/17361/kiem-toan-la-gi/
https://ketoananpha.vn/kiem-toan-la-gi-cach-phan-loai-kiem-toan.html#:~:text=C%C4%83n%20c%E1%BB%A9%20theo%20h%C3%ACnh%20th%E1%BB%A9c,v%C3%A0%20ki%E1%BB%83m%20to%C3%A1n%20n%E1%BB%99i%20b%E1%BB%99.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ