1. Công nợ là gì?
Công nợ là khoản tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp phải trả hoặc phải thu
từ người khác, nhà cung cấp hay doanh nghiệp khác. Công nợ được chia thành hai
loại chính là công nợ phải thu và công nợ phải trả.
Công nợ phải thu là khoản tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp đang chờ thu
từ khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của họ. Thường xuất hiện trong tình
huống khi doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm/ dịch vụ cho đối phương và họ chưa
thanh toán hoặc chưa trả đủ số tiền đúng hạn.
Công nợ phải trả là khoản tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp phải trả cho
nhà cung cấp, người lao động, ngân hàng,... Đây là khoản tiền phát sinh khi
một cá nhân hoặc doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ, vay vốn,... nhưng chưa
thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ tại thời điểm đó.
Công nợ có vai trò quan trọng đối với hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp.
Đối với cá nhân, công nợ có thể giúp họ mua sắm hàng hóa, dịch vụ mà không cần
phải có đủ tiền mặt ngay lập tức. Đối với doanh nghiệp, công nợ có thể giúp họ
tăng cường khả năng thanh toán, mở rộng hoạt động kinh doanh.
2. Kế toán công nợ là gì?
Kế toán công nợ (Accounting Liabilities) là bộ phận chịu trách nhiệm về các
nghiệp vụ công nợ của doanh nghiệp, bao gồm những khoản nợ phải trả hay phải
thu vào. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có thể phải huy
động vốn, cho vay,... Các giao dịch này có thể chưa thanh toán ngay hoặc chỉ
thanh toán trước một phần, từ đó phát sinh ra các khoản công nợ.
Bộ phận kế toán công nợ đóng vai trò rất lớn trong việc giúp lành mạnh hóa
tình hình tài chính trong doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có quy mô lớn,
kế toán công nợ có thể là một bộ phận chuyên trách về nhiệm vụ này, còn trong
các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì kế toán tổng hợp sẽ kiêm luôn trách nhiệm.
3. Các loại kế toán công nợ
Kế toán công nợ được chia thành 2 loại, bao gồm kế toán công nợ phải trả và kế
toán công nợ phải thu:
- Công nợ phải trả: Những khoản doanh nghiệp phải trả cho bên thứ ba như nhà cung cấp. Bao gồm các giá trị về hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà doanh nghiệp chưa thanh toán hoặc chỉ mới thanh toán 1 phần.
- Công nợ phải thu: Những khoản phải thu từ khách hàng, những lần xuất sản phẩm, hàng hóa nhưng họ chưa thanh toán hoặc mới thanh toán một phần. Kế toán công nợ cần giám sát, quy chiếu cụ thể để phân loại từng nhóm đối tượng khách hàng nhằm kiểm soát hiệu quả hơn.
4. Vai trò của kế toán công nợ trong doanh nghiệp
Hầu hết các doanh nghiệp đều có những khoản nợ, sự chậm trễ giữa khoảng thời
gian doanh nghiệp phải trả cho nhà cung cấp so với khoảng thời gian mà doanh
nghiệp phải thu về từ khách hàng là một vấn đề rất lớn.
Chính vì vậy, kế toán công nợ sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo dòng
tiền được luân chuyển một cách hiệu quả. Một số vai trò của kế toán công nợ
phải kể đến như sau:
Tham gia đề xuất định hướng, tham mưu cho cấp trên bằng cách theo dõi, phân
tích và đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp hiện tại
Cung cấp cơ sở để các nhà quản lý định hướng hướng đi cho doanh nghiệp
Đảm bảo ghi chép lại đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin nghiệp vụ
thanh toán phát sinh với từng đối tượng, khoản thanh toán. Đồng thời kiểm tra
và thanh toán đúng hạn, đảm bảo tránh tình trạng chiếm dụng vốn
Kiểm tra định kỳ hoặc cuối kỳ với những trường hợp khách hàng nợ có những hoạt
động mua bán thường xuyên hoặc khách hàng có số dư nợ lớn.
Kế toán công nợ hoạt động hiệu quả sẽ góp phần lành mạnh hóa tình hình tài
chính của doanh nghiệp, hạn chế tối đa những khoản nợ xấu.
Nguồn: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/ke-toan-cong-no-la-gi