Quy Trình Quản Trị Rủi Ro Cho Doanh Nghiệp

2024/07/18

TintứcTàichính

1. Quản trị rủi ro là gì?

  • Rủi ro được biết đến là những việc/sự kiện có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến tổ chức, doanh nghiệp.
  • Quản trị rủi ro hay (tiếng Anh là risk management) là phương thức giúp doanh nghiệp xác định, đánh giá, đo lường các sự kiện rủi ro có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Qua đó tổ chức sẽ ngăn chặn, giảm thiểu những tiêu cực mà chúng có thể gây ra với tổ chức, đưa ra các hướng giải quyết phù hợp.
  • Quản trị rủi ro là một quá trình khá phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bộ phận, phòng ban. Bên cạnh đó, sự tham gia và cam kết của tất cả các cấp bậc trong doanh nghiệp – từ ban lãnh đạo cấp cao tới nhân sự cấp thấp, thậm chí là thực tập sinh – cũng là điều quan trọng để giúp tổ chức đạt được hiệu quả trong quản trị rủi ro.

2. Vai trò của quản trị rủi ro đối với doanh nghiệp

Quản trị rủi ro là quy trình quan trọng trong tổ chức vì nó cung cấp cho doanh nghiệp cơ sở để đưa ra các quyết định đúng nhất, xử lý được các rủi ro tiềm ẩn, cụ thể như sau:
  • Giảm thiểu thiệt hại: Quản lý rủi ro giúp tổ chức nhận biết và đối phó được các rủi ro đang tiềm ẩn, trước khi chúng trở thành vấn đề lớn trong doanh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo có thể có kế hoạch để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để giảm thiệt hại nếu như chúng không may xảy ra.
  • Tăng hiệu quả hoạt động: Đánh giá và quản lý rủi ro là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp có thể chuẩn bị các tình huống xấu xảy ra, tránh việc chúng sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tổ chức. Doanh nghiệp sẽ biết vấn đề đang ở đâu, có hướng giải quyết từ đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh trơn tru và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng có cơ sở để đưa ra những quyết định sáng suốt, cải thiện được quy trình làm việc, tối ưu tài nguyên và tăng cường hiệu suất làm việc cho các bộ phận, phòng ban.
  • Tạo cơ hội cho tổ chức: Thực tế, quản trị rủi ro không chỉ là việc tập trung vào giảm thiểu các rủi ro mà còn xem rủi ro như một cơ hội. Doanh nghiệp có thể dựa vào các rủi ro có thể xảy ra để đánh giá các cơ hội tiềm năng, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng lợi nhuận cũng như tăng lợi thế cạnh tranh.
  • Sử dụng dòng tiền hợp lý: Khi các tổ chức thực hiện đầu tư, họ sẽ phải cân nhắc và đánh giá các rủi ro có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận. Quản trị rủi ro giúp doanh nghiệp nhận biết, đánh giá, quản lý các rủi ro này, đảm bảo dòng tiền được dùng đúng cách và hiệu quả, từ đó mang đến lợi nhuận tối đa.

3. Phân loại các rủi ro thường gặp trong doanh nghiệp

  • Dựa theo tác động
    • Rủi ro trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược. Ví dụ như các rủi ro về kế hoạch phân bổ ngân sách, kế hoạch sáp nhập phòng ban, hoặc kế hoạch mua lại chi nhánh, thoái vốn….
    • Rủi ro trong quá trình doanh nghiệp vận hành, ví dụ như các rủi ro trong hoạt động marketing, bán hàng, rủi ro trong chuỗi cung ứng, trong quản trị nhân sự hoặc các vấn đề về hệ thống công nghệ thông tin.
    • Rủi ro trong việc tuân thủ các trách nhiệm, ví dụ như tuân thủ quy định về pháp lý, quy định về quản trị doanh nghiệp hoặc các quy định về nhân sự.
    • Rủi ro về tài chính, liên quan đến quản trị tài chính doanh nghiệp như sự biến động của thị trường về ngoại hối, lãi suất., hàng hóa… cũng như những rủi ro do sự biến động về khả năng thanh toán của tổ chức.
  • Dựa theo tính chất
    • Rủi ro hoạt động: Loại rủi ro này xuất phát từ việc sử dụng đòn bẩy hoạt động của công ty. Khi sử dụng đòn bẩy hoạt động ở mức cao, công ty có thể đầu tư vào tài sản cố định để tăng năng suất, sản lượng cũng như lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc này sẽ gây tăng chi phí đầu tư trong thời gian đầu, doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro nếu khả năng tiêu thụ sản phẩm không tốt như kế hoạch.
    • Rủi ro tài chính: Rủi ro này thường phát sinh khi doanh nghiệp huy động vốn, sử dụng nguồn vốn nợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Dựa theo phạm vi ảnh hưởng, rủi ro có thể được chia thành 2 loại:
    • Rủi ro hệ thống: Đây là những rủi ro không thể kiểm soát được, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như ngành nghề kinh doanh. Nguyên nhân có rủi ro này chủ yếu là do thiên tai, dịch bệnh, môi trường kinh doanh lạm phát hoặc những thay đổi trong hệ thống pháp luật.
    • Rủi ro phi hệ thống: Những rủi ro này có thể kiểm soát được, chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Nguyên nhân của loại rủi ro này chủ yếu là do công tác quản lý kém, sử dụng tài chính quá mức hoặc môi trường kinh doanh cạnh tranh quá khốc liệt.

4. Các nguyên tắc cần tuân thủ trong quản trị rủi ro

Nguyên tắc 1: Dự đoán rủi ro

  • Thực tế, không phải bất kỳ rủi ro nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Nhiều rủi ro có thể mang đến một phần nhỏ cơ hội. Vậy nên nếu doanh nghiệp có khả năng dự đoán cao thì việc biến rủi ro thành cơ hội kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
  • Để dự đoán được sự cố, ban lãnh đạo cần có đầy đủ các dữ liệu, thông tin và báo cáo chi tiết. Đây sẽ là cơ sở để phân tích tình hình hiện tại của doanh nghiệp cũng như các rủi ro có thể xảy ra.

Nguyên tắc 2: Xác định ưu tiên cho các rủi ro

  • Tất cả các các vấn đề trong doanh nghiệp đều có thể được sử dụng và đánh giá để đưa ra mức rủi ro tương ứng. Nhưng doanh nghiệp cần sắp xếp rủi ro theo thứ tự ưu tiên để giảm thiểu nguy cơ cũng như mức độ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

Nguyên tắc 3: Làm rõ vai trò của từng nhân viên

  • Quản trị rủi ro không chỉ là việc của một cá nhân mà cần sự hợp lực của nhiều người trong tổ chức. Việc thiết lập vai trò, trách nhiệm phù hợp với khả năng của mỗi thành viên trong tổ chức là rất quan trọng để đảm bảo quản lý rủi ro hiệu quả. Khi thực hiện các chiến lược quản trị rủi ro, nó không những ảnh hưởng đến quy trình của tổ chức mà còn ảnh hưởng đến cả văn hóa doanh nghiệp.

Nguyên tắc 4: Truyền thông về chiến lược quản trị rủi ro

  • Để quản trị rủi ro có hiệu quả, bộ phận truyền thông cần thông tin rõ ràng cho toàn bộ nhân sự trong công ty, từ nhân viên đến quản lý cấp cao. Quản trị rủi ro đúng cách sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động trong doanh nghiệp, vậy nên mọi người cần hiểu, xác định được tính cấp bách của vấn đề và nhiệm vụ của mình trong chiến lược đó để thực hiện hiệu quả.

Nguyên tắc 5: Đầu tư công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp

  • Nếu chỉ quản trị doanh nghiệp thủ công, ban lãnh đạo có thể sẽ không nắm rõ được thực trạng công ty cũng như các vấn đề xung quanh. Đó có thể là rào cản khiến doanh nghiệp không thể xây dựng được một chiến lược quản trị rủi ro hoàn hảo.
  • Chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp chính là bước đầu để tổ chức có thể đưa ra kế hoạch quản trị rủi ro phù hợp, giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi nhuận và tăng lợi thế cạnh tranh.

5. Quy trình quản trị rủi ro hiệu quả cho doanh nghiệp

Bước 1: Xác định rủi ro

Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định và đánh giá các mối đe dọa đối với tổ chức. Doanh nghiệp cần chú ý đến các yếu tố như: Quy định pháp luật, xu hướng thị trường, thị trường tài chính, công nghệ kỹ thuật…. Sau đó sẽ đưa ra từng loại rủi ro tương ứng với bối cảnh theo những cách sau:
  • Xem xét các sự kiện/vấn đề trong bối cảnh hiện tại và xác định được rủi ro tiềm ẩn, có thể xảy ra trong các vấn đề này.
  • Thu thập thông tin bằng cách tiếp xúc, nghiên cứu các đối tượng có liên quan như nhà cung cấp, khách hàng, chuyên gia trong ngành hoặc chính nhân sự trong công ty. Qua đó doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện về rủi ro có thể xảy ra.
  • Sử dụng số liệu đã thống kê được để nhận diện các vấn đề hiện tại cũng như các vấn đề đang tiềm ẩn, qua đó đánh giá được khả năng xảy ra rủi ro cũng như những ảnh hưởng của chúng với tổ chức.
  • Đánh giá quy trình làm việc hiện tại, từ đó xác định lỗ hổng, điểm yếu có thể tạo ra rủi ro và biết được khía cạnh cần cải thiện để giảm thiểu rủi ro.
  • Xem xét những trường hợp đã bị tổn thất trong quá khứ, từ đó tạo tình huống giả định các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.

Bước 2: Phân tích, đánh giá rủi ro

  • Phân tích rủi ro là việc doanh nghiệp thiết lập xác suất mà một rủi ro có thể xảy ra và kết quả tiềm ẩn của mỗi rủi ro đó. Trong khi đó, đánh giá rủi ro nhằm xác định mức độ của mỗi loại, xếp hạng chúng theo sự nổi bật và hậu quả có thể xảy ra và bao gồm các chỉ số như: Ước lượng tổn thất, thiệt hại doanh thu, chi phí hồi phục, thiệt hại về hình ảnh thương hiệu….
  • Phân tích và đánh giá rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình trạng rủi ro tại tổ chức, qua đó đưa ra những quyết định thông minh, phù hợp để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Bước 3: Xử lý các rủi ro

Để xử lý các rủi ro, doanh nghiệp có thể thực hiện theo 5 biện pháp sau đây:
  • Né tránh rủi ro: Né tránh là việc doanh nghiệp không tham gia vào hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức, ví dụ như: Không đầu tư, không phát triển sản phẩm mới, không mở rộng dự án…. Biện pháp này có vẻ an toàn nhưng đôi khi khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội để tăng lợi nhuận. Vậy nên tổ chức cần cân nhắc và chỉ áp dụng khi rủi ro đó gây thiệt hại lớn và khả năng xảy ra rủi ro cao.
  • Giảm thiểu rủi ro: Phương pháp này tập trung vào việc cố gắng giảm tối đa các tổn thất đối với doanh nghiệp thay vì loại bỏ hoàn toàn rủi ro. Mục đích của giải pháp này là ngăn chặn các tổn thất, không để nó lan rộng và để lại những hậu quả nghiêm trọng.
  • Chuyển giao rủi ro: Cách này chính là việc doanh nghiệp chuyển giao rủi ro theo hợp đồng cho một bên thứ 3, ví dụ như để bảo hiểm chi trả các thiệt hại, chuyển rủi ro về tài sản cho công ty bảo hiểm….
  • Chia sẻ rủi ro: Đây là việc doanh nghiệp chuyển những rủi ro từ cá nhân sang một nhóm đối tượng khác. Ví dụ nếu doanh nghiệp kinh doanh thất bại, thay vì một cá nhân chịu rủi ro thì mỗi nhà đầu tư, góp vốn có thể chịu một phần rủi ro này.
  • Duy trì, chấp nhận rủi ro: Trong doanh nghiệp, sẽ có những rủi ro không thể loại bỏ hoàn toàn dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Lúc này doanh nghiệp sẽ cần duy trì và chấp nhận sống chung với các rủi ro này. Nó sẽ phù hợp với những rủi ro nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn.

Bước 4: Theo dõi và cải tiến

Sau 3 bước trên, doanh nghiệp sẽ cần theo dõi và cải tiến quản trị rủi ro bằng cách:
  • Giám sát và theo dõi các rủi ro xem có chuyển hướng không (bao gồm cả tiêu cực và tiêu cực).
  • Đánh giá hiệu quả của các phương pháp xử lý rủi ro.
  • Thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình để cải thiện các rủi ro, phù hợp với chiến lược quản trị doanh nghiệp.
  • Xem xét các rủi ro mới và cần chủ động trong quản trị rủi ro để hạn chế tối đa tổn thất cho doanh nghiệp.
Kết luận

Các sự cố, rủi ro có thể khiến doanh nghiệp bị tổn thất khoảng 5-10% doanh thu hàng năm (Theo số liệu từ Aon Corporation). Chính vì vậy việc quản trị rủi ro là rất quan trọng và cần được đầu tư nghiêm túc. AGS hy vọng qua những nội dung trên đây, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp và có thể xây dựng được giải pháp phù hợp giúp ngăn chặn rủi ro, từ đó giúp tổ chức phát triển và thành công hơn.

Nguồn: https://base.vn/blog/quan-tri-rui-ro/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ