GDP là gì? Cách tính GDP và ý nghĩa của GDP đối với sự phát triển kinh tế

2024/08/02

TintứcTàichính

1. GDP là gì?

GDP là viết tắt của Gross Domestic Product hay Tổng sản phẩm trong nước.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều này có nghĩa trong GDP không tính các giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ đã sử dụng ở các khâu trung gian trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. GDP biểu thị kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia.
Nội dung tổng quát của GDP được xét dưới các góc độ khác nhau:
  • Xét dưới góc độ sử dụng (chi tiêu): GDP là tổng cầu của nền kinh tế gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
  • Xét dưới góc độ thu nhập: GDP gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.
  • Xét dưới góc độ sản xuất: GDP bằng giá trị sản xuất trừ chi phí trung gian.

2. Phương pháp tính GDP

2.1. GDP theo giá hiện hành

Có 3 phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành.

a. Phương pháp sản xuất:

GDP bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành, khu vực, loại hình kinh tế và vùng lãnh thổ cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm.
Công thức tính:
GDP = Tổng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành + Thuế sản phẩm - Trợ cấp sản phẩm
Trong đó:
Giá trị tăng thêm theo giá hiện hành = Giá trị sản xuất theo giá hiện hành - Chi phí trung gian theo giá hiện hành

b. Phương pháp thu nhập:

GDP bằng tổng thu nhập tạo nên từ các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất như lao động, vốn, đất đai, máy móc. Theo phương pháp này, tổng sản phẩm trong nước gồm: Thu nhập của người lao động từ sản xuất kinh doanh (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền), thuê sản xuất (đã giảm trừ phần trợ cấp cho sản xuất), khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất và thặng dư/thu nhập hỗn hợp.
Công thức tính:
GDP = Thu nhập của người lao động từ sản xuất + Thuế sản xuất (đã giảm trừ phần trợ cấp sản xuất) + Khấu hao TSCĐ dùng trong sản xuất + Thặng dư sản xuất hoặc thu nhập hỗn hợp

c. Phương pháp sử dụng (chi tiêu):

GDP bằng tổng của 3 yếu tố: Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và nhà nước; tích lũy tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Công thức tính:
GDP = Tiêu dùng cuối cùng + Tích lũy tài sản + Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ


2.2. GDP theo giá so sánh

Có hai phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh.

a. Phương pháp sản xuất:

Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá so sánh của tất cả các ngành, khu vực, loại hình kinh tế và vùng lãnh thổ cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm theo giá so sánh.
Công thức tính:
GDP theo giá so sánh = Tổng giá trị tăng thêm theo giá so sánh + Thuế sản phẩm theo giá so sánh - Trợ cấp sản phẩm theo giá so sánh
Trong đó:
  • Giá trị tăng thêm theo giá so sánh = Giá trị sản xuất theo giá so sánh - Chi phí trung gian theo giá so sánh
    • Giá trị sản xuất theo giá so sánh = Giá trị sản xuất theo giá hiện hành (:) Chỉ số giá tương ứng của kỳ báo cảo so với kỳ gốc
    • Chi phí trung gian theo giá so sánh = Giá trị sản xuất theo giá so sánh x Hệ số chi phí trung gian của năm gốc so sánh
  • Thuế sản phẩm theo giá so sánh = Thuế giá trị gia tăng các loại, thuế sản phẩm khác theo giá so sánh + Thuế nhập khẩu theo giá so sánh
    • Thuế giá trị gia tăng các loại, thuế sản phẩm khác theo giá so sánh = Thuế giá trị gia tăng các loại, thuế sản phẩm khác theo giá hiện hành (:) Chỉ số giảm phát giá trị tăng thêm của kỳ báo cáo so với kỳ gốc
    • Thuế nhập khẩu theo giá so sánh = Thuế nhập khẩu theo giá hiện hành (:) Chỉ số giá nhập khẩu theo nhóm hàng nhập khẩu của kỳ báo cáo so với kỳ gốc
  • Trợ cấp sản phẩm theo giá so sánh = Trợ cấp sản phẩm theo giá hiện hành (:) Chỉ số giảm phát giá trị tăng thêm của kỳ báo cáo so với kỳ gốc
    • Chỉ số giảm phát giá trị tăng thêm của kỳ báo cáo so với kỳ gốc = Giá trị tăng thêm của kỳ báo cáo theo giá hiện hành (:) Giá trị tăng thêm của kỳ báo cáo theo giá so sánh

b. Phương pháp sử dụng: 

Tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh bằng tổng cộng tiêu dùng cuối cùng theo giá so sánh, tích luỹ tài sản theo giá so sánh và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ theo giá so sánh.
Công thức tính:
Tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh = Tiêu dùng cuối cùng theo giá so sánh + Tích luỹ tài sản theo giá so sánh - Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ theo giá so sánh
Trong đó:
Tiêu dùng cuối cùng theo giá so sánh được tính bằng cách chia tiêu dùng cuối cùng theo các nhóm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ của kỳ báo cáo so với kỳ gốc của các nhóm tương ứng.
  • Tích lũy tài sản của kỳ báo cáo theo giá so sánh theo loại tài sản = Tích lũy tài sản của kỳ báo cáo theo giá hiện hành theo loại tài sản (:) Chỉ số giá sản xuất theo loại tài sản của kỳ báo cáo so với kỳ gốc.
  • Tổng giá trị xuất khẩu/nhập khẩu theo giá so sánh = Tổng giá trị xuất khẩu/nhập khẩu giá hiện hành năm báo cáo tính theo VND (:) Chỉ số giá xuất khẩu/nhập khẩu theo VND của năm báo cáo so với năm gốc.

3. Ý nghĩa của chỉ số GDP

Chỉ số GDP đóng vai trò quan trọng đối với một quốc gia với những ý nghĩa sau:
  • GDP là tiêu chí đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như biểu thị sự biến động của sản phẩm và dịch vụ theo thời gian.
  • Giảm sút của chỉ số GDP có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, và sự suy giảm giá trị tiền tệ. Điều này tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
  • Chỉ số GDP bình quân đầu người thể hiện mức độ thu nhập trung bình cũng như chất lượng sống của người dân tại mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ số GDP cũng có những hạn chế cụ thể:
  • Không phản ánh đầy đủ các hoạt động sản xuất như sản xuất tự cung, tự cấp và không đánh giá chất lượng của sản phẩm.
  • Không tính toán được giá trị của hoạt động kinh tế không chính thức như việc làm ngoài giấy tờ, thị trường chợ đen, công việc tình nguyện và sản xuất từ hộ gia đình.
  • Không tính đến lợi nhuận được gửi về từ các công ty nước ngoài tại quốc gia đó.
  • Chỉ tập trung vào việc sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư mới, bỏ qua các hoạt động trung gian giữa các doanh nghiệp.
  • Tăng trưởng GDP không thể đánh giá chính xác sự phát triển của quốc gia hay đời sống người dân, vì nó tập trung vào khía cạnh vật chất mà không xem xét tổng thể phát triển của một quốc gia.

*Thông tin khác

Thông tin ứng tuyển và Hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/42888/gdp-la-gi-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-duoc-tinh-the-nao https://fptshop.com.vn/tin-tuc/danh-gia/gdp-la-gi-cach-tinh-gdp-164608

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ