Thuế nhập khẩu được đánh vào các hàng hoá nhập khẩu từ nước
ngoài. Đóng vai trò tăng thu ngân sách, giảm cạnh tranh với hàng hoá sản xuất
trong nước và duy trì sự cân bằng cho nền kinh tế.
1. Thuế nhập khẩu là gì và đặc điểm thuế
1.1 Thuế nhập khẩu là gì
Thuế nhập khẩu là loại thuế mà Chính phủ
đánh vào các mặt hàng được nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ
khác. Mục đích là để tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, đồng thời giảm
cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất trong nước, cân bằng cán cân thương mại.
Đôi khi, thuế nhập khẩu còn ngăn hành vi phá giá bằng cách tăng giá nhập
khẩu.
Đi song hành với thuế nhập khẩu là thuế xuất khẩu. Hai loại
thuế này thường được gọi chung là thuế xuất - nhập khẩu hay thuế quan.
1.2 Đặc điểm của thuế nhập khẩu
- Là thuế gián thu thông qua hàng hoá bị đánh thuế. Chi phí thuế đã bao gồm trong giá bán.
- Thuế nhập chỉ đánh vào hàng hoá, không đánh vào dịch vụ.
- Thuế được nộp bởi các công ty, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa hợp pháp qua biên giới Việt Nam
2. Cách tính thuế nhập khẩu
2.1 Công thức tính thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu được tính dựa vào giá nhập tại cửa khẩu đầu tiên theo công thức
như sau:
Thuế NK = Giá tính thuế NK x thuế suất thuế NK
Trong đó:
- Giá tính thuế NK là giá nhập tại cửa khẩu, giá phải trả khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
- Thuế suất thuế NK có nhiều mức thuế khác nhau được quy định.
- Mức thuế suất thuế nhập khẩu sẽ được phân tích rõ hơn ở phần sau.
2.2 Mức thuế suất thuế nhập khẩu là bao nhiêu
Các mức thuế suất thuế nhập khẩu tại Việt Nam
Theo Điều 11, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, thuế suất thuế nhập khẩu
bao gồm: thuế suất ưu đãi, thuế suất đặc biệt ưu đãi và thuế suất thông
thường. Chi tiết các mức thuế suất như sau:
Thuế suất ưu đãi
Mức thuế này áp dụng đối với hàng hóa được nhập khẩu từ các quốc gia, vùng
lãnh thổ có mối quan hệ tối huệ quốc về thương mại đối với nước ta. Đây là một
quy định quốc tế về mối quan hệ cân bằng về thương mại hàng hóa giữa các quốc
gia, vùng lãnh thổ có quy ước với nhau. Hiện tại, có khoảng hơn 100 quốc gia,
vùng lãnh thổ có mối quan hệ tối huệ quốc trong thương mại hàng hóa với Việt
Nam.
Trong trường hợp này, bên nộp thuế tự khai về xuất xứ hàng
hóa để làm cơ sở xác định mức thuế suất ưu đãi. Đồng thời, người khai phải tự
chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của lời khai.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt
Mức thuế này áp dụng với hàng hóa được nhập khẩu các quốc gia và vùng lãnh thổ
có mối quan hệ mật thiết với nước ta theo thể chế khu vực thương mại tự do
(FTA).
Ngoài ra, có thể tồn tại một số trường hợp ưu đãi đặc biệt
khác như liên minh thuế quan hoặc giao lưu thương mại biên giới.... Trong đó,
mặt hàng nhập khẩu phải được quy định cụ thể trong các thỏa thuận đã ký kết,
đáp ứng đủ điều kiện đã đặt ra. Hàng hóa phải có xuất xứ từ chính quốc gia
hoặc vùng lãnh thổ đó mới được hưởng mức thuế suất đặc biệt ưu đãi.
Thuế suất thông thường
Mức thuế này áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ không thuộc các
trường hợp trên. Mức thuế suất được quy quy định cao hơn không quá 70% so với
thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng.
Thuế bổ sung
- Một số hàng hóa nhập khẩu ngoài việc chịu thuế theo quy định còn phải chịu thuế bổ sung. Những hàng hóa đó thuộc các trường hợp như sau:
- Giá bán của hàng hóa nhập khẩu quá thấp so với giá trong nước gây khó khăn cho sự phát triển sản xuất hàng hóa tương tự của nước ta
- Hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có sự phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu hoặc thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam.
3. Hàng xách tay là hàng như thế nào và có phải đóng thuế nhập khẩu không
Theo quy định hiện hành, hàng xách tay không phải là hàng hóa nhập lậu
nếu đáp ứng các điều kiện như: không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, có hóa
đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, làm thủ tục hải quan đúng quy định, và
đóng thuế đầy đủ. Theo
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế,
nhưng có một số trường hợp hàng xách tay được miễn thuế như trong tiêu chuẩn
hành lý miễn thuế, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ, hoặc hàng hóa
có giá trị dưới mức tối thiểu quy định.
3.1 Hàng xách tay là hàng hóa gì?
Hiện tại, không có văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng về hàng xách tay. Tuy
nhiên, hàng xách tay thường được hiểu là những hàng hóa mua trực tiếp từ nước
ngoài và được mang về Việt Nam qua đường hàng không, thường bởi du khách, tiếp
viên hàng không, hoặc người thân đang sống ở nước ngoài.
Vì không qua quy
trình nhập khẩu chính thức, hàng xách tay thường khó xác minh nguồn gốc và
chất lượng, do đó, người mua có thể đối mặt với nguy cơ mua phải hàng giả hoặc
hàng kém chất lượng.
3.2 Hàng xách tay có phải là hàng hóa nhập lậu không?
Căn cứ vào khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định như sau
Giải thích từ ngữ Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như
sau: ... 6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Theo quy định trên, hàng xách tay không phải là hàng hóa nhập lậu nếu đáp ứng
các điều kiện sau:
- Không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
- Có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
- Hàng xách tay đi qua cửa khẩu và làm thủ tục hải quan đúng theo quy định.
- Có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép).
- Hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật.Như vậy, nếu không đáp ứng các điều kiện trên, hàng xách tay sẽ được xem là hàng hóa nhập lậu và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
3.3 Hàng xách tay có phải đóng thuế nhập khẩu không?
Căn cứ vào Điều 16 của Luật
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, các quy định về miễn thuế như sau:
- Miễn thuế Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong phạm vi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
- Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong hạn mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và ngược lại. Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng vượt quá hạn mức miễn thuế phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ khi tổ chức nhận là cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận hoặc vì mục đích nhân đạo, từ thiện.
- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới trong hạn mức để phục vụ sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới.
Trong trường hợp hàng hóa vượt quá hạn mức nhưng không sử dụng cho sản
xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới, hàng hóa của thương nhân nước ngoài kinh
doanh ở chợ biên giới phải nộp thuế. ... Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu vào
Việt Nam phải nộp các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, và
thuế tiêu thụ đặc biệt.Tuy nhiên, hàng xách tay sẽ được miễn thuế nhập khẩu
nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ;
- Hàng hóa nằm trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới trong hạn mức phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới;
- Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Hàng hóa có trị giá hoặc số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu;
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu;
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
- Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước;
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định;
- Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại;
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
Các trường hợp miễn thuế khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu không
thuộc những trường hợp miễn thuế kể trên, hàng xách tay vẫn phải đóng thuế
nhập khẩu.