Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS gửi đến
các bạn thông tin về nội dung cách tính tiền thai sản và hồ sơ hưởng chế độ
thai sản cho lao động nam, qua đây cũng phần nào giải đáp được thắc mắc của
những người dự định sắp có con về việc hưởng chế độ thai sản.
Lao động nam được hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp nào ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường
hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt
sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng
bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh
con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội
từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ
định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã
hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà
chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm
sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai
sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Theo đó lao động nam được hưởng chế độ thai sản trong 03 trường hợp sau đây:
1. Có vợ sinh con.
2. Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
3. Thực hiện biện pháp triệt sản.
Với các trường hợp nhất định thì sẽ có điều kiện hưởng khác nhau. Cụ thể:
- Khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.
- Có vợ sinh con hoặc thực hiện biện pháp triệt sản không yêu cầu về thời gian tham gia BHXH.
Hướng dẫn cách tính tiền thai sản cho lao động nam ?
* Trường hợp 1: Có vợ sinh con
Nghỉ hưởng khi vợ sinh con
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khi vợ sinh con thông thường lao
động nam sẽ được nghỉ hưởng 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng được tính như sau:
Mức hưởng = [(100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của
06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ)/24] x Số ngày nghỉ hưởng
Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì
100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng
trước khi nghỉ việc hưởng chế độ = mức bình quân tiền lương tháng của các
tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Vợ mất sau sinh
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam được nghỉ việc hưởng
chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của vợ.
Mà thời gian hưởng khi sinh con của lao động nữ sinh con bình thường là 6
tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở
đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Do đó, theo Điều 39 Luật
Bảo hiểm xã hội 2014 thì:
Mức hưởng = [(100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của
06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ)] x Thời gian nghỉ hưởng
Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì
100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước
khi nghỉ việc hưởng chế độ = mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã
đóng bảo hiểm xã hội.
Và cần lưu ý thêm tùy vào các trường hợp tại khoản 2 Điều 10 Thông tư
59/2015/TT-BLĐTBXH mà tiền lương để tính hưởng chế độ sẽ dựa trên cơ sở của
chồng hoặc của vợ.
Trợ cấp một lần khi sinh con
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha
tham gia bảo hiểm xã hội thì:
Trợ cấp một lần = 02 x Mức lương cơ sở x Số con sinh.
Lương cơ sở từ 01/07/2023 tăng lên 1,800,000 đồng (Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
* Trường hợp 2: Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
Theo Điều 36 và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam được nghỉ
việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Mức hưởng = [(100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ)] x Thời gian nghỉ
hưởng
Nếu có ngày lẻ thì:
Mức hưởng = [(100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ)/30] x Số ngày lẻ.
Cần lưu ý: Nếu cả vợ và chồng đều đáp ứng đủ điều kiện được hưởng thì chỉ vợ
hoặc chồng được hưởng.
Nếu không muốn nghỉ hưởng thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần Điều 11 Thông
tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Trợ cấp một lần = 02 x Mức lương cơ sở x Số con nuôi nhận.
* Trường hợp 3: Thực hiện biện pháp triệt sản
Theo Điều 37 và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam thực hiện
biện pháp triệt sản được nghỉ hưởng tối đa 15 ngày.
Mức hưởng = [(100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của
06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ)/30] x Số ngày nghỉ hưởng
Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì
100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng
trước khi nghỉ việc hưởng chế độ = mức bình quân tiền lương tháng của các
tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ hưởng thai sản cho lao động nam ?
Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 4 Quy trình ban hành kèm
theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 thì:
Thực hiện biện pháp triệt sản thì hồ sơ gồm:
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động;
trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội
trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc
bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau
thời gian điều trị nội trú.
Nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi:
Hồ sơ có Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
Vợ sinh con hồ sơ gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy
chứng tử của vợ trong trường hợp sau khi sinh con mà vợ chết.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hi vọng bạn sẽ có
những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông
tin bổ ích khác và cơ hội việc làm tại AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/huong-dan-cach-tinh-tien-thai-san-va-ho-so-huong-che-do-thai-san-cho-lao-dong-nam-5786.html