Triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoàn thuế giá trị gia tăng theo Công văn 4919/TCT-KK

2024/11/01

ThuếHoànthuế

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề "Triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoàn thuế giá trị gia tăng theo Công văn 4919/TCT-KK ". Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế, người lao động đang muốn tìm hiểu về cách tính thuế. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì việc hoàn thuế là vấn đề mà bất kỳ tổ chức nào cũng quan tâm.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoàn thuế giá trị gia tăng bởi Tổng cục Thuế theo Công văn 4919/TCT-KK

Ngày 03/11/2023, Tổng Cục thuế ban hành Công văn 4919/TCT-KK hướng dẫn về việc triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT.

Theo đó, tại Công văn 4919/TCT-KK năm 2023, Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
  • Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ đạo đôn đốc công tác hoàn thuế GTGT của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thời gian vừa qua.
  • Cơ quan Thuế thực hiện tiếp nhận, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo đúng quy định tại Điều 72, Điều 73 Luật quản lý thuế 2019 và Điều 32, Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC .
Lưu ý quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC: trường hợp người nộp thuế có nhiều lần đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm, nếu trong lần đề nghị hoàn thuế đầu tiên tính từ sau thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn quy định tại Điều 142 Luật quản lý thuế 2019, hoặc hành vi trốn thuế quy định tại Điều 143 Luật quản lý thuế 2019 thì những lần đề nghị hoàn thuế tiếp theo, hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

Về việc phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro cao về thuế theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Thông tư 80/2021/TT-BTC, Cơ quan Thuế thực hiện theo quy trình hướng dẫn tại Quyết định 1388/QĐ-TCT 2023.

  • Đối với hồ sơ được phân loại kiểm tra trước hoàn thuế, Cơ quan Thuế thực hiện kiểm tra theo đúng quy định về thanh tra, kiểm tra thuế tại Điều 110, Điều 112, Điều 115 Luật Quản lý thuế 2019 , quy định tại Luật thanh tra 2022, Quy trình thanh tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 1404/QĐ-TCT 2015, Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT 2023. Quá trình kiểm tra hoàn thuế, phát hiện người nộp thuế mua hàng hóa dịch vụ của bên cung cấp hàng hóa dịch vụ có hành vi trốn thuế, cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để có căn cứ giải quyết hoàn thuế theo đúng quy định tại Điều 34, Điều 35 của Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, chú trọng thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế giá trị gia tăng để xử lý nghiêm minh; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân công bộ phận Kiểm tra nội bộ thực hiện phân tích, lập các chuyên đề kiểm tra công tác thực thi công vụ trong hoàn thuế của các Phòng/Chi cục Thuế được giao nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế thuộc Cục Thuế, đảm bảo không để kéo dài, phát sinh thêm các thủ tục hành chính với NNT, đảm bảo việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời, đúng quy định pháp luật.
  • Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách pháp luật, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cũng như pháp luật về hóa đơn điện tử bằng nhiều hình thức đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn quản lý, từng bước nâng cao nhận thức của người nộp thuế về chấp hành pháp luật về hóa đơn điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để thông tin kịp thời, đầy đủ, khách quan về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
  • Tiếp tục đẩy mạnh công tác đối thoại, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn để trao đổi, nắm bắt, tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời có phương án xử lý theo đúng thẩm quyền, quy định pháp luật, tạo điều kiện tối đa trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
  • Khẩn trương giải quyết, xử lý dứt điểm các hồ sơ đề nghị hoàn thuế còn tồn đọng, đặc biệt là các hồ sơ có thời gian giải quyết kéo dài của một số mặt hàng xuất khẩu có vướng mắc, phản ánh thời gian qua: trường hợp Cơ quan Thuế chưa đủ căn cứ để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế thì ban hành thông báo về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện hoàn thuế/không được hoàn thuế theo mẫu 04/TB-HT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC, đảm bảo thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý thuế 2019; trường hợp người nộp thuế không đồng ý với quyết định của Cơ quan Thuế thì có quyền thực hiện khiếu nại, khởi kiện theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

2. Nộp tiền thuế giá trị gia tăng ở đâu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại:
  •  Tại Kho bạc Nhà nước;
  • Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
  • Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;
  • Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Ai là người nộp thuế giá trị gia tăng?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, quy định về người nộp thuế giá trị gia tăng gồm có như sau:
  • Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/trien-khai-chi-dao-cua-bo-truong-bo-tai-chinh-ve-hoan-thue-gia-tri-gia-tang-theo-cong-van-4919tctkk-124499.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ