Tìm hiểu về tỉnh Hải Dương

2024/11/28

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS xin được giới thiệu với các bạn về tỉnh Hải Dương của Việt Nam, Hải Dương là vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ kho tàng văn học lịch sử có giá trị cao, không chỉ vậy Hải Dương còn có nhiều danh lam thắng cảnh mà có thể bạn chưa từng biết đến. Bài viết giới thiệu về du lịch Hải Dương dưới đây sẽ giúp bạn khám phá tỉnh thành này.

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ HẢI DƯƠNG

Tỉnh Hải Dương nằm ở đồng bằng Sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Bộ Việt Nam. Cách Hà Nội khoảng 57 km về phía Đông, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên.
Hải Dương có ý nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông”, vùng đất này gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng như đại danh y Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, …
Trải qua thời gian bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề nhưng đến nay tỉnh vẫn bảo tồn được rất nhiều di tích có giá trị làm tiền đề phát triển du lịch Hải Dương.

KHÍ HẬU Ở HẢI DƯƠNG

Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, tỉnh Hải Dương có 4 mùa rõ rệt là xuân, hạ, thu, đông. Bạn có thể đến thăm Hải Dương bất cứ mùa nào trong năm, nhưng có hai thời điểm thích hợp nhất bạn nên Lưu ý:
Tháng 2 – tháng 4: Mùa lễ hội ở Hải Dương thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan như lễ hội chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc…
Tháng 6 – tháng 7: Mùa hè ở Hải Dương có nhiều loại quả nổi tiếng như vải thiều, hồng xiêm, ổi Thanh Hà. Đến đây vào mùa này bạn sẽ tha hồ thưởng thức các loại quả tươi ngon nức tiếng ở tỉnh Hải Dương.

GIAO THÔNG DU LỊCH HẢI DƯƠNG

Hải Dương có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Về đường bộ có kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5A, quốc lộ 17, quốc lộ 18, quốc lộ 37, quốc lộ 38 và quốc lộ 38B. Du khách có thể đến Hải Dương bằng các phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ. Du khách ở xa có thể mua vé máy bay tới sân bay Cát Bi (Hải Phòng - cách thành phố Hải Dương 55km) hoặc sân bay Nội Bài (cách thành phố Hải Dương 90km) sau đó tiếp tục sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để đi du lịch Hải Dương.
Hải Dương nằm giữa trung tâm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, rất thuận tiện cho chuyến tham quan kết hợp Vịnh hạ Long hay đảo Cát Bà.

TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

Khoáng sản tỉnh Hải Dương khá đa dạng, có giá trị nhất là loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh.
Qua nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm thăm dò khoáng sản trong phạm vi tỉnh đã phát hiện được 24 loại hình khoáng sản bao gồm: than đá, sắt, đồng, thủy ngân, bauxit, phosphorit, than bùn, sét chịu lửa, dolomit, keratophyr, đá vôi xi măng, sét silic phụ gia xi măng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá vôi xây dựng, cuội kết thạch anh, thạch anh tinh thể, cuội sỏi, quarzit. Trong đó khoáng sản trọng tâm là sét gốm sứ và vật liệu xây dựng. Đã xác định được 91 mỏ và điểm quặng được chia làm 4 nhóm: Nhóm nhiên liệu; Nhóm khoáng sản kim loại; Nhóm khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp; Nhóm nước nóng – khoáng. Trong số các khoáng sản nêu trên, một số đã được khai thác sử dụng với qui mô lớn như sét chịu lửa, đá vôi xi măng, sét xi măng, bauxit, số còn lại cần tiếp tục nghiên cứu khai thác để đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp trong tỉnh.

VĂN HÓA TỈNH HẢI DƯƠNG

Trầm tích văn hoá từ những di tích

Mảnh đất Hải Dương có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa, hiện đang lưu giữ khối lượng lớn văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo với 1.098 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng.


Từ những dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ có niên đại trên 3 vạn năm ở hang Thánh Hoá, núi Nhẫm Dương, đến những di chỉ, di vật có giá trị của thời đại đồ Ðồng tại Ðồi Thông (Kinh Môn), Hữu Chung (Tứ Kỳ), làng Gọp (Thanh Hà),... Văn hoá Lý, Trần, Lê, Nguyễn là dòng chảy liên tục và rực sáng trên vùng đất này, đã tạo nên một không gian văn hoá đặc biệt - nơi kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với chiều sâu lịch sử và tâm linh với 127 di tích được xếp hạng quốc gia mà tiêu biểu là Côn Sơn - Kiếp Bạc, Phượng Hoàng (Chí Linh). Chỉ trong một không gian chừng 5 km2 đã có hàng chục di tích lưu giữ những kỷ niệm về 3 danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới. Ðó là Trần Hưng Ðạo - danh nhân quân sự, Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá, Chu Văn An - "người thầy của muôn đời"; cùng An Phụ, Kính Chủ (Kinh Môn) đã trở thành những huyền thoại của non sông đất Việt.

Văn hoá - Nhìn từ những lễ hội truyền thống

Giá trị đặc trưng của văn hoá phi vật thể xứ Ðông được thể hiện qua các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống của cộng đồng dân cư Hải Dương xưa và nay; ở các hoạt động văn nghệ dân gian; ở một khối lượng không nhỏ những trước tác về chính trị, quân sự, văn hoá – xã hội, về sử học, y học... của các tri thức lớn, các nhà khoa bảng người Hải Dương. Với 566 lễ hội được khôi phục đã thể hiện rõ nét yếu tốt văn hoá đặc trưng này. Đó là, lễ hội mang đậm yếu tố lịch sử, phong tục, tín ngưỡng tôn giáo, tưởng niệm và ngợi ca công lao, đức hạnh của các bậc hiền tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục các thế hệ hướng tới sự tiến bộ, sự cao đẹp; cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc… Mồng 4 Tết âm lịch, Đình Nhân Lý (Nam Sách) khai hội – lễ hội mở đầu của mùa lễ hội Xuân. Từ 16 đến 21 tháng Giêng là Lễ hội Xuân Côn Sơn. Tháng tám mùa thu, lễ hội đền Kiếp Bạc (Chí Linh) là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. Ðến với lễ hội xứ Ðông, quý khách sẽ được tham dự các đám rước lớn, các trò chơi dân gian đặc sắc: trò thuỷ chiến - lễ hội đền Kiếp Bạc; bơi trải - lễ hội đền Quát, đánh gậy - lễ hội đền Cuối (Gia Lộc); hát chầu văn (Ninh Giang); trò đánh bệt - lễ hội đền Sượt (thành phố Hải Dương); thi nấu cơm - lễ hội chùa Hào Xá (Thanh Hà)… Có thể nói, lễ hội và di tích Hải Dương là một tiềm năng, thế mạnh lớn cho ngành du lịch của tỉnh và của vùng Đông Bắc đất nước.


Cùng với những lễ hội dân gian, xứ Ðông còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề thuật hát chèo của vùng Ðồng bằng Bắc Bộ. "Chiếng chèo Ðông" với những nghệ nhân tên tuổi như: Phạm Thị Trân, Trùm Thịnh, Trùm Bông, cố nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Lan, Minh Lý,... Những nghệ sĩ tài năng ấy có đóng góp đáng tự hào cho nghệ thuật chèo Việt Nam hiện đại.
Ngoài bộ môn hát chèo, xứ Ðông còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian như: nghệ thuật tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, ca dao, tục ngữ. Vốn văn hóa truyền thống phong phú ấy đã bộc lộ những nét nhuần nhị, trữ tình, lạc quan, đầy lãng mạn trong tính cách của người xứ Ðông.

NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN Ở HẢI DƯƠNG

Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc

Đây là hai di tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, gắn liền với tên tuổi các danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão.Chùa Côn Sơn có tên cổ xưa là Thiên Tư Phúc Tự có nghĩa là ngôi chùa được trời ban phước lành. Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỉ 14, trải qua nhiều thay đổi về môi trường, lịch sử, thời gian mà nay chùa Côn Sơn còn lại 4 công trình là Tam Quan, Tiền Đường, Thiều Hương và Thượng Điện.
Giếng Ngọc - nằm trong chùa Côn Sơn, nơi đây có truyền thuyết rằng nguồn nước được thần linh ban cho và khi uống vào thì tinh thần khoan khoái, cơ thể trở nên khỏe mạnh. Ngày nay người dân vẫn dùng nước ở Giếng Ngọc để làm lễ cúng tại chùa.
Bàn cờ Tiên nằm trên đỉnh Côn Sơn, bạn phải leo bộ hơn 600 bậc đá mới lên được đến đỉnh. Bàn cờ Tiên của Nguyễn Trãi cùng với các bậc tiền nhân đã từng dừng chân chơi cờ ở đây. Đứng từ trên đỉnh Côn Sơn, bạn có thể chiêm ngưỡng cả một vùng núi non hùng vỹ.
Đền Kiếp Bạc nằm cách chùa Côn Sơn 5km, nơi thờ Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc được đặt cho ngôi đền này là do đền nằm trên thung lũng giao giữa làng Kiếp và làng Bạc, nay là làng Vạn Yên và Dược Sơn.


Quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc có lối kiến trúc cung đình ngày xưa. Hàng năm diễn ra lễ hội đền Kiếp Bạc từ ngày 15-20/8 âm lịch, được xem là một trong những lễ hội lớn nhất ở nước ta. Ngoài ra còn có rất nhiều các hoạt động văn hóa tín ngưỡng khác như Lễ Cáo Yết, lễ Khai Ấn,… mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.

Đảo cò Chi Lăng Nam

Khu sinh thái đảo cò Chi Lăng Nam là nơi cư trú của rất nhiều loài cò, vạc, trong lòng hồ An Dương có rất nhiều các loài cá quý như cá nheo, cá quả, cá vượt, cá bơn… cùng các loài thực vật thủy sinh, thực vật hoang dã. Đến đảo cò Chi Lăng Nam, bạn có thể tự mình khám phá các hòn đảo lớn nhỏ bằng hoạt động đi thuyền hoặc đạp vịt, ngắm cảnh thiên nhiên sông nước bao la thơ mộng.

Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền của tỉnh Hải Dương chỉ đứng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi được xem là di tích lịch sử thờ Khổng tử và tôn vinh các bậc Đại Khoa Nho ngày xưa. Không gian trang nghiêm, tĩnh mịch cùng với hương sen thơm thoang thoảng trong bầu không khí trong lành càng khiến cho Văn Miếu Mao Điền thu hút nhiều du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Làng gốm Chu Đậu

Làng gốm này xuất hiện từ cuối thế kỷ 14, tại làng Chu Đậu. Trong làng chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp, họa tiết tinh xảo, kiểu dáng và màu sắc đều mang nét đặc trưng.

ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG HẢI DƯƠNG

Bún cá rô đồng

Bún cá rô đồng nổi tiếng trong ẩm thực Hải Dương. Nước dùng được nấu từ cá rô tươi rất ngọt và không hề tanh, cá rô lọc xương chiên giòn để bày lên trên bún. Không thể thiếu rau ăn kèm gồm có rau cần, thì là, rau muống, bông chuối,… cùng nước mắm nguyên chất cho bát bún thêm đậm vị.

Bánh cuốn

Món bánh cuốn có mặt ở nhiều nơi nhưng ở Hải Dương lại có nét đặc trưng riêng. Vỏ bánh được làm từ bột lọc chứ không phải bột gạo, nhân bánh gồm thịt lợn và mộc nhĩ băm nhỏ cùng hành phi rắc lên trên. Ăn một miếng bánh với nước chấm bạn sẽ thấy sự kỳ công của người làm nên món bánh cuốn này.

Bánh dày Gia Lộc

Chiếc bánh dày dẻo thơm, trắng mịn bao bọc nhân đậu xanh bên trong, ăn kèm với giò lụa chính là thứ quà sáng đặc trưng của người dân Hải Dương

Bánh đậu xanh

Nhắc đến Hải Dương chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến bánh đậu xanh đặc sản nổi tiếng. Bánh được làm từ đậu xanh, mỡ lợn, dầu hoa bưởi và đường rất gần gũi, quen thuộc mà tạo nên hương vị là kết tinh của đất trời. Thưởng thức miếng bánh đậu xanh cùng chén trà mạn thì không còn thứ gì tuyệt vời hơn.

Bánh gai Ninh Giang

Món bánh gai quen thuộc có mặt ở nhiều địa phương nhưng mỗi nơi sẽ có một hương vị đặc trưng riêng của nó. Bánh gai Ninh Giang được làm từ bột nếp hòa với lá gai giã nhuyễn, nhân bánh từ đậu xanh xay mịn vừa thơm vừa bùi. Cắn một miếng bánh sẽ cảm nhận được ngay vị dẻo ngọt của vỏ bánh, vị bùi của đậu xanh và vị béo của dừa nạo.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp






Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ