Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới
thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là hát Xoan Phú Thọ,
một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn
qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị
cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.
Hát Xoan tên gốc là hát Xuân; là làn điệu dân ca ra đời sớm nhất, lâu đời nhất
của những cư dân nông nghiệp làm lúa nước, được hát vào mùa xuân. Đây là loại
hình văn hóa, văn nghệ xuất hiện trước cả thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Theo
các nhà khoa học Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Australia, Trung Quốc, những năm đầu của
thế kỷ 20 , từ những căn cứ mà các nhà khoa học sưu tầm được đã khẳng định
Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước đã xuất hiện cách đây 10 nghìn
năm, quá trình lao động, giao tiếp đã nảy sinh tiếng hát, đó chính là hát
Xuân. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian nảy sinh từ lao động khi Vua Hùng
thấy được ý nghĩa tác dụng hát Xuân đối với đời sống xã hội đã ban chiếu chỉ
cho muôn dân cần lan truyền phổ cập rộng khắp các làng quê, tổ chức thành
những phường hát để phục vụ lễ hội.
Tổng quan về hát Xoan
Tại sao hát Xuân lại gọi là hát Xoan? Theo sự tích truyền lại thì Lân Lang
Vương là con cả của Quốc tổ Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ, khi hai ông bà chia
tay nhau: Lạc Long Quân dẫn 49 người con đi về miền biển, Mẫu Âu Cơ đưa 50
người con lên núi. Lân Lang Vương là con cả được giao ở lại Bảo Chiều trên
đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, đất Phong Châu để chăm sóc muôn dân trăm họ và giữ gìn bờ
cõi nhà nước Văn Lang. Lân Lang Vương lên ngôi vua, lấy hiệu là Hùng Vương.
Khi nhà vua đem quân đi dẹp giặc phương Bắc trở về Bảo Điện, trên đường về
cung, bất chợt Hoàng Hậu đau bụng, trở dạ mãi chưa sinh nở được. Dân làng An
Thái tâu với đức vua rằng: Đằng sau lũy tre làng có người con gái tên là Quế
Hoa hát rất hay và múa rất dẻo, có thể hát, múa, mua vui khuây khỏa cho Hoàng
Hậu. Nhà vua liền sai người đến đón Quế Hoa về hát, múa mua vui cho Hoàng Hậu.
Quả thật, Quế Hoa hát múa đã làm cho Hoàng Hậu vui vẻ an thai, sau đó sinh
được công chúa. Thấy được sự hiệu nghiệm của tiếng hát và điệu múa của Quế
Hoa, đức vua liền sai người đi đón Quế Hoa về cung đình để hát múa phục vụ và
chỉ dụ cho muôn dân phổ cập hát múa Xoan. Còn sở dĩ hát Xuân chuyển thành hát
Xoan là do công chúa sinh vào mùa xuân, đức vua đặt tên cho công chúa là Xuân
Nương. Để khỏi phạm vào tên húy của công chúa nên hát Xuân được chuyển gọi là
hát Xoan từ đấy.
Hát Xoan không chỉ xuất hiện sớm mà được lưu truyền tồn tại qua bao đời nay.
Thể loại Xoan cũng rất phong phú, từ nội dung, làn điệu, đến các điệu múa được
biến tấu phù hợp với nơi trình diễn, kể cả trang phục cũng được ăn mặc đúng
với nghi lễ. Chẳng hạn như hát tế trời cầu thượng thiên thì hai tay chắp lại,
hai chân chụm lại ngẩng mặt lên trời để hát, còn hát ở triều đình, hát phục vụ
hội đồng Hoàng Triều thì giọng hát, điệu múa khác với phục vụ Hoàng Thượng.
Hát phục vụ hoàng Hậu, hoàng tử và Công chúa trang phục, điệu múa hát theo làn
điệu; còn hát múa nghi lễ ở cửa đình làng, hát múa cầu Thành hoàng làng, khác
với cầu thần linh; hình thức múa hát hội như múa hát khai xuân, khác với hát
cầu mùa, hát đúm, khác với hát giao duyên; hát đố chữ khác với hát nhắn gửi.
Như nhạc sĩ Lương Nguyên đã phân tích “Hát Xoan có đến mấy chục làn điệu khác
nhau trong đời sống xã hội thời đại Văn Lang - Hùng Vương truyền lại”,
được chia làm ba phần chính:
- Phần một là: Hát nghi lễ.
- Phần hai là: Hát quả cách.
- Phần ba là: Hát giao duyên.
Hát nghi lễ
Đây là phần lễ hát múa phục vụ các nghi lễ. Những người hát nghi lễ phải được
tuyển chọn kỹ càng thể hiện nghiêm túc từ trang phục, giọng hát, điệu múa.
Khởi đầu hát nghi lễ là phải có mâm lễ dâng lên. Sau đó hát chào Vua và mời
đức Vua về đình làng dự lễ hội. Khi các thủ tục dâng lễ đã hoàn tất. Đoàn kiệu
bát công do 8 trai làng trẻ trung khôi ngô tuấn tú chưa vợ, nhà không có tang
chế, với đầy đủ trướng, phướn, tiếng chiêng vang lên khởi kiệu rước Vua từ
điện về đình. Khi rước có 4 đào Xoan trẻ tuổi chưa chồng, đi dưới gầm kiệu hát
điệu phụ giá:
“Tám người trai kiệu bước vào
Tay lót khăn đào rước lấy vua lên
Vui lên thánh đức trị vì
Vua về nghe hát mừng làng sống lâu”
Sau nghi lễ khởi đầu rước kiệu Vua vào nội điện là đến giáo trống và giáo pháo
thể hiện hai làn điệu múa và hát trình diễn thành liên khúc. Trong giáo trống
được thể hiện hai âm, âm trầm và âm cao (âm trầm lá tầm); (âm cao gọi là vông)
muốn thể hiện âm tầm và vông của trống phải có mâm cơm bưng lên mặt trống. Gọi
là trống cơm do phường Xoan vỗ vang lên trong tiệc đình làng, cầu mong cho
trăm họ no đủ, an hòa phúc lộc được thể hiện bằng lời ca như:
“Trống này be bé mà vẻ rồng vàng
Đôi tay tôi nâng cả đám làng
Trống tôi vỗ bên “tầm” thờ vua, thờ chúa
Trống tôi vỗ lên “Vông”
Thờ Đức Đại vương”
Sau giáo trống, giáo pháo là điệu thơ nhang. Thơ nhang là làn điệu hát dâng
hương lên ban thờ Đại Vương, cầu xin vua giáng phúc cho dân làng. Khi múa hát
các đoàn, Xoan tây cầm nhang vừa múa vừa hát có câu:
“Cầu vua lên ngự ngai vàng
Vua về nghe hát mừng làng sống lâu”
Trên đây là giới thiệu sơ lược một phần về hát Xoan và nghi lễ, còn hát quả
cách thì đa dạng và phong phú hơn nhiều, được thể hiện từ các quan viên, đến
mọi tầng lớp trong xã hội phong kiến, thuật ngữ quả cách có hai từ quả và
cách, quả là làn điệu, còn cách là trình diễn.
Hát quả cách
Đây là phần hát đa dạng, phong phú của mọi tầng lớp xã hội hát và múa được thể
hiện nhiều làn điệu và biến tấu. Hát quả cách xuất hiện sớm nhất bắt nguồn từ
lao động nông nghiệp hình thành, có trước cả thời Hùng Vương dựng nước. Hát
quả cách đa dạng và phong phú phản ảnh trong lao động thuộc các ngành nghề
khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có 15 quả cách, đó là: Nhàn ngân cách,
tràng mai cách, xoan thời cách, mục đồng cách, đồng dẫy cách, hồi liên cách,
tứ mùa cách, thuyền chèo cách, từ dân cách, chơi dân cách, kiều giang cách…
Trong 15 quả cách được thể hiện hát Xoan thành 4 nhóm bổ sung:
- Nhóm thứ nhất là: Những quả cách kể về các nhân vật lịch sử đó là: Kiều giang cách, hội liên cách và tứ dân cách.
- Nhóm thứ 2 là: Những quả cách hát chúc các bậc thánh nhân tiên đế đã được dân chúng tôn vinh là những người đem lại hạnh phúc thịnh vượng cho muôn dân, đó là: Nhàn ngân cách, trùng mai cách, thuyền chèo cách.
- Nhóm thứ 3 là: Các quả cách thể hiện những cảm xúc của con người trước thiên nhiên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đó là: Quả cách xoan thời, quả cách hạ thời, thu thời cách, đồng thời cách.
- Nhóm thứ 4 là: Những quả cách miêu tả về 4 lớp người trong xã hội nông thôn thời phong kiến thể hiện trên các nghề (dạy học, nghề nông, làm ruộng, chăn tằm, đánh cá...): Đúc đồng, đóng thuyền, làm mộc, làm rèn và nghề thương (người làm nghề buôn bán) được thể hiện các quả cách: Ngư tiểu cách, canh mục cách, tứ dân cách, để thấy sự đa dạng và phong phú của quả cách.
Hát giao duyên
Đây là phần hát Xoan thể hiện tình cảm của con người với con người bằng tình
yêu, bằng trí tuệ đó là hát Bỏ Bộ, hát Huề, đố Huề, đố chữ, hát Đúm và hát
Bợm.
Hát múa Bỏ Bộ là múa hát minh họa muôn mặt của đời sống sinh hoạt của người
nông dân thể hiện những động tác, những công việc, thậm chí từng công đoạn của
công việc, nên lời hát đến đâu thì động tác múa trình diễn minh hoạ đến đấy.
Hát Huề là hát đố chữ được hát liền mạch, liền khúc như Huề đố chữ là những
câu hát lắt léo để thử trí, thử tài, nhằm thôi thúc, khích lệ tinh thần hiếu
học. Thí dụ trong lời ca đó có câu:
“Anh đố em biết chữ gì trên trời rơi xuống?
Anh đố em biết chữ gì làm ruộng nuôi ta?
Anh đố em biết chữ gì nên việc cửa, việc nhà?
Anh đố em biết chữ gì thấy người qua mà chẳng chào?
Một đào Xoan hát đáp lại rằng:
Anh đã đố thì anh phải giảng
Em chẳng biết thời anh giảng giải cho dân làng nghe
Chàng Xoan cất tiếng hát ơ hờ... em không biết thì anh xin
giảng giải
Vũ là mưa trên trời rơi xuống
Ngưu là trâu làm ruộng nuôi ta
Thê là vợ nên giỏi việc cửa, việc nhà
Nộ là giận thấy người qua chẳng chào.
Hát đúm là một nhóm người tập trung làm việc với một nhóm người kia, có thể
hát về công việc họ làm và kết quả đạt được khi mưa thuận, gió hòa là gieo
trồng đúng ngày, đúng vụ nên có được những vụ mùa bội thu.
Hát Bợm là hát tỏ tình giao duyên một nhóm nam, nhóm nữ, đi lễ, đi trẩy hội,
họ gặp nhau hai bên nam nữ thay nhau lúc đầu là hát thăm dò sau là hát tỏ tình
rồi hẹn hò. Từ đây sẽ có những cuộc hẹn hò đôi lứa riêng để nên vợ, nên chồng.
Bài khái lược diễn giải trên đây để chứng minh giá trị lịch sử văn hóa của
người Việt cổ nói lên tầm quan trọng giá trị nghệ thuật phong phú, sâu sắc của
hát Xoan trong đời sống cư dân nông nghiệp vùng đất Tổ cội nguồn. Hát Xoan
xuất hiện rất sớm, như các nhà khoa học ở các nước tiên tiến trên thế giới đến
nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã xác nhận.
Năm 1899, bác sĩ Gide nhà nghiên cứu người Pháp đã công bố quá trình nghiên
cứu và nghệ thuật hát cổ ở Việt Nam. Năm 1889, Terrien do coperre, nhà nghiên
cứu văn hóa người Anh đã nêu sự đa dạng phong phú của hát Xoan. Nhà khoa học
Đức Robert von Heine Geldern cho rằng, những con người tạo ra nền văn minh
Đông Sơn đã tạo nên sức sống được thể hiện bằng nghệ thuật điêu khắc và những
âm hưởng ca hát dân gian phong phú.
Hai nhà khoa học Mỹ W.G Solheim Jorhman khẳng định văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam
là văn hóa bản địa, không hề chịu ảnh hưởng chi phối từ bên ngoài cả sản phẩm
vật chất và sản phẩm tinh thần là hát Xoan. Nhà khoa học Nga: N.Vavilov, nhà
khoa học Pháp Medeleine colani và nhà văn hóa Trung Quốc Trương Quang Trực sau
khi khai quật ở vùng chân núi Lam Gran - Hòa Bình đã phát hiện và kết luận:
“Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rực rỡ, tiên tiến sáng tạo
và sống động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới. Đây thực sự là nôi văn
minh của nhân loại”.
Tổ tiên người Việt ngay từ thời tiền sử đã để lại cho thế hệ mai sau những tài
sản vô giá, không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có cả một kho tàng văn
hóa tinh thần phong phú đã ngấm vào xương tủy của dòng máu Lạc Hồng qua ngàn
đời đã bồi đắp nên bản lĩnh Việt Nam để gìn giữ non sông gấm vóc bảo vệ nền
độc lập dân tộc. Những cặp nam nữ múa hát sôi động ở mọi nơi, mọi chốn tồn tại
hàng vạn năm. Chính là những bản tráng ca, bản hùng ca, nó không chỉ là tài
sản vô giá của Việt Nam, mà còn là vốn quý của nhân loại đã được UNESCO công
nhận.
Để bảo tồn và phát huy hát Xoan, bản trường ca của nhân loại thì mỗi người dân
Việt Nam nói chung và mỗi người dân Phú Thọ nói riêng tự đặt ra câu hỏi cần
phải làm gì đây để bản trường ca của nhân loại vang vọng mãi mãi muôn đời.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hat-xoan-phu-tho-nhung-dieu-cot-loi-604403