Khám phá tỉnh Đắk Lắk

2024/12/06

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Bài viết dưới đây, AGS sẽ cùng các bạn đi khám giá vùng đất cao nguyên Đắk Lắk luôn nổi tiếng với điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành cùng văn hóa cảnh đẹp bất tận khiến cho bất kì ai đặt chân đến nơi này cũng phải thích thú.

Điều kiện tự nhiênVị trí địa lý

Tỉnh Đắk Lắk, có diện tích 13.125,37 km2, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 107o28'57" đến 108o59'37" độ kinh Đông và từ 12o9'45" đến 13o25'06" độ vĩ Bắc, có độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.
  • Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai
  • Phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa
  • Phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông
  • Phía Tây giáp Campuchia.

Địa hình

Địa hình của tỉnh rất đa dạng: nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính. Địa hình của tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.

Khí hậu

Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông và phía Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh được chia ra thành 6 tiểu vùng:
  • Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp chiếm 28,43% diện tích tự nhiên.
  • Tiểu vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột – Ea H’Leo chiếm 16,17% diện tích tự nhiên.
  • Tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk chiếm 15,82% diện tích tự nhiên.
  • Tiểu vùng đất ven sông Krông Ana – Sêrêpôk chiếm 14,51% diện tích tự nhiên.
  • Tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin chiếm 3,98% diện tích tự nhiên.
  • Tiểu vùng núi Rlang Dja chiếm 3,88% diện tích tự nhiên.
Nhìn chung khí hậu khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao: vùng dưới 300 m quanh năm nắng nóng, từ 400 – 800 m khí hậu nóng ẩm và trên 800 m khí hậu mát. Tuy nhiên, chế độ mưa theo mùa là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá.
Khí hậu có 02 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể.

Tài nguyên đất

Một trong những tài nguyên lớn được thiên nhiên ưu đãi cho Đắk Lắk đó là tài nguyên đất. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.085 km2, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm khác như: đất phù sa, đất gley, đất đen.
Các đất hình thành từ đá bazan có độ phì khá cao (pH/H2O từ trung tính đến chua, đạm và lân tổng số khá). Sự đồng nhất cao giữa độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì nhiêu thực tế của các nhóm đất và loại đất, được phân bố trên cao nguyên Buôn Ma Thuột trải dài khoảng 90 km theo hướng đông bắc - tây nam và rộng khoảng 70 km. Phía bắc cao nguyên này (Ea H’Leo) cao gần 800 m, phía nam cao 400 m, càng về phía tây chỉ còn 300 m, bề mặt cao nguyên rất bằng phẳng chỉ còn điểm một vài đồi núi.

Nhóm đất phù sa (Fuvisols):

Được hình thành và phân bố tập trung ven các sông suối trong tỉnh. Tính chất của loại đất này phụ thuộc vào sản phẩm phong hoá của mẫu chất..

Nhóm đất Gley (Gleysols):

Phân bố tập trung ở các khu vực thấp trũng thuộc các huyện Lắk, Krông Ana và Krông Bông.

Nhóm đất xám (Acrisols):

Là nhóm lớn nhất trong số các nhóm đất có mặt tại Đắk Lắk, phân bố ở hầu hết các huyện.

Nhóm đất đỏ (Ferrasol, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan).

Là nhóm đất chiếm diện tích lớn thứ hai (sau đất xám) chiếm tới 55,6% diện tích đất đỏ bazan toàn Tây Nguyên. Đất đỏ bazan còn có tính chất cơ lý tốt, kết cấu viên cục độ xốp bình quân 62 - 65%, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao... rất thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu... và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.

Tài nguyên nước

  • Nguồn nước mặt: Với những đặc điểm về khí hậu-thủy văn và với 3 hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đều trên lãnh thổ (hệ thống sông Srepok; hệ thống sông Ba, hệ thống sông Đồng Nai) cùng với hàng trăm hồ chứa và 833 con suối có độ dài trên 10 km, đã tạo cho Đắk Lắk một mạng lưới sông hồ khá dày đặc.
  • Nguồn nước ngầm: Tập trung chủ yếu trong các thành tạo Bazan & Trầm tích Neogen đệ tứ, tồn tại chủ yếu dưới 2 dạng: Nước lỗ hổng và nước khe nứt. Tổng trữ lượng ước tính:
  • Chất lượng nước thuộc loại nước siêu nhạt, độ khoáng hoá M= 0,1 - 0,5, pH = 7-9. Loại hình hoá học thường là Bicacbonat Clorua - Magie, Can xi hay Natri.

Tài nguyên rừng

Sau khi chia tách tỉnh, diện tích đất có rừng của Đắk Lắk là 608.886,2 ha, trong đó rừng tự nhiên là 594.488,9 ha, rừng trồng là 14.397,3 ha. Rừng Đắk Lắk được phân bố đều khắp ở các huyện trong tỉnh, đặc biệt là hành lang biên giới của tỉnh giáp Campuchia. Rừng Đắk Lắk phong phú và đa dạng, thường có kết cấu 3 tầng: cây gỗ, có tác dụng phòng hộ cao; có nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học; phân bố trong điều kiện lập địa thuận lợi, nên rừng tái sinh có mật độ khá lớn. Do đó rừng có vai trò quan trọng trong phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước và hạn chế thiên tai. Rừng Đắk Lắk có nhiều loại động vật quý hiếm phân bổ chủ yếu ở vườn Quốc gia Yok Đôn và các khu bảo tồn Nam Kar, Chư Yangsin... có nhiều loại động vật quý hiếm ghi trong sách đỏ nước ta và có loại được ghi trong sách đỏ thế giới. Rừng và đất lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.

Tài nguyên khoáng sản

Đắk Lắk không những được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất, rừng mà còn rất phong phú và đa dạng về các loại hình khoáng sản. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng khác nhau, nhiều loại quý hiếm. Như sét cao lanh (ở M’Drắk, Buôn Ma Thuột - trên 60 triệu tấn), sét gạch ngói (Krông Ana, M’Drắk, Buôn Ma Thuột - trên 50 triệu tấn), vàng (Ea Kar), chì (Ea H’Leo), phốt pho (Buôn Đôn), Than Bùn (Cư M’Gar), đá quý (Opan, Jectit), đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng... phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh.

Dân cư

Cộng đồng dân cư Đắk Lắk gồm 47 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc:
  • Dân tộc Kinh
  • Dân tộc Ê Đê
  • Dân tộc M'Nông
  • Dân tộc Gia Rai
  • Dân tộc Tày
  • Dân tộc Thái
  • Dân tộc Nùng
  • Dân tộc Mông
  • Dân tộc Dao

Lịch sử hình thành và phát triển

Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.
Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Từ giữa thế kỷ XII, đồng bào dân tộc ở miền Trung Tây Nguyên đã từng đứng dậy đấu tranh chống sự xâm lược của Chiêm Thành. Đến năm 1470, khi Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía nam của nước Đại Việt, bị quan quân nhà Lê đánh tan. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, nhà Lê một mặt tôn trọng đường ranh giới giữa vùng cư trú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với đồng bằng; mặt khác đã có những chính sách nhằm duy trì mối quan hệ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm 1540, khi Bùi Tá Hán được triều đình cử làm Tuần Tiết xứ Nam Ngãi, kiêm cả các vùng dân tộc miền núi phía Tây. Ông đã cho di dân lên lập ấp trên miền núi, mở mang buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, tiến cử các vị tù, tộc trưởng ở địa phương và tấn phong vua Hỏa Xá và Thủy Xá. Từ đó cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này, địa bàn Tây Nguyên-Daklak được gọi là trấn Man, do triều đình gián tiếp quản lý. Về hành chính, trấn Man chia thành 4 nguyên và 5 đạo và về quân sự, nhà Nguyễn lập ra một số đồn lính, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các họat động do thám, nắm tình hình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược Tây Nguyên, Đắk Lắk. Đến năm 1898, chúng tập trung lực lượng đánh chiếm Buôn Đôn và lần lượt mở rộng chiến tranh đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk.
Sau khi chiếm Đắk Lắk, thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy thống trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk vào năm 1904 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Chúng chia Đắk Lắk làm 5 quận, áp đặt chế độ trực trị, thực hiện chính sách "chia để trị". Nhưng cũng chính từ sự áp bức, bóc lột hà khắc đó, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã liên tục và anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các vị Tù trưởng. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong tỉnh liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang; như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao (1890-1904), cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh (1900 -1914), cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai (1903 - 1909. Tiêu biểu hơn cả là cuộc nổi dậy của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa này kéo dài 23 năm (1912-1935) lôi cuốn đồng bào các dân tộc, không chỉ ở cao nguyên Dak Nông, mà cả Tây Nguyên và Cam pu chia hưởng ứng.
Cùng với các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang do các vị tù trưởng lãnh đạo, trong tỉnh cũng đã xuất hiện một số phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của tầng lớp công chức, viên chức, trí thức, học sinh chống chính sách chia để trị của thực dân Pháp, chống chính sách ngu dân, khinh miệt đồng bào các dân tộc bản xứ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh do hai giáo chức yêu nước người Ê đê là Y Jút và Y út lãnh đạo (1925 - 1926).
Cũng trong thời kỳ này, do chính sách lập đồn điền khai thác thuộc địa, ở Đắk Lắk đã xuất hiện một tầng lớp công nhân làm thuê cho các đồn điền bót lột và hành hạ. Để chống lại sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, công nhân các đồn điền đã nhiều lần tổ chức các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của công nhân thời kỳ này là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Mai ô (Maillot) năm 1927, cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Rossi, CHPI năm 1933, công nhân cầu đường Buôn Hồ 1935 và sau này là công nhân đồn điền CADA...
Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đọan kết thúc, nhất là sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, tình hình phong trào Cách mạng trong tỉnh phát triển sôi nổi. Các tổ chức đòan thể, các Hội quần chúng lần lượt ra đời, lôi cuốn lực lượng công nông, trí thức, thanh niên, phụ nữ tham gia họat động Việt Minh. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, sau cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi ở Buôn Ma Thuột: hàng vạn quần chúng đã đồng lọat đứng lên ủng hộ ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và nhân dân làm chủ vận mệnh của mình.
Sau khi xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân phát xít, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, chung sức chung lòng bắt tay xây dựng chế độ mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ủy ban Việt Minh, nhân dân Đắk Lắk hăng hái tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chống giặc đói, giặc dốt, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng mà cách mạng đã mang lại.
Ngày 30 tháng 12 năm 1945 quân đội Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai. Quân dân Buôn Ma Thuột và quân dân các dân tộc trong tỉnh đã đứng dậy đấu tranh. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ và ác liệt cuối cùng đã giành được thắng lợi
Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, với âm mưu xâm chiếm miền Nam chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng với nhân dân cả nước đồng bào các dân tộc Đắk Lắk tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù nguy hiểm hơn, độc ác hơn đó là đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Trong hơn 20 năm chiến chiếm đóng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã tập trung biết bao tiềm lực quân sự và chính trị, nhằm xây dựng Đắk Lắk thành một địa bàn chiến lược trọng yếu, với nhiều thủ đoạn hòng đè bẹp ý chí cách mạng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. Nhưng vượt lên trên mọi hy sinh tổn thất to lớn và nặng nề nhất, quân dân các dân tộc đã kề vai sát cánh bên nhau, bền bĩ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đọan của kẻ thù, lập nên những chiến công oanh liệt: đồng khởi phá kềm 1960-1961, phá ấp giành dân giải phóng nông thôn 1964-1965, tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu thân 1968, đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ Ngụy 1969-1972. Cuối cùng đã làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột (Ngày 10/03/1975), mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Những nét văn hóa Đắk Lắk thú vị khiến du khách mê mẩn

1. Văn hóa cộng đồng

Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, quan hệ xã hội cốt yếu của các dân tộc không chỉ mang đậm tính huyết thống mà còn có cả tính tập thể bền chặt. Họ luôn tôn thượng tinh thần đoàn kết. Bất kỳ một công việc gì, từ nhỏ bé cho đến trọng đại đều phải có sự quyết định của tập thể và thực hiện bởi cả một tập thể. Đó là nét văn hóa quý giá của Đắk Lắk mà nhiều người hay nhiều nơi cần phải học tập.

2. Văn hóa nhà dài

Nhà rông hay nhà sàn có lẽ không còn xa lạ gì với chúng ta, nhưng khi nhắc đến nhà dài sẽ có không ít người cảm thấy khá ngạc nhiên cho xem. Trong khi hiện nay, hầu hết các gia đình đều tách ra sống riêng, các gia đình có 3 thế hệ sống cùng nhau có thể đếm trên đầu ngón tay thì ở Đắk Lắk, người ta có thể sống từ 5 đến 10 hộ chung trong một nhà dài, ngay cả khi chẳng có cùng huyết thống.


Bởi theo quan niệm của họ, làm một nhà dài như vậy sẽ đỡ tốn phên che vách hông, các hộ gia đình nếu muốn gặp nhau trong trời mưa sẽ chẳng sợ bị ướt, khi nhà có người mất sẽ chẳng sợ ma, đặc biệt là khi sống như vậy họ có thể giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua hoạn nạn – một nét văn hóa Đắk Lắk rất đáng được trân trọng.
Nhà dài của đồng bào dân tộc được thiết kế theo một trật tự rõ ràng: kho lúa trên gác, ở giữa là bếp nấu ăn, hai bên là nơi ngủ của các hộ gia đình. Cột nhà thì được xây bằng gỗ tốt để không bị mối ăn, mái nhà được lợp bằng mây đánh ghép hoặc lá cỏ tranh đánh thành tấm, đơn sơ nhưng rất chắc chắn, rất khó bị lật.

Văn hóa cồng chiêng

Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu nhắc đến văn hóa Đắk Lắk mà bỏ qua văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, sau Nhã nhạc cung đình Huế.


Bạn biết đấy, rất nhiều các quốc gia ở Đông Nam Á có cồng chiêng, nhưng lại chỉ có cồng chiêng Tây Nguyên ở Việt Nam mới được UNESCO công nhận, từ đó có thể thấy được giá trị văn hóa vĩ đại của loại nhạc cụ này.
Hơn nữa, thay vì đưa nó lên thành chuyên nghiệp và mang yếu tố cung đình, hoàng gia như Thái Lan, Lào, Indonesia…thì ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng vẫn là của cộng đồng, tức vẫn là vốn tài sản quý giá và thiêng liêng của các đồng bào dân tộc, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã phát sinh ra nó.
Người dân ở đây tôn thờ cồng chiêng đến mức còn tổ chức hẳn lễ hội cồng chiêng - lễ hội Đắk Lắk lớn nhất trong năm vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa để phát triển du lịch. Đến đây, được nghe âm thanh sống động của tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, được hòa vào không khí vui tươi nhộn nhịp, đầy ắp tiếng cười của người dân, chắc chắn bạn sẽ thấy thêm yêu và trân trọng cuộc đời hơn đấy nhé.

Văn hóa sử thi

Chắc hẳn những ai đã trải qua thời cấp 3 “vật vã” đều không thể quên được tác phẩm sử thi Đăm Săn ấn tượng ca ngợi người anh hùng đã có công bảo vệ buôn làng, chống lại thế lực đen tối. Vâng, đó chỉ là một trong vô vàn các tác phẩm sử thi Tây Nguyên mang theo lý tưởng nhân văn lớn lao của cả cộng đồng, đồng thời cũng là một nét văn hóa độc đáo của Đắk Lắk.
Sử thi là cuốn bách khoa toàn thư chứa đựng cả một bề dày văn hóa và dày dần lên theo chiều dài của lịch sử, nó thậm chí còn có thể sánh ngang với thần thoại Hy Lạp nổi tiếng toàn thế giới.
Điều đặc biệt của văn hóa sử thi là nó được truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền miệng và lưu lại trong trí nhớ của người dân. Mỗi khi có dịp lễ như: cưới hỏi, mừng nhà mới hay mừng trẻ nhỏ đầy tháng…thì sử thi lại được cất lên theo hình thức hát, kể hoặc diễn xướng. Qua đó có thể thấy, thay vì chỉ tồn tại trong sách vở, trên những con chữ thì sử thi ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên lại “sống” cùng cộng đồng trong đời sống thường nhật, gắn kết sâu sắc chẳng thể tách rời.
Hiện nay, Đắk Lắk là nơi hiếm hoi còn tồn tại các nghệ nhân hát, kể sử thi. Vì vậy, nếu được một lần nghe sử thi giữa không gian núi rừng bao la kỳ bí, bên bếp lửa bập bùng huyền ảo và thưởng thức chén rượu cần cay nồng, chắc chắn cái cảm giác say mê nửa hư nửa thực ấy sẽ khiến bạn ngàn đời không quên cho xem.

Văn hóa mẫu hệ

Sau khi trải qua xã hội phong kiến, tư tưởng phụ hệ, thậm chí là trọng nam khinh nữ được hình thành. Dù ngày nay quyền bình đẳng đã được coi trọng, nhưng nét văn hóa con trai đi lấy vợ và sống ở gia đình nhà chồng vẫn được các gia đình người Việt thực hiện, thì ở Đắk Lắk vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ, biểu hiện ở tập tục: cưới chồng, đón rể, ở rể và con cái theo họ mẹ - một bản sắc văn hóa Đắk Lắk cực kỳ ấn tượng.
Văn hóa mẫu hệ còn được thể hiện ngay cả trên các kiến trúc, điêu khắc, các hoa văn trang trí và các hình thêu trên thổ cẩm. Theo đó, mặt trăng là biểu tượng của người phụ nữ, khi đặt trên cây nêu sẽ tượng trưng cho sự huyền bí, còn khi đặt ở cầu thang thì thể hiện quyền lực mẫu hệ trong gia đình.
Việc giữ gìn chế độ mẫu hệ không chỉ tạo một nét văn hóa riêng cho Đắk Lắk mà còn làm phong phú thêm các phong tục, lễ nghi và lễ hội của vùng đất đại ngàn hùng vĩ, khiến du khách càng bị cuốn hút hơn.

Địa điểm du lịch ở Đắk Lắk

Hồ Lắk

Là hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên và lớn thứ 2 cả nước (sau hồ Ba Bể), hồ Lắk là một trong những địa điểm du lịch Đắk Lắk không thể bỏ qua. Được bao bọc bởi các cánh rừng nguyên sinh và dãy Chư Yang Sin ở thượng nguồn, nơi này luôn đầy ắp nước quanh năm và đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa lòng Tây Nguyên.

Buôn Đôn

Buôn Đôn (hay còn được gọi là bản Đôn) là điểm du lịch Đắk Lắk quen thuộc nhất với hầu hết mọi người, dù đã đặt chân đến đây hay chưa. Đây là một ngôi làng nhỏ nằm trên hòn đảo nổi giữa dòng sông Sêrêpốk, cách trung tâm thành phố gân 40km. Đến với tọa độ này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc diệu kỳ của núi rừng bạt ngàn cực thơ mộng



Nơi này còn nổi tiếng với những ngôi nhà rông theo kiến trúc truyền thống Tây Nguyên cổ của người Ê đê và M’Nông cùng văn hóa cồng chiêng đặc sắc. Một điều bạn phải làm khi đến Buôn Đôn chính là ghé thăm những chú voi. Hiện tại, buôn Đôn đã không còn cho phép khách du lịch cưỡi voi nên bạn có thể ngắm nhìn, chơi cùng và tắm cho voi nhé.
Xung quanh Buôn Đôn còn có nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn Đắk Lắk như cầu treo trên sông Sêrêpốk, hồ Dakmil, mộ vua voi Khunjunop… Thời điểm đẹp nhất để vi vu Buôn Đôn là tháng 12 - tháng 3 năm sau khi thời tiết dễ chịu nhất và cũng là mùa lễ hội truyền thống tại đây (lễ hội đua voi, lễ hội cà phê…).

Vườn quốc gia Yok Đôn

Thêm một địa điểm du lịch Đắk Lắk dành cho hội mê khám phá thiên nhiên, chính là vườn quốc gia Yok Đôn. Cách nội đô Buôn Ma Thuột khoảng 40km, tọa độ này là một trong những khu bảo tồn có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Với diện tích “khủng” lên đến hơn 115.000 ha, Yok Đôn trải rộng trên địa phận 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tại vườn quốc gia có đến 90% diện tích rừng nguyên sinh, trong đó, rừng khộp là chủ yếu. Đây cũng là khu rừng duy nhất tại Việt Nam còn bảo tồn loại rừng đặc biệt này.
Được bao bọc bởi 2 ngọn núi Reheng, Yok Đôn cùng nhiều sông suối, thác nước, địa hình tại vườn quốc gia Yok Đôn tương đối bằng phẳng. Vì vậy, bạn có thể trekking, cưỡi voi, đi thuyền độc mộc hay đạp xe khám phá khắp nơi.

Thác Dray Sáp - Dray Nur

Bộ đôi thác Dray Sáp - Dray Nur là 2 dòng thác đẹp nhất Tây Nguyên và đều nằm trên dòng Sê rê Pốk hùng vĩ. Với độ cao hơn 50m, Dray Sap đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc với suối nước tuôn trào trắng xóa được ôm trọn bởi các cánh rừng nguyên sinh và hang đá nham thạch với hình khối cực độc đáo.
Thác Dray Nur nối liền Dray Sap nhờ một chiếc cầu treo bắt qua dòng Sê rê Pốk. Nằm tại độ cao khoảng 30m, dòng nước của thác Dray Nur cũng chảy mạnh tương tự Dray Sap. Xung quanh Dray Nur là những tán cây cổ thụ với bộ rễ lạ mắt và nhiều thảm cỏ nhỏ.


Để đến được cụm tháp này, bạn phải băng rừng trong gần 3 giờ. Cung đường rừng đến thác khá gập ghềnh nên bạn hãy thuê xe địa hình và đem theo thuốc chống côn trùng để đảm bảo an toàn nhé. Thời điểm đẹp nhất để đến thác là tháng 2 - tháng 5 vì lúc này thác chảy êm, khá nhiều nước và bạn có thể lội nước bên dưới thác nữa đấy.

Đặc sản truyền thống Đắk Lắk đậm dấu ấn vùng cao nguyên

Gà nướng Bản Đôn

Gà nướng Bản Đôn là món đặc sản truyền thống Đắk Lắk nổi tiếng, trở thành biểu tượng của nền ẩm thực thành phố Buôn Ma Thuột. Gà nướng Bản Đôn được làm từ những con gà chắc thịt được nuôi thả rông. Để tạo được hương vị riêng và trở thành đặc sản của Đắk Lắk, người dân Bản Đôn đã có bí quyết chế biến riêng.


Những con gà được nướng chỉ nặng hơn 1kg, được làm sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi đem nướng trên than củi. Để ăn gà nướng Bản Đôn chuẩn vị thì phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Dù là loại muối nào cũng phải được giã với ớt rừng xanh. Loại ớt này ăn giòn thơm, rất hấp dẫn. Nếu ăn gà nướng kèm với những thanh cơm lam chín dẻo mềm thì càng ngon hơn.

Bơ sáp

Một trong số những món đặc sản truyền thống Đắk Lắk không thể bỏ qua trong danh sách này chính là bơ sáp. Đây là một trong những loại trái cây sạch được nhiều người ưa thích và rất tốt cho sức khỏe. Nói đến bơ sáp thì nhiều vùng cũng có, nhưng bơ sáp Đắk Lắk lại đặc biệt hơn, bơ đặc sản của Đắk Lắk dẻo quánh, đặc ruột, ít sượng, không bị sơ, ít đắng và cầm nặng tay hơn các loại bơ khác, bơ có vị béo thơm đặc trưng mà không loại bơ nào sánh được. Bơ sáp có thể ăn kèm với đá, thêm chút sữa đặc sẽ khiến món ăn trở nên bắt vị, thơm béo, gây “nghiện” thực khách.

Cơm lam

Cơm được cuộn nấu trong ống tre nén chặt bằng lá chuối đem vùi trong lửa. Cơm khi chín sẽ thơm ngon mang vị thanh ngọt của tre hòa nguyện với vị ngọt của hạt gạo, làm say lòng bất cứ ai nếu thưởng thức. Cơm sẽ thường được thổi chung với một ít nước cốt dừa. Vị cơm chín ngọt ngọt, nước cốt dừa hơi ngậy kết hợp với mùi ống nứa non khiến bạn cảm giác hương vị vừa lạ vừa quen. Cơm hơi xém một chút thì càng đậm hương vị hơn nữa.

Rượu cần

Rượu cần là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tây Nguyên. Sở dĩ gọi là rượu cần, vì khi uống, người ta dùng một cái ống gọi là “cần” để hút lên. Đối với người dân Đắk Lắk, rượu cần là sản phẩm văn hóa đặc trưng của mỗi gia đình. Rượu cần có độ nồng nhẹ, vị cay nhẹ, mùi thơm của gạo và lá rừng. Không chỉ vậy, rượu cần còn có một số lợi ích cho sức khỏe của bạn.

Cà phê

Cà phê phân chồn là loại cà phê trứ danh của Đắk Lắk. Được coi là thứ đặc sản quý giá của vùng cao nguyên này, một vùng đất vốn nổi tiếng trong và ngoài nước về quy mô cũng như năng suất sản xuất cà phê. Bạn có thể thưởng thức một ly café tại Đắk Lắk hoặc có thể mua về làm quà tặng đầy ý nghĩa.

Mật ong

Mật ong hoa cà phê được nhiều người ưa chuộng do có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên. Những chú ong sẽ lấy hết mật của hoa về để xây tổ cho mình. Chính vì thế, hương vị của loại mật này vô cùng đặc biệt và hương vị sẽ phụ thuộc nhiều vào từng loại cà phê của mỗi vùng. Đặc trưng của loại mật này là có màu vàng nhạt, sánh, mùi ngọt và thơm nhẹ.

Lẩu cá lăng

Ở Việt Nam có 2 vùng nhiều cá lăng nhất là vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Cá lăng với phần thịt rất săn chắc, khi ăn đem lại hương vị ngọt thanh nên rất được lòng thực khách. Người ta thường chế biến cá lăng thành món chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo… món nào cũng thơm cũng ngon. Nhưng thú vị nhất vẫn là lẩu cá lăng nấu canh chua, món ngon bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn trong mùa hè.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp
























Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ