Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

2025/01/17

ViệtNam-Lịchsử

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các bảo vật lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó chính là Đại hồng chung chùa Thiên Mụ thông qua món bảo vật quốc gia này chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ quốc từ đó khẳng định lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng AGS đi tìm hiểu về bảo vật này và giai thoại liên quan để chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn bạn nhé.

Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc. Một trong những điểm nhấn đặc biệt của chùa Thiên Mụ chính là quả Đại hồng chung - một quả chuông đồng lớn, biểu tượng của sự tinh xảo trong nghệ thuật đúc đồng và mang nhiều ý nghĩa tâm linh, được công nhận là Bảo vật Quốc gia từ năm 2013.


Vị Chúa Nguyễn là một Phật tử thuần thành

Chùa Thiên Mụ được xây dựng vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Theo truyền thuyết, chúa Nguyễn Hoàng trong một lần đi tuần du đã đến ngọn đồi Hà Khê bên bờ sông Hương. Tại đây, ông nghe kể về một bà lão mặc áo đỏ, quần xanh xuất hiện và nói rằng, nơi này sẽ có một vị chúa đến xây dựng chùa để cầu cho quốc thái dân an. Tin vào điềm lành này, chúa Nguyễn Hoàng đã quyết định xây dựng chùa Thiên Mụ trên ngọn đồi Hà Khê.
Sau này, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) dù xuất thân từ dòng dõi Nho học nhưng rất mến mộ đạo Phật và tự đặt cho mình đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Ông có công lớn trong việc mở rộng bờ cõi về phía Nam và phát triển đạo Phật từ khi kế vị năm 1691. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời Thạch Liêm hòa thượng (Thích Đại Sán) từ Trung Hoa sang tổ chức giới đàn, truyền sa di giới và chính ông cũng được Thạch Liêm hòa thượng truyền Bồ tát giới, đặt danh hiệu là Tào Động chính tông tam thập thế, pháp danh Hưng Long. Chúa Nguyễn Phúc Chu không chỉ nắm vương quyền mà còn là người truyền thừa đời thứ 30 của phái Tào Động.


Đại hồng chung chùa Thiên Mụ đúc năm 1710 để cúng dường đức Phật. Các chữ khắc trên chuông cho biết: “Quốc chúa nước Đại Việt là Nguyễn Phúc Chu truyền thừa đời thứ 30 của Tào Động thượng chánh tông, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung nặng 3.285 cân, nhập vào thiền tự Thiên Mụ do Chúa xây dựng để vĩnh viễn cúng dường Tam bảo”.
Chuông nặng 3.285 cân (hơn 2.000kg), cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối, hoa văn và những motif trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Đại hồng chung là một pháp khí quan trọng, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng của cả ba luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp. Quả chuông này được xem là một tác phẩm nghệ thuật trang trí tiêu biểu, thể hiện sự tinh xảo trong kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn. Tại vùng đất Cố đô, tiếng âm vang của chuông chùa Thiên Mụ tựa như lời nhắc nhở, khát vọng của người dân trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam, giúp cho Quốc tự Thiên Mụ ngày càng thu hút đông đảo Phật tử. Sự gắn bó giữa chùa và cộng đồng cũng tạo điều kiện cho triều đình gần gũi với nhân dân hơn, xây dựng niềm tin và nhận được sự ủng hộ, từ đó góp phần vào sự ổn định của quốc gia. Với vai trò quan trọng đó, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã trở thành biểu tượng kết nối giữa Phật giáo, quyền lực chính trị và tư tưởng đạo đức truyền thống, tạo nên một hệ tư tưởng chủ đạo cho xã hội đương thời.


Ngày nay, Hòa thượng Thích Minh Châu trong cuốn "Chánh pháp và hạnh phúc", "Chùa Việt Nam và mối liên hệ với nền văn hóa dân tộc" nhận xét rằng: "Tiếng chuông chùa Thiên Mụ biểu trưng cho sự hiện diện của Phật giáo hằng ngày, sớm và chiều tại cố đô Huế, trong lòng mỗi người dân tại Cố đô Huế". Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là biểu tượng văn hóa của người dân Huế. Nó mang ý nghĩa biểu tượng của cả ba luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo, thể hiện ước nguyện cho sự hòa bình và thịnh vượng.

Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn

Nếu chia theo bố cục ngang, Đại hồng chung được chia thành ba phần: Quai chuông, thân chuông và miệng chuông. Phần quai chuông thể hiện hình con bồ lao hai đầu quay ra hai phía, bốn chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Trên thân của bồ lao có một bông sen, bốn chân trước của hai mãng xà đặt lên đỉnh chuông. Thân chuông được chia thành bốn phần đều đặn do bốn dải sóng thẳng chia theo bốn hướng (Đông - Tây - Nam - Bắc), với sáu phần có hoa văn và chữ khác nhau. Phần thân chuông có nhiều hoa văn, motif biểu thị tinh thần triết lý phương Đông với bốn hình con rồng và bốn hình con chim phượng xen kẽ nhau. Hoa văn rồng và phượng luôn ở trong tư thế chuyển động, biểu tượng rồng phượng cũng được xem là sự hài hòa của âm dương. Phần dưới cùng của thân chuông có một đường viền nhỏ cùng với đường hạt cườm chạy quanh chu vi miệng chuông, từ đường hạt cườm loe ra là miệng chuông có trang trí hoa văn thủy ba. Hoa văn sóng nước này được khắc họa thành bốn lớp sóng lớn, ba lớp sóng nhỏ được chạm khắc rất tỉ mỉ, to nhỏ khác nhau tạo nên sự vận động không ngừng nghỉ chạy đều quanh chuông theo lối trang trí đường diềm. Hình chạm sóng nước ở đây được diễn tả theo lối thực chứ không cứng cỏi và trừu tượng như ở một số chuông khác.
Một trong những nét đặc trưng mà ít chuông có được là hình đúc nổi Bát bửu trên thân chuông. Ở giữa tám vật quý này đều có một dải là quấn ngang ở giữa và hai đầu uốn lượn. Đây là một cách trang trí ước lệ rất cổ điển được duy trì ở các thế kỷ trước trên các chất liệu khác nhau như gỗ, sành sứ... Bộ bát bửu này là sự kết hợp giữa bát bửu của Phật giáo với bát bửu của Đạo giáo.


Theo L. Cadière trong bài khảo cứu "Các motif mỹ thuật An Nam", bộ bát bửu của Đạo giáo gồm: Cây quạt, kiếm, bầu hồ lô, cặp phách, giỏ hoa, ống trúc và cây roi, cây sáo, đóa hoa sen. Trên Đại hồng chung chùa Thiên Mụ không có hình giỏ hoa, ống trúc và cây roi, đóa hoa sen, thay vào đó là ống sáo, đèn lồng, bút lông, là những biểu tượng trong bộ bát bửu của Phật giáo.
Các nét trang trí trên Đại hồng chung này thể hiện tính tổng hợp và dung hòa cả ba luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo. Phật giáo Việt Nam đã không tách rời niềm tin với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, mong cho “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, tức là cầu mong nước nhà thái bình yên ổn, mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Những hoa văn, motif được khắc họa ở Đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã thể hiện triết lý Việt tức là một triết lý bao dung, không phân biệt, không chấp ngã. Đại hồng chung này là nơi duy nhất của chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc bốn chữ: “Thiên Mụ thiền tự”. Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ là một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn. Cùng với bia và rùa đá, Đại hồng chung là một trong những bảo vật của chùa Thiên Mụ và cũng là một bảo vật trong kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ