Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới
thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ hội cầu bông
của người Kinh, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu
truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm
hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.
Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước
Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước được hình thành cùng với quá trình
di dân và định cư của người Kinh tại vùng đất này. Cùng quá trình khai phá và
định cư, người Kinh đã mang theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng
làng xã đến với vùng đất mới, trong đó có tục thờ cúng Thành Hoàng, những bậc
tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Hiện nay, Lễ hội Cầu bông ở tỉnh Bình
Phước được cộng đồng thực hành tại 5 ngôi đình và một miếu thờ Thành hoàng, cụ
thể: đình Hưng Long (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), đình Tân Khai (xã
Tân Khai), đình Thanh An (xã Thanh An), đình Suối Cạn (xã Minh Hưng, huyện Hớn
Quản), đình Tân Lập Phú (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long), miếu Đức Hòa
(thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng).
Lễ hội Cầu bông ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gắn với
quá trình hình thành các ngôi đình thần và hoạt động sản xuất nông nghiệp của
những cư dân người Kinh sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mục đích chính
của lễ hội là cầu mong các vị nhiên thần, nhân thần và những bậc tiền hiền,
hậu hiền phù trợ cho nhân dân trong xóm làng tiến hành một vụ mùa bội thu, mưa
thuận, gió hòa cho cây trái xanh tốt.
Hàng năm, tại các đình thần thường diễn ra các nghi thức, nghi lễ cúng tế các
vị Thần Thành Hoàng Bổn cảnh, trong đó, có hai nghi lễ chính đó là Lễ Kỳ yên
và Lễ Cầu bông. Lễ hội Cầu bông ở mỗi địa phương tổ chức vào những ngày khác
nhau, nhưng thường tổ chức trong tháng Tám, Chín và tháng Mười (Âm lịch). Đình
thần Hưng Long tổ chức Lễ hội Cầu bông vào ngày 15 và 16 tháng Bẩy, đình thần
Tân Khai vào ngày 17 và 18 tháng Tám, đình thần Thanh An vào ngày 15 và 16
tháng Mười, đình thần Tân Lập Phú vào ngày 8 và 9 tháng Chín, miếu thần hoàng
Đức Hòa từ ngày 13 đến 14 tháng Mười, đình thần Suối Cạn vào ngày 18 tháng
Sáu. Theo phong tục, cứ 3 năm sẽ tổ chức đại lễ một lần (gọi là tục tam niên
đáo lệ), trong đại lễ thường có hát bội.
Lễ hội Cầu bông ở Bình Phước thường được tổ chức trong hai ngày: Ngày thứ nhất
có lễ trình thần, lễ rước bội, lễ thỉnh sanh, lễ tiên thường; Ngày thứ hai là
lễ chính tế với các nghi thức khai lễ, lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, các trò
diễn.
Lễ trình thần
Chiều ngày thứ nhất, Ban Quý tế dâng lễ trình báo với Thành hoàng về những
người sẽ thực hành các nghi lễ của Lễ hội Cầu bông. Nghi thức cúng Thành
Hoàng, các thành viên trong Ban Quý tế trang phục gọn gàng, khấn cúng niệm
hương, không có văn tế. Sau khi Chánh tế thực hiện nghi thức cúng Thành Hoàng,
các thành viên tiến hành thắp hương lên bàn thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu
hiền để trình Thần các thành viên Ban Quý tế sẽ thực hiện các nghi lễ sắp được
diễn ra tại đình thần.
Lễ rước bội
Hát bội chỉ được tổ chức vào những năm tiến hành đại lễ. Để tổ chức việc này,
Ban Quý tế sẽ liên hệ với đoàn hát và chuẩn bị võ ca để tổ chức hát bội tại
đình thần, võ ca thường được bố trí trước cửa đình và quay vào chính diện của
đình. Đến lễ chính, khi đoàn hát bội đến cửa đình, đại diện đoàn hát bội sẽ
thắp nhang lên trên ngai thờ Tổ hát bội, lúc này Chánh tế sẽ bưng một khay
trầu, rượu, nhang đèn, cùng các thành viên trong Ban Quý tế đem theo dàn lễ bộ
ra cổng đình trao cho đại diện đoàn, để nghênh đón rước Tổ hát bội và đoàn hát
bội vào đình. Sau đó, đoàn hát bội sẽ đưa Ngai thờ Tổ vào đình để xin phép
Thành hoàng được đặt Ngai thờ Tổ sau sân khấu của võ ca. Lúc này đoàn hát bội
mới tiến hành đưa các dụng cụ, đồ dùng của đoàn hát bội vào đình và tiến hành
những công tác chuẩn bị cho hoạt động biểu diễn của đoàn hát.
Lễ thỉnh sanh
Thực hiện vào khoảng 15 giờ, dâng trình lễ vật và xin phép Thành Hoàng cho
được mổ heo để dùng cho lễ hội. Heo được chuẩn bị cho nghi lễ cúng là một con
heo sống tuyền sắc (một màu - con vật thuộc loại nguyên sinh, thuần chủng
không phải là giống lai tạp) thể hiện cho sự nguyên vẹn của lễ vật dâng cúng
lên Thành hoàng. Heo dâng cúng được tắm rửa sạch và cột bốn chân chắc chắn để
đưa lên đặt trước bàn thờ Thành Hoàng, ngoài ra còn các lễ vật là hoa quả,
nhang, đèn, trầu, rượu… được sắp đặt tại bàn thờ Thành Hoàng và các bàn thờ
Tiền hiền, Hậu hiền, bàn thờ Thần nông của đình thần. Sau khi đã chuẩn bị xong
lễ vật, Ban Quý tế sẽ thực hiện nghi thức cúng, báo cáo heo tuyền sắc đang còn
sống và xin Thần Thành Hoàng được phép làm thịt heo để dùng cho lễ hội. Sau
khi kết thúc Lễ thỉnh sanh, con heo sống được mổ thịt. Người mổ heo dùng một
cái chung nhỏ để lấy một ít huyết heo và một nhúm lông gáy, lông đuôi của con
heo (gọi là huyết mao) để dâng cúng Thành Hoàng ở nghi thức tiếp theo, chung
đựng huyết mao sẽ được bọc giấy tiền vàng mã. Thịt heo sau khi được làm sạch
sẽ, vẫn để nguyên con tiếp tục được đưa lên chính điện cùng với phần huyết mao
để dâng cúng Thành Hoàng. Riêng phần lòng heo và huyết heo sẽ được dùng để nấu
cháo dâng cúng trên đình thần.
Lễ tiên thường
Thực hiện vào 18 giờ, là nghi lễ dâng cúng lễ vật báo cáo với Thành Hoàng sau
khi đã mổ thịt heo chuẩn bị cho chính lễ ngày hôm sau. Lễ vật dâng cúng trong
lễ tiên thường là thịt heo sống nguyên con cùng với cháo được nấu với lòng và
huyết heo được đặt lên bàn thờ Thành Hoàng và các ban thờ khác tại đình thần.
Sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong, Chánh tế và các thành viên trong Ban
Quý tế sẽ tiến hành bái ba bái trước bàn thờ và sau đó dâng hương lên trên bàn
thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền trong đình.
Lễ chính tế
Sang ngày thứ hai, Ban Quý tế thực hiện nghi thức chính lễ. Lễ vật dâng cúng
tại bàn thờ Thành hoàng (một phần thịt sườn heo sống, 7 thanh sườn heo); tại
ban thờ Tiền hiền, Hậu hiền (phần thịt heo sống với 5 thanh sườn heo); tại ban
thờ Chúa tể sơn lâm (một phần thịt heo sống, ngoài ra còn có các lễ vật khác
gồm hoa quả, nhang đèn, hương đăng, rượu, trà, cau trầu...). Cùng với các lễ
vật do Ban Quý tế chuẩn bị, nhân dân và du khách thập phương đến tham dự lễ
hội sẽ đặt các lễ vật dâng cúng tại bàn hội đồng trước bàn thờ Thành Hoàng.
Nghi thức tiến hành lễ chính tế được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng, bắt đầu là
nghi thức khai lễ, cúng tế và hóa văn, sau đó là lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền.
Sau khi cúng đình hoàn thành, cộng đồng sẽ vào đình dâng hương và cầu xin sức
khỏe, bình an, thịnh vượng, mùa vụ bội thu… Vào dịp đại lễ, đình thần thường
mời các đoàn hát bội về biểu diễn các tuồng, tích về lịch sử, văn hóa, sử thi
thần thoại hoặc những câu chuyện dân gian về các tích sử mang tính răn đe giáo
dục thể hiện cho tính nhân văn sâu sắc. Đình thần còn tổ chức các trò chơi dân
gian nhằm tạo ra không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt, như: chọi
gà, đụng trâu, đi cà kheo, đánh cờ…
Lễ hội Cầu Bông phản ánh quá trình khai hoang lập làng của người Kinh trên
vùng đất Bình Phước vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thông qua hoạt
động lễ hội tại đình thần đã phản ánh những ước mơ, khát vọng của cư dân người
Kinh đến Bình Phước từ thủa khai sơn mở cõi. Cùng với hoạt động lễ hội, đình
thần còn được xem như là một dấu ấn lịch sử về quá trình “Nam tiến” của những
cư dân người Kinh trên vùng đất Bình Phước nói riêng và Nam Bộ nói chung. Thực
hành lễ hội là dịp gắn kết cộng đồng, làng xã để vượt qua những lúc khó khăn,
vất vả của buổi đầu khai sơn phá thạch cũng như trong quá trình xây dựng và
phát triển lập nên các xóm làng người Việt trên vùng đất mới. Lễ hội Cầu Bông
thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, ghi
nhớ công ơn những người đi trước đã có công khai phá, tạo dựng nên những xóm
làng mới để các thế hệ sau tiếp bước xây dựng. Có thể thấy, lễ hội Cầu Bông là
kết quả của sự giao thoa văn hóa của cư dân các vùng miền của các dân tộc làm
nên sự đa sắc màu trong bức tranh văn hóa của Bình Phước nói riêng và cả nước
nói chung.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp