Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer

2025/01/03

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ hội đua ghe ngo của người Khmer, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer

Cho đến nay vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc hình thành và phát triển của lễ hội Óoc om bóc gắn với việc đua ghe Ngo của người Khmer, nhưng trong dân gian hiện lưu truyền rất nhiều truyền thuyết liên quan đến lễ hội này, trong đó có câu chuyện về tiền kiếp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Với quan niệm Thần linh giúp đỡ con người và con người có thể mạo phạm đến Thần linh nên hàng năm, người Khmer làm lễ để chuộc tội và tạ ơn Thần. Lễ hội cúng Trăng - Oóc om bóc, Thả hoa đăng, Thả đèn trời, đua ghe Ngo chính là hình thức mà người Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Thần Nước, Thần Đất, cầu xin sự “tha thứ” của Thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến môi trường xung quanh.
Tương truyền, tục đua ghe Ngo của người Khmer ở Sóc Trăng lần đầu tiên được tổ chức tại “Pem Kon Thô” (tức vàm Dù Tho ngày nay thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Sau năm 1975, đua ghe Ngo được tổ chức tại sông Nhu Gia và đến nay được tổ chức tại Kinh Sáng (hay còn gọi là sông Xung Đinh), thuộc trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng. Từ năm 2013, khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Sóc Trăng đứng ra tổ chức “Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - tỉnh Sóc Trăng lần thứ Nhất năm 2013”, theo định kỳ 2 năm tổ chức 01 lần, đua ghe Ngo được tổ chức với quy mô lớn hơn.
Lễ cúng Trăng (Oóc om bóc) hay lễ "Đút cốm dẹp" (Bon sâm peah preah khe) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ này diễn ra vào đêm trước rằm tháng “Ka-đâk” (ứng với ngày 15 tháng Mười Âm lịch), cũng là ngày cuối cùng của mùa Hạ và là thời gian thu hoạch các loại hoa màu, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Lễ vật cúng trăng gồm cốm dẹp, dừa, mía, khoai mì, khoai môn…


Ngày 15 tháng Mười là hội đua ghe Ngo truyền thống với sự tham gia của nhiều đội đua đến từ khắp các tỉnh/thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đua ghe Ngo trong lễ hội Óoc om bóc được thể hiện dưới 2 hình thức, đó là những nghi thức tế lễ ở gia đình hoặc ở chùa và hội đua ghe Ngo diễn ra tại Kinh Sáng.
"Tuk Ngô" (ghe Ngo) có kết cấu khởi thủy là thuyền độc mộc, làm bằng cây sao. Xưa người dân vào rừng tìm gỗ sao, làm lễ cúng Thần giữ rừng (Neak ta Prey ph'nôm) để được bình an vô sự rồi mới đốn cây. Họ phải dùng sức trâu hoặc voi kéo cây xuống sông, kết thành bè rồi thả theo dòng nước. Cây sao đem về phải cưa, đục, đẽo, khoét thành chiếc ghe độc mộc. Sau này, ghe được cải tiến nối thêm đầu và đuôi đều cong, người Khmer gọi là Tuk Ngô (Tuk là ghe, Cong là ngô - đọc thành Ngo). Những năm gần đây, người thợ đã không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe để chiếc ghe Ngo lướt nhanh nhất có thể. Ghe Ngo được đóng dài hơn, từ 30 - 31m, có sức chứa từ 55 - 60 người, thay vì chỉ từ 22 -27m như trước đây. Ghe Ngo có hình thù tựa con rắn Naga, mình thon, thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái một chút, có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 25 đôi. Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi. Đặc biệt, nghe Ngo có hai cây kềm chịu lực, đường kính 0,2m, thường là thân cây tràm vì cây này có độ dẻo, giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh, đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân ghe về phía sau), gọi là Đon Sonh-Tuôch (cây cần câu). Thân ghe được chà đi chà lại cho thật trơn bóng và sơn màu đen. Trên be sơn một lằn trắng, đỏ hoặc vàng tùy ý thích của sư cả trụ trì, có độ dài khoảng 5cm. Hai bên be chạm trổ hoặc vảy rồng, rắn theo mô típ Naga hay hoa lá cách điệu. Ở hai bên mũi ghe vẽ hình các con thú như: rồng, chim công, sư tử, cọp, voi... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp, đồng thời biểu hiện cho sức mạnh của ghe mình. Ngày nay, những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa nên ghe Ngo hiện đại được đóng bằng ván cây sao. Có lẽ do kết cấu của ghe ngày nay mỏng và nhẹ hơn ghe truyền thống nên lướt nhanh hơn. Ghe Ngo được bảo quản trong nhà để ghe dựng trong khuôn viên chùa. Mái che, dàn đà cao chắc chắn để che mưa nắng, phòng mối mọt. Nhà ghe là nơi thiêng liêng, ngày xưa phụ nữ không được đến gần. Tuy nhiên, những những năm gần đây, cuộc đua đã có các đội ghe nữ tham gia tranh tài.
Người Khmer tin rằng, ghe Ngo là vật thiêng, làm việc gì với ghe Ngo cũng phải làm lễ. Để chuẩn bị cho cuộc đua, phải làm lễ hạ thuỷ để kêu gọi Thần linh (Prey) trợ giúp đội ghe thắng lợi. Buổi lễ có sự tham gia của các tay đua và cổ động viên trong phum sóc. Tùy điều kiện mỗi chùa mà lễ hạ thủy có cách thức tiến hành khác nhau, nhưng nhìn chung diễn ra theo trình tự sau: Người dân trong phum sóc tập trung về chùa cùng chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Lễ vật được bày cúng trên một chiếc bàn rộng trước mũi ghe Ngo. Thầy cúng làm lễ cùng với tiếng nhạc ngũ âm tấu khúc mời gọi vị Thần bảo vệ ghe Ngo là nữ thần Neng Khmau hay Neng Teo. Nhạc kết thúc, các vị sư đứng ở hai bên phần mũi ghe đọc kinh để cầu bình an, may mắn, thỉnh thoảng vẩy nước vào mũi ghe cầu may mắn, thuận lợi… Tiếp theo, thầy cúng quỳ lạy, cúng dâng lễ vật xin hạ thủy ghe Ngo, cầu xin sức mạnh, chiến thắng mọi địch thủ. Thầy cúng thoa dầu dừa lên mũi ghe và chia cho các tay đua thoa lên đầu. Các tay đua cùng thề nguyện đoàn kết, giành thắng lợi. Trống, còi nổi lên, các tay đua đứng hai bên ghe cùng nhấc bổng ghe lên và từ từ ra bờ sông, hạ xuống nước. Sau lễ cúng, miếng vải đỏ tượng trưng cho nữ thần Neng Khmau được đặt lên mũi ghe trong suốt cuộc đua. Các tay đua lên ghe theo vị trí đã được sắp xếp rồi đồng loạt vung tay chèo theo tiếng còi của huấn luyện viên. Chiếc ghe xé nước lao đi vun vút trong tiếng hò reo của những người theo dõi.
Thông thường, lễ hạ thủy sẽ diễn ra trước cuộc đua chính thức khoảng một tuần. Thời gian đó, đội đua thường xuyên tập luyện trên ghe để đảm bảo sự dẻo dai, đều tay, bền bỉ và quan sát và điều chỉnh hai cây kềm trên ghe sao cho phóng đi một cách nhanh nhất. Các đội thường tập dựa vào con nước vì nước ròng (kém) không tập được. Thời gian tập chủ yếu là sáng sớm và chiều mát để các tay đua không bị mất sức. Tuy nhiên, người ta còn chọn những buổi trưa nắng để tập nhằm nâng cao sức chịu đựng khi vào đua chính thức bởi khi đua có lúc đua từ sáng đến chiều, đòi hỏi sự bền bỉ về thể lực của các tay đua. Trên bờ, người dân ra bờ sông cổ vũ các tay đua của phum, sóc mình luyện tập rất đông.
Đội đua ghe thường có 70 - 80 người gồm tay bơi chính thức và dự bị, là những trai tráng khỏe mạnh được cộng đồng lựa chọn. Trên ghe Ngo có 3 người điều khiển. Người ngồi ở vị trí mũi ghe phải là người khá giả, có uy tín trong phum sóc. Khi được lựa chọn, người ngồi mũi là người chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật bơi của toàn đội, chỉ đạo các nghi lễ liên quan tới hoạt động đua ghe, chỉ đạo chuẩn bị lễ cúng, nuôi các tay bơi (“con dầm”) ăn, tập luyện và lo các chi phí khác cho cuộc đua (ngày nay, chi phí cho cuộc đua một phần được chính quyền địa phương hỗ trợ, một phần do nhà chùa quyên góp từ cộng đồng cư dân, tuy nhiên ở một số phum sóc vẫn còn giữ lệ này). Người thứ hai chịu trách nhiệm điều khiển chung bằng cách ra hiệu lệnh bằng còi hoặc cồng, đặc biệt là thúc giục nhóm tay bơi khu vực giữa ghe, được gọi là blong kchay. Người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ điều chỉnh kỹ thuật của các tay bơi, còn gọi là chỉ huy dàn lái (sayak). Sau người ngồi mũi là cặp “con dầm” được gọi là “s’ma tưm”. Cặp này phải có kỹ thuật bơi thật nhanh, theo đúng nhịp cồng hoặc còi để làm chuẩn mực cho các tay bơi ngồi phía sau. Tiếp theo là “kôn chro va” gồm 6 người ngồi bơi; rồi đến “kô lich” là 28 người quỳ bơi, khi ghe gần đến đích, 28 người này đồng loạt đứng lên, một chân làm trụ, một chân dồn lực đẩy hợp cùng cánh tay bơi dầm nhằm làm cho ghe lao nhanh về đích; sau đó là 8 “sroong dôn” làm nhiệm vụ nhún bơi. Cuối cùng là 3 tay lái: lái chính đứng sau cùng, 2 lái phụ đứng song song phía trước lái chính. Vì chiếc ghe Ngo có hình dáng thon dài như thân hình rắn, hai đầu cong lên, nên khi bơi, trông chiếc ghe như một con rắn đang trườn mình trên mặt nước, rất sinh động. Nhưng nếu động tác của đội bơi phối hợp không nhịp nhàng, ghe dễ bị mất thằng bằng và lật chìm. Vì thế, các tay bơi phải ra sức tập cho thuần thục, theo đúng vị trí của mình. Trước khi đi đua, các đội bơi đều phải tập bơi trên cạn hàng tháng trời. Thông thường, điểm tập bơi là trước sân chùa. Các tay bơi được sắp xếp theo vị trí của mình trên ghe và tập theo tiếng cồng hay còi của huấn luyện viên cho thật nhịp nhàng, ăn ý.
Theo kinh nghiệm của những đội đua đã từng dành chức vô địch, để ghe lao đi thật nhanh, ngoài kỹ thuật đóng ghe, đòi hỏi các tay chèo phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác từ người ngồi đầu mũi cho đến người lái cuối ghe, tất cả đều như một theo hiệu lệnh bằng còi của người giữ nhịp đứng giữa ghe (người này được xem là “nhạc trưởng” của đội chỉ huy các tay chèo gia tăng nhịp chèo, tốc độ chèo hay chèo đều tay giữ sức cho trận tiếp theo). Có thể nói, đây là kỹ thuật rất quan trọng quyết định thắng hay bại của cả cuộc đua.
Sáng sớm trước ngày đua, các đội đua làm lễ xuất quân. Địa điểm làm lễ xuất quân thường diễn ra ở chùa, ở đoạn sông hay kênh nằm ở trung tâm của phum, sóc. Trong ngày này có đầy đủ chính quyền, sư sãi chùa, chức sắc, các trưởng lão và hầu hết bà con trong phum, sóc. Thường ghe đua được bơi biểu diễn một đoạn ngắn để tạo khí thế lấy đà. Sau đó, ghe đua được một chiếc ghe máy có mã lực mạnh kéo; đi cùng là một chiếc ghe cà hâu (làm nhiệm vụ hậu cần), có cả nơi nghỉ ngơi cho đoàn đua, chở theo dàn trống, dàn nhạc ngũ âm với trên dưới 100 người tham gia, chưa tính cổ động viên tự đi.
Các đội đua đã được bốc thăm chia bảng từ trước, đến giờ đua tất cả các đội ghe tham gia đều tập trung tại khán đài để nhận lịch đua. Đường đua là một đoạn sông từ sông Maspéro (trên đường Lý Thường Kiệt) đến sông Xung Đinh, mặt sông được chia làm hai bằng cách cắm phao cờ ở giữa. Các ghe phải bơi đúng đường đua của mình và cách nhau ít nhất 5m, tuyệt đối không để mái chèo chạm nhau, không nắm, kéo mái chèo hoặc mạn ghe đội bạn. Trong suốt cuộc đua, người bơi không được tát nước sang ghe đội bạn, không có những lời nói, hành động thiếu văn hóa với đội bạn. Nếu trọng tài phát hiện đội ghe nào vi phạm, Ban Tổ chức sẽ xem xét cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu. Hội đua ghe tổ chức theo từng đợt một trong 2 ngày, từ vòng loại đến chung kết. Mỗi đợt đua là một cặp ghe theo bảng đã được chia. Cuộc đua chịu sự chi phối của thời gian con nước lên, tức khoảng từ 13h00 trở đi. Nếu có đua buổi sáng, thì phải bắt đầu từ 7h30.
Các ghe vào vị trí xuất phát theo thứ tự đã bốc thăm. Theo qui định của Ban Tổ chức, ghe nam xuất phát bằng cách nắm dây cố định để so mũi ghe bằng nhau, mái chèo đưa lên khỏi mặt nước. Còn ghe nữ xuất phát bằng cách gióng hàng so mũi ghe bằng nhau. Nếu có ghe phạm quy (mũi ghe cao hơn dây xuất phát, mái chèo không đưa lên khỏi mặt nước theo qui định hoặc xuất phát trước khi có khẩu lệnh...), Trọng tài sẽ nổi hồi còi, thông báo tạm ngưng đợt đua, nhắc nhở ghe vi phạm và hướng dẫn ghe trở lại vị trí xuất phát. Ghe nào vi phạm trong lần xuất phát thứ 02 sẽ bị xử thua ở lượt đua đó. Chỉ khi nào có lệnh xuất phát từ Trọng tài, các đội ghe mới được phép bơi. Vào cuộc đua, từng đợt ghe một có thể là một đôi ghe hoặc ba ghe cùng tiến về phía trước ào ào lướt sóng. Tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng trống, tiếng kèn, dàn nhạc ngũ âm vang lên làm cho các tay đua không biết mệt mỏi. Sau khi loại từng đối thủ, để vào chung kết, đội đua cần phải có các tay đua không chỉ mạnh mà còn bền, kèm theo người chỉ huy giỏi và công việc hậu cần tốt. Kết thúc cuộc đua, ghe chiến thắng được trao giải trước tiếng vỗ tay của rừng người. Đặc biệt, họ không quan trọng quá phần thưởng và đội nào thắng cuộc mà tất cả đều vui vẻ, hẹn gặp lại cuộc đua năm sau. Kết thúc cuộc đua, tất cả các đội ra về cùng ghe máy hộ tống cổ vũ. Những ghe đi chung đoạn đường sông thì cùng kết thành một đội, cùng vui liên hoan, ca múa trên chiếc ghe cà hâu (ghe hậu cần). Trong lễ hội Oóc om bóc, ngoài nghi lễ cúng trăng, đua ghe Ngo, người Khmer còn thực hành các hoạt động thả đèn gió, thả đèn nước, cờ ốc, bi sắt, múa rom vông, rong leo…, thu hút đông đảo người dân Khmer và cả người Kinh, người Hoa cùng tham dự. Đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc om bóc gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Khmer có một vị trí quan trọng trong cộng đồng, có mối quan hệ mật thiết đến tín ngưỡng nông nghiệp thể hiện thông qua các lễ vật dâng cúng lên thần linh, cách thực hành nghi lễ. Đua ghe Ngo nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của mỗi thành viên trong cộng đồng, giữ gìn và trao truyền cho muôn đời sau. Hình thức tổ chức hội đua ghe Ngo phản ánh được tự nhiên, vũ trụ, con người và vạn vật cũng như văn hóa tộc người... Hội đua ghe Ngo nhằm bày tỏ lòng tri ân của mình và cầu xin sự “tha thứ” của Thần Đất và Thần Nước về những việc làm của con người đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy bồ, cuộc sống no đủ... Đua ghe Ngo là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống dân an, vật thịnh qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe. Ngoài ra, các trò chơi dân gian khác cũng phần nào nói lên sự gắn bó của lễ hội với môi trường tự nhiên và xã hội của người Khmer. Hội đua ghe Ngo trong lễ hội Óoc om bóc của người Khmer ở Sóc Trăng không những góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên dành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người. Hội đua ghe Ngo còn thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành một sức mạnh vô song, thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ