Tượng Phật Đồng Dương

2025/01/10

ViệtNam-Lịchsử

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các sự kiện lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến tương lai của dân tộc Việt Nam, đó chính là Tượng Phật Đồng Dương thông qua bảo vật quốc gia này chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ quốc từ đó khẳng định lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng AGS đi tìm hiểu thêm về bảo vật nêu trên để chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn bạn nhé.

Tượng Phật Đồng Dương là pho tượng tạc hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tìm thấy bởi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier vào tháng 4/1911 tại Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.


Tượng Phật có hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế, mềm mại, làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm của Đức Phật: Tóc trên đỉnh đầu được bới ba hay bốn vòng theo kiểu ushsina, tóc trên trán quăn hình ốc, với khuôn mặt tròn đầy đặn, đôi tai dài và đôi mắt sâu, cổ ba ngấn, vai phải để trần, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha, thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân, nếp gấp để trên tay trái, đó là Uttayria dài rộng mà các Tăng nhân khoác ngoài khi đi du hành. Đây được xem là phong cách nghệ thuật Amaravati (tên một thành phố miền Nam Ấn Độ thời cổ đại, là một trung tâm nghệ thuật Phật giáo quan trọng đã gây ảnh hưởng lớn cho nền văn hóa nghệ thuật ở những vùng Nam Á, như Sri Lanka,Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam…), mang đậm tính bản địa người Dravidian, được đánh giá là khuôn mẫu cho điêu khắc ở Sri Lanka và vùng Đông Nam Á. Chúng ta có thể thấy phong cách này toát lên rõ nét trong tác phẩm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni - Đồng Dương.


Với chất liệu đồng thau, nặng 120kg với chiều cao 120cm, chỗ rộng nhất 38cm và chỗ dày nhất là 38cm, tượng trong tư thế đứng như đang thuyết pháp (chuyển pháp luân) trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của bệ là khối bán cầu ở thế ngửa lên. Phần dưới bệ có hình tròn lớn hơn như miệng chuông úp xuống. Toàn thân tượng đồng được đóng chặt vào bệ bằng những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Khi ấy, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đã đánh giá tượng Phật Đồng Dương là một trong những pho tượng Phật cổ nhất, thuộc hàng đẹp nhất ở khắp cả vùng Đông Nam Á thời bấy giờ. Xét về mặt cổ xưa, ngày ấy nguồn gốc chính xác của tượng còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, tượng Phật Đồng Dương giống các tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka), nên có thể tượng Phật Đồng Dương có niên đại vào khoảng thế kỷ III - IV và đã được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Mặt khác, nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng là tượng do người Chăm xưa làm nên. Ngày nay, pho tượng được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII - IX, liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chăm-pa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Xét về khía cạnh mỹ thuật, quả thực không thể không nghiêng mình trước vẻ đẹp hiếm thấy của tượng Phật Đồng Dương, khi hội tụ nhiều tướng tốt trong “tam thập nhị tướng” 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật được ghi trong bộ luận Đại trí độ. Trước hết, có thể kể đến là nghệ thuật tạo hình đặc sắc cho pho tượng, thể hiện tướng tốt đầu tiên của Phật, đó là lòng đôi bàn chân bằng phẳng, trong tư thế đứng trên bệ sen, chấm sát đất và khít khao đến nỗi “cây kim cũng không thể lọt qua”. Bên cạnh đó, hai tay đưa ra phía trước, một tay theo thủ ấn Giáo hóa (Vitarka), tay kia vịn nhẹ đầu vạt áo choàng, cùng với hai chân, đôi mắt và ba ngấn chìm giữa cổ, gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn” biểu hiện diệu tướng thứ 17 của Phật. Tạo hình vai bên phải để trần cũng thể hiện hảo tướng thứ 21 là tròn và đẹp. Với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao, những nghệ nhân Chăm-pa như còn ẩn ý lồng vào tượng Phật vẻ đẹp của ba diệu tướng khác: “thân kim sắc” (tức ánh sắc vàng) - diệu tướng thứ 14 và 15 - có sức tỏa hào quang minh tịnh; diệu tướng thứ 16 - da mịn, trơn bóng như hoa sen buổi sớm. Đi vào phần chi tiết, người ta còn có thể dễ dàng nhận ra các diệu tướng khác trên khuôn mặt tượng Phật Đồng Dương. Tiến sĩ Bá Trung Phụ - Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM từng nhận xét về mặt con người: “Tượng Phật Đồng Dương được các nghệ nhân khắc họa với khuôn mặt hình trái xoan phúc hậu, đôi mắt sâu, mang những nét gần gũi, gắn bó với con người hơn so với tượng Phật ở các nước khác”. Trên khía cạnh Phật giáo, nhà báo Giao Hưởng - Báo Thanh Niên cũng đưa ra nhận định: “Hai má tượng phẳng và rộng như sư tử chúa, thể hiện tướng thứ 25 của Phật, đúng như kinh chép: Khi Phật mở miệng thuyết pháp ví như tiếng sư tử hống, làm tắt tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng (tướng âm thanh Phạm thiên). Diệu tướng thứ 29 được thể hiện ở đôi mắt, không nhắm hẳn lại mà đang mở nhìn, đẹp như cánh hoa sen xanh. Giữa trán khắc một vòng tròn tiêu biểu cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn triều cường”.


Tượng Phật Đồng Dương tại Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM là bảo vật quốc gia, và được trưng bày ở các nước như Mỹ Pháp, Áo, Bỉ - Ảnh tư liệu Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tướng tôn nghiêm nằm ở vị trí cao nhất của tượng Phật Đồng Dương mà các nghệ nhân Chăm-pa xưa đã khéo léo đúc trác: tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu. Tượng Phật Đồng Dương từng được ghi nhận qua nhiều ấn phẩm giới thiệu hiện vật Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm không chỉ bởi giá trị nghệ thuật mà còn ở yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm này. Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa Việt Nam, vào tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận tượng Phật Đồng Dương là bảo vật quốc gia, và cho phép đưa đi trưng bày ở các nước như Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ với giá bảo hiểm lên đến 5 triệu USD.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ