[Chia sẻ kinh nghiệm] Kiểm toán phần hành vốn chủ sở hữu

2024/04/17

TintứcKiểmtoán

1. Kiểm toán nguồn vốn là gì?

Kiểm toán nguồn vốn (Capital audit): Là việc kiểm tra tính trung thực và hợp lí của các khoản mục liên quan đến nguồn vốn trên Báo cáo tài chính của một đơn vị. Khái niệm nguồn vốn (gọi tắt là vốn) thường được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh với ý nghĩa là nguồn hình thành các loại tài sản.

Nguồn vốn trong bảng cần cân đối kế toán là nguồn lực mà một công ty có thể sử dụng để tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Nguồn vốn bao gồm tất cả các tài sản mà doanh nghiệp sở hữu, bao gồm tiền mặt, thiết bị, tài sản và hàng tồn kho. Ngoài ra, nguồn vốn còn bao gồm các khoản tiền khác mà công ty vay từ cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng hoặc chủ nợ. Dựa trên định nghĩa nguồn vốn là gì, có thể dễ dàng phân biệt vốn thành hai nguồn là từ vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Cụ thể:

  • Nguồn vốn chủ sở hữu: Nguồn vốn này không phải một khoản nợ và doanh nghiệp không phải thực hiện thanh toán. Tùy vào mô hình hoạt động của doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu bao gồm 3 loại:
    • Vốn góp: Là số tiền do chủ sở hữu đóng góp ban đầu để thành lập công ty và thường được bổ sung trong quá trình hoạt động.
    • Lợi nhuận chưa phân phối: Là khoản lợi nhuận chưa phân phối được sử dụng cho bất kỳ hoạt động nào của đơn vị và được coi là vốn chủ sở hữu.
    • Vốn chủ sở hữu khác: Các khoản tiền được hình thành chủ yếu từ việc phân phối lợi nhuận, gồm: Các quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ dự phòng tài chính, chênh lệch tỷ giá hối đoái, nguồn vốn đầu tư xây dựng,....

  • Nợ phải trả: Là các khoản vay hoặc vốn chiếm dụng của các tổ chức và cá nhân khác, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện thanh toán. Dựa trên thời hạn thanh toán, các khoản nợ có thể được chia thành:

    • Nợ ngắn hạn: Là các khoản nợ có thời hạn dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.
    • Nợ dài hạn: Là các khoản nợ có thời hạn trên 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.

2. Đặc điểm của chu trình tiếp nhận và hoàn trả vốn

  • Vốn là một khái niệm trừu tượng phản ánh quan hệ kinh tế trong đầu tư, kinh doanh và phân phối
  • Các quan hệ về vốn chứa đựng những quan hệ pháp lí phức tạp
  • Trong mỗi kì kế toán, số lượng các nghiệp vụ ảnh hưởng đến số dư tài khoản hay khoản mục về vốn không nhiều nhưng thường có quy mô lớn
  • Vốn trong các doanh nghiệp gắn liền với hình thức sở hữu, với trách nhiệm và quyền hạn pháp lí, với qui mô và loại hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp
Các sai phạm dễ mắc phải của kế toán vốn:

  • Các sai sót số học trong việc theo dõi chi tiết và tổng hợp các nguồn vốn (Công nợ và Nguồn vốn chủ sở hữu)
  • Ghi khống các khoản vốn đóng góp nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về vốn điều lệ
  • Chi phí trong việc vay vốn: Chi phí trong kì và chi phí được vốn hóa; chi phí đi vay và vấn đề chi phí hợp lí
  • Để ngoài sổ sách các khoản nợ phải trả

Do đó, việc bỏ sót 1 nghiệp vụ về vốn riêng biệt có giá trị lớn sẽ có ảnh hưởng trọng yếu đến giá trị các khoản mục về vốn và số tổng cộng của bảng cân đối tài sản.

3. Các nguyên tắc kiểm soát nội bộ

  • Thực hiện nguyên tắc uỷ quyền và phê chuẩn khi xét duyệt các khoản vay, từng nghiêp vụ tiếp nhận vốn hoặc hoàn trả vốn
  • Có hệ thống sổ chi tiết từng khoản nợ vay, theo từng chủ nợ; định kì đối chiếu với sổ cái và chủ nợ
  • Bảo đảm ghi chép sổ sách và tách biệt nghiệp vụ ghi sổ với nghiệp vụ thu nhận tiền vốn; kết hợp theo dõi trên cả sổ cái và sổ chi tiết
  • Tổ chức xác minh độc lập các thông tin ghi trên sổ sách về vốn, đặc biệt là thông tin tính toán chi trả lợi tức cổ phiếu, chi trả lãi vay…

3. Nguồn số liệu để kiểm toán

  • Hồ sơ đăng kí kinh doanh, hồ sơ góp vốn của đơn vị
  • Các hợp đồng vay vốn
  • Các chứng từ ghi nhận việc tiếp nhận và hoàn trả vốn
  • Các sổ sách theo dõi chi tiết và tổng hợp của các tài khoản về vốn, bao gồm nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu
  • Các kế hoạch kinh doanh và huy động vốn của doanh nghiệp

4. Trình tự kiểm toán nguồn vốn chủ sở hữu

4.1. Nghiên cứu, đánh giá kiểm soát nội bộ 

Mỗi kiểm toán viên cũng cần tìm hiểu những nội dung cơ bản về kiểm soát nội bộ đối với nguồn vốn này, đó là : Sự xét duyệt đối với công việc ghi chép các nghiệp vụ mà nguồn vốn chủ sở hữu có liên quan tới và số dư của các nguồn vốn chủ sở hữu có được kế toán trưởng kiểm tra định kỳ hay không ?

4.2. Các thử nghiệm đối với nguồn vốn chủ sở hữu

Lập bảng phân tích những tài khoản nguồn vốn chủ sở hữu

Bảng phân tích là công cụ được sử dụng phổ biến để thử nghiệm đối với nguồn vốn chủ sở hữu. Bảng phân tích bao gồm các yếu tố đó là số dư đầu kỳ, các nghiệp vụ phát sinh tăng trong kỳ đó, các nghiệp vụ phát sinh giảm trong kỳ và số dư cuối kỳ. Căn cứ vào các bảng phân tích được lập ra, kiểm toán viên có thể dễ dàng kiểm tra về công việc tính toán cũng như đối chiếu tổng số với sổ cái.

Kiểm tra chứng từ gốc các nghiệp vụ tăng hay giảm nguồn vốn chủ sở hữu trong kỳ

Mục đích của việc kiểm tra một cách tỉ mỉ trên chứng từ của các nghiệp vụ tăng hay giảm trong kỳ đó là

  • Liên quan đến tính hợp lệ của các nghiệp vụ 
    Ví dụ: Trường hợp tăng giảm vốn, lập quỹ, chi quỹ, phân phối lợi tức … có thật sự đúng với quy định về quản lý tài chính của Nhà nước và điều lệ của công ty hay không ?
  • Các nghiệp vụ có được xét duyệt bởi những cấp có thẩm quyền trong đơn vị hay không ?
  • Các nghiệp vụ có được ghi chép đầy đủ theo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán đang hiện hành hay không ?
  • Kiểm tra xem các nghiệp vụ chi quỹ xem có thực sự xảy ra không ?

Kiểm tra chênh lệch và đánh giá lại tài sản cũng như chênh lệch tỷ giá 

Đối với chênh lệch đánh giá lại tài sản: Thường xảy ra trong các trường hợp như:

  • Chênh lệch giá trị giữa sổ sách và giá trị được đánh giá lại bởi các bên tham gia liên doanh khi cùng góp vốn liên doanh bằng tài sản trong trường hợp này thì kiểm toán viên phải tiến hành kiểm tra Biên bản đánh giá của các bên tham gia liên doanh.
  • Bị chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quyết định của Nhà nước.
  • Đối với cả hai trường hợp đã nêu ở trên, kiểm toán viên cần đối chiếu với các khoản mục tài sản  có liên quan, ví dụ như đối chiếu với tài sản cố định hay vật tư hàng hóa được đánh giá lại.

Đối với chênh lệch tỷ giá:

Trước hết, kiểm toán viên cần tìm hiểu chi tiết về phương pháp hạch toán chênh lệch tỷ giá của đơn vị xem có phù hợp với chế độ kế toán  đang hiện hành và có thể áp dụng một cách nhất quán được hay không ?

Cuối cùng, kiểm toán viên cũng phải kiểm tra các nghiệp vụ  về xử lý chênh lệch đánh giá lại tài sản và  sự chênh lệch tỷ giá đó có phù hợp với chế độ hiện hành và sẽ được xét duyệt bởi các cấp có thẩm quyền hay không?

4.3. Kiểm tra việc trình bày, công bố những nguồn vốn chủ sở hữu

Đối với công việc này, kiểm toán viên cần phải chú ý đến việc trình bày các nguồn vốn chủ sở hữu một cách riêng biệt từng loại trên một Bảng cân đối kế toán và đơn vị cũng phải công bố về tình hình chỉ số biến động của nguồn vốn chủ sở hữu trong Bảng thuyết minh báo cáo tài chính

Trên đây là những kiến thức cơ bản về phần hành vốn chủ sở hữu. Hy vọng bài viết này đã cho bạn một cái nhìn tổng quan nhất về phần hành này. Để biết thêm nhiều thông tin bổ ích, bạn đọc đừng quên bấm like và theo dõi Fanpage: AGS Accounting & Auditing Co.,Ltd của chúng tôi để cập nhật kịp thời các chính sách mới nhất về thuế, kế toán, cũng như kiểm toán nhé!


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ