Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 15: Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng được giới thiệu bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế nhằm cung cấp một mô hình ghi nhận doanh thu toàn diện cho tất cả các hợp đồng với khách hàng, góp phần cải thiện khả năng so sánh trong ngành, giữa các ngành và trên thị trường vốn.
Các quy tắc mới về ghi nhận doanh thu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Các quy tắc này đã thay thế các chuẩn mực ghi nhận doanh thu cũ (IAS 11 - Hợp đồng xây dựng, IAS 18 - Doanh thu) và hầu hết các hướng dẫn ghi nhận doanh thu khác (IFRIC 13 - Chương trình khách hàng thân thiết, IFRIC 15 - Thỏa thuận về xây dựng bất động sản, IFRIC 18 - Chuyển nhượng tài sản từ khách hàng và SIC 31 - Doanh thu - Giao dịch trao đổi liên quan đến dịch vụ quảng cáo).
Đối với nhiều công ty, tác động từ chuẩn mực IFRS 15 có thể kiểm soát được. Nhưng khi đối mặt với một số lượng lớn hợp đồng, tính đa dạng hay khả năng thay đổi liên tục của các điều khoản, thì tác động có thể là đáng kể trừ khi công ty đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết các thách thức của chuẩn mực mới này.
Tầm quan trọng của IFRS 15
- IFRS 15 thay thế tất cả các chuẩn mực ghi nhận doanh thu hiện có theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế
- IFRS 15 có thể dẫn đến thay đổi toàn diện về giá trị và thời gian ghi nhận doanh thu
- Yêu cầu thuyết minh rõ hơn về định lượng và định tính
Một số tác động đến doanh nghiệp
- Doanh thu từ hàng hóa và dịch vụ đi kèm cần phải được tách biệt và có thể dẫn đến trì hoãn hoặc làm gia tăng việc ghi nhận doanh thu
- Việc cung cấp các ưu đãi để mua hàng (ví dụ: hàng hóa hoặc dịch vụ miễn phí được cung cấp như một phần của việc bán hàng) có thể phải được ghi nhận một cách tách biệt
- Việc sửa đổi hợp đồng dài hạn có thể sẽ diễn ra trong suốt thời hạn hợp đồng
- Hướng dẫn cụ thể về việc xử lý giấy phép có thể thay đổi thời điểm ghi nhận doanh thu
- Hướng dẫn về chi phí hợp đồng dự kiến sẽ dẫn đến việc ghi nhận nhiều tài sản hơn
Các vấn đề cần cân nhắc
- Phương pháp áp dụng chuẩn mực mới (hồi tố hoàn toàn hoặc hồi tố có chỉnh sửa)
- Các bên liên quan sẽ cần truy cập vào hồ sơ tài chính nhất quán bao gồm tất cả ảnh hưởng đã được lượng hóa của IFRS 15 trên tất cả các tài khoản
- Chọn hệ thống phù hợp cho tương lai - việc triển khai hệ thống mới có thể mất thời gian vài năm, các doanh nghiệp có thể phải cần một giải pháp tạm thời để đáp ứng các yêu cầu của việc áp dụng chuẩn mực mới này
- Cần cân nhắc những thay đổi khác trong IFRS 9 (Công cụ tài chính) trong năm 2018 và IFRS 16 (Thuê tài sản) trong năm 2019
Bước tiếp theo
- Các dịch vụ đi kèm - Các sản phẩm và dịch vụ đi kèm (ví dụ: thiết bị cộng với thỏa thuận bảo trì, phần mềm cộng với các phiên bản cập nhật, hàng hóa cộng với bảo hành mở rộng) chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tất cả dịch vụ và hàng hóa doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng?
- Yếu tố tài chính đáng kể - Doanh nghiệp có đưa ra giá khác nhau cho khách hàng dựa trên thời điểm thanh toán không? Các điều khoản thanh toán có khác biệt đáng kể so với thời điểm khi hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển giao không?
- Giấy phép – Doanh nghiệp có các thỏa thuận quan trọng liên quan đến giấy phép được cấp không? Những thỏa thuận này có bao gồm các dịch vụ khác không?
- Hồ sơ hợp đồng - Doanh nghiệp đang ký kết bao nhiêu hợp đồng? Với các điều khoản và điều kiện đa dạng như thế nào? Các điều khoản của những hợp đồng có thường xuyên thay đổi?
- Thời điểm ghi nhận doanh thu - Doanh nghiệp có đang xây dựng hoặc sản xuất một loại tài sản độc nhất cho khách hàng không? Doanh nghiệp đã cân nhắc thời điểm chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng chưa?
*Thông tin khác
Nguồn: https://www.pwc.com/vn/vn/services/assurance/ifrs/ifrs-15.html