I. Định nghĩa
IFRS 9 – Công cụ tài chính, hướng dẫn cách phân loại và đo lường công cụ tài
chính và bao gồm các hướng dẫn mới về kế toán phòng ngừa rủi ro. Mô hình tổn
thất tín dụng trong IFRS 9 yêu cầu các tổ chức tài chính phải trích lập dự
phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai (mô hình tổn thất tín dụng dự
kiến - ECL), thay vì chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Sự
thay đổi này được cho là có tác động đáng kể nhất đối với các tổ chức tài
chính.
IFRS 9 là một trong những thay đổi phức tạp nhất mà các tổ chức tài chính trên
thế giới đã triển khai trong thập kỷ qua. Việc áp dụng IFRS 9 đi liền với
những thay đổi về mô hình rủi ro tín dụng, tăng cường quản trị và kiểm soát
quy trình kế toán, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn giữa chức năng rủi ro và tài
chính. Tuy nhiên, giá trị mà IFRS 9 đem lại vượt xa chi phí triển khai, vì
tính minh bạch và khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính sẽ được cải
thiện.
II. Các vấn đề cần lưu ý khi áp dụng
1. Mục tiêu
Quy định yêu cầu về ghi nhận và đo lường, suy giảm giá trị, dừng ghi nhận và
kế toán phòng ngừa rủi ro chung
2. Đo lường ban đầu công cụ tài chính
Tất cả các công cụ tài chính được đo lường ban đầu theo giá trị hợp lý, cộng
hoặc trừ chi phí giao dịch trong trường hợp tài sản tài chính hoặc nợ phải trả
tài chính không ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua báo cáo lãi lỗ.
3. Đo lường tiếp tục tài sản tài chính
IFRS 9 chia tất cả các tài sản tài chính thành hai loại – những tài sản được
đo lường theo giá trị được phân bổ và những tài sản được đo lường theo giá trị
hợp lý.
Khi tài sản được đo lường theo giá trị hợp lý, lãi và lỗ được ghi nhận toàn bộ
trong báo cáo lãi lỗ (giá trị hợp lý thông qua báo cáo lãi lỗ, FVTPL) hoặc
được ghi nhận trong thu nhập toàn diện khác (giá trị hợp lý thông qua báo cáo
thu nhập toàn diện khác, FVTOCI).
4. Công cụ nợ
Một công cụ nợ đáp ứng hai điều kiện sau đây phải được đo lường theo giá trị
được phân bổ (ghi giảm ròng đối với suy giảm giá trị) trừ khi tài sản được chỉ
định theo FVTPL theo quyền chọn giá trị hợp lý:
- Phương pháp mô hình kinh doanh: Mục tiêu của mô hình kinh doanh của đơn vị là nắm giữ tài sản tài chính để thu các dòng tiền từ hợp đồng (hơn là bán công cụ trước khi đáo hạn hợp đồng để thực hiện các thay đổi giá trị hợp lý).
- Phương pháp đặc điểm dòng tiền: Các điều khoản hợp đồng của tài sản tài chính làm phát sinh vào các ngày cụ thể dòng tiền mà chỉ thanh toán nợ gốc và lãi trên dư nợ gốc hiện tại.
Một công cụ nợ đáp ứng hai điều kiện sau phải được đo lường theo FVTOCI ngoại
trừ tài sản được chỉ định theo FVTPL theo quyền chọn giá trị hợp lý:
- Phương pháp mô hình kinh doanh: Tài sản tài chính được nắm giữ trong mô hình kinh doanh có mục tiêu đạt được cả thu nhập từ các dòng tiền hợp đồng và bán tài sản tài chính.
- Phương pháp đặc điểm dòng tiền: Các điều khoản hợp đồng của tài sản tài chính làm phát sinh vào các ngày cụ thể dòng tiền mà chỉ thanh toán nợ gốc và lãi trên dư nợ gốc hiện tại.
Tất cả các công cụ nợ khác phải được đo lường theo giá trị hợp lý thông qua
báo cáo lãi lỗ (FVTPL).
5. Quyền chọn giá trị hợp lý của tài sản tài chính
Ngay cả khi một công cụ đáp ứng hai yêu cầu đo lường theo giá trị được phân bổ
hoặc FVTOCI, thì IFRS 9 chứa một quyền chọn chỉ định khi ghi nhận ban đầu, một
tài sản tài chính được đo lường theo FVTPL nếu thực hiện sẽ loại bỏ hoặc giảm
đáng kể sự không nhất quán của đo lường hoặc ghi nhận (đôi khi được gọi là “sự
không nhất quán về kế toán”), nếu không sẽ phát sinh việc đo lường tài sản
hoặc nợ phải trả hoặc ghi nhận các khoản lãi và lỗ trên các cơ sở khác nhau.
6. Công cụ vốn chủ sở hữu
Tất cả các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu trong phạm vi IFRS 9 phải được đo lường
theo giá trị hợp lý trong báo cáo tình hình tài chính, với các thay đổi giá
trị được ghi nhận trong báo cáo lãi lỗ, ngoại trừ các khoản đầu tư vốn mà đơn
vị đã chọn trình bày những thay đổi giá trị trong báo cáo ‘thu nhập toàn diện
khác’. Không có “ngoại lệ giá gốc” cho các cổ phiếu chưa niêm yết.
7. Quyền chọn thu nhập toàn diện khác
Nếu một khoản đầu tư vốn không được nắm giữ cho mục đích thương mại, đơn vị có
thể thực hiện lựa chọn không thể hủy ngang khi ghi nhận ban đầu để đo lường nó
theo FVTOCI, chỉ thu nhập cổ tức được ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ.
8. Đo lường tiếp tục nợ phải trả tài chính
Hai phương pháp ghi nhận, bao gồm: Giá trị hợp lý ghi nhận thông qua Báo cáo
kết quả hoạt động kinh doanh (FVTPL) và Giá trị được phân bổ. Nợ phải trả tài
chính nắm giữ cho mục đích thương mại được đo lường theo FVTPL và tất cả các
khoản nợ phải trả tài chính khác được đo lường theo giá trị được phân bổ trừ
khi quyền chọn giá trị hợp lý được áp dụng.
IFRS 9 yêu cầu lãi và lỗ trên các khoản nợ phải trả tài chính được chỉ định đo
lường theo FVTPL phải được chia ra thành giá trị thay đổi trong giá trị hợp lý
phân bổ cho thay đổi do rủi ro tín dụng của khoản nợ phải trả, được trình bày
trong báo cáo thu nhập toàn diện khác và phần giá trị còn lại được trình bày
trong báo cáo lãi lỗ. Hướng dẫn mới cho phép ghi nhận toàn bộ giá trị thay đổi
trong giá trị hợp lý trong báo cáo lãi lỗ chỉ khi việc trình bày các thay đổi
về rủi ro tín dụng của khoản nợ phải trả trong báo cáo thu nhập toàn diện khác
tạo ra hoặc phóng đại sự không nhất quán về kế toán trong báo cáo lãi lỗ. Việc
xác định này được thực hiện khi ghi nhận ban đầu và không được đánh giá lại.
9. Quyền chọn giá hợp lý của nợ phải trả tài chính
IFRS 9 chứa quyền chọn chỉ định nợ phải trả tài chính được đo lường theo FVTPL
nếu:
- Nó loại bỏ hoặc giảm đáng kể sự không nhất quán về đo lường hoặc ghi nhận (đôi khi được gọi là “sự không nhất quán về kế toán”) phát sinh từ việc đo lường tài sản hoặc nợ phải trả hoặc ghi nhận các khoản lãi và lỗ trên các cơ sở khác nhau, hoặc
- Nợ phải trả là một phần hoặc một nhóm của các khoản nợ phải trả tài chính hoặc tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính được quản lý và hiệu quả của nó được đánh giá trên cơ sở giá trị hợp lý, theo tài liệu quản lý rủi ro hoặc chiến lược đầu tư và thông tin về nhóm nợ phải trả được cung cấp nội bộ trên cơ sở đó cho nhân sự quản lý chủ chốt của đơn vị.
10. Dừng ghi nhận tài sản tài chính
- Tiền đề cơ bản cho mô hình dừng ghi nhận trong IFRS 9 là xác định có hay không tài sản được xem xét dừng ghi nhận.
- Khi tài sản được xem xét dừng ghi nhận đã được xác định, thì đánh giá tài sản đã được chuyển nhượng hay chưa, và nếu vậy, việc chuyển nhượng tài sản đó có đủ điều kiện để dừng ghi nhận hay không.
- Một tài sản được chuyển nhượng nếu đơn vị đã chuyển giao các quyền hợp đồng để nhận các dòng tiền hoặc đơn vị giữ lại các quyền hợp đồng để nhận các dòng tiền từ tài sản, nhưng đã có nghĩa vụ hợp đồng để chuyển các dòng tiền đó theo thỏa thuận.
- Khi đơn vị xác định rằng tài sản đã được chuyển nhượng, thì nó sẽ xác định xem đã chuyển giao đáng kể tất cả các rủi ro và lợi ích của quyền sở hữu tài sản đó hay chưa. Nếu đáng kể tất cả các rủi ro và lợi ích đã được chuyển giao, thì tài sản sẽ được dừng ghi nhận. Nếu đáng kể tất cả các rủi ro và lợi ích vẫn được giữ lại, thì việc dừng ghi nhận tài sản sẽ bị loại trừ.
- Nếu đơn vị không giữ lại hoặc không chuyển giao đáng kể tất cả các rủi ro và lợi ích của tài sản, thì đơn vị đó phải đánh giá xem nó có từ bỏ quyền kiểm soát tài sản hay không. Nếu đơn vị không kiểm soát tài sản thì việc dừng ghi nhận là phù hợp; tuy nhiên nếu đơn vị vẫn giữ quyền kiểm soát tài sản, thì đơn vị đó tiếp tục ghi nhận tài sản cho tới khi còn tiếp tục tham gia kiểm soát tài sản.
11. Dừng ghi nhận nợ phải trả tài chính
Nợ phải trả tài chính nên được loại bỏ khỏi bảng cân đối kế toán khi và chỉ
khi nó được xóa bỏ, nghĩa là khi nghĩa vụ quy định trong hợp đồng được hoàn
tất hoặc hủy bỏ hoặc hết hạn. Trong trường hợp có sự chuyển đổi giữa bên vay
hiện tại và bên cho vay các công cụ nợ với các điều khoản khác nhau đáng kể
hoặc đã có sự điều chỉnh đáng kể các điều khoản của khoản nợ phải trả tài
chính hiện tại, thì giao dịch này được hạch toán như xóa bỏ nợ phải trả tài
chính ban đầu và ghi nhận nợ phải trả tài chính mới. Khoản lãi hoặc lỗ từ việc
xóa bỏ nợ phải trả tài chính ban đầu được ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ.
12. Công cụ phái sinh
Tất cả các công cụ phái sinh trong phạm vi IFRS 9, bao gồm cả các công cụ liên
quan đến các khoản đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, được đo lường theo giá
trị hợp lý. Thay đổi giá trị được ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ trừ khi đơn vị
đã chọn áp dụng kế toán phòng ngừa rủi ro bằng cách chỉ định công cụ phái sinh
như một công cụ phòng ngừa rủi ro trong mối quan hệ phòng ngừa rủi ro đủ điều
kiện.
13. Phân loại lại
Đối với tài sản tài chính, việc tái phân loại là bắt buộc giữa FVTPL, FVTOCI
và giá trị được phân bổ, khi và chỉ khi mục tiêu mô hình kinh doanh của đơn vị
đối với tài sản tài chính thay đổi vì thế việc đánh giá mô hình trước đó sẽ
không còn được áp dụng.
Nếu việc tái phân loại là phù hợp, nó phải thực hiện phi hồi tố kể từ ngày tái
phân loại được xác định là ngày đầu tiên của kỳ báo cáo đầu tiên sau khi thay
đổi mô hình kinh doanh. Đơn vị không công bố lại các khoản thu nhập, lỗ hoặc
lãi được ghi nhận trước đó.
IFRS 9 không cho phép tái phân loại:
- Các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu được đo lường theo FVTOCI, hoặc
- Khi quyền chọn giá trị hợp lý đã được thực hiện trong mọi trường hợp đối với tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính.
14. Kế toán phòng ngừa rủi ro
Các yêu cầu kế toán phòng ngừa rủi ro trong IFRS 9 là tùy chọn. Nếu một số
tiêu chí đủ điều kiện và được đáp ứng, kế toán phòng ngừa rủi ro cho phép đơn
vị phản ánh các hoạt động quản lý rủi ro trong báo cáo tài chính bằng cách kết
nối lãi hoặc lỗ trên các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính với lỗ hoặc lãi
trên mức rủi ro mà nó phòng ngừa.
Tiêu chí đủ điều kiện cho kế toán phòng ngừa rủi ro: Quan hệ phòng ngừa rủi ro
đủ điều kiện cho kế toán phòng ngừa rủi ro chỉ khi tất cả các tiêu chí sau đây
được đáp ứng:
- Quan hệ phòng ngừa rủi ro chỉ chứa các công cụ phòng ngừa rủi ro đủ điều kiện và các khoản mục được phòng ngừa rủi ro đủ điều kiện.
- Khi bắt đầu quan hệ phòng ngừa rủi ro, có sự chỉ định và tài liệu chính thức về quan hệ phòng ngừa rủi ro và mục tiêu và chiến lược quản lý rủi ro của đơn vị để thực hiện việc phòng ngừa rủi ro.
- Quan hệ phòng ngừa rủi ro đáp ứng tất cả các yêu cầu về hiệu quả phòng ngừa rủi ro.
15. Kế toán cho các quan hệ phòng ngừa rủi ro đủ điều kiện
- Phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý: phòng ngừa mức rủi ro gánh chịu đối với những thay đổi trong giá trị hợp lý của một tài sản hoặc khoản nợ phải trả được ghi nhận hoặc một cam kết chắc chắn chưa ghi nhận, hoặc một thành phần của một khoản mục bất kỳ mà có thể quy về một rủi ro cụ thể và có thể ảnh hưởng đến báo cáo lãi lỗ (hoặc OCI trong trường hợp công cụ vốn chủ sở hữu được chỉ định đo lường theo FVTOCI).
- Phòng ngừa rủi ro dòng tiền: phòng ngừa mức rủi ro gánh chịu do sự biến động dòng tiền quy về một rủi ro cụ thể liên quan đến toàn bộ, hoặc một thành phần của một tài sản hoặc nợ phải trả được ghi nhận (như toàn bộ hoặc một số khoản thanh toán lãi trong tương lai đối với khoản nợ có lãi suất biến đổi) hoặc một giao dịch dự kiến có khả năng cao xảy ra và có thể ảnh hưởng đến lãi hoặc lỗ.
- Phòng ngừa rủi ro đầu tư ròng vào hoạt động nước ngoài (như được định nghĩa trong IAS 21), bao gồm phòng ngừa rủi ro khoản mục tiền tệ được hạch toán như một phần của đầu tư ròng, được hạch toán tương tự như phòng ngừa rủi ro dòng tiền:
- Phần lãi hoặc lỗ trên công cụ phòng ngừa rủi ro được xác định là phòng ngừa rủi ro hiệu quả được ghi nhận trong OCI; và
- Phần không hiệu quả được ghi nhận vào báo cáo lãi lỗ.
16. Suy giảm giá trị
IFRS 9 yêu cầu mô hình suy giảm tương tự áp dụng cho tất cả sau đây:
- Tài sản tài chính đo lường theo giá trị được phân bổ;
- Tài sản tài chính bắt buộc đo lường theo FVTOCI;
- Cam kết cho vay khi nghĩa vụ hiện tại được mở rộng đến tín dụng (trừ trường hợp các khoản này được đo lường theo FVTPL):
- Hợp đồng bảo lãnh tài chính mà áp dụng IFRS 9 (trừ các hợp đồng được đo lường theo FVTPL);
- Các khoản phải thu thuê tài sản trong phạm vi của IAS 17 Thuê tài sản; và
- Tài sản từ hợp đồng trong phạm vi IFRS 15 Doanh thu từ Hợp đồng với Khách hàng (nghĩa là quyền nhận được thanh toán sau khi chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ).
17. Tài sản tài chính bị suy giảm giá trị do rủi ro tín dụng
Theo IFRS 9, một tài sản tài chính bị suy giảm giá trị do rủi ro tín dụng khi
một hoặc nhiều sự kiện đã xảy ra và có tác động đáng kể đến dòng tiền dự kiến
trong tương lai của tài sản tài chính. Nó bao gồm dữ liệu có thể quan sát đem
đến sự chú ý của chủ sở hữu tài sản tài chính về các sự kiện sau:
- Khó khăn tài chính đáng kể của bên phát hành hoặc bên đi vay;
- Vi phạm hợp đồng, chẳng hạn như mất khả năng thanh toán hoặc quá hạn thanh toán;
- Bên cho vay vì lý do kinh tế hoặc cam kết theo hợp đồng liên quan đến khó khăn tài chính của bên đi vay, đã cấp cho bên đi vay một sự nhượng bộ mà thông thường không xét đến;
- Có khả năng cao bên đi vay sẽ phá sản hoặc phải tái cơ cấu hoạt động tài chính khác;
- Sự biến mất của một thị trường sôi động đối với tài sản tài chính vì những khó khăn tài chính; hoặc là
- Việc mua hoặc khởi tạo một tài sản tài chính với mức chiết khấu cao phản ánh các khoản tổn thất tín dụng đã phát sinh.
18. Cơ sở ước tính tổn thất tín dụng dự kiến
Bất kỳ thước đo tổn thất tín dụng dự kiến nào theo IFRS 9 đều sẽ phản ánh giá
trị có trọng số xác suất và không thiên lệch được xác định bằng cách đánh giá
phạm vi kết quả có thể xảy ra cũng như kết hợp với giá trị thời gian của tiền
tệ. Ngoài ra, đơn vị nên xem xét thông tin hợp lý và có tính hỗ trợ về các sự
kiện trong quá khứ, điều kiện hiện tại và dự báo hợp lý và có tính hỗ trợ về
điều kiện kinh tế trong tương lai khi đo lường tổn thất tín dụng dự kiến.
Chuẩn mực xác định tổn thất tín dụng dự kiến là tổn thất tín dụng bình quân có
trọng số với rủi ro mất khả năng thanh toán tương ứng xảy ra là trọng số.
Trong khi đơn vị không cần xem xét mọi tình huống có thể xảy ra, thì phải xem
xét rủi ro hoặc xác suất xảy ra tổn thất tín dụng bằng cách xem xét khả năng
xảy ra tổn thất tín dụng và khả năng không xảy ra tổn thất tín dụng, ngay cả
khi xác suất xảy ra tổn thất tín dụng là thấp.
19. Công bố
IFRS 9 sửa đổi một số yêu cầu của IFRS 7 Công cụ tài chính: Công bố bao gồm bổ
sung công bố về đầu tư vào các công cụ vốn chủ sỡ hữu được chỉ định theo
FVTOCI, công bố về hoạt động quản lý rủi ro và kế toán phòng ngừa rủi ro và
công bố về quản lý rủi ro tín dụng và suy giảm giá trị.
Nguồn: https://www.crowe.com/vn/vi-vn/insights/ifrs-publication/faq/ifrs9
*Thông tin khác
Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin
công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế
toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web
của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.