I. Hóa đơn là gì?
Khái niệm hóa đơn được định nghĩa tại Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ban
hành ngày 19/10/2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022:
- Hóa đơn là chứng từ kế toán do cá nhân, tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử (HĐĐT) hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
II. Thế nào là hóa đơn hợp lệ?
Hóa đơn GTGT hợp lệ là hóa đơn đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy
định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về:
- Số hóa đơn;
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử;
- Thời điểm ký số thể hiện trên hóa đơn điện tử;
- Tên, địa chỉ, MST của người bán;
- Têm, địa chỉ, MST của người mua;
- Chữ ký của người bán và chữ ký của người mua;
- Chữ viết, chữ số, đồng tiền được thể hiện trên hóa đơn;
- Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn;
- Tên, MST của tổ chức nhận in hóa đơn đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in;
- Mã của cơ quan thuế đối với trường hợp HĐĐT quy định có mã của cơ quan thuế;
- Tên liên hóa đơn đối với hóa đơn được đặt in bởi cơ quan thuế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có) và các nội dung liên quan (nếu có);
- Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá; thành tiền chưa bao gồm thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tổng tiền thuế GTGT theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán đã bao gồm thuế GTGT.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm về nội dung và cách viết hóa đơn để đảm bảo
tính hợp lệ, hợp pháp của hóa đơn điện tử, cụ thể:
- Doanh nghiệp nếu cần ghi thêm chữ nước ngoài trên hóa đơn điện tử thì chữ nước ngoài được đặt phía bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt;
- Một số trường hợp không bắt buộc phải có chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua, dấu của người bán khi khởi tạo và phát hành như: hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn dịch vụ viễn thông, hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in.
III. Các quy định về xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT)
1. Đối với hóa đơn bán ra
Các trường hợp phải xuất hóa đơn GTGT
Theo Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ như
sau:
Tổ chức, cá nhân khi thực hiện bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán
có nghĩa vụ phải lập hóa đơn và giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa,
dịch vụ dùng cho các mục đích khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, dùng để biếu,
tặng, trao đổi hoặc trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ
(trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
Xuất hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả và phải ghi đầy
đủ nội dung theo Điều 10 của Nghị định này, hóa đơn điện tử thì phải tuân
thủ định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị
định này.
Các trường hợp không phải xuất hóa đơn GTGT
Về cơ bản, xuất hóa đơn giá trị gia tăng là một trong những yêu cầu bắt buộc
trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại trừ,
không cần phải xuất hóa đơn, được phân loại cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp xuất hàng hóa để ký gửi đại lý không cần xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng;
- Doanh nghiệp xuất hàng hóa để luân chuyển hay tiêu dùng nội bộ tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh thì không phải lập hóa đơn, nộp thuế GTGT;
- Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền, tiền hỗ trợ, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT;
Đơn vị kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (TSCĐ) nhằm phục vụ
hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT thì sau khi hoàn thành, trong quá trình
tiến hành nghiệm thu hay bàn giao không cần phải lập hóa đơn GTGT.
2. Đối với hóa đơn mua vào, hóa đơn đầu vào
Trường hợp hóa đơn đầu vào có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp sau
thì bên mua không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải thanh toán theo hình
thức chuyển khoản qua ngân hàng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và ghi
nhận chi phí khi tính thuế TNDN, cụ thể:Bên bán xuất hóa đơn đầu ra trên
20.000.000 đồng;
Bên mua mua hàng hoá, dịch vụ của một nhà cung cấp nhiều lần trong cùng một
ngày, giá trị của từng hóa đơn dưới 20.000.000 đồng nhưng tổng giá trị các
hóa đơn lớn hơn 20.000.000 đồng.
Khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với TSCĐ
Khoản 3 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định về nguyên tắc khấu trừ
thuế GTGT đối với TSCĐ như sau:
- Thuế GTGT của TSCĐ không được khấu trừ khi tài sản đó được sử dụng trong các trường hợp: Sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh;
- TSCĐ, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, các cơ sở khám và chữa bệnh, cơ sở đào tạo;
- Tàu bay dân dụng, du thuyền không dùng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, du lịch, khách sạn…
- Thuế giá trị gia tăng của chi phí bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp trên được tính vào nguyên giá;
- Đối với TSCĐ là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng sẽ không được khấu trừ.
Hóa đơn GTGT đã kê khai năm trước nhưng năm sau hạch toán
- Trường hợp 1: Doanh nghiệp đã kê khai hoá đơn GTGT năm 2022 nhưng sau đó phát hiện quên chưa hạch toán tờ hóa đơn này vào báo cáo năm 2022. Để tuân thủ nguyên tắc phù hợp, hóa đơn chưa hạch toán vào báo cáo này là chi phí của năm 2022, vậy nên người nộp thuế cần phải hạch toán bổ sung, điều chỉnh và nộp lại báo cáo năm 2022;
- Trường hợp 2: Hóa đơn đã kê khai trên tờ khai của năm 2022 nhưng không đưa vào hạch toán của năm 2022 mà hạch toán sang năm 2023 thì thuế GTGT của hóa đơn năm 2022 sẽ không được khấu trừ.
Khi bị mất hóa đơn mua vào
Nếu bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã lập hóa đơn theo đúng quy định
nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản
gốc đã lập thì người bán và người mua:
- Lập biên bản ghi nhận sự việc trên, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn được người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên người đại diện pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản. Người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, người đại diện pháp luật ký tên và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua;
- Người mua được sử dụng bản sao hoá đơn có ký xác nhận, đóng dấu của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Trường hợp liên 2 hóa đơn đã sử dụng bị mất, cháy, hỏng có liên quan đến bên
thứ 3 (ví dụ: bên thứ 3 chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hoặc là bên chuyển
hóa đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ 3 do bên bán hay bên mua thuê để xác
định trách nhiệm và xử phạt theo quy định.