Hát ru Cảnh Dương

2024/12/18

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn nét đẹp văn hóa Hát ru Cảnh Dương, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát kiều hay còn gọi là hát kiều là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh. Nằm bên dòng sông Loan hiền hoà, gối đầu dưới chân núi Phượng, lại giáp với biển, Cảnh Dương được xem là miền quê sơn thủy hữu tình của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt nơi đây có điệu hò chèo cạn mượt mà, đằm thắm, hay câu hát ru độc đáo Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he... đã đi vào tâm thức của người dân vùng biển.


Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành như ngâm kiều, vịnh kiều, bói kiều, lẩy kiều nhưng trong đó, nghệ thuật hát kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn. Hát kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò trong không gian được sân khấu hóa…
Dù trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, nhưng nghệ thuật hát kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân các địa phương thuộc 2 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn.
Cùng với hát kiều, hát ru Cảnh Dương cũng là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo ở làng biển Cảnh Dương mà hầu như chỉ đàn ông lĩnh xướng. Hát ru ở Cảnh Dương xuất phát từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân, là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương.
“Ở Cảnh Dương, người dân không bắt đầu điệu hát ru bằng câu “à ơi” như nhiều địa phương khác mà mở đầu hoặc kết thúc bằng câu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...”. Hát ru ở đây không chỉ là lời mẹ ru con, bà ru cháu mà còn là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... và như ru chính mình để vơi đi mệt nhọc khi đánh bắt trên biển” - Nghệ nhân Ưu tú Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương chia sẻ.
Hiện nay, Cảnh Dương đang được xây dựng thành làng văn hóa-du lịch cộng đồng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Việc hát ru Cảnh Dương được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là cơ hội để địa phương có thêm động lực, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa phát triển thành sản phẩm du lịch.

Điệu hò cầu mong mưa thuận gió hoà

Là làng biển, hàng năm, xã Cảnh Dương thường tổ chức lễ hội Cầu ngư để cầu mong mưa thuận gió hoà, thuyền chài ra khơi bình yên "cá được ruốc dày”. Theo các cụ già trong làng kể lại, ngày trước, dân làng đi biển do gió to sóng lớn thường hay mất phương hướng thì xuất hiện con cá voi to dẫn đường, dìu thuyền vào bờ an toàn. Khi ngư dân cập bờ nhưng cá voi thì mắc cạn và không trở lại được biển xanh, do đó người dân nhớ ơn cứu mạng, chôn cất cá voi tử tế, xem là một vị thần che chở cho cư dân nghề biển. Người dân Cảnh Dương lập miếu phụng thờ và tôn là Đức Ông. Cũng từ đó, hằng năm, lễ tế Đức Ông thường được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Đây cũng chính là ngày ra khơi của làng với nguyện ước Đức Ông phù hộ cho mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy khoang, cuộc sống ấm no. Trong lễ tế, hò Đức Ông với những nghi thức diễn xướng độc đáo thể hiện lòng tôn kính và tạo nên không gian thiêng. Cùng với thời gian, hò Đức Ông dần dần chuyển thành hò chèo cạn như hiện nay.


Theo nghệ nhân Lê Thành Lộc thì hò chèo cạn ở Cảnh Dương hay còn gọi là hát bã trạo (nghĩa là vừa hát vừa nắm tay chèo), có tính mô phỏng diễn xướng nên dân gian thường gọi là hò chèo cạn. Tổ chức chèo cạn thường có con thuyền tượng trưng làm bằng tre, cót, giấy bồi được tô vẽ cẩn thận như thuyền thật, kết hình rồng, đuôi hình phượng, lòng thuyền rỗng. Hò chèo cạn thường sử dụng ba làn điệu chính là hò khoan, hò hụi và hò hí ra với đa phần là những câu lục bát, lục bát biến thể được ngắt ba nhịp, bốn nhịp theo từng làn điệu hò.
Với mục đích ban đầu là cúng tế trong lễ hội cầu ngư, chèo cạn trước hết được xem là một loại hình văn nghệ dân gian mang tính chất nghi lễ. Làng tôi mở hội cầu ngư/ Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng Giêng/ Khấn trời lạy đất bốn phương/ Mưa hoà gió thuận cầu mong Đức Bà/ Đức Ông trong cõi tâm linh/ Thành tâm phụng sự cổ kim lưu truyền/ .../ Đức Bà muôn thuở hiển linh/ Đức Ông thượng thọ giúp dân tháng ngày/ Nhang thơm một nén hương bay/ Thành tâm khấn vái tổ tiên bao đời/ Tôm nhiều cá lắm biển khơi/ Sớm hôm giăng lưới buông chài bình yên...
Nằm trên bờ sông Loan, làng Cảnh Dương như một con thuyền đang neo bồng bềnh giữa ba bề sông, biển. Sông Loan núi Phượng hữu tình, ngoài khơi xa hòn La, hòn Nồm, hòn Cỏ... Người dân nơi đây tự hào về cảnh đẹp như vẽ của quê hương mình. Sông Loan núi Phượng hữu tình/ Bảng vàng ấn ngọc phân minh châu về. Giọng hò cất lên từ sâu thẳm tâm hồn người Cảnh Dương với niềm tự hào vô bờ bến về quê hương, qua đó người nghe như cảm thấy được hương vị của gió, của biển, của lòng người dân biển bao la khoáng đạt. Người con Cảnh Dương đã sáng tác bao lời ca ca ngợi cảnh đẹp quê hương được truyền miệng cho nhau, lâu dần bổ sung thêm vào bề dày kho tàng chèo cạn.

Ngọt ngào câu hát ru

Cùng với những nét độc đáo trong hò Đức Ông hay chèo cạn, hát ru ở Cảnh Dương cũng có từ ngày thành lập làng đến nay, nghĩa là đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Hát ru Cảnh Dương không chỉ giống như các làng quê khác là mẹ ru con, bà ru cháu mà nét đặc sắc của hát ru ở Cảnh Dương là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... Ngoài ra, những câu hát ru ngọt ngào, đầm ấm như thường lệ được bắt đầu từ à ơi... ơi à... ru hởi... ru hời thì hát ru ở Cảnh Dương lại có một làn điệu riêng: Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he...


Lý giải về giai điệu độc đáo này, nhiều cụ già ở Cảnh Dương cho rằng có lẽ do đây là vùng quê biển, trước đây có nhiều gia đình vạn chài sinh sống trên những con thuyền bập bềnh sông nước quanh năm nên tiếng hát, tiếng ru không thể nhẹ nhàng mà nó phải nặng hơn, để át được tiếng sóng vỗ ì ầm, khi đó đứa trẻ thơ mới có thể nghe rõ từng lời hát để cảm nhận và cùng với cánh tay êm ái của người ru đi vào giấc ngủ.
Cái hay của hát ru Cảnh Dương là những lời hát đậm chất văn hoá miền biển, dùng nhiều tiếng địa phương chỉ nghề chài lưới, chỉ có người ngư dân mới hát những lời ru ấy, bằng thực tế cuộc sống của chính mình, bằng tình yêu thương vô bờ bến với gia đình, làng quê Sáng ra lên núi đốt than/ Chiều về xuống biển, đào hang bắt còng/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Lấy anh thấy đói em đừng lo/ Tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Trông ra ngoài biển lu mù/ Thấy anh câu đục câu đù em thương…

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ