BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4809/TCT-DNNVV&HKD,CN | Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Thuế TP Hà Nội
Trả lời công văn số 63437/CT-TTHT ngày 14/9/2018 về việc chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ từ hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ ngoài giờ tại bệnh viện Da liễu Trung ương, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 104, Điều 106 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH12 ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013 quy định về thời giờ làm việc bình thường và làm thêm giờ:
“Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
…
Điều 106. Làm thêm giờ
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm...”
Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau...”
Tại Điểm i, Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân:
“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường...”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp bệnh viện tổ chức hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ và chi trả tiền bồi dưỡng cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của bệnh viện, không theo quy định của Luật Lao động thì khoản thu nhập người lao động nhận được từ hoạt động này là khoản thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế TP Hà Nội được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Thue-Phi-Le-Phi/Cong-van-4809-TCT-DNNVV-HKD-CN-2018-ke-khai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-402931.aspx |