“Thử việc” là khoảng thời gian người lao động làm việc trước khi bước vào giai đoạn công việc chính thức. Thời gian thử việc là khoảng thời gian cần thiết cho cả phía người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động thể hiện được năng lực làm việc, tìm hiểu môi trường làm việc và xem xét sự phù hợp của bản thân tại môi trường làm việc mới. Dưới góc độ người sử dụng lao động thì thời gian thử việc nhằm giúp họ xem xét, đánh giá năng lực của người lao động có đáp ứng yêu cầu tại vị trí công việc đó hay không. Chính bởi tính chất quan trọng trên, “thử” nhưng “việc thật”, người lao động nên nắm các thông tin pháp lý liên quan đến “thử việc” để bảo vệ tốt nhất lợi ích của bản thân.
Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật số 45/2019/QH14 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2021 quy định các nội dung về “thử việc” cụ thể:
Nội dung thử việc
Lưu ý: Thử việc không áp dụng với người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng.
- Nội dung thử việc có thể được ghi kết ở 02 hợp đồng: (1) hợp đồng lao động hoặc (2) hợp đồng thử việc. (khoản 1 Điều 24)
Như vậy so với Bộ luật lao động 2012, ở luật mới đã cho phép ghi nhận nội dung thử việc cả trong “hợp đồng lao động”. Điều này nhằm tạo sự thuận tiện cho các bên khi có thể kết hợp nội dung thử việc ngay trong hợp đồng lao động mà không cần tách riêng ra hợp đồng thử việc.
- Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc bao gồm: (khoản 2 Điều 24)
Thời gian thử việc;
Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
Công việc và địa điểm làm việc;
Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Thời gian thử việc
Luật có quy định mức thời gian thử việc tối đa tùy tính chất của các vị trí làm việc. Người lao động cần lưu ý, xác định công việc mình thử việc rơi vào nhóm nào và khoảng thời gian tối đa thử việc của nhóm đó. Điều này giúp người lao động không “bị lỡ” khi phải rơi vào tình huống thử việc quá lâu. Thông thường ở vị trí thử việc chưa nhận 100% lương so với chính thức, nên nếu phải trải qua thời gian thử việc dài hơn luật định, người lao động sẽ nhận thiệt thòi về mức tiền lương được nhận.
Cụ thể, tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc:
Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: thời gian thử việc tối đa 30 ngày;
Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: thời gian thử việc tối đa 60 ngày;
Công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: thời gian thử việc tối đa 180 ngày;
Công việc khác: thời gian thử việc tối đa 06 ngày.
Tiền lương thử việc
Tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo tối thiểu bằng 85% mức lương của công việc chính thức đó.
Kết thúc thời gian thử việc
- Hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết trong thời gian thử việc: người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không cần thông báo trước và không phải bồi thường.
- Kết thúc thời gian thử việc: (Điều 27)
Người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động khi kết thúc thời gian thử việc;
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu: người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Cơ sở pháp lý: Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật số 45/2019/QH14
Mai Tâm - ADM Dept