1. Điền và định dạng dữ liệu
Nhiều người đã hỏi mình rằng, làm thế nào để tăng tốc độ xử lý công việc trong
Excel. Mình có thể trả lời chắc nịch rằng cách nhanh nhất để tăng tốc độ xử lý
công việc hàng ngày đó là học cách
sử dụng các phím tắt trong việc nhập và định dạng dữ liệu.
Các bạn nên nhớ một điều rằng Excel có tính năng tự điền vào các ô dựa trên
mẫu mà các bạn nhập vào (Tính năng Flash Fill) hoặc định dạng ô hay
vùng dữ liệu chỉ đơn giản bằng một tổ hợp phím. Ví dụ như khi bạn muốn định
dạng dữ liệu thì các bạn nên ghi nhớ các phím tắt dưới đây.
- Ctrl Shift 1: Định dạng dữ liệu dạng số với 2 số thập phân.
- Ctrl Shift 2: Định dạng dữ liệu dạng thời gian.
- Ctrl Shift 3: Định dạng dữ liệu dạng ngày.
- Ctrl Shift 4: Định dạng dữ liệu dạng tiền tệ.
- Ctrl Shift 5: Định dạng dữ liệu dạng phần trăm.
- Ctrl Shift 6: Định dạng dữ liệu hàm mũ hoặc khoa học.
2. Biểu đồ SparkLine
Biểu đồ SparkLine là một biểu đồ rất đặc biệt trong Excel khi biểu đồ
đó nằm trọn vẹn trong một ô của Excel chứ không như các dạng biểu đồ khác là
một thành phần hoàn toàn tách biệt với các ô trong Excel. Điều này giúp cho
bạn có thể tổng hợp một khối lượng dữ liệu rất lớn ở trong chỉ 1 Sheet duy
nhất. Biểu đồ Sparkline có khá nhiều định dạng bao gồm các định dạng
win/loss, bar và dạng line. Việc tạo ra biểu đồ Sparkline cũng rất đơn
giản:
- Chọn vùng dữ liệu dạng số.
- Ấn vào Tab Insert trên thanh công cụ.
-
Chọn dạng biểu đồ Sparkline mà bạn muốn chèn (Line, Column hoặc
Win/Loss).
-
Chọn nơi muốn chèn biểu đồ Sparkline nằm trên cùng trang tính với
vùng dữ liệu của bạn.
3. Làm cho biểu đồ của bạn trở nên trực quan hơn.
Biểu đồ trong Excel luôn luôn có nhiều tính năng, định dạng khiến chúng trở
nên bắt mắt hơn để hấp dẫn người đọc. Dưới đây là một vài thủ thuật mà bạn có
thể sử dụng nhanh chóng để tăng tính trực quan cho biểu đồ của bạn.
-
Biểu đồ chuỗi thời gian: Với dạng biểu đồ này thì biểu đồ
Bar và Line Chart là lựa chọn tốt nhất để diễn tả sự thay đổi của
một đối tượng nào đó theo thời gian. Bạn có thể sử dụng cụm phím tắt
Alt N L N để tạo ra biểu đồ Line Chart và Alt N C để tạo ra biểu đồ
Bar Chart.
-
Chia nhỏ dữ liệu thành các thành phần: Nếu bạn đang cố gắng hiển
thị dữ liệu với nhiều thành phần thì biểu đồ Pie Chart luôn là lựa
chọn tối ưu nhất. Bạn có thể nhập thông tin dưới dạng phần trăm hoặc giá
trị tuyệt đối. Phím tắt để tạo ra biểu đồ Pie Chart là
Alt N Q.
-
Biểu đồ Scatter Chart: Đây là một công cụ tuyệt vời để khám phá các
xu hướng trong các điểm dữ liệu. Phím tắt để chèn Scatter Chart là
Alt N D.
-
Đường xu hướng (Trendline): Biểu đồ
Line Chart và Bar Chart của bạn
có thể chèn thêm đường xu hướng (Trendline) và Scatter Chart để dễ
dàng diễn giải dữ liệu và hiểu được mối quan hệ giữa chúng với nhau.
4. Sử dụng Pivot Tables
Để có thể chèn một Pivot Tables thì bạn có thể sử dụng phím tắt
Alt N V. Ngoài ra các bạn có thể vào Tab Insert và chọn
Pivot Tables. Sau khi Pivot Tables được tạo, bạn có thể
Add thêm các cột, dòng, dữ liệu cần đưa lên bảng tổng hợp của mình chỉ
đơn giản bằng các thao tác kéo thả các trường trong Field List vào đúng vị trí
của nó mà thôi.
Chỉ có 1 điểm lưu ý trước khi chèn Pivot Tables đó là bạn nên chuyển dữ liệu
gốc của bạn sang dạng Table để khi dữ liệu của bạn được cập nhật thêm thì muốn
Pivot Tables của bạn Update dữ liệu mới, việc của bạn chỉ đơn giản là ấn
Refresh mà thôi. Ngoài ra thì có 1 điểm bạn cũng cần lưu ý với vùng dữ liệu
của Pivot Tables, đó là tất cả các cột trong vùng dữ liệu đều phải có tiêu đề,
nếu một cột nào đó không có tiêu đề thì khi Insert Pivot Tables Excel sẽ báo
lỗi. Thêm 1 điểm nữa các bạn cần lưu ý với Pivot Tables, đó là với các trường
chứa dữ liệu, nếu không có phát sinh thì các bạn đừng để trống mà hãy nhập số
0 vào đó.
Lý do vì sao lại như vậy, đó là khi bạn không nhập dữ liệu thì trường dữ liệu
đó Excel sẽ phải phân vân giữa giá trị của trường dữ liệu đó là số hay là
chuỗi. Vì thế để an toàn, Excel vẫn hay sử dụng thuộc tính COUNT thay vì SUM
cho trường dữ liệu đó. Đây là 1 chút ý rất quan trọng nếu bạn không muốn chỉnh
tay từ COUNT sang SUM trong Pivot Tables đó.
5. Sử dụng Formula Auditing.
Đã bao giờ các bạn viết công thức Excel ra kết quả là các lỗi N/A hay VALUE
chưa? Mình tin là các bạn đã gặp nhiều rồi. Kể cả mình cũng từng gặp như thế,
lúc đó cái mà mình hoang mang đó chính là nếu theo Logic thì mình viết đang
đúng nhưng tại sao kết quả lại ra sai nhỉ?
Tại sao Excel lại không báo lỗi cho mình. Báo cáo cần nộp cho sếp đã sắp đến
DEADLINE rồi nhưng tại sao hàm Excel của mình vẫn sai. Đây là điều mà rất
nhiều kế toán đã, đang và sẽ gặp phải trong quá trình tổng hợp dữ liệu bằng
Excel. Vậy khi gặp phải trường hợp này thì bạn sẽ làm như thế nào?
Có một lời khuyên chân thành cho các bạn làm nghề kế toán, đó là đừng hoảng
loạn vì Excel vẫn luôn có công cụ giúp bạn tìm ra lỗi sai đó. Vì thế việc bạn
cần làm khi có lỗi sai đó là xem lại cú pháp mình viết đã đúng hay chưa? Sau
khi đã xem cú pháp rồi vẫn thấy nó đúng thì hãy nhanh tay đi tới Tab Formula
và tới nhóm Formula Auditing > Chọn Error Checking… hoặc đơn giản là sử
dụng công cụ Evaluate Formula để xem công thức của chúng ta đang hoạt động như
thế nào.
Đa phần các bạn đều không quan tâm công thức Excel được hoạt động ra sao, các
bạn chỉ biết là nếu SUM một mảng dữ liệu thì bạn có kết quả là tổng của mảng
đó. Nhưng đó là với các công thức đơn giản, trong trường hợp bạn sử dụng nhiều
công thức lồng nhau phức tạp nhưng bị lỗi thì bạn sẽ rất cuống vì bạn không
biết công thức của mình đang bị lỗi ở phần nào. Đó là lý do mà nhóm Formula
Auditing ra đời. Đó là nơi chốn mà bạn phải tìm tới khi có lỗi xảy ra trong
Excel nhé.
6. Data Validation
Data Validation là một công cụ hỗ trợ rất đắc lực trong Excel. Nhiều bạn biết
tới Data Validation qua việc tạo List nhập liệu nhanh đúng không nào? Tuy
nhiên Data Validation còn cung cấp nhiều hơn thế.
Về bản chất Data Validation là
một công cụ kiểm soát việc nhập liệu vô cùng
tuyệt vời. Ví dụ như cột A của bạn là dữ liệu ngày tháng nhưng bạn lại nhập dữ
liệu dạng chuỗi vào thì cấu trúc dữ liệu của bạn sẽ hỏng bét ngay. Các bạn nên
nhớ để công việc xử lý dữ liệu trên Excel trở nên đơn giản hơn thì dữ liệu của
bạn càng sạch sẽ càng tốt. Sạch sẽ ở đây nghĩa là gì
,
đó là tất cả các cột đều có đủ tiêu đề. Dữ liệu trong các cột đều đồng nhất,
nói không với Merge Cells và rất nhiều điều nữa. Tuy nhiên việc đồng bộ hoá dữ
liệu trong 1 cột là cực kỳ quan trọng. Khi dữ liệu của các bạn được tổ chức
tốt thì việc lên một báo cáo là hoàn toàn đơn giản với những công thức không
hề phức tạp. Đó là lí do cốt lỗi nhất mà Data Validation ra đời.
Data Validation cũng có thể định nghĩa giá trị được nhập liệu vào một vùng nào
đó của bạn bằng các công thức Logic trên Excel. Khi bạn nhập dữ liệu không
thoả mãn điều kiện thì một thông báo lỗi sẽ hiện lên và bạn sẽ không thể nhập
được dữ liệu không thoả mãn điều kiện vào vùng đó.
Ngoài ra như mình nói, Data Validation cũng có thể thiết lập nên 1 list danh
sách để nhập liệu nhanh. Đây cũng là điểm mà mình thích ở Data Validation.
7. Học cách sử dụng Format Cells.
Các bạn nên ghi nhớ phần mềm Excel là phần mềm bảng tính. Vì vậy các dữ liệu
dạng số, dạng ngày tháng nên ở dạng số chứ không nên cưỡng ép nó chuyển sang
dạng chữ. Vì ngày tháng khi bạn để nó ở dạng chữ thì khả năng tính toán của
bạn hầu như là bằng 0. Đó là điều mà mình không muốn.
Vậy trong trường hợp bạn muốn gõ vào dữ liệu là Ngày 18 tháng 04 năm 2020 thì
làm thế nào?
Với mình thì phương án vẫn chính là gõ 18/04/2020 hoặc sử dụng hàm
=DATE(2020,04,18) trước. Sau đó mình chọn vùng cần chuyển định dạng và nhấn
Ctrl 1 hoặc chuột phải rồi chọn Format Cells.
Tại đây mình đi tới phần Custom và gõ vào 1 đoạn mã như sau:
“Ngày” dd “Tháng” mm “Năm” yyyy.
Chỉ đơn giản như thế thôi là chúng ta đã có kết quả mà mình muốn rồi đấy. Đây
là một thiên đường mà các bạn nên tìm hiểu. Đã từng có một người thầy nói với
mình điều này và mình nghĩ nó không hề sai chút nào cả.
8. Sử dụng các Template có sẵn của Microsoft
Có thể các bạn chưa biết nhưng trên các phiên bản mới nhất của Microsoft, đặc
biệt là Excel 365, Microsoft cung cấp rất nhiều mẫu biểu dựng sẵn mà bạn có
thể tạo ra và sử dụng nó chỉ bằng vài phím bấm đơn giản. Để truy cập kho
Template có sẵn của Microsoft, bạn sẽ vào
File,
chọn New và chọn Template bạn muốn ở đây.
Tất nhiên để có nhiều Template hơn thì bạn cần có kết nối Internet và mua bản
quyền chính hãng từ Microsoft để sử dụng kho Template này nhé.
9. Học cách sử dụng VBA
Những công việc nhàm chán vô vị hàng ngày của bạn có thể kết thúc và thay thế
vào đó là việc tự động hoá công việc đó chỉ bằng một nút bấm duy nhất. Để làm
được điều đó thì việc mà bạn cần làm đó là nghiên cứu VBA. VBA là một công cụ
giúp cho tốc độ xử lý dữ liệu hay công việc của bạn không những trở nên nhanh
hơn mà còn hỗ trợ cho bạn trong công việc hàng ngày như tự lập trình ra các
hàm tính toán mà công thức gốc trong Excel chưa cung cấp cho bạn. Hay để có
thể sử dụng thì bạn sẽ phải viết các hàm lồng nhau rất phức tạp mà không dễ
với phần đông người sử dụng Excel.
Câu hỏi đặt ra là học cách sử dụng VBA có khó không? Mình xin trả lời là nó
rất khó với ai không biết gì về Excel. Nhưng đối với người đã quá rành Excel
và sử dụng thành thạo các hàm, công cụ thì nó không quá khó cho người học. Vì
vậy khi bạn đã cảm thấy tự tin về kỹ năng Excel của mình thì còn chờ gì mà
không học VBA. Tin mình đi, nhiều người sẽ cực kỳ ngưỡng mộ bạn khi bạn biết
VBA đó. Khi đó công việc của bạn không những nhẹ nhàng đi mà bạn còn sở hữu
một thế mạnh mà sếp bạn rất quý trọng đấy.
Nguồn: https://www.imic.edu.vn/tin-tuc-cong-nghe/31819/9-ky-nang-tuyet-voi-danh-cho-dan-ke-toan.html