[BHXH] Nhiều lao động muốn nâng mức đóng Bảo hiểm xã hội
Tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi
người dân. Chính vì thế, việc tham gia BHXH với mức lương vừa đủ là mong
muốn của nhiều người lao động.
Làm việc trong một tập đoàn công nghệ ở Hà Nội, chị Đặng Lan, 48 tuổi, từng
kiến nghị với lãnh đạo công ty nâng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lên sát
thu nhập. Chị lo ngại duy trì mức đóng thấp đến khi về hưu lương chưa nổi 3
triệu đồng, không đủ tiền đi chợ mua thức ăn một tháng.
Mức đóng BHXH của chị Lan sau 20 năm chỉ tăng từ 1,3 lên gần 6 triệu đồng,
trong khi thu nhập thực tế cao gấp ba lần.
Trả lời cho kiến nghị của chị Đặng Lan, phía doanh nghiệp đã từ chối vì lý
do sẽ tăng chi phí doanh nghiệp. Bản thân không thể nhảy việc sang nơi đóng
BHXH cao, chị Lan đành trích lương gửi tiết kiệm ngân hàng để có khoản phòng
thân.
Chính vì thế, trước kiến nghị mức tham gia BHXH trên 70% thu nhập, chị Lan
hoàn toàn đồng ý. Theo phương án này, mỗi tháng chị sẽ trích đóng gần 1,2
triệu đồng, là mức chấp nhận được, chỉ cần bớt các khoản mua sắm.
Cũng muốn nâng mức đóng BHXH để hưởng lương hưu cao, anh Nguyễn Thanh Tùng
đã rời bỏ một doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam sau 5 năm gắn bó để đầu quân
cho công ty có vốn Nhật Bản. "Đóng cao thì đau ví, song hưởng cũng cao hơn.
Công ty trích 14% thì người lao động vẫn lợi hơn là tự gánh gồng toàn bộ như
người đóng BHXH tự nguyện", anh Tùng chia sẽ.
Theo thống kê giai đoạn 2016-2021, mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
toàn quốc chỉ tăng 13%, lên gần 5,7 triệu đồng. Mức này theo tính toán mới
đạt khoảng 75% tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương. Ở khu
vực ngoài quốc doanh, tiền lương tính đóng BHXH của lao động còn thấp hơn,
chỉ 5,1 triệu đồng. Phần lớn doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động trên nền
lương tối thiểu vùng cộng 5-7% phụ cấp độc hại hoặc qua đào tạo. Số được
đóng BHXH trên nền tổng thu nhập như anh Tùng rất ít.
Để đảm bảo đời sống người lao động khi về hưu, ông Phan Văn Mến, Giám đốc
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội
kiến nghị tiền lương tính đóng BHXH ít nhất bằng 70% tổng tiền lương
và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Lý giải về "các
khoản có tính chất như lương", ông Mến cho biết đây là phần thu nhập thường
xuyên được trả vào mỗi kỳ lương như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, trừ các
loại tiền thưởng, sáng kiến.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH, áp dụng với
lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng. Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương
và khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng
lao động.
Phương án hai đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và
các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền
tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong
quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng
BHXH để hưởng mức lương hưu cao.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến
trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại
kỳ họp giữa năm 2024.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
https://vnexpress.net/nhieu-lao-dong-muon-nang-muc-dong-bao-hiem-xa-hoi-4596810.html