Văn hóa đọc của người Nhật

2014/04/26

NhậtBản-Vănhóa

Từ xa xưa, sách đã được xem là một người bạn đồng hành của chúng ta, từ những trang sách dệt bằng thân cói của người Ai Cập cho tới những quyển sách giấy thơm tho như hiện nay. Thông qua quá trình đọc sách, con người có thể trau dồi bản thân và tích luỹ được nhiều kiến thức bổ ích. Ngày nay, dưới sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, chỉ cần với một cú nhấp chuột, chúng ta đã có thể dễ dàng tìm kiếm mọi thông tin về vấn đề mà mình quan tâm một cách thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên, nhà văn người Đức Gunter Grass (1927-2015) – người đạt giải Nobel Văn học năm 1999 đã từng nói: “Không gì có thể thay thế văn hoá đọc” hay nói cách khác, “những cú nhấp chuột” tiện lợi ấy sẽ không thể thay thế được việc đọc sách của con người.

Ở Nhật Bản, văn hóa đọc đã tồn tại từ rất lâu, sau đó không ngừng phát triển và được cả thế giới biết đến. Thật chẳng ngoa khi nói rằng Nhật Bản là thiên đường cho những người yêu mến văn hóa đọc. Dù theo thời gian, công nghệ thông tin đã đạt được sự phát triển vượt bậc, song văn hoá đọc ở Nhật Bản vẫn không hề mai một.

Để có thể hiểu hơn về nét văn hóa tốt đẹp này, hãy cùng đi vào bài viết ngay sau đây nhé!

1. Nguồn gốc văn hóa đọc ở Nhật

Cũng như các nền văn hóa khác, chúng ta khó có thể biết được văn hóa đọc Nhật Bản đã ra đời vào một thời điểm cụ thể nào. Bởi vốn dĩ thói quen đọc sách đã nằm sâu trong tiềm thức của người Nhật qua mỗi thế hệ và phát triển cùng với lịch sử của đất nước này. Tuy nhiên, một số các tác giả, nhà nghiên cứu đã đưa ra quan điểm của mình như sau.

Theo Tomoko Masaki (2013), thì vào thời Edo (1603-1868), tại các trường học tư thục Terakoya đã có hình thức đọc Ehon, hay cho đến thời Minh Trị (1868-1912), nhờ sự du nhập kỹ thuật in ấn và du nhập nhiều thể loại sách với các hình thức đa dạng, văn hóa đọc tại Nhật Bản như mở ra một bước tiến mới. Tất cả người dân đều có cơ hội tiếp cận với vô vàn nguồn sách, báo đa dạng về nội dung lẫn chất lượng. Và cũng từ thời kì này, việc giáo dục trẻ em thông qua hình thức xây dựng thói quen đọc sách được chú trọng và phát triển cho đến ngày nay.


Theo Nguyễn Xuân Xanh (2012), người Nhật đã có truyền thống đọc sách lâu đời, ít ra là từ thời Tokugawa (1600-1868). Vào thời kỳ này, tướng quân Tokugawa Ieyasu cho rằng “văn phải đi trước võ”. Dưới thời của ông, số lượng thư viện tại Nhật Bản là nhiều nhất chưa từng có trong lịch sử. Từ những nỗ lực đó, vào cuối thế kỷ 18, tỉ lệ người biết chữ lên đến 80% tính cả nam và nữ. Và đến giữa thế kỷ 19, nhờ vào cuộc duy tân Minh Trị, khi dân tộc Nhật lên cơn sốt đọc sách nước ngoài để học hỏi phương Tây, tìm ra con đường chấn hưng đất nước. Quyển “Self-Help” (tiếng Việt: “Tinh thần tự lực”) của Samuel Smiles khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) đã được bán đến một triệu bản trong khi dân số Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ khoảng 30 triệu.

2. Thực trạng văn hóa đọc ở Nhật

Ở Nhật, các bậc cha mẹ đã hình thành thói quen đọc sách cho con em của mình từ rất sớm, ngay cả khi chưa biết chữ. Đến khi đi học, khi mà việc đọc sách không còn là sở thích cá nhân mà đã trở thành một phần của giáo dục, hoạt động đọc sách theo lớp, theo tập thể được tổ chức tại trường học vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, người Nhật ngoài những khi đọc sách một mình trong không gian yên tĩnh thì họ còn tham gia các buổi đọc sách đông người cùng tập thể và hội nhóm, cùng nhau chia sẻ ý kiến, cảm nghĩ, giúp việc đọc và hiểu sách hiệu quả hơn.

Theo một khảo sát về việc đọc và viết ở người trưởng thành (từ 17 đến 19 tuổi) của Nippon Foundation năm 2020, hầu hết người Nhật đều đọc từ 1 đến 4 cuốn sách trong một tháng. Trong đó, phần lớn mọi người thường có xu hướng đọc tiểu thuyết, kế đến là Manga cùng với những sách viết về lĩnh vực yêu thích (thể thao, âm nhạc)... Và trải qua đại dịch COVID19, lượng sách đọc mỗi tháng của họ còn có xu hướng tăng thêm từ 1 đến 3 quyển sách trong 1 tháng.

Về địa điểm đọc sách, người Nhật không chỉ đọc sách tại nhà, tại trường học hay thư viện mà đọc ở khắp mọi nơi như ga tàu điện, trạm chờ xe buýt, sân bay, quán cà phê hay hiệu sách... Để thực hiện những việc cần sự tập trung cao độ như học tập, làm việc hay đọc sách thì việc có một không gian tĩnh lặng hay tư thế thoải mái là một điều cần thiết, nhưng đối với người Nhật, họ có thể đọc ngay cả trên những chuyến tàu rung lắc, những nơi ồn ào, náo nhiệt hay thậm chí là đọc trong tư thế đứng hàng giờ đồng hồ. Và hình thức đứng đọc này phổ biến đến mức trở thành một nét văn hóa được thế giới biết đến với tên gọi “Tachiyomi” (trong tiếng Nhật, 立ち - Tachi nghĩa là đứng, còn 読み - Yomi nghĩa là đọc).


Mặt khác, người Nhật còn có một kỹ năng đọc sách riêng với 7 bước: Xác định mục tiêu; Đọc trước phần mở đầu, mục lục, giới thiệu tác giả; Đọc lướt (10 giây/trang); Đọc nhanh (30 giây/trang); Đọc kĩ; Tóm tắt; Ứng dụng. Trước khi đọc một quyển sách, họ sẽ ghi ra giấy những mục tiêu mình muốn đạt được như là lý do đọc, những lợi ích mà sách này mang lại... Để nắm bắt một cách sơ lược về nội dung cần đọc, họ sẽ đọc qua phần tóm tắt trên bìa sách, lời mở đầu, mục lục và đọc lướt một cách nhanh chóng các tựa đề chương. Sau đó là bước đọc kỹ những nội dung đã xác định ban đầu và tiến hành hình dung một cách toàn diện những nội dung đó theo suy nghĩ của bản thân. Để những thông tin đó trở thành kiến thức của bản thân, họ sẽ ghi chú lại những từ khóa liên quan đến nội dung đã đọc. Và cuối cùng, họ sẽ ứng dụng những kiến thức mình đã lĩnh hội được sau khi đọc xong quyển sách ấy bằng những cách như trao đổi với người khác, viết blog...

Như vậy, chúng ta có thể thấy ở Nhật Bản, văn hóa đọc đã được hình thành từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ. Nguồn gốc khai sinh và phát triển của nền văn hóa ấy không do ai khác mà chính từ dân tộc Nhật Bản. Ngày nay, văn hóa đọc đã được phủ sóng rộng rãi không chỉ trong nước, mà độ nhận diện trên thế giới cũng ngày càng được chú ý nhiều hơn. Mặc dù đây là thời đại số hoá với sự xuất hiện các phương tiện nghe nhìn hiện đại cùng những nội dung hấp dẫn và lôi cuốn, nhưng với người Nhật, việc đọc sách vẫn được coi là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của họ.


Nguồn: Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ