Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư của một quốc gia đầu tư toàn bộ hoặc một phần vốn thành lập trên lãnh thổ của một quốc gia khác để tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Vậy, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ gì?
1. Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài được định nghĩa tại khoản 19 điều 3 Luật đầu tư năm 2020 như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư của một quốc gia đầu tư toàn bộ hoặc một phần vốn thành lập trên lãnh thổ của một quốc gia khác để tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.
"Nhiều nước trên thế giới không phân biệt vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư nước ngoài và bởi vậy, không có khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; họ gọi các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức tổ chức pháp lí của chúng, ví dụ: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần...
Thuật ngữ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chính thức được sử dụng trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (trước đó gọi là xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Theo đó thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có các đặc trưng sau: 1) Doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của nhà đầu tư nước ngoài; 2) Được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trên cơ sở giấy phép đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài cấp; 3) Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam; 4) Được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Hiện nay, Việt Nam đang thí điểm chuyển một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành công ty cổ phần.
Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm:
– Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
– Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).
2. Căn cứ pháp lý về việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Biểu cam kết WTO,
Luật đầu tư năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành;
Luật doanh nghiệp năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành;
Văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư.
Hiệp định thương mại với các nước nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch.
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
3. Đối tượng áp dụng về việc thành lập công ty có vốn nước nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi thành lập công ty có vốn nước ngoài bao gồm:
- Công ty có từ 1% đến 100% vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp ngay khi thành lập;
- Công ty có vốn nước ngoài (Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam) tiếp tục thành lập thêm tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Thành lập mới hoặc góp vốn từ 1% đến 100% vốn điều lệ công ty;
- Các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào công ty Việt Nam đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kể cả trường hợp mua tới 100% vốn góp của công ty) cũng không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trừ trường hợp công ty kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua từ 1% phần vốn góp cũng cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Đối với công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tới người tiêu dùng hoặc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa cần xin thêm Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ;
- Quy định đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập trước ngày 01/07/2015: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì được làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
Lưu ý: Năm 2021, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cùng góp vốn với người Việt Nam để thành lập công ty (tức công ty liên doanh giữa bên Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài) thì phương án tối ưu và giảm thiểu thủ tục nên thực hiện theo trình tự như sau:
- Bước 1: Thành lập công ty Việt Nam;
- Bước 2: Xin giấy phép đủ điều kiện đối với các ngành nghề có điều kiện;
- Bước 3: Chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài hay còn gọi là thủ tục người nước ngoài đăng ký mua phần vốn góp;
- Bước 4: Xin giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ(Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh chỉ áp dụng đối với công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thực bán lẻ hàng hóa tới người tiêu dùng hoặc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa).
Đối với phương án này Công ty có vốn đầu tư nước ngoài dù có thành viên là nhà đầu tư nước ngoài nhưng không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Khi doanh nghiệp không có Giấy chứng nhận đầu tư sẽ giảm thiểu thủ tục khi có sự thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Cụ thể:
+ Thủ tục thay đổi đơn giản: Khi doanh nghiệp chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ phải thực hiện khi có sự thay đổi tên công ty, địa chỉ công ty, thông tin chủ sở hữu,…thực hiện thủ tục giống như doanh nghiệp Việt Nam;
+ Không phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện dự án, báo cáo giám sát đầu tư,…;
+ Không phải thực hiện các thủ tục cập nhật thông tin đầu tư trên hệ thống quản lý về đầu tư.
4. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:
Quy trình thực hiện:
- Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
- Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ.
- Cơ quan đăng ký đầu tư sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ đăng ký đầu tư, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ và cấp mã số cho dự án đầu tư.
5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
5.1. Quyền hạn
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có các quyền sau:
- Có quyền tự chủ kinh doanh, tự quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với mục tiêu và phạm vi kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.
- Có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp thiết bị, máy móc, vật tư, phương tiện vận tải, sản phẩm để đảm bảo công việc xây dựng hình thành doanh nghiệp và phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có quyền ủy thác xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm của mình.
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc để mở rộng quy mô dự án đầu tư, thay thế, đổi mới công nghệ, phương tiện vận chuyển dùng để đưa đón công nhân và linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, vá lắp, phụ kiện kèm với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu vật tư nhập khẩu để thực hiện dự án BOT, BTO, BT v.v…
- Có quyền mở tài khoản bằng tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tại Ngân hàng Việt Nam hoặc tại ngân hàng liên doanh ở Việt Nam hoặc tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam. Có thể mở tài khoản vốn vay tại ngân hàng nước ngoài nếu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.
- Được quyền bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự tại công ty bảo hiểm Việt Nam hoặc tại công ty bảo hiểm khác được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Được tuyển dụng lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh nhưng phải ưu tiên tuyển dụng công dân Việt Nam, chỉ được tuyển dụng người nước ngoài làm những công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật và quản lý mà Việt Nam chưa đáp ứng được, nhưng phải đào tạo lao động Việt Nam thay thế.
- Được hưởng ưu đãi về tài chính như miễn giảm thuế lợi tức, hưởng ưu đãi về thuế suất thuế lợi tức trong các trường hợp khuyến khích đầu tư.
- Được mở chi nhánh ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính để thực hiện các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
5.2. Nghĩa vụ
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
- Hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư và pháp luật Việt Nam;
- Bảo vệ môi trường;
- Thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản hình thành doanh nghiệp phải nghiệm thu, quyết toán công trình, có xác nhận của một tổ chức giám định;
- Thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật Việt Nam về kế toán, kiểm toán, thống kê. Thực hiện kế toán theo chế độ kế toán Việt Nam. Trường hợp có lý do chính đáng cần áp dụng chế độ kế toán nước ngoài thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính Việt Nam chấp thuận;
- Tự bảo đảm cân đối thu chi tiền nước ngoài cho hoạt động của doanh nghiệp, kể cả lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài. Chính phủ Việt Nam chỉ bảo đảm hỗ trợ cân đối ngoại tệ đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu và một số công trình quan trọng khác
- Nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các dự án trồng rừng, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng tại miền núi, vùng 'sâu, vùng xa, các dự án có quy mô lớn và có tác động lớn đối với kinh tế xã hội thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư được miễn thuế lợi tức theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc miễn, giảm thuế lợi tức không áp dụng cho các dự án khách sạn (trừ khi đầu tư vào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn hoặc chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động), các dự án tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.