Trà đạo của Nhật Bản

2024/04/11

NhậtBản-Vănhóa

Văn hóa trà đạo Nhật Bản được hình thành từ thời Kamakura và Muromachi nhưng matcha lần đầu tiên du nhập vào Nhật ở thời Heian. Lúc đầu matcha chỉ được một số ít người thượng lưu biết nhưng từ thời Kamakura thì nổi tiếng khắp thế giới.
Trải nghiệm trà đạo không chỉ là thưởng thức một thức uống, mà còn là hành trình khám phá văn hóa và tinh thần độc đáo của Nhật Bản. Bằng cách tìm hiểu về trà đạo Nhật Bản, bạn có thể tìm hiểu về nghi thức uống trà truyền thống của Nhật Bản và tinh thần hiếu khách của người Nhật.


1.Trà đạo là gì?

Trà đạo là một loại hình nghệ thuật trong đó người chủ trì (người chủ trà đạo) phục vụ trà cho khách theo nghi thức truyền thống. Loại trà được phục vụ trong tiệc trà đạo là matcha (抹茶), một loại trà Nhật Bản dạng bột mịn được xay từ lá trà xanh. Trà được pha bằng cách cho nước nóng vào matcha rồi đánh lên bằng chổi Chasen để tạo bọt.
Lý do người ta dòng matcha trong trà đạo là gì? Vì khi trà trở nên phổ biến ở Nhật Bản, người ta thường dùng cối đá (dụng cụ dùng để xay hạt) để nghiền lá trà thành bột và uống. Trong matcha chứa lượng caffeine bằng khoảng 1/3 so với cà phê. Tuy nhiên, trái với cafe gây cảm giác bồn chồn, tim đập nhanh…, thì matcha mang lại trạng thái hưng phấn, êm dịu, tỉnh táo và thư giãn sâu.

2. Các trường phái lớn của trà đạo Nhật Bản

2.1 Trường phái Urasenke

Trường phái trà đạo được xem là lớn nhất. Điểm nhấn chính của trường phái Urasenke chính là làm hài lòng khách. Điều này được thể hiện thông qua việc những người pha trà chú trọng sử dụng dụng cụ pha trà có chất lượng tốt, đồng thời cách bài trí trà đạo phải tạo được ấn tượng với khách.

2.2 Trường phái Omotesenke

Khác với Urasenke, trường phái Omotesenke tập trung vào nét giản dị và trân trọng những truyền thống xưa cũ. Những trà sư của phái Omotesenke thường thích sử dụng các công cụ đơn giản hơn để pha trà. Song song đó, phong cách Omotesenke còn nổi bật bởi lúc thưởng trà, họ nhấn mạnh đến cảm nhận sự sâu lắng trong hương vị của trà thông qua việc làm cho trà ít sủi bọt hơn.

2.3 Trường phái Mushakoji Senke

Mushanokoji Senke gần như là phiên bản nâng cấp hơn của trường phái Omotesenke, người pha trà theo trường phái Mushanokoji Senke đề cao sự tinh gọn hơn cả. Họ lược bớt các bước không cần thiết khi pha trà đạo và loại bỏ tối đa sự lãng phí trong phòng trà.

3. Nghi thức trong trà đạo

Có các bước cơ bản như sau:

3.1 Vào phòng trà

Trong trà đạo, chủ nhà rất chú trọng đến không gian phòng trà để chiêu đãi khách.
Về cơ bản khi vừa bước vào, bạn sẽ được chào đón bởi những món đồ trang trí như một tác phẩm Ikebana (cắm hoa kiểu Nhật), thư pháp, bức tranh,... 
Nếu phía chủ nhà có những nghi thức thể hiện sự chu đáo thì phía khách cũng có những hành xử thể hiện phép lịch sự.
Đầu tiên là tháo phụ kiện để không làm hỏng bộ pha trà. Đi tất trắng để không làm hỏng chiếu Tatami. Bước vào và không dẫm lên mép chiếu Tatami. Mép chiếu có ý nghĩa phân biệt giữa chủ và khách. Quỳ xuống rồi mới kéo mở cửa để thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhà.

3.2 Chào chủ nhà

Khi bước vào, trước tiên là chào chủ nhà và nói “Yoroshiku onegaishimasu” (Rất vui được gặp anh/chị).
Sau đó chủ nhà chào và nên đáp đáp lại để thể hiện sự tôn trọng “Honjitsu ha omaneki itadaki arigatōgozaimasu” (Hôm nay thành thật cảm ơn bữa tiệc của anh/chị).

3.3 Ăn bánh Wagashi

Bánh Rakugan: Một loại Wagashi được làm từ bột gạo (hay bột ngũ cốc) trộn với đường và Mizuame (siro tinh bột).

Bánh Nerikiri: Một loại Wagashi được làm bằng cách nhào đường, Yamaimo (một loại khoai mỡ), bột nếp Mijinko cùng với đậu trắng.
Khi chủ nhà mời dùng bánh hãy nói “Osakini” (Tôi xin nhận bánh trước).

3.4 Uống trà

Sau khi ăn bánh, hãy uống trà theo nghi thức sau:
  • Nói “Otemae chōdaishimasu” (Tôi xin nhận trà) và cúi đầu.
  • Dùng tay phải cầm chén trà và đặt chén trà lên lòng bàn tay trái.
  • Xoay chén trà một góc 180 độ (chia thành 2 lần xoay, mỗi lần 90 độ), xoay từ trái hay phải đều được. Hành động này là để chính diện của chén trà (tức phần có hoa văn hoặc phần đẹp nhất của chén) không hướng về phía mình mà hướng về phía chủ nhà, thể hiện sự kính trọng đối với chủ nhà.

3.5  Ngắm chén trà

Trong trà đạo, người pha trà đặc biệt quan tâm đến dụng cụ pha trà dùng để đãi khách. Những chiếc chén trà là những vật rất gắn bó với họ. Việc ngắm chén trà để cảm nhận sự gắn bó.
Đặt chén trà xuống chiếu Tatami sao cho không chồng lên mép chiếu, và hơi cúi người về trước để ngắm chén trà.

3.6  Chào tạm biệt chủ nhà

Sau khi ngắm chén trà xong, hãy nói "Arigatōgozaimasu" (Cảm ơn) như lời chào tạm biệt và kết thúc buổi tiệc trà đạo.

4. Ý nghĩa của trà đạo

Ý nghĩa văn hoá trà đạo Nhật Bản có thể được hiểu bằng một cụm đơn giản “Ichi go ichi e” có nghĩa là “Mỗi khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần”. Mục đích của văn hoá trà đạo Nhật Bản là trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại và nhớ rằng nó sẽ không xảy ra lại lần nào nữa.

Shiki - Dạng thức 

Hòa, Kính, Thanh, Tịch (和 – 敬 – 清 – 寂) là bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo.
Hòamở lòng và hòa thuận với nhau, mọi người dân Nhật Bản đều tin rằng sự hoà hợp không chỉ đơn thuần ở giữa những con người với nhau mà giữa con người với sự vật cũng như con người với thiên nhiên.
Kính kính trọng lẫn nhau. Văn hoá trà đạo nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất người chủ trải qua rất nhiều bước để tỏ lòng kính trọng khách, và những người khách đáp trả bằng sự kính trọng. Người ngồi gần bức tranh cần phải bày tỏ những sự tích cực về cách bài trí phòng ngày hôm đó. Sau khi thưởng trà, những khách mời phải đặt chén của họ trên sàn, sau đó cầm lên nhìn kĩ là dành những lời khen. Điều đó thể hiện được sự kính trọng của người với sự vật.
Thanh là thanh lọc tâm trí. Cho dù những dụng cụ pha trà thường xuyên được rửa kỹ càng nhưng vẫn có người thường xuyên lau lại trước mặt khách. Những người khách rửa tay trước khi vào phòng trà để để thanh lọc bản thân. Việc làm như vậy là biểu trưng cho sự thanh lọc trái tim và tâm trí. Tất cả mọi thứ phải bao hàm sự tinh khiết từ âm thanh của nước nóng đổ vào bát đến mùi của bột matcha.
Còn lại là Tịch giữ lòng thanh tịnh, không vướng bận điều gì. Mang đến sự yên bình, tĩnh lặng mang lại cho con người. Do đó, văn hoá trà đạo giúp con người kết nối sâu sắc hơn với tinh thần bên trong của họ.

Shichisoku - 7 nguyên tắc

Có 7 nguyên tắc cơ bản trong văn hóa trà đạo Nhật Bản:
  • Pha trà bằng cả tấm lòng
  • Chuẩn bị thật kỹ than củi để đun nước
  • Cắm hoa sao cho cảm nhận được như hoa đang mọc ngoài đồng
  • Trân trọng cảm giác về các mùa trong năm
  • Trân trọng thời gian
  • Chuẩn bị và sẵn sàng hành động một cách bình tĩnh cho dù có chuyện gì xảy ra
  • Chủ và khách luôn tôn trọng lẫn nhau

Trà đạo là một văn hóa đẹp của đất nước Nhật Bản. Người pha trà phải đặt cái tâm của mình trong việc pha trà. Người thưởng trà cảm nhận bằng cả tâm hồn sự tinh hoa trong từng ngụm trà. Nếu có cơ hội mọi người hãy thử trải nghiệm nhé! Tham gia vào trải nghiệm này, bạn sẽ học được cách trân trọng sự nỗ lực, tận tâm của người Nhật. Thời gian đấy chính là giây phút bạn quên đi những lo âu, stress của bản thân mà tận hưởng sự yên bình này.

Nguồn: Tổng hợp 

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ