Giải thể doanh nghiệp - Kiểm toán năm tài chính cuối, bảo hiểm xã hội (Part 2)

2021/05/16

LuậtDoanhnghiệp

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lí tài sản của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ. Giải thể là thủ tục để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.

1. Lập báo cáo tài chính khi giải thể doanh nghiệp


Lập báo cáo tài chính giải thể doanh nghiệp là một trong những thủ tục pháp lý quan trọng, cùng với một số giấy tờ khác để hoàn thành hồ sơ giải thể.
Trường hợp doanh nghiệp tự giải thể phải nộp hồ sơ quyết toán thuế. Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.
Trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan ĐKKD, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Sau đó làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Khi đã thanh toán hết các khoản nợ (bao gồm cả nợ thuế). Lúc này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan ĐKKD trong 05 ngày làm việc.
Do BCTC thuộc bộ hồ sơ về thuế TNDN nên doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp cùng bộ hồ sơ quyết toán thuế TNDN, bao gồm:
  • BCTC năm hoặc BCTC đến thời điểm có quyết định về doanh nghiệp giải thể và chấm dứt hoạt động;
  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN: Mẫu số 03 thuế TNDN ban hành kèm theo Thông tư 151/2014/TT-BTC;
  • Các phụ lục kèm theo: Phụ lục kết quả hoạt động kinh doanh, chuyển lỗ, các phụ lục về ưu đãi thuế TNDN,…
  • Ngoài hồ sơ thuế TNDN, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ thuế GTGT, thuế TNCN.
Hồ sơ thuế GTGT sẽ bao gồm:
  • Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp khấu trừ: Sử dụng tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp trực tiếp: Sử dụng tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
  • Hồ sơ thuế TNCN: Doanh nghiệp nộp Tờ khai quyết toán thuế TNCN, sử dụng Mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

2. Bảo hiểm xã hội


Chốt sổ bảo hiểm xã hội là ghi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội của người tham gia dừng đóng bảo hiểm xã hội tại một đơn vị. Việc này được thực hiện khi người lao động không còn làm việc ở công ty nữa, khi lao động nghỉ việc hoặc khi công ty ngừng hoạt động.

Báo giảm lao động

Hồ sơ bao gồm:
  • Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (Mẫu D02-TS).
  • Bảng kê thông tin nếu báo giảm chậm BHXH (Mẫu D01-TS).
  • Biên bản trả thẻ BHYT đối với trường hợp đơn vị đã nộp trước đó (nếu có)
  • Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng (01 bản/người)
  • Công văn xin báo giảm lao động do doanh nghiệp giải thể.
  • Bản sao Thông báo giải thể doanh nghiệp của Sở kế hoạch – Đầu tư cấp.
  • Bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc; thuyên chuyển; nghỉ việc hưởng chế độ hoặc hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc vừa hết hạn.
  • Nơi nộp hồ sơ: nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị đang đóng trụ sở.
  • Thời gian giải quyết: 10 ngày làm việc từ thời điểm nộp hồ sơ; cơ quan bảo hiểm sẽ hoàn tất thủ tục báo giảm lao động.

Chốt sổ bảo hiểm cho người lao động khi doanh nghiệp giải thể

Sau khi công ty báo giảm lao động thành công và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan bảo hiểm thì bạn có thể tiến hành thủ tục chốt sổ và trả sổ cho người lao động.
Hồ sơ bao gồm:
  • Công văn chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc công văn chấm dứt hoạt động kinh doanh (doanh nghiệp cung cấp).
  • Đăng ký kinh doanh công chứng (doanh nghiệp cung cấp).
  • Kết quả đóng bảo hiểm đến thời điểm hiện tại (doanh nghiệp cung cấp).
  • Giấy nộp tiền đến thời điểm hiện tại (doanh nghiệp cung cấp).
  • Mẫu D02-TS báo giảm lao động
  • Mẫu TK1 – TS theo quyết định số 595/QĐ-BHXH
  • Sổ bảo hiểm của người lao động (doanh nghiệp cung cấp).
  • Nơi nộp hồ sơ: cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đóng trụ sở.
  • Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan sẽ thực hiện việc chốt sổ và trả lại sổ cho công ty để chuyển đến tay người lao động

Xử lý vi phạm khi không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì nếu người sử dụng lao động có hành vi gây khó khăn cho người lao động trong quá trình chốt sổ bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính:
  • Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo đó căn cứ theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì nếu người sử dụng lao động là cá nhân sẽ chịu mức phạt như quy định trên, đối với tổ chức mức phạt sẽ chịu gấp đôi.

Người lao động có thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?

Căn cứ theo điểm a, khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động. Căn cứ theo quy định trên trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động, người lao động không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy trên đây là những thủ tục cần thiết trong quá trình giải thể doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ