Incoterms là gì? Lịch sử hình thành và sửa đổi

2024/05/02

ThuếLuậtHảiquan

1. Incoterms là gì?

Incoterms là từ viết tắt của cụm từ International Commercial Terms hay còn được gọi là Điều khoản thương mại quốc tế. Là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được xuất bản bởi Phòng thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC).
Nội dung của Incoterms quy định những quy tắc về trách nhiệm và giá cả cho các bên (bên mua và bên bán) trong một giao dịch hàng hóa quốc tế.
Các điều khoản Incoterms chỉ được sử dụng cho hàng hóa là những sản phẩm hữu hình.

2. Mục đích và vai trò của Incoterms

2.1. Mục đích của Incoterms là gì?

Mục đích của Incoterms là để giải thích các điều kiện thương mại thông dụng trong hoạt động ngoại thương và trao đổi hàng hóa. Theo đó, nội dung những điều khoản trong Incoterms sẽ phân chia rõ trách nhiệm, rủi ro và chi phí trong quá trình chuyển giao hàng hóa từ người bán sang người mua. Nhờ đó, các bên tham gia trong giao dịch sẽ tránh hoặc giảm thiểu được những tranh chấp, rủi ro phát sinh trong quá trình trao đổi hàng hóa. Đó là lý do tại sao cần phải có Incoterms.

Incoterms giải quyết 03 vấn đề chính trong thương mại quốc tế:
  1. Trách nhiệm: chỉ ra trách nhiệm của bên mua, bên bán. Ví dụ: Ai thu xếp vận chuyển hoặc mua bảo hiểm hàng hóa hoặc ai là người lấy chứng từ gửi hàng, giấy phép xuất, nhập khẩu.
  2. Rủi ro: xác định địa điểm di chuyển, những rủi ro và tổn thất về hàng hóa
  3. Chi phí: chỉ ra sự phân chia chi phí giao nhận mà các bên phải chịu. Ví dụ như: chi phí vận chuyển, đóng gói bao bì, bảo hiểm, bốc hàng, dỡ hàng…

2.2. Vai trò của Incoterms

Trong giao dịch hàng hóa quốc tế, Incoterms có 5 vai trò quan trọng dưới đây:
  1. Incoterms là một bộ những quy tắc giúp hệ thống hóa các tập quán thương mại quốc tế, được sử dụng phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới;
  2. Được xem là ngôn ngữ quốc tế trong vận tải và giao nhận hàng hóa ngoại thương;
  3. Là phương tiện giúp đẩy nhanh tốc độ đàm phán, soạn thảo hợp đồng ngoại thương, tổ chức và thực hiện hợp đồng;
  4. Là cơ sở vô cùng quan trọng để doanh nghiệp xác định giá cả mua bán hàng hóa;
  5. Là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp, thực hiện khiếu nại nếu có phát sinh giữa người bán và người mua trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng ngoại thương.

3. Lịch sử hình thành và thay đổi của các phiên bản Incoterms


Năm 1923:
ICC bắt đầu nghiên cứu về điều kiện thương mại quốc tế (Commercial Trade Terms)
Sau khi ra đời vào năm 1919, ICC có một nhiệm vụ quan trọng đó là thúc đẩy thương mại quốc tế. Muốn làm được thế, ICC phải hiểu được các điều khoản thương mại mà các thương nhân đang dùng với nhau.

ICC đã nghiên cứu 6 điều kiện thương mại thông dụng nhất ở 13 nước, kết quả được công bố, trong đó nhấn mạnh về sự khác biệt và không thống nhất về giải thích các điều kiện thương mại.

Năm 1928: Làm rõ sự khác biệt về giải thích các điều kiện thương mại
Để làm rõ hơn sự khác biệt về giải thích đã được công bố trong nghiên cứu trước, ICC triển khai nghiên cứu lần hai. Lần này nghiên cứu mở rộng phạm vi lên đến 30 nước.

Năm 1936: ICC phát hành phiên bản Incoterms đầu tiên
Dựa trên kết quả nghiên cứu, phiên bản Incoterms đầu tiên (Incoterms®) được phát hành năm 1936. Bao gồm 7 điều kiện:
  1. EXW (Ex Works): Giao tại xưởng
  2. FCA (Free Carrier): Giao cho người chuyên chở
  3. FOT/FOR (Free on Rail / Free on Truck): Giao hàng lên tàu hỏa
  4. FAS (Free Alongside Ship): Giao dọc mạn tàu
  5. FOB (Free On Board): Giao lên tàu
  6. C&F (Cost and Freight): Tiền hàng và cước phí
  7. CIF (Cost, Insurance, Freight): Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí
Incoterms 1936 chủ yếu giải thích những điều kiện sử dụng cho phương thức vận tải đường bộ và đường thuỷ. Trên thực tế, Incoterms 1936 không được các doanh nhân thừa nhận và sử dụng rộng rãi vì không giải thích hết được những tập quán thương mại quan trọng.

Năm 1953: Ra đời phiên bản Incoterms 1953
Bởi vì ảnh hưởng của chiến tranh Thế giới thứ II, phiên bản bổ sung của Incoterms phải dừng lại cho đến đầu những năm 1950. Đến năm 1953, phiên bản cập nhật đầu tiên của Incoterms được phát hành.

Incoterm 1953 giữ nguyên 7 điều kiện giao hàng tương tự như Incoterms 1936 nhưng bổ sung thêm 02 điều kiện:
  1. DES (Delivered Ex Ship): Giao tại tàu;
  2. DEQ (Delivered Ex Quay): Giao trên cầu cảng, chỉ sử dụng cho phương thức vận tải bằng đường biển và đường thủy nội bộ.

Năm 1967:
Phiên bản Incoterms 1953 (Sửa đổi, bổ sung lần 1)
Incoterms 1967 giữ nguyên 09 điều kiện giao hàng tương tự như Incoterms 1953 và bổ sung thêm 02 điều kiện mới:
  1. DAF (Delivered At Frontier): Giao tại biên giới;
  2. DDP (Delivered Duty Paid): Giao hàng đã nộp thuế, sử dụng cho mọi phương thức vận tải, bao gồm cả vận tải đa phương tiện.

Năm 1976:
Phiên bản Incoterms 1953 (Sửa đổi, bổ sung lần 2)
Vận tải hàng hóa đường hàng không phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự cần thiết phải bổ sung thêm điều kiện mới. Thêm điều kiện
  1. FOB Airport – Giao lên máy bay, để giải quyết các vấn đề giao hàng tại sân bay

Năm 1980:
Ra đời phiên bản Incoterms 1980
Vận tải hàng hóa bằng container phát triển mạnh mẽ cùng với quá trình xử lý chứng từ mới, dẫn đến sự cần thiết phải phát hành ấn bản Incoterms mới. Cụ thể, Incoterms 1980 có 14 điều kiện giao hàng, trong đó giữ nguyên 12 điều kiện của Incoterms 1953 (sửa đổi lần 2) và bổ sung thêm 02 điều kiện mới:
  1. CIP (Carriage and Insurance Paid to): Cước phí và bảo hiểm trả tới địa điểm đích quy định;
  2. CPT (Carriage Paid to): Cước phí trả tới địa điểm đích quy định, để thay thế cho CIF và CFR khi không chuyên chở hàng hóa bằng đường biển.

Năm 1990:
Phát hành phiên bản Incoterms 1990
So với Incoterms 1980, có những thay đổi như sau: Bỏ 2 điều kiện FOT và FOA, vì bản chất của chúng giống điều kiện FCA.
Bổ sung thêm một điều kiện:
  1. DDU (Delivered Duty Unpaid) – Giao hàng tại đích chưa nộp thuế

Năm 2000:
Phát hành phiên bản Incoterms 2000
Incoterms 2000 giữ nguyên 13 điều kiện như Incoterms 1990, nhưng sửa đổi về nội dung của 3 điều kiện FCA, FAS và DEQ. Trong điều kiện FAS và DEQ, mục “giấy phép, ủy quyền và thủ tục” được sửa đổi lại để phù hợp với tình hình thực tế thông quan phổ biến nhất.

Năm 2010: Phát hành Incoterms 2010 – Phản ánh tính hiện đại của thương mại quốc tế
Incoterms 2010 bao gồm 11 điều kiện. Trong đó điều kiện DAF, DES, DEQ, DDU trong Incoterms 2000 bị loại bỏ và thêm 02 điều khoản mới có thể sử dụng cho mọi phương thức vận tải là:
  1. DAT (Delivered At Terminal): Giao hàng tại bến;
  2. DAP (Delivered At Place): Giao tại nơi đến.

Năm 2020:
Phát hành Incoterms 2020
Incoterms 2020 là phiên bản mới nhất, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nội dung bao gồm 11 điều kiện, trong đó thay thế điều kiện DAT thành DPU. Cụ thể, bao gồm các điều kiện sau: FOB, FAS, CIF, CFR, EXW, FCA, CPT, CIP, DAP, DPU, DDP
Như vậy có thể thấy từ khi ra xuất bản lần đầu tiên cho đến nay, Incoterms có 9 phiên bản chính thức bao gồm: Incoterms 1936, Incoterms 1953, Incoterms Incoterms 1967, Incoterms 1976, Incoterms 1980, Incoterms 1990, Incoterms 2000, Incoterms 2010, Incoterms 2020.

4. Các nhóm điều kiện Incoterms

4.1 Phân chia theo nhóm ký tự

Số lượng điều kiện Incoterms sẽ thay đổi qua từng lần phát hành và khác nhau ở các phiên bản khác nhau. Tuy nhiên căn cứ theo ký tự đầu tiên trong ba ký tự cấu thành Incoterms thì Incoterm được chia thành 4 nhóm điều kiện:
  1. Nhóm D: Người bán chịu mọi chi phí và rủi ro để chuyển hàng hóa đến nơi quy định.
  2. Nhóm C: Người bán chịu chi phí vận chuyển đường chính
  3. Nhóm F: Giao hàng cho người vận tải do người mua quy định
  4. Nhóm E: Giao hàng tại nơi khởi hành

4.2 Phân chia theo phương thức vận tải

Nhóm điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải (theo Incoterms 2020):
  • EXW (Ex Work nơi đi): Giao tại xưởng
  • FCA (nơi đi): Giao cho người chuyên chở
  • CPT (nơi đến): Cước phí trả tới
  • CIP (nơi đến): Cước phí và phí bảo hiểm trả tới
  • DPU (nơi dỡ hàng): Giao tại nơi dỡ hàng
  • DAP (nơi đến): Giao tại nơi đến
  • DDP (điểm đến): Giao hàng đã nộp thuế
Nhóm điều khoản áp dụng cho phương thức vận tải đường biển và đường thủy nội địa (theo Incoterms 2020): 
  • FAS (cảng đi): Giao dọc mạn tàu
  • FOB (cảng đi): Giao lên tàu
  • CFR (cảng đến): cước phí
  • CIF (cảng đến): Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí

5. Đặc điểm của Incoterms

Incoterms là một bộ các tập quán thương mại, không có tính bắt buộc. Chỉ khi trong hợp đồng mua bán hàng hóa các bên có ghi nhận điều kiện Incoterms, thì điều kiện Incoterms đó mới ràng buộc các bên về quyền và nghĩa vụ.

Các phiên bản Incoterms ra đời sau không phủ nhận hiệu lực pháp lý của phiên bản Incoterms trước đó. Vì vậy, trong hợp đồng cần phải được ghi rõ phiên bản Incoterms cụ thể được sử dụng.

Incoterms giải thích những vấn đề chung nhất liên quan đến việc giao hàng, bao gồm: nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải, bảo hiểm và phân chia rủi ro. Incoterms không ghi nhận những vấn đề cụ thể như giá cả bốc, xếp, dỡ hàng hóa hay lưu kho, lưu bãi.

Incoterms có thể sử dụng linh hoạt. Các chủ thể trong hợp đồng có thể đàm phán thay đổi những nội dung như nghĩa vụ, trách nhiệm,…nhưng không được thay đổi bản chất của điều kiện cơ sở giao hàng. Và những thay đổi cần phải được cụ thể chi tiết trong hợp đồng.

Incoterms chỉ xác định được thời điểm chuyển rủi ro từ người bán sang người mua, không giúp xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng.
Nếu quy tắc Incoterms trái với luật địa phương, lúc này Incoterms có thể không có hiệu lực

6. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến Incoterms

6.1 Incoterms có ý nghĩa như thế nào trong kinh doanh xuất nhập khẩu?

Việc sử dụng Incoterms trong kinh doanh xuất nhập khẩu có nhiều ý nghĩa quan trọng, bao gồm:
  • Đảm bảo sự hiểu biết và thống nhất giữa các bên: Việc sử dụng các điều khoản chuẩn trong Incoterms giúp đảm bảo rằng các bên tham gia giao dịch đều hiểu rõ và đồng ý với các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
  • Giảm thiểu tranh chấp và rủi ro: Việc sử dụng Incoterms giúp giảm thiểu sự tranh chấp và rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vì các điều khoản được xác định rõ ràng và chi tiết về trách nhiệm và chi phí phát sinh cho từng bên.
  • Tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh: Việc sử dụng Incoterms giúp tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vì các bên có thể thực hiện các giao dịch vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
  • Tóm lại, việc sử dụng Incoterms trong kinh doanh xuất nhập khẩu là rất quan trọng để đảm bảo sự hiểu biết và thống nhất giữa các bên, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp, và tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

6.2 Tại sao cần dẫn chiếu Incoterms vào hợp đồng?

Việc dẫn chiếu Incoterms vào hợp đồng mua bán quốc tế là rất cần thiết vì nó giúp xác định rõ ràng trách nhiệm và chi phí của người bán và người mua trong quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế. Các điều khoản của Incoterms cung cấp một bộ quy tắc thống nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa và chia sẻ trách nhiệm giữa người bán và người mua trong quá trình này.

Nếu không có các điều khoản Incoterms rõ ràng trong hợp đồng, các bên có thể hiểu sai nhau về trách nhiệm và chi phí của mình trong quá trình vận chuyển, dẫn đến những xung đột và tranh chấp trong tương lai.
 
Ví dụ thực tế về dẫn chiếu Incoterms vào hợp đồng:
Công ty A ở Mỹ và công ty B ở Việt Nam đã ký kết hợp đồng bán hàng với điều khoản FOB Incoterms 2020. Hợp đồng nêu rõ, hàng hóa sẽ được giao cho người vận chuyển tại cảng Xuân Thủy, Hải Phòng vào ngày 20 tháng 3 năm 2023. Thì sẽ dẫn chiếu điều khoản này vào hợp đồng như sau: [FOB – Cảng Xuân Thủy, Hải Phòng – Incoterms 2020]

6.3 Incoterms giúp các doanh nghiệp như thế nào trong quá trình đàm phán và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?

Nhờ có các điều khoản Incoterms, bên mua và bên bán sẽ không phải đàm phán từng chi tiết, khiến cho hợp đồng trở nên dài dòng, mất nhiều thời gian để thương thảo. Incoterms đã quy định sẵn một bộ những quy tắc, với nội dung chi tiết kèm theo. Quy tắc nào được chấp nhận và ghi trong hợp đồng, thì coi như đã tích hợp những nội dung của quy tắc đó vào hợp đồng. Không cần phải dài dòng, mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng.

Như vậy, bài viết này đã chia sẻ tất tần tật những thông tin liên quan đến Incoterms. Hy vọng thông qua bài viết bạn đã nắm được kiến thức căn bản về các điều khoản thương mại quốc tế.
Nguồn: https://vanhaigroup.com/incoterms-la-gi/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ