Các quy định về góp vốn điều lệ Công ty có vốn đầu tư nước ngoài |Phần 2|

2024/07/25

LuậtDoanhnghiệp Luậtđầutư

3. Cách thức để Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền 

     Khi góp vốn bằng tiền Đồng Việt Nam hoặc ngoại tự do chuyển đổi vào Công ty Vốn nước ngoài, Nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải chuyển khoản thông qua tài khoản vốn đầu tư được mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản vốn đầu tư có thể là Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà đầu tư nước ngoài trong Công ty vốn nước ngoài. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp Công ty vốn nước ngoài mở Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp: Việc góp vốn thông qua tài khoản vốn trực tiếp có thể được thực hiện bằng ngoại tệ, Đồng Việt Nam và mức vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài căn cứ theo các tài liệu chứng minh quyền góp vốn của nhà đầu tư như: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp… Đối với mỗi loại tiền góp vốn (Đồng Việt Nam, ngoại tệ), Công ty vốn nước ngoài sẽ phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho loại tiền tệ tương ứng và chỉ được mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho một loại tiền tệ tại ngân hàng được phép, trừ trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP thì phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
  • Trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài mở Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp: Mọi hoạt động đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam và thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp duy nhất mở tại ngân hàng được phép.

4. Những trường hợp mà Công ty Vốn nước ngoài phải mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp

     Công ty Vốn nước ngoài phải thực hiện mở Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong các trường hợp sau đây:

  • Được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có Nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Có Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công Ty (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với Nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty nhưng không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty và không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành có Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

     Trong trường hợp Công ty vốn nước ngoài và các Nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch vốn được thực hiện qua Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp, các Nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển lợi nhuận về nước và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

     Đối với các Công ty vốn nước ngoài không thuộc trường hợp phải mở Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện các giao dịch vốn.

4. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam

     Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 9 Luật Đầu tư, một trong những điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường là “Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế”.

    Căn cứ theo Khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP nêu rõ các trường hợp hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại những điều ước quốc tế về đầu tư kinh doanh được áp dụng như sau:

a. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào cùng một tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư kinh doanh: Tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong cùng một tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;

b. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng quốc gia/vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế: Tổng tỷ lệ sở hữu vốn của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu vốn quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;

c. Đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán: Áp dụng theo quy định của pháp luật về chứng khoán (Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành);

d. Trường hợp tổ chức kinh tế được đầu tư vốn có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài: Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không được vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.

5. Giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài

     Để xác định được giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong vốn điều lệ công ty, bạn cần phải xác định được các yếu tố sau:

  • Quốc tịch nhà đầu tư;
  • Phạm vi, lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh;
  • Hình thức đầu tư. 

     Từ các yếu tố trên, bạn sẽ xác định được điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia của nhà đầu tư là thành viên, đồng thời xác định được nhà đầu tư và doanh nghiệp có phải chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế đó về tỷ lệ sở hữu vốn hay không.
     Nếu có thì bắt buộc phải tuân thủ quy định đó, nếu không thì chúng ta có thể xác định tiếp tục xem ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành Việt Nam có điều kiện về tỷ lệ vốn hay không.
     Nếu không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ điều ước quốc tế nào và không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có giới hạn sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể không bị hạn chế và tỷ lệ sở hữu có thể lên đến 100%.

Nguồn: "https://ketoananpha.vn/quy-dinh-gop-von-dieu-le-cong-ty-co-von-nuoc-ngoai.html"; "https://www.crowe.com/vn/vi-vn/insights/doing-business-in-vietnam/faq-about-investment-and-in-vn/10--term-and-form-of-capital"

 

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ