Các quy định về hạch toán chênh lệch tỷ giá theo thông tư 200

2024/07/29

TintứcKếtoán

Trong các doanh nghiệp, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có những nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ hoặc có các khoản công nợ phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ, doanh nghiệp phải ghi sổ kế toán theo đơn vị tiền tệ thống nhất là “Đồng” Việt Nam. Vì thế các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về hạch toán chênh lệch tỷ giá, bài viết dưới đây đề cấp đến các quy định về hạch toán chênh lệch tỷ giá theo thông tư 200.

1. Một số kiến thức về các quy định hạch toán chênh lệch tỷ giá.

Các quy định về việc theo dõi và hạch toán chênh lệch tỷ giá được quy định đầu tiên trong chuẩn mực kế toán số 10 và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, sau đó là Thông tư 201/2009/TT-BTC, Thông tư 179/2012/TT-BTC.
Thông tư 179 ra đời không những có sự thống nhất với chuẩn mực kế toán Việt Nam mà còn hướng đến chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21. Một số điểm bất cập về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái đã được hoàn thiện, gỡ bỏ sự tranh cãi giữa VAS và thông tư hướng dẫn trước đây. Đồng thời, cũng cho thấy sự thống nhất với IAS, tạo tiền đề thu hẹp dần khoảng cách giữa kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế.
Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22/12/2014 ra đời, việc đánh giá các giao dịch phát sinh liên quan đến ngoại tệ còn dựa trên góc độ tiền tệ hay phi tiền tệ, có một vài điểm mới về nguyên tắc hạch toán ngoại tệ và nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

2. Chênh lệch tỷ giá là gì

Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng tiền tệ khác sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau. Việc quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam về nguyên tắc phải căn cứ vào tỷ giá hối đoái thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Đồng thời doanh nghiệp phải phản ánh theo dõi nguyên tệ trên sổ kế toán chi tiết của các tài khoản 111,112,113 và các khoản phải thu, phải trả.
Chênh lệch tỷ giá hối đoái chủ yếu phát sinh trong 2 trường hợp sau:

2.1. Thực tế mua bán, trao đổi hoặc các nghiệp vụ thanh toán bằng ngoại tệ trong kỳ (chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện).

Đây là khoản chênh lệch từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng đơn vị tiền tệ khác sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau. Chênh lệch tỷ giá hối đoái này thường phát sinh trong các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc thanh toán bằng đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán. Trong các trường hợp nêu trên, tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán sẽ được ghi theo tỷ giá hối đoái ngày giao dịch.
Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:
  • Bên Nợ các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (Riêng trường hợp rút ngoại tệ từ ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt thì áp dụng tỷ giá ghi sổ kế toán của TK 1122)
  • Bên Có các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.

2.2. Đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại ngày lập bảng cân đối kế toán ở thời điểm cuối năm tài chính.


Ở thời điểm kết thúc năm tài chính, về nguyên tắc các khoản mục tiền tệ (số dư tài khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, nợ phải thu, phải trả được phản ánh đồng thời theo đơn vị tiền tệ kế toán và đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán) phải được báo cáo bằng tỷ giá cuối năm tài chính. Vì vậy ở thời điểm này doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ theo tỷ giá hối đoái được quy định trong Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22/12/2014 như sau:
  • Tỷ giá giao dịch thực tế áp dụng khi đánh giá lại số dư tiền mặt bằng ngoại tệ là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn) tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.
  • Vàng tiền tệ được đánh giá lại theo giá mua trên thị trường trong nước tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Giá mua trên thị trường trong nước là giá mua được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không công bố giá mua vàng thì tính theo giá mua công bố bởi các đơn vị được phép kinh doanh vàng theo luật định.

3. Nguyên tắc hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.

3.1. Hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ và chênh lệch đánh giá lại cuối kỳ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

  • Toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm được ghi nhận ngay vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính
  • Đối với doanh nghiệp vừa có hoạt động kinh doanh, vừa có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nếu phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái trong kỳ và cuối kỳ liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản thì cũng ghi nhận vào doanh thu và chi phí hoạt động tài chính.
  • Doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại vào cuối năm.

3.2. Hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ và chênh lệch do đánh giá lại cuối kỳ liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng (giai đoạn trước hoạt động).

  • Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phản ánh lũy kế trên bảng cân đối kế toán.
  • Kết thúc quá trình đầu tư xây dựng, chênh lệch tỷ giá hối đoái thực tế phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng không tính vào giá tài sản cố định mà kết chuyển toàn bộ vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính của năm tài chính có tài sản hoàn thành và đưa vào sử dụng hoặc phân bổ tối đa 5 năm.

3.3. Hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ chuyển đổi báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài.

  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ chuyển đổi báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp được tính ngay vào doanh thu hoặc chi phí tài chính trong kỳ.
  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ chuyển đổi báo cáo tài chính của hoạt động ở nước ngoài độc lập được phản ánh lũy kế trên tài khoản 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái và chỉ được tính vào chi phí tài chính hoặc doanh thu tài chính khi doanh nghiệp thanh lý các khoản đầu tư thuần đó ở nước ngoài.

4. Hạch toán chênh lệch tỷ giá theo thông tư 200

Hạch toán chênh lệch tỷ giá theo thông tư 200 được quy định như sau:
Tài khoản phản ánh chênh lệch tỷ giá là tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái với kết cấu như sau:
Bên Nợ:
  • Lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
  • Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
  • Kết chuyển lãi tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính;
Bên Có:
  • Lãi tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
  • Lãi tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
  • Kết chuyển lỗ tỷ giá vào chi phí tài chính;

4.1. Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái theo thông tư 200 phát sinh trong kỳ (kể cả chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp không do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ):

a) Khi mua vật tư, hàng hoá, TSCĐ, dịch vụ thanh toán bằng ngoại tệ:
  • Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
    • Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán).
    • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
b) Khi mua vật tư, hàng hoá, TSCĐ, dịch vụ của nhà cung cấp chưa thanh toán tiền, khi vay hoặc nhận nợ nội bộ… bằng ngoại tệ, căn cứ tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch, ghi:
  • Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 627, 641, 642…
    • Có các TK 331, 341, 336…
c) Khi ứng trước tiền cho người bán bằng ngoại tệ để mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:
  • Kế toán phản ánh số tiền ứng trước cho người bán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi:
    • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế tại ngày ứng trước)
    • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
      • Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)
      • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
  • Khi nhận vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ từ người bán, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:
    • Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã ứng trước cho người bán, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi:
      • Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642
        • Có TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế ngày ứng trước).
    • Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ còn nợ chưa thanh toán tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (ngày giao dịch), ghi:
      • Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
        • Có TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế ngày giao dịch).
d) Khi thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ (nợ phải trả người bán, nợ vay, nợ thuê tài chính, nợ nội bộ…), ghi:
  • Nợ các TK 331, 336, 341,… (tỷ giá ghi sổ kế toán)
  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
    • Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
    • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
e) Khi phát sinh doanh thu, thu nhập khác bằng ngoại tệ, căn cứ tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch, ghi:
  • Nợ các TK 111(1112), 112(1122), 131… (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)
    • Có các TK 511, 711 (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch).
g) Khi nhận trước tiền của người mua bằng ngoại tệ để cung cấp vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:
  • Kế toán phản ánh số tiền nhận trước của người mua theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:
    • Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122)
      • Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
  • Khi chuyển giao vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ cho người mua, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:
    • Đối với phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận trước của người mua, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:
      • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (tỷ giá thực tế thời điểm nhận trước)
        • Có các TK 511, 711.
    • Đối với phần doanh thu, thu nhập chưa thu được tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh, ghi:
      • Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
        • Có các TK 511, 711.

4. 2. Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh theo thông tư 200 do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ

a) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại thời điểm báo cáo:
– Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,..
    Có TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
– Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
    Có các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,…
b) Kế toán xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Kế toán kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại (theo số thuần sau khi bù trừ số phát sinh bên Nợ và bên Có của TK 4131) vào chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái), hoặc doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá hối đoái) để xác định kết quả hoạt động kinh doanh:
– Kết chuyển lãi tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
    Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá hối đoái).
– Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái)
    Có Tk 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)


Như vậy, ta có thể thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Quy định hạch toán tỷ giá theo thông tư 200 và Quyết định 15 chính là việc đánh giá các giao dịch phát sinh trong kỳ và các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối kỳ dưới góc độ tiền tệ và phi tiền tệ.
Đối với các giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản như Quyết định 15).
Tương tự đối với các giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập như Quyết định 15).
Do đó, không phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200 đối với các giao dịch phi tiền tệ. Ngoài ra, chỉ các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ mới được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ khi đánh giá vào cuối kỳ. Bên cạnh đó, tỷ giá thực tế ngày giao dịch theo tinh thần của Thông tư 200 là tỷ giá mua hoặc bán tại NHTM mà doanh nghiệp thường xuyên giao dịch cũng phù hợp thực tế và tạo thuận lợi cho các DN khi áp dụng hơn so với quyết định 15 quy định các DN phải sử dụng tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng.
Nguồn: https://www.bravo.com.vn/kien-thuc/quan-tri-doanh-nghiep/cac-quy-dinh-ve-hach-toan-chenh-lech-ty-gia-theo-thong-tu-200/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ