Thành lập doanh nghiệp tư nhân cần điều kiện và thủ tục như thế nào?

2024/07/29

DoanhNghiệpMớiThànhLập

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Theo Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành chứng khoán dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi cá nhân chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty CP.
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân cần thỏa mãn các điều kiện bao gồm:
  • Ngành, nghề đăng ký không bị cấm đầu tư kinh doanh.
  • Tên công ty không đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân.
  • Nguồn vốn đầu tư chính xác

2. Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm nào?

Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ: Nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân xuất phát duy nhất từ tài sản của một cá nhân (Khác với các loại hình doanh nghiệp khác thường thành lập theo hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần).

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân: Theo quy định, doanh nghiệp được công nhận quyền pháp nhân khi có tài sản riêng, nghĩa là có sự phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của người thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản trong mối quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp tư nhân: Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp đăng ký. Số vốn đăng ký, nhất là các đơn vị ngoại tệ, vàng hay tài sản khác phải đảm bảo tính chính xác, xác thực. Khi hoạt động doanh nghiệp, chủ sở hữu có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân (ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán).

Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lý: Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân thành lập và góp vốn, do đó, chủ doanh nghiệp cũng là người nắm quyền quản lý đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty. Đồng thời, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Phân phối lợi nhuận: Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất. Chủ doanh nghiệp tư nhân sở hữu toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bao gồm vốn và lợi nhuận nên không có sự phân phối lợi nhuận.

Tuy nhiên, nắm giữ toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc cá nhân đó phải chịu mọi rủi ro và tổn thất trong trường hợp hoạt động kinh doanh không diễn ra theo dự kiến. Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh.

3. Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân 

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân được Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, để đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân thì cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân như CMND/CCCD.
Sau đó, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, nhận giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ và chờ giải quyết kết quả.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản gửi tới doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.


4. Tổng hợp một số ưu và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

  • Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân
    • Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp không cần thông qua ý kiến của bất kỳ ai.
    • Chế độ trách nhiệm vô hạn giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác kinh doanh.
    • Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân đơn giản, dễ quản lý.
    • Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền bán lại, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác.
  • Hạn chế của doanh nghiệp tư nhân
    • Việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán.
    • Chủ sở hữu doanh nghiệp không được quyền góp vốn thành lập công ty TNHH hay mua cổ phần công ty CP;
    • Chế độ trách nhiệm vô hạn có rủi ro cao.
Trên đây là toàn bộ bài viết về doanh nghiệp tư nhân là gì. Bao gồm khái niệm, đặc điểm và ưu nhược điểm của mô hình doanh nghiệp tư nhân. AGS hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://ihoadon.vn/hddt/doanh-nghiep-tu-nhan.html?lang=vn

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ