[KTNB] Nên Học Kế Toán Hay Kiểm Toán? Ngành Nào Tốt Hơn?

2024/07/18

NgànhKếToán-Kiểmtoán

1. Điểm khác biệt giữa Kế toán và Kiểm toán

Cả Kế toán và Kiểm toán đều làm việc với các con số và dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Quá trình này giúp tổng hợp thông tin và tạo ra các báo cáo tài chính để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Tuy hai ngành này có điểm chung, nhưng cũng tồn tại những khác biệt mà các bạn chuẩn bị theo học nên chú ý:

1.1. Sự khác nhau về công việc

  • Kế toán: là quá trình ghi chép, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin liên quan đến tình hình tài chính của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hoặc cơ sở kinh doanh tư nhân;
  • Kiểm toán: là quá trình kiểm tra và xác minh tính trung thực của các báo cáo tài chính do bộ phận Kế toán cung cấp. Nhiệm vụ của Kiểm toán là đảm bảo rằng thông tin tài chính được cung cấp là chính xác và đáng tin cậy.

1.2. Nhân sự của từng ngành

  • Lộ trình thăng tiến trong lĩnh vực Kế toán thường bắt đầu từ vị trí Kế toán phần hành sau đó phát triển lên làm Kế toán tổng hợp và một số có thể đảm nhận vai trò Kế toán cấp cao trong các tập đoàn. Đứng đầu bộ phận Kế toán là Kế toán trưởng. Ở các doanh nghiệp nhỏ, Kế toán trưởng thường kiêm luôn vai trò Giám đốc Tài chính.
  • Có tất cả 3 hình thức Kiểm toán: Kiểm toán độc lập (Làm việc tại các công ty cung cấp dịch vụ Kiểm toán và tư vấn), Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán nội bộ. Trong mảng Kiểm toán độc lập, đặc biệt tại các công ty Kiểm toán lớn như BIG4, lộ trình thăng tiến thường bắt đầu từ vị trí Intern, sau đó là Staff, Senior, Assistant Manager, Manager, Director và cuối cùng là Partner.

1.3. Xét về mục tiêu của mỗi ngành. 

  • Mục tiêu của Kế toán là đảm bảo cung cấp thông tin chính xác về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và đưa ra các tư vấn mang tính chiến lược dựa trên những báo cáo ấy. Từ đó Kế toán giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định quan trọng nhằm tối ưu hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận và điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả. Nhìn chung, đối tượng chính sử dụng kết quả của công việc Kế toán là nhà quản trị doanh nghiệp;
  • Trong khi đó mục tiêu của Kiểm toán là xác minh tính chính xác của thông tin tài chính do Kế toán cung cấp. Kết quả Kiểm toán thường phục vụ cho các đối tượng chính như nhà đầu tư, cổ đông và các doanh nghiệp đang cân nhắc về việc gọi vốn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Thông qua kết quả Kiểm toán, ta có thể đánh giá về tính trung thực trong báo cáo tài chính, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và đề xuất về việc đầu tư, mua bán hoặc sáp nhập với doanh nghiệp đó.

1.4. Thời gian làm việc của Kế toán và Kiểm toán

  • Kế toán: Kế toán là quá trình diễn ra liên tục theo giao dịch tài chính phát sinh. Kế toán thường rất bận vào đầu tháng và cuối tháng (là thời điểm làm báo cáo, dự toán ngân sách)
  • Kiểm toán: Kiểm toán diễn ra định kỳ, sau khi Kế toán hoàn tất báo cáo tài chính, Mùa bận rộn nhất thường rơi vào tháng 3. Thêm vào đó, có một sự thật thú vị rằng Kiểm toán chỉ biết đến hai mùa: “bận” và “rất bận” Công việc Kiểm toán đòi hỏi di chuyển, đi công tác nhiều trong khi Kế toán thường làm việc tại văn phòng cố định.

2. Cơ hội việc làm của ngành Kế toán và Kiểm toán

Để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi cơ hội việc làm của ngành Kế toán và Kiểm toán, hãy cùng SAPP tìm hiểu về thực trạng của mỗi ngành nghề hiện nay.

2.1. Thực trạng ngành Kế toán hiện nay

Kế toán là một trong những bộ phận không thể thiếu trong hầu hết các công ty và tổ chức, vậy nên đây là một trong những nghề nghiệp ít phải lo lắng về tình trạng thất nghiệp. Navigos Group – Mạng việc làm và tuyển dụng uy tín tại Việt Nam, vừa công bố rằng Kế toán tài chính là một trong năm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ và tự động hóa phát triển mạnh mẽ, các công việc thuần tính toán và ghi chép đã dẫn bị thay thế bởi các hệ thống máy móc và phần mềm tiên tiến. Vậy nên, Kế toán nằm trong top những ngành nghề có nguy cơ bị thay thế bởi AI. Theo ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường đại học FPT: “Tập đoàn chúng tôi (FPT) có 60.000 người, nhưng chỉ có 6 Kế toán. Bình thường các công ty khác cần 200 Kế toán, còn đây (FPT) hệ thống tự động chạy hết.”

Trong tình thế này, việc nắm vững các kỹ năng phân tích tài chính, đưa ra những đánh giá chính xác và mang tính chiến lược là yếu tố then chốt để trụ vững trong nghề. Những người vừa có chuyên môn vững chắc, vừa biết ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào công việc sẽ trở thành những nhà quản lý tài chính lý tưởng và được săn đón. Ngược lại, những người không thích nghi và không cập nhật kiến thức mới có thể dần bị thay thế bởi các giải pháp tự động hoặc bởi những đồng nghiệp có nghiệp vụ cao hơn.

Mức lương chung của nhân viên Kế toán đủ để tạo lập cuộc sống ổn định. Vì vậy, việc học tập và theo đuổi nghề Kế toán là một lựa chọn hấp dẫn với những ai ưa thích sự ổn định. Theo nhiều báo cáo, sở hữu bằng cấp, chứng chỉ quốc tế như ACCA giúp gia tăng thu nhập đáng kể cho người làm Kế toán. Thường thì, Kế toán có chứng chỉ ACCA sẽ nhận mức lương cao hơn so với những người không có chứng chỉ. Cụ thể theo khảo sát của ACCA Việt Nam, mức lương trung bình của Kế toán sở hữu ACCA dao động từ 15 – 200 triệu đồng/tháng. Sinh viên mới ra trường có ACCA thường nhận mức lương khởi điểm từ 8 – 16 triệu đồng/tháng, trong khi Kế toán viên có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên có thể nhận mức lương từ 50 – 200 triệu đồng/tháng. Đối với các vị trí cao cấp như Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, Kiểm toán viên, Tư vấn tài chính, mức lương có thể lên tới 300 – 500 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí cao hơn.

2.2. Thực trạng ngành Kiểm toán hiện nay

Trong thời buổi hội nhập kinh tế, số lượng doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể. Nhằm đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy trong việc rót vốn, các doanh nghiệp thường cần phải cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ. Đây là lý do góp phần vào sự gia tăng đáng kể nhu cầu đối với ngành Kiểm toán.

Để làm việc tại các công ty Kiểm toán độc lập, ứng viên phải vượt qua bốn vòng tuyển dụng: vòng hồ sơ, đánh giá năng lực, phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân. Trong vòng hồ sơ, ứng viên cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp trực tuyến. Đánh giá năng lực tập trung vào kiến thức, logic và chuyên ngành, tuỳ theo chiến lược tuyển dụng của từng công ty. Phỏng vấn nhóm thường bao gồm phân tích, giải quyết case study và thảo luận với nhóm và nhà tuyển dụng. Cuối cùng, trong phỏng vấn cá nhân, ứng viên cần tự tin và thẳng thắn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Trong công việc, Kiểm toán viên sẽ phải tiếp xúc liên tục với các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu cao về năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp. Để tự tin đối đáp và làm việc hiệu quả, người làm Kiểm toán cần không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, đồng thời linh hoạt thích ứng với sự phát triển và thay đổi trong môi trường kinh doanh và công nghệ.

3. Nên học Kế toán hay Kiểm toán?

Sau khi tham khảo các thông tin trên, chắc hẳn các bạn đã tìm được câu trả lời chính xác cho câu hỏi nên học Kiểm toán hay Kế toán và có lựa chọn ngành nghề của mình. Cả hai ngành Kế toán và Kiểm toán đều đòi hỏi khả năng làm việc dưới áp lực, tính chính xác cao, trung thực, tỉ mỉ, và thông thạo các kỹ năng tin học. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ người trong ngành, những người có xu hướng ổn định và ngại di chuyển thường lựa chọn Kế toán. Ngược lại những ai yêu thích sự “xê dịch” và có sức khỏe tốt thường chọn ngành Kiểm toán.

Nếu bạn quyết tâm thử sức với một công ty Kiểm toán, hãy đầu tư thêm vào việc trau dồi ngoại ngữ, các lớp Kế toán tài chính bằng tiếng Anh. Sinh viên nên học tốt kiến thức chuyên ngành và tham gia các cuộc thi học thuật để làm quen dần với môi trường chuyên nghiệp và tích lũy kinh nghiệm.

Dù bạn chọn theo công việc Kế toán hay Kiểm toán, thì đây đều là các lĩnh vực yêu cầu kiến thức chuyên môn cao để thực hiện công việc.. Rất khó để “tồn tại” trong ngành này mà không có bằng cấp. Nếu bạn đang học một ngành khác và muốn chuyển sang Kế toán – Kiểm toán, học thêm chứng chỉ ACCA là cơ hội để bù đắp khoảng cách về chuyên môn.

4. Vì sao Kế toán, Kiểm toán thường học ACCA?

ACCA là viết tắt của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc, tổ chức quốc tế đang thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Kế toán và Kiểm toán. Với hơn 200,000 hội viên và 486,000 học viên trên toàn cầu, ACCA đã trở thành điểm đến hàng đầu cho những ai muốn phát triển sự nghiệp trong ngành này.

Nội dung hệ thống 15 môn học cụ thể của ACCA như sau:
  • BT: Công nghệ thông tin ảnh hưởng đến quản trị doanh nghiệp và hình thành tư duy kinh doanh.
  • FA, FR: Ghi nhận hoạt động tài chính và lập báo cáo, phục vụ cho Kế toán.
  • MA, PM: Ứng dụng Kế toán quản trị để quản lý con người và doanh nghiệp.
  • FM ACCA: Kiến thức về quản trị tài chính và đảm bảo sức khỏe tài chính.
  • AA: Kiểm toán và đánh giá rủi ro, phục vụ cho cổ đông.
  • Luật, Thuế: Kiến thức về pháp luật kinh doanh và thuế, áp dụng cho Kế toán, Kiểm toán, Thuế.
  • SBL, SBR: Phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý chiến lược, hỗ trợ quyết định chiến lược.
  • Các môn tự chọn APM, AAA, AFM, ATX: Phát triển chuyên sâu và kỹ năng đặc thù cho các lĩnh vực chuyên biệt.
Có thể thấy rằng, chứng chỉ ACCA cung cấp một nền tảng kiến thức toàn diện, cho phép nhân sự Kế toán – Kiểm toán tiến xa hơn trong sự nghiệp, từ vai trò cơ bản đến các vị trí cao cấp như chuyên viên, CEO, CFO – những người quyết định và chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, lựa chọn học chứng chỉ ACCA sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình dễ dàng hơn.
Nguồn: https://sapp.edu.vn/bai-viet-acca/nen-hoc-ke-toan-hay-kiem-toan/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ