Tăng cường vai trò kiểm toán tối cao trong phòng, chống tham nhũng
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, AGS hiểu rõ vai
trò then chốt của tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong
quản lý tài chính. Những giá trị này không chỉ tạo nên uy tín cho doanh nghiệp
mà còn là công cụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Tại Hội thảo do Kiểm toán
Nhà nước Việt Nam tổ chức, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đã chia sẻ
nhiều kinh nghiệm quý báu, từ kiểm toán điều tra đến ứng dụng công nghệ thông
tin, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm toán và quản trị công.
Thảo luận tại Hội thảo
“Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham
nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt”
do Kiểm toán nhà nước Việt Nam tổ chức sáng 09/07, tại Hà Nội, đại diện một số
SAI đã nhấn mạnh sự hợp tác và vai trò của kiểm toán điều tra trong phòng,
chống tham nhũng; lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin của các SAI...
1. Hợp tác giúp phát huy hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Theo bà Tsakani Maluleke - Tổng Kiểm
toán, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi, Hiến pháp năm 1996 của Nam Phi đã quy
định SAI Nam Phi hoạt động độc lập và nhiệm vụ SAI Nam Phi là đảm bảo ngân
sách nhà nước sử dụng phù hợp; lập báo cáo kiểm toán và nộp các báo cáo cho
Quốc hội, các hội đồng; có trách nhiệm phát hành các báo cáo kiểm toán.
Tuy SAI Nam Phi hoạt động độc lập nhưng vẫn
phải hợp tác với nhiều cơ quan khác như Cơ quan phòng, chống tội phạm trong
phòng, chống tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình - bà Tsakani Maluleke
cho biết.
Pháp luật Nam Phi quy định trách nhiệm giải
trình của tất cả các cơ quan, tổ chức phải được đảm bảo và Tổ chức quốc tế Các
cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cũng yêu cầu các SAI phải đảm bảo trách
nhiệm giải trình ở mức cao nhất. Vì thế, SAI Nam Phi đang nỗ lực thực hiện
điều này.
Đồng quan điểm,
ông Yudi Ramdan Budiman - Giám đốc Viện đào tạo, Ủy ban Kiểm toán
Indonesia cũng cho rằng, để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải
trình, các SAI không thể thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
một mình, mà phải hợp tác với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát,
tổ chức phòng chống tội phạm…, bởi mỗi cơ quan có một chức năng và thế mạnh
khác nhau, khi hợp tác sẽ bổ sung năng lực cho nhau. Tất nhiên, cần phải có
một quy trình hợp tác rõ ràng, hiệu quả để đảm bảo mỗi bên thực hiện đúng vai
trò, nhiệm vụ của mình, không bị chồng chéo lên nhau.
2. Kiểm toán điều tra giúp tìm ra dấu hiệu tham nhũng
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế
cho rằng, kiểm toán điều tra đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tìm
ra dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Phân tích về sự khác biệt giữa kiểm toán
điều tra và kiểm toán truyền thống, ông Yudi Ramdan Budiman cho biết, kiểm
toán truyền thống là kiểm toán tài chính, đánh giá tính hiệu quả, tính tuân
thủ theo pháp luật. “Điểm khác biệt quan trọng giữa kiểm toán truyền thống với
kiểm toán điều tra là kiểm toán điều tra phát hiện ra các dấu hiệu, hành vi
phạm tội, thất thoát tiền và tài sản của nhà nước” - Giám đốc Viện đào tạo, Ủy
ban Kiểm toán Indonesia nhấn mạnh. Khác với kiểm toán truyền thống, kiểm toán
điều tra nhằm tìm ra được các dấu hiệu về hành vi phạm tội, chuyển kết quả
sang cơ quan thực thi pháp luật hoặc Tòa án với những bằng chứng kiểm toán hết
sức thuyết phục.
Ủy ban Kiểm toán Indonesia có những cam kết
rất rõ ràng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng và Indonesia đã có Luật
Phòng, chống tham nhũng, đồng thời có những quy định rất rõ ràng về kiểm toán
điều tra trong phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2016, Ủy ban Kiểm toán
Indonesia đã thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kiểm toán điều tra và
hiện nay đã có hơn 100 kiểm toán viên của Ủy ban Kiểm toán Indonesia được cấp
chứng chỉ về kiểm toán điều tra.
3. Công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng
Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu tham dự
Hội thảo đã đưa ra một số câu hỏi với các diễn giả về vấn đề ứng dụng công
nghệ thông tin nhằm phát huy vai trò của các SAI trong phòng, chống tham
nhũng; quy định của pháp luật nên trao quyền cho các SAI như thế nào để phát
huy vai trò của các SAI trong phòng, chống tham nhũng…
Trong đó, bà Phạm Thị Thu Hà - Cục
trưởng Cục Công nghệ thông tin (Kiểm toán nhà nước Việt Nam) đã đặt câu hỏi,
một trong 6 giải pháp thực hành quan trọng của Văn phòng Liên hợp quốc về
chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhằm phát huy vai trò của các SAI trong
phòng, chống tham nhũng là khuyến khích các SAI sử dụng các công nghệ thông
tin (Use of ICTs) và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa SAI với các cơ quan
phòng, chống tham nhũng.
Giải đáp câu hỏi này,
ông Benedikt Hofmann - Phó Trưởng Đại diện Khu vực Đông Nam Á và Thái
Bình Dương của UNODC cho rằng, ngay tại Hội thảo này, đại diện các SAI đều
khẳng định việc hợp tác giữa cơ quan kiểm toán với các cơ quan khác ngày càng
được tăng cường và các bên đều thống nhất sử dụng công nghệ thông tin ngày
càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ với các SAI mà với tất cả các cơ quan
khác.
Theo ông Benedikt Hofmann, trong vai trò của
SAI, cần nỗ lực, cố gắng nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công
tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng để qua đó các bên có liên quan cũng nhận
thấy cần phải tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công.
Chia sẻ một số kinh nghiệm, bài học hay từ các
SAI trong sử dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu về phòng, chống tham
nhũng thời gian qua, ông Benedikt Hofmann nêu rõ, nhiều SAI đã ứng dụng công
nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, xác
định các giao dịch có rủi ro cao và mang lại hiệu quả tích cực. Ví dụ như
Chile, họ đã ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp các dữ liệu của
các cơ quan phòng, chống tham nhũng như Hội đồng Phòng, chống tham nhũng, Hội
đồng Minh bạch… để một mặt có thể xác định các rủi ro, mặt khác thúc đẩy việc
thực thi các thông lệ minh bạch tốt. Hay như tại Tòa Thẩm kế liên bang Brazil,
Ủy ban Kiểm toán Philippines…, các cơ quan này đều đã sử dụng các phần mềm tự
xác định được các giao dịch bất thường trong đấu thầu, mua sắm công… Tóm lại,
kinh nghiệm từ các SAI khác nhau trên thế giới rất phong phú, chúng ta có
nhiều thời gian để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các nước này - ông
Benedikt Hofmann nhấn mạnh.
4. Các SAI chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích
Tổng kết phiên thảo luận,
ông Lê Hoài Nam cho biết, các nội dung cùng trao đổi đã tập trung vào
04 nhóm vấn đề:
- Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo tính độc lập của SAI nhằm phát huy vai trò KTNN trong phòng, chống tham nhũng;
- Chia sẻ kinh nghiệm về khuôn khổ thể chế và cách bảo đảm khuôn khổ pháp lý có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng;
- Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán điều tra;
- Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, công cụ, quy trình kiểm toán để nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các SAI.
Với mỗi chủ đề, các SAI đã đề xuất, kiến nghị
các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng của SAI, qua đó góp
phần quan trọng nâng cao tính công khai, minh bạch, liêm chính công và quản
trị tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Những kinh nghiệm này
rất hữu ích cho tất cả các SAI trong chúng ta để có thể áp dụng nhằm nâng cao
năng lực chống tham nhũng của các SAI trong tương lai - ông Lê Hoài Nam nhấn
mạnh.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn: http://baokiemtoan.vn/kinh-nghiem-huu-ich-trong-phong-chong-tham-nhung-cua-cac-co-quan-kiem-toan-toi-cao-32965.html