[BHXH] Mức lương đóng BHXH bắt buộc có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng ?

2024/07/05

BHXH

1. Mức lương đóng BHXH bắt buộc có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng?

Theo khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định với người lao động do đơn vị quyết định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường:
  • Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
  • Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%;
Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, thì mức lương đóng BHXH bắt buộc với người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

2. Quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
  • Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
  • Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
  • Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

3. Quy định về mức lương tối thiểu

Quy định về mức lương tối thiểu theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
  • Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
  • Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
  • Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

4. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc

Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
  • Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
  • Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
  • Người lao động quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau:
    • Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
    • Bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
    • Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
  • Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
  • Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
  • Người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì:
    • Mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
    • Việc xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng; trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng thì:
    • Người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
    • Việc tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ được tính như sau:
      • Từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm;
      • Từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/49216/muc-luong-dong-bhxh-bat-buoc-co-duoc-thap-hon-muc-luong-toi-thieu-vung

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ