Raijin là thần sấm còn Fuujin là thần gió. Theo truyền thuyết, hai vị thần này đã xuất hiện từ thời sơ khai lập quốc, tạo nên sấm chớp bão tố “ám ảnh” xứ phù Tang.
Raijin và Fuujin là hai vị thần được người Nhật thờ phụng và kính trọng ở những ngôi đền lớn tại nước Nhật cùng với nữ thần mặt trời Amaterasu. Họ là công thần của đất nước, từng chống lại các thế lực xâm lăng từ thuở lập quốc và tạo ra các hiện tượng thiên nhiên thiết yếu trong cuộc sống loài người.
Đều là thần nhưng Raijin cùng Fuujin lại mang dáng vẻ dữ dằn, khiến ai trông thấy cũng kinh sợ và có thể giáng xuống tai họa, khiến thế gian lâm vào cảnh lầm than. Người dân xứ sở hoa anh đào rất coi trọng và cũng sợ hãi, kính nể hai vị thần quyền lực này.
1. Raijin - Vị thần sấm hùng mạnh
Raijin (lôi thần) hay còn được gọi là "Kaminari-sama" "Raiden-sama", "Narukami" và "Raikou", là vị thần đại diện cho sấm sét, ánh sáng, bão tố trong tín ngưỡng dân gian và Thần đạo Nhật Bản.
Thần sấm được khắc họa với hình tượng dữ tợn của loài quỷ, hung dữ và quyền uy. Theo mô tả từ bức vẽ “Fuujin Raijin Zu” của Tawaraya Soutatsu thời Edo thì Raijin xuất hiện với chiếc đầu mọc sừng, mặt quỷ, thân dưới quấn khố da hổ, bao quanh là những chiếc trống sẽ phát ra sấm chớp khi gõ.
Đặc biệt, vị thần này thường được miêu tả là mỗi bàn tay chỉ có ba ngón, mỗi ngón tay đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Raijin cầm trong tay hai chiếc búa dùng để đánh trống. Lúc sấm chớp giáng xuống dương gian thì Raiju (lôi thú: các con thú giáng trần sau cơn sấm sét - một dạng quái vật gây hại cho con người và muôn thú) cũng theo đó mà hạ trần.
Theo chuyện xưa, Raijin là con trai của Izanagi và Izanami, hai vị thần khai sinh ra nước Nhật. Thần sấm sinh ra từ xác chết của người mẹ Izanami dưới địa ngục. Theo dân gian, sau khi chết, Michizane wara, một quý tộc, học giả, nhà thơ và chính trị gia thời Heian, đã bị biến thành thần sấm sống trên bầu trời.
Người xưa đã từng ghi chép nhiều câu chuyện về Raijin. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là câu chuyện kể ôi thần xuống trần gian để ăn rốn con người. Thế nên vào mùa hè, người Nhật có quan niệm nếu trẻ con cởi trần phơi bụng nằm ngủ sẽ bị thần sấm ăn mất rốn, để tránh tai ương này thì phải chui vào trong màn hoặc hô lên từ "Kuwabara".
Còn theo khoa học giải nghĩa thì khi trời vào hạ xuất hiện sấm chớp, thời tiết sẽ se lạnh nên trẻ em dễ bị đau bụng nếu để rốn trần, vì vậy người lớn đã bịa ra câu chuyện lôi thần ăn rốn để hù dọa.
Ngoài vẻ đáng sợ, hung dữ, Raijin tạo ra sấm sét, đem mưa xuống cho dương gian, khiến hoa cỏ cây cối phát triển, thiên nhiên tươi tốt. Người xưa lưu truyền rằng một cánh đồng bị sét đánh sẽ mang lại mùa màng bội thu.
2. Fujin - Vị thần gió quyền năng
Đồng hành cùng Raijin trong những câu chuyện cổ là Fuujin - Vị thần gió của đất nước mặt trời mọc. Fuujin còn gọi là Futen, được mô tả với vẻ ngoài tựa như quỷ dữ, sở hữu làn da xanh, mặc đồ da báo, mang một túi đựng gió lớn ở trên vai. Thần gió có bàn tay với bốn ngón, đại diện cho bốn hướng: Đông, Tây, Nam và Bắc.
Theo Kojiki (Cổ sự ký), Fuujin có nguồn gốc giống với Raijin, được sinh ra từ xác chết của thần Izanami dưới âm phủ. Sau khi Izanami chết vì vết thương do sinh Hinokagutsutchi, chồng bà là Izanagi đã theo bà đến Yomi no Kuni, vùng đất của bóng tối. Sự cố đã xảy ra và vị thần này đã hoảng sợ bỏ đi khi nhìn thấy xác vợ mình đang phân hủy.
Điều này khiến Izanami rất tức giận và dẫn đàn con quái vật đuổi theo người chồng. Izanagi sau đó đã chặn lối vào Yomi. Tuy nhiên, vẫn có những vị thần, yêu quái trốn khỏi thế giới bóng đêm, trong đó có Fuujin và Raijin. Kể từ đây, thần gió đã xuất hiện, ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa và tín ngưỡng của con người.
Trong lịch sử, hình tượng của Fuujin được cho là có xuất xứ từ phương Tây, từ sự giao thoa văn hóa theo Con đường Tơ lụa. Bắt đầu với thần thoại về vị thần gió Bắc Boreas của Hy Lạp đã xâm nhập vào văn hóa ở vùng Trung Á và Ấn Độ, ảnh hưởng đến nghệ thuật Phật Giáo Greco. Sau đó, nền văn hóa này lại xâm nhập vào vùng Á Đông và đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ sáu. Phật giáo cùng truyền thuyết về Fuujin từ đây mà hình thành và phát triển.
Fuujin khiến người đời kính sợ nhưng vị thần cũng được coi là cứu tinh của nước Nhật. Vào năm 1274 và 1281, theo dân gian Fuujin được cho là đã bảo vệ xứ Phù Tang khỏi các cuộc xâm lược của Mông Cổ bằng cách tạo ra những trận phong ba bão táp trên biển, ngăn chặn quân địch xâm lược. Sự kiện này được gọi Kamikaze, nghĩa là thần phong hay cơn gió thần.
3. Ảnh hưởng của Raijin và Fuujin trong văn hóa Nhật Bản
Bất chấp sự tranh giành quyền kiểm soát bầu trời trong thế giới thần thoại thì Raijin và Fuujin luôn song hành cùng nhau trong lĩnh vực nghệ thuật tại Nhật. Hai vị thần luôn xuất hiện trong các bức họa hay truyện kể dân gian.
Thần gió và thần sấm thường được tìm thấy ở trước lối vào của những ngôi đền vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ đền thờ. Người dân khi tới nơi thờ phụng sẽ phải bước qua ánh mắt nghiêm ngặt của hai vị thần này, như nhắc nhở con người phải bày tỏ lòng thành kính, coi trọng vùng đất linh thiêng.
Họ còn tác động đến nền văn hóa đại chúng, là nguồn cảm hứng bất tận trong thế giới manga, anime, phim ảnh, trò chơi điện tử.
Cụ thể, Raijin được biết đến qua hình ảnh của vị thần sấm chớp Raiden, một nhân vật trong video game Mortal Kombat, còn Fuujin là một vị thần gió chiến đấu để bảo vệ trái khỏi quân xâm lược. Raijin cũng là nhân vật chuyên sử dụng ma thuật sấm chớp trong phiên bản thứ tám của loạt trò chơi điện tử Final Fantasy.
Ngoài ra nhân vật Eneru trong Wanpiisu, cũng mang dáng dấp của thần sấm với dàn trống phía sau, và sử dụng lôi thú, sấm sét để tấn công đối phương.
Raijin và Fuujin còn xuất hiện trong tác phẩm Yaiba của tác giả Thám tử lừng danh Conan - Gosho Aoyama, được miêu tả hài hước như là hai thế lực luôn đối đầu với nhau. Hai con Pokemond Dourusu và Torunadousu, cũng được cho là xây dựng dựa trên hai vị thần tối cao nà
Nguồn: https://kilala.vn/van-hoa-nhat/raijin-va-fujin-hai-vi-than-cai-quan-bau-troi-nuoc-nhat.html