Hàng hóa tạm nhập tái xuất thì có được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?

2024/09/30

ThuếTTĐB

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này, công ty Kế toán AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho người đọc và đặc biệt là các kế toán viên.

Cùng tìm hiểu kỹ chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé

1. Hàng hóa tạm nhập tái xuất thì có được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?


Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định các trường hợp sản phẩm nhập khẩu không phải đối tượng chịu thuế của thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:

"Điều 3. Đối tượng không chịu thuế
...
2. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
a) Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;
b) Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;
c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
d) Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật;"

Như vậy hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa tạm nhập tái xuất không phải là đối tượng chịu thuế của thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?


Điều kiện khấu trừ thuế đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 195/2015/TT-BTC (Được sửa bởi Điều 1 Thông tư 20/2017/TT-BTC) có hướng dẫn nội dung này như sau:
  • Đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB và trường hợp nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.
  • Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước:
    • Hợp đồng mua bán hàng hóa, trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện hàng hóa do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất; Bản sao Giấy chứng nhận kinh doanh của cơ sở bán hàng (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở bán hàng).
    • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
    • Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hóa đơn GTGT khi mua hàng. 
Số thuế TTĐB mà đơn vị mua hàng đã trả khi mua nguyên liệu được xác định = giá tính thuế TTĐB nhân (x) thuế suất thuế TTĐB; trong đó:

Giá tính thuế TTĐB = (Giá mua chưa có thuế GTGT -Thuế bảo vệ môi trường(nếu có)) / (1 + Thuế suất thuế TTĐB)

Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB, thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ - Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hóa được bán ra trong kỳ.

Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Về hồ sơ và trình tự, thủ tục giải quyết việc hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 108/2015/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 14/2019/NĐ-CP) như sau:

“Điều 7. Khấu trừ thuế
Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:
  • Cơ sở sản xuất, pha chế xăng sinh học lập giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước kiêm bù trừ với các khoản thuế phải nộp khác (nếu có) - Mẫu 01a/ĐNHT kèm theo Nghị định này.
  • Cơ sở sản xuất, pha chế xăng sinh học gửi hồ sơ đề nghị hoàn trả số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết đến cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính để được giải quyết hoàn trả theo quy định.
  • Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn trả số thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại khoản này được thực hiện như quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
  • Căn cứ Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước của Cơ quan thuế, Kho bạc nhà nước thực hiện chi hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học. Nguồn hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt được lấy từ số thu của ngân sách trung ương về thuế tiêu thụ đặc biệt."
Công ty Kế toán AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội làm việc tại Công ty Kế toán AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/hang-hoa-tam-nhap-tai-xuat-thi-co-duoc-mien-thue-tieu-thu-dac-biet-hay-khong-dieu-kien-khau-tru-thu-483722-23601.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ