Tìm hiểu về khái niệm Chuyển giá |Phần 2|

2024/09/17

ThuếChuyểngiá ThuếTNDN

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này, công ty Kế toán AGS sẽ tiếp tục chia sẻ về chủ đề: "Tìm hiểu về khái niệm Chuyển giá"

V. Thuế Chuyển giá

Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập. Thuế chuyển giá là số thuế, nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch với các bên liên kết.

Các văn bản thuế đối với hoạt động chuyển giá

Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ra đời, trong đó có nội dung: "Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường tạo cơ cở pháp lý chặt chẽ hơn cũng như ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định”.

Ngày 21/5/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 - 2015 nhằm thực hiện Chiến lược cải cách Hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 và thực hiện Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 16/02/2012 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với việc “tăng cường công tác quản lý chống việc chuyển giá của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được quy định cụ thể tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Theo đó, thỏa thuận trước về giá tính thuế là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế nhằm xác định cụ thể căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập công ty.

Ngoài ra, Việt Nam đã theo sát những khuyến nghị của OECD và cũng tham gia vào chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” bằng việc ban hành các chính sách cụ thể, như Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. 

VI. Báo cáo chuyển giá 

1. Báo cáo chuyển giá là gì?

Báo cáo chuyển giá hay còn gọi là “Hồ sơ chuyển giá” hoặc “Hồ sơ xác định giá trong giao dịch liên kết”. Về cơ bản báo cáo chuyển giá được hiểu là một tài liệu được trình bày theo yêu cầu của pháp luật (Cơ quan thuế, hải quan, ….) cho phép xác định, chứng minh giá trị thị trường của từng giao dịch của doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động mua, bán, trao đổi, vay, cho vay, ….giữa các bên có quan hệ liên kết.

Báo cáo chuyển giá (báo cáo giao dịch liên kết) gồm các hồ sơ, tài liệu, phân tích, so sánh nhằm xác định giá trị thị trường của các giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo chuyển giá hay hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải được lập trước thời điểm kê khai quyết toán thuế TNDN hàng năm và phải lưu giữ, cung cấp cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. (Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP)

2. Quy trình lập báo cáo chuyển giá

Bước 1: Đánh giá rủi ro

Trước khi lập báo cáo chuyển giá, các doanh nghiệp cần phải đánh giá rủi ro của các giao dịch thương mại này. Đánh giá rủi ro này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể xác định được những điểm yếu trong quá trình chuyển giá và đưa ra biện pháp phòng ngừa.

Bước 2: Xác định phạm vi của báo cáo chuyển giá

Các doanh nghiệp cần xác định phạm vi của báo cáo chuyển giá, tức là các giao dịch thương mại nào sẽ được bao gồm trong báo cáo này. Thông thường, các giao dịch có giá trị lớn hơn một số ngưỡng nhất định sẽ được bao gồm trong báo cáo chuyển giá.

Bước 3: Xác định phương pháp tính toán

Các doanh nghiệp cần xác định phương pháp tính toán để xác định giá trị của các giao dịch thương mại. Có nhiều phương pháp tính toán khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Bước 4: Thu thập thông tin

Các doanh nghiệp cần thu thập thông tin về các giao dịch thương mại để lập báo cáo chuyển giá. Thông tin này bao gồm các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán và các tài liệu liên quan đến các giao dịch này.

Bước 5: Lập báo cáo

Sau khi đã thu thập được đủ thông tin, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo chuyển giá. Báo cáo này cần tuân thủ các quy định của pháp luật và được lập ra một cách minh bạch và chính xác.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến báo cáo chuyển giá

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến báo cáo chuyển giá, trong đó có các yếu tố sau:

  • Thay đổi trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Thay đổi trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. 
  • Thay đổi trong quy định của pháp luật.
  • Thay đổi trong tình hình kinh tế và thị trường.

VII. Thực trạng và một số trường hợp Chuyển giá ở Việt Nam 

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ lên đến 51,2% (năm 2008) hay 49,8% (năm 2009); các năm 2010, 2011 có giảm xuống, lần lượt là 44,2% và 45% nhưng trong 3 năm từ 2012 - 2014 lại tăng cao trở lại, xấp xỉ 48%(1). Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điều đáng nói là trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.

Ví dụ về Chuyển giá tại Việt Nam

Tóm tắt:  Adidas AG, thành lập năm 1948 tại Đức, chuyên thiết kế và sản xuất dụng cụ thể thao. Sản phẩm của Adidas đến Việt Nam từ 1993 và đến 2009 mới có công ty con chính thức. Adidas Việt Nam đăng ký là nhà phân phối bán buôn, nhưng lại có nhiều chi phí giống với doanh nghiệp bán lẻ. Điều này đặt ra nghi vấn về việc Adidas sử dụng chiến lược chuyển giá thông qua mối liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con để né thuế thu nhập tại Việt Nam.

Vấn đề chuyển giá:

  • Chuyển giá thông qua chi phí phát sinh: Adidas Việt Nam trả cho Adidas AG các loại phí như bản quyền (6%), tiếp thị quốc tế (4%), và phí hoa hồng mua hàng cho Adidas International Trading B.V (8,25%). Mặc dù Adidas Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ, như chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, tiền tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng và đặc biệt, Adidas Việt Nam không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh khoản tiền bản quyền.

  • Lỗ giả và né thuế thu nhập: Do chi phí trung gian đội lên quá cao, Adidas Việt Nam liên tục báo lỗ, dẫn đến việc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu của việc chuyển giá, khi công ty con ở Việt Nam trả phí cho công ty mẹ và các đối tác trong tập đoàn, làm giảm lợi nhuận trong nước, nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.

Sự bất hợp lý này cho thấy khả năng Adidas Việt Nam sử dụng chiến thuật chuyển giá để tránh các nghĩa vụ thuế.

Công ty Kế toán AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội làm việc tại Công ty Kế toán AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ