Tình hình pháp luật về Thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

2024/09/10

ThuếTTĐB


Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này, công ty Kế toán AGS sẽ chia sẻ về chủ đề "Pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam và xu hướng hoàn thiện".

I. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? 

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ nhằm cân bằng, điều tiết mức độ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ điều tiết lượng sản xuất hàng hóa mà còn điều tiết mạnh mẽ đến thu nhập của người tiêu dùng. Từ đó góp phần nâng cao Ngân sách Nhà nước, tăng cường hoạt động quản lý sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Người thực hiện đóng thuế tiêu thụ đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.

II. Thực trạng pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009) và các Luật thuế sửa đổi, bổ sung trong các năm 2014, 2016 và 2022 (Luật số 70/2014/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13, Luật số 03/2022/QH15). Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB trong các năm qua đã góp phần vào thành công của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Luật Thuế TTĐB đã có tác động đến nhiều mặt kinh tế, xã hội. Cụ thể như sau:

1. Những tác động tích cực

Thứ nhất, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; định hướng tiêu dùng tiết kiệm để hạn chế sử dụng nhiên liệu/sử dụng nhiên liệu khan hiếm, không tái tạo như nhiên liệu hóa thạch; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ sức khỏe người dân:

  • Luật Thuế TTĐB quy định thuế suất cao đối với những mặt hàng không có lợi cho sức khoẻ cộng đồng (thuốc lá, rượu, bia) đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng.

  • Luật Thuế TTĐB quy định đối tượng chịu thuế đối với xăng, theo đó mặt hàng xăng thân thiện môi trường (xăng sinh học) thấp hơn xăng khoáng, đã góp phần định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, không thể tái tạo và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường (xăng E5 áp dụng thuế suất 8%, xăng E10 áp dụng thuế suất 7%, trong khi đó xăng khoáng áp dụng thuế suất 10%).

  • Luật Thuế TTĐB quy định mức thuế suất cao đối với các hàng hoá, dịch vụ cao cấp hoặc sử dụng nhiên liệu không tái tạo, cần tiết kiệm như: ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 4.000cm3 áp dụng mức thuế suất từ 110%-150%; tàu bay, du thuyền áp dụng mức thuế suất 30%; kinh doanh dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng áp dụng thuế suất 35%; kinh doanh vũ trường áp dụng mức thuế suất 40%... Đồng thời, Luật quy định mức thuế suất thấp đối với xe ô tô thân thiện môi trường để góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông, khuyến khích phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập các hiệp định, công ước quốc tế, đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế như việc sửa đổi tăng mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; thực hiện Điều 6 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thứ ba, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tỷ trọng số thu thuế TTĐB trên tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2023 dao động trong khoảng 8%-9%/năm.

2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a. Một số tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, tình hình sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao, cho thấy thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng rượu bia, thuốc lá.

  • Về thuốc lá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% năm 2020.

  • Về rượu, bia, theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021). Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn thấp, theo tính toán của WHO thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.

Thứ hai, chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường

Thứ ba, cơ sở thuế của Luật thuế TTĐB cần được mở rộng, bao quát thêm. Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hoá và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, ít hơn so với các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực (Ví dụ: Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 20 nhóm hàng hoá và dịch vụ, Malaysia thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm, Hungary thu thuế TTĐB đối với 22 nhóm...) Tham khảo kinh nghiệm quốc tế gần đây thì nhiều nước đã và đang mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm hạn chế (không khuyến khích) việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về sản xuất, tiêu dùng.

b. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế

Những tồn tại, hạn chế nói trên xuất phát từ cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể xem xét một số nguyên nhân được chia thành 2 nhóm chính như sau:

*/ Về nguyên nhân khách quan

Đầu tiên, nền kinh tế trong nước liên tục phải ứng phó với các biến động khó lường, khó dự báo. Sau khi Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2020 được ban hành đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, khả năng phân tích, dự báo còn hạn chế.

Tiếp đó, tính đồng bộ của pháp luật thuế nói chung, pháp luật về thuế TTĐB nói riêng với hệ thống các chính sách pháp luật khác có liên quan còn bộc lộ một số bất cập do sự điều chỉnh liên tục cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới.

Cuối cùng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng đa dạng, phức tạp. Các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện. Qua đó, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh truyền thống, đặt các cơ quan quản lý vào những tình huống chưa có tiền lệ không riêng với Việt Nam mà đối với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

*/ Về nguyên nhân chủ quan

Có thể nói, việc đánh giá, dự báo tình hình kinh tế trong nước và quốc tế còn chưa sát, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, khi bối cảnh kinh tế thế giới biến động liên tục. Không chỉ vậy, một số yêu cầu về cải cách chính sách thuế TTĐB đã được nhận diện khá sớm nhưng kết quả thực hiện trên thực tiễn chưa cao do việc thực hiện còn chưa đồng bộ. Thực tế này đã dẫn đến việc rà soát, hợp lý hóa các chính sách thuế TTĐB gặp phải nhiều khó khăn khi mở rộng đối tượng chịu thuế cũng như điều chỉnh thuế suất đối với một số hàng hóa, dịch vụ.

Công ty Kế toán AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội làm việc tại Công ty Kế toán AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: "https://tapchitaichinh.vn/phap-luat-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-o-viet-nam-va-xu-huong-hoan-thien.html"

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ