Trách nhiệm của Kiểm toán viên và Công ty Kiểm toán độc lập với Báo cáo tài chính đã Kiểm toán

2024/09/20

TintứcKiểmtoán

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Trách nhiệm của Kiểm toán viên và Công ty Kiểm toán độc lập với Báo cáo tài chính đã Kiểm toán.
Bài viết dành cho những ai đang muốn tìm hiểu về trách nhiệm của công ty kiểm toán hoặc kiểm toán viên khi ký báo cáo kiểm toán là như thế nào. Hiện nay nhiều người quan tâm thắc mắc số liệu giữa báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo tài chính có sự tham gia xem xét của các cơ quan pháp luật Nhà nước khác biệt nhau như thế nào. Vấn đề cần làm rõ thêm là trách nhiệm của Kiểm toán viên độc lập và Công ty kiểm toán độc lập (gọi chung là Kiểm toán độc lập) ra sao về số liệu được trình bày trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Quy định của Luật Kiểm toán về trách nhiệm của Công ty Kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán viên


Theo Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập thì Doanh nghiệp Kiểm toán độc lập, Kiểm toán viên độc lập phải có trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã ký kết. 
Trách nhiệm của kiểm toán độc lập về kết quả kiểm toán đối với người sử dụng xảy ra khi: 
  • Người sử dụng kết quả kiểm toán phải có một sự hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và các cơ sở lập báo cáo tài chính (Các Chuẩn mực Kế toán, các Chuẩn mực Kiểm toán); 
  • Người sử dụng kết quả kiểm toán phải hiểu rằng đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán. 
Một doanh nghiệp có thể thuê nhiều kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính, doanh nghiệp có quyền quyết định sử dụng hoặc không sử dụng kết quả của kiểm toán độc lập. 
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240: “Đơn vị được kiểm toán và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về những quy định trong chuẩn mực này để phối hợp với doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên cũng như quản lý các mối quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán”. 

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp được kiểm toán và Kiểm toán độc lập trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán

2.1. Trách nhiệm của Doanh nghiệp được kiểm toán 

  • Lập, trình bày đầy đủ, trung thực và hợp lý Báo cáo tài chính. 
  • Quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu liên quan đến Báo cáo tài chính đã lập. 

2.2. Trách nhiệm của kiểm toán độc lập 

  • Dựa vào kết quả công việc của mình theo quy định của Chuẩn mực Kế toán, Kiểm toán để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính xét trên góc độ trọng yếu. 

Do vậy không áp dụng khái niệm “chính xác” trong kiểm toán

Theo quy định trong các Chuẩn mực Kiểm toán độc lập thì kiểm toán viên thực hiện công việc kiểm tra dựa trên cơ sở chọn mẫu, xét đoán phân tích nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp không cung cấp tài liệu đầy đủ thì kiểm toán viên có quyền được yêu cầu cung cấp thêm hoặc sử dụng các thủ tục thay thế khác để tìm hiểu. 
Tuy nhiên, doanh nghiệp có quyền từ chối cung cấp bổ sung thêm tài liệu hoặc Kiểm toán viên đã mở rộng thủ tục thay thế khác không thành công. Trong trường hợp này, nếu phạm vi công việc của kiểm toán bị ảnh hưởng thì kiểm toán viên sẽ nêu ý kiến của mình trong báo cáo kiểm toán hoặc ghi chú lưu ý trong thuyết minh báo cáo tài chính hay từ chối cho ý kiến về báo cáo tài chính tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của vấn đề. 
Có thể nói, ý kiến kiểm toán viên được hình thành từ đánh giá của Kiểm toán viên về Báo cáo tài chính sau khi thực hiện công việc kiểm toán theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán. Ý kiến kiểm toán viên có tác dụng làm gia tăng giá trị tin cậy của báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho người sử dụng trên phương diện trọng yếu. Do vậy nó không đảm bảo sự chính xác 100%, cũng như kiểm toán viên không có trách nhiệm giải trình, lưu giữ tài liệu cho 100% số liệu thể hiện trong báo cáo tài chính mà trách nhiệm này thuộc về doanh nghiệp được kiểm toán. 

3. Tính chất pháp lý trong Báo cáo tài chính đã được Kiểm toán

Việt Nam cũng như đa số nước thế giới ban hành Luật kiểm toán độc lập và các văn bản dưới Luật đều yêu cầu bắt buộc hoặc khuyến khích sử dụng kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính đã được lập. Mục đích yêu cầu này là làm tăng độ tin cậy cho người sử dụng báo cáo tài chính đồng thời nâng tầm quốc gia về việc chấp hành Chuẩn mực kế toán. 
Hiện tại, Báo cáo tài chính đã được kiểm toán không phải là một bằng chứng điều tra hoặc một bằng chứng để kết án trước tòa. Việc sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán như thế nào trong điều tra, xét hỏi, hoặc như một bằng chứng trước tòa phụ thuộc vào cơ quan hành pháp và tư pháp. Có thể kết quả kiểm toán chỉ để tham khảo hoặc gia tăng sự hiểu biết cho các cơ quan chức năng Nhà nước về doanh nghiệp. 
Về bản chất, Kiểm toán độc lập là một doanh nghiệp, thực hiện công việc theo quy định của Chuẩn mực. Kiểm toán không được đào tạo về nghiệp vụ điều tra, xét hỏi, Kiểm toán độc lập không phải là cơ quan hành pháp. 

4. Gian lận và sai sót 


Gian lận là một khái niệm rất rộng, kiểm toán viên chỉ quan tâm đến gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính, trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp cung cấp. Mặc dù kiểm toán viên có thể nghi ngờ gian lận nhưng kiểm toán viên không được đưa ra các quyết định pháp lý về việc có thực sự gian lận hay không.
Theo Chuẩn mực Kiểm toán số 240 - Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính 
  • Việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận trước hết thuộc về Ban quản trị và Ban Giám Đốc doanh nghiệp. 
  • Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán có trách nhiệm đạt được sự đảm bảo sự hợp lý trên số liệu báo cáo xét trên phương diện tổng thể có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. 
  • Do những hạn chế vốn có của kiểm toán, nên có rủi ro không thể tránh khỏi là một số sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến Báo cáo tài chính sẽ không được phát hiện, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam 
Do vậy, một cơ sở dữ liệu do kế toán của doanh nghiệp cung cấp cho kiểm toán thực hiện công việc kiểm toán đã bị bỏ sót, tạo dựng, không đầy đủ...là trách nhiệm của doanh nghiệp, mặc dù kiểm toán viên đã thực hiện công việc theo chuẩn mực nhưng không thể không tránh khỏi khả năng không phát hiện được gian lận. Đây là hạn chế vốn có của kiểm toán độc lập. Vì vậy Chúng ta có thể hiểu giá trị pháp lý của báo cáo tài chính đã được kiểm toán như thế nào.

Tóm lại

  • Kiểm toán độc lập làm gia tăng độ tin cậy Báo cáo tài chính, chứ không làm giảm nhẹ trách nhiệm và nghĩa vụ pháp luật của doanh nghiệp được kiểm toán. 
  • Người sử dụng kết quả kiểm toán phải có một sự hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và các cơ sở lập báo cáo tài chính (các Chuẩn mực Kế toán, các Chuẩn mực Kiểm toán); Đồng thời người sử dụng kết quả kiểm toán phải hiểu rằng, đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán. 
  • Mục đích yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính là làm nâng tầm quốc gia về việc chấp hành Chuẩn mực Kế toán. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán không phải là một bằng chứng điều tra hoặc một bằng chứng để kết án trước tòa. Việc sử dụng kết quả kiểm toán như thế nào trong điều tra xét hỏi, bằng chứng trước tòa phụ thuộc vào cơ quan hành pháp và tư pháp. 
  • Hạn chế vốn có của kiểm toán độc lập là không bao giờ phát hiện hết sai sót ngay cả khi đã thực hiện đầy đủ các công việc theo chuẩn mực.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://kiemtoanas.com.vn/vi/tin-tuc/trach-nhiem-cua-kiem-toan-vien-va-cong-ty-kiem-toan-doc-lap-voi-bao-cao-tai-chinh-da-kiem-toan-173.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ