Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến cho mọi người một nơi độc đáo của Việt Nam, được hội tụ tất cả các cảnh quan hùng vĩ nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến đây hằng năm, đó chính là tỉnh Cao Bằng của Việt Nam.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc
giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2
tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo
chiều Bắc – Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện
Thạch An). Theo chiều Đông – Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã
Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm).
Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.703,42 km2; là cao nguyên đá vôi xen với đất,
có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600 – 1.300 so với
mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh
tác chỉ có gần 10%. Dân số hiện nay là 519.802 người. Non nước Cao Bằng đậm đà
bản sắc văn hoá các dân tộc. Từ khi thành lập tỉnh đến nay đã trả qua những
giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển mang dấu ấn sâu sắc.
I. THỜI KỲ PHONG KIẾN
Từ thời kỳ đầu dựng nước, vùng Cao Bằng đã có cư trú của người Việt cổ, minh
chứng là qua các di chỉ khảo cổ, di tích đã được khai quật ở Hồng Việt, (Hòa
An), Cần Yên (Thông Nông), Lũng Ỏ (Quảng Uyên)… cùng truyền thuyết về Pú Luông
- Giả Cải, Cẩu chủa cheng vùa.
Địa danh Cao Bằng được chép trong sử sách từ rất sớm. Sách "Dư địa chí" do
Nguyễn Trãi biên soạn năm 1435 đã ghi "Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ
Định; Đông Bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng; Tây Nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Có 1 lộ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ tư về phương Bắc vậy".
Sách "Việt kiệu thư" của Lý Văn Phượng (nhà Minh – Trung Quốc) viết năm 1540,
mục "Châu quận diên cách" ghi tên các đạo, phủ, châu, huyện nước ta hồi đầu
nhà Lê, có tên phủ Cao Bằng.
Thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 – 1497), vào năm Quang Thuận thứ 7 (1466)
đã chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên (Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Thiên
Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái
Nguyên, Lạng Sơn). Cao Bằng lúc đó gọi là phủ Bắc Bình thuộc thừa tuyên Thái
Nguyên.
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Lê Thánh Tông cho định bản đồ của 12 thừa
tuyên, trong nước có 49 phủ, 163 huyện, 50 châu. Đồng thời đổi tên 6 thừa
tuyên. Thừa tuyên Thái Nguyên được đổi tên gọi là thừa tuyên Ninh Sóc.
Năm Hồng Đức thứ 3 (1472), Lê Thánh Tông đặt thêm thừa tuyên Quảng Nam, nước
ta khi đó gồm 13 thừa tuyên, tổng cộng 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 36 phường.
Phủ Cao Bằng thuộc thừa tuyên Ninh Sóc, phủ Cao Bằng có 4 châu:
Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), thừa tuyên Ninh Sóc lại được đổi tên thành thừa
tuyên Thái Nguyên, phủ Bắc Bình được đổi thành phủ Cao Bằng vẫn trực thuộc
thừa tuyên Thái Nguyên.
Năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời vua Lê Hiến Tông, nhà vua đã tách một số thừa
tuyên thành các trấn mới, tại các trấn đó đã thiết lập bộ máy mới có chức năng
quản lý hành chính và có trách nhiệm với triều đình Trung ương như các đạo
thừa tuyên. Thừa tuyên Thái Nguyên được tách thành trấn Thái Nguyên và trấn
Cao Bằng, theo "Phương Đình địa chí" và "Đại Việt địa dư toàn biên" của Nguyễn
Văn Siêu thì: Năm Cảnh thống thứ hai 1499 Cao Bằng được tách làm trấn riêng,
sách ấy ghi rõ "Năm Cảnh Thống thứ 2 mới đặt riêng làm trấn Cao Bằng"; khi mới
thành lập Cao Bằng gồm 1 phủ, 4 châu: phủ Cao Bình, châu Thái Nguyên (Thạch
Lâm), châu Lộng Nguyên, châu Thượng Lang, châu Hạ Lang. Trấn lỵ đặt tại Hòa
An.
Như vậy từ năm 1499, Cao Bằng được tách khỏi Thái Nguyên thành lập một trấn
riêng không lệ thuộc vào Thái Nguyên như trước. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch
sử vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, trấn Cao Bằng xuất hiện. Đó là
một niên đại quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Cao Bằng,
chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính
trực thuộc chính quyền Trung ương. Từ khi tách, Cao Bằng có bộ máy riêng để
quản lý lãnh thổ, bộ máy đó chịu sự quản lý điều hành của chính quyền nhà nước
Trung ương (triều đình – nhà vua), bình đẳng với các trấn khác.
Đến thời nhà Mạc (1592 – 1677) lên Cao Bằng, đóng đô ở Cao Bình (nay thuộc xã
Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) đặt hiệu là Càn Thống, quản lý cả các vùng Tuyên
Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Năm 1677 – nhà Mạc mất, nhà Lê lại đặt trấn Cao Bằng. Trong "Đại Việt địa dư
toàn biên" ghi rõ: "Đến năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) nhà Mạc mất, nhà Lê lại đặt
làm trấn Cao Bằng. Đặt trọng trấn để cai trị, trấn này có 1 phủ, 4 châu".
Chuyển lỵ trấn về Cao Bằng.
Từ thời Lê Trung Hưng đến trước khi vua Minh Mệnh cải cách hành chính (1831 –
1832), thì cả nước đã hình thành các đơn vị hành chính mới. Theo sách "Tên
làng xã Việt Nam đến đầu thế kỷ XIX" là một bộ địa danh hành chính đời Gia
Long (1801 – 1820), trấn Cao Bằng gồm 4 châu, 27 tổng, 233 xã, thôn, phường,
trại, động.
II. THỜI THUỘC PHÁP
Tháng 10/1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng.
Năm 1888, Cao Bằng là một quân khu. Quân khu Cao Bằng gồm Tiểu quân khu Cao
Bằng và các đồn binh: Cao Bằng, Sóc Giang, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Trà Lĩnh,
Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hoà, Nặm Nàng.
Thực dân Pháp đã phân chia địa bàn từ Thanh Hoá trở ra bắc thành 14 quân khu.
Mỗi quân khu do một sĩ quan cấp đại tá hoặc cấp tướng trực tiếp chỉ huy.
Ngày 06/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ các quân khu và
thiết lập các đạo quan binh. Đạo quan binh là đơn vị hành chính đặc biệt do
giới quân sự nắm quyền cai trị. Mỗi đạo quan binh do một sĩ quan đứng đầu làm
tư lệnh với đầy đủ quyền dân sự và quân sự, thời kỳ đầu về dân sự ngang với
Thống sứ Bắc Kỳ.
Ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tại Bắc Kỳ 4 đạo
quan binh: Đạo quan binh 1 Phả Lại, Đạo quan binh 2 Lạng Sơn, Đạo quan binh 3
Yên Bái, Đạo quan binh 4 Sơn La. Đạo quan binh thứ 2 thủ phủ đặt tại Cao Bằng
(Cao Bằng là tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2). Sau đó chuyển thành Đạo
quan binh 2 Cao Bằng, đạo lỵ đặt tại Cao Bằng, gồm 3 tiểu quân khu: Cao Bằng,
Bảo Lạc, Bắc Kạn.
Ngày 01/01/1906, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định: "các Đạo quan binh 2, 3
và 4 được đặt lại, về phương diện tài chính dưới quyền của Thống sứ Bắc Kỳ và
được cai trị theo luật lệ hiện hành tại các tỉnh dân sự. Việc cai trị các Đạo
quan binh 2, 3 và 4 vẫn đặt dưới quyền một sĩ quan cao cấp cấp đại tá hoặc
trung tá. Mỗi đạo quan binh được phân thành 2 hạt. Việc chia thành khu vực bị
bãi bỏ".
Từ sau Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 16/4/1908, đạo quan binh chia
thành các đơn vị hành chính và tư pháp ngang với công sứ các tỉnh dân sự.
Từ năm 1886 – 1945, tên gọi, địa giới và số lượng các đơn vị hành chính tỉnh
Cao Bằng luôn có sự thay đổi. Cuối thế kỷ XIX, tỉnh Cao Bằng gồm có phủ Trùng
Khánh (với 3 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Uyên) và phủ Hòa An (với 3
châu: Thạch Lâm, Thạch An, Nguyên Bình).
Năm 1926, theo sách "Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ", "Cao Bằng là Đạo quan binh thứ
nhì" gồm 1 phủ: Hòa An (phủ lỵ ở Nước Hai); 7 châu: Hà Quảng, Thạch An, (châu
lỵ ở Đông Khê), Nguyên Bình, Phục Hoà (châu lỵ ở Tà Lùng), Quảng Uyên, Thượng
Lang (châu lỵ ở Trùng Khánh phủ) và Hạ Lang; 3 đại lý: Quảng Uyên, Nguyên Bình
và Đông Khê.
III. THỜI KỲ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 - LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cao
Bằng cùng cả nước bước sang một giai đoạn lịch sử mới.
Năm 1948, Chính phủ quyết định bãi bỏ cấp tổng, phủ, đạo, châu. Cấp trên cấp
xã và dưới cấp tỉnh nhất loạt gọi là huyện. Cao Bằng lúc đó gồm 11 huyện, thị:
Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hoà, Hạ Lang, Quảng
Uyên, Trùng Khánh, Trấn Biên và Thị xã Cao Bằng.
Ngày 03/10/1950, Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của
thực dân Pháp.
Ngày 01/7/1956, Cao Bằng cùng các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên
Quang, Hà Giang hợp thành Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 20/3/1958, huyện Trấn Biên
được đổi tên thành huyện Trà Lĩnh. Ngày 7/4/1966, chia huyện Hà Quảng thành
hai huyện là: Hà Quảng và Thông Nông. Ngày 8/3/1967, hợp nhất huyện Quảng Uyên
và Phục Hoà thành huyện Quảng Hoà. Đến ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà (khoá V) kỳ họp thứ 2 quyết nghị bỏ cấp khu trong hệ thống
các đơn vị hành chính. Quyết định tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành một
tỉnh là Cao Lạng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng.
Ngày 29/12/1978, Nghị quyết Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 4 chia tỉnh Cao Lạng
thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Sáp nhập 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã tỉnh
Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng.
Ngày 06/01/1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn tách 2 huyện Ngân
Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng về tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Cao Bằng thời điểm này gồm
11 đơn vị hành chính cấp huyện, thị (1 thị xã, 10 huyện) và 189 xã, phường,
thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên là 6.724,72 km2.
Ngày 25/9/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 52/2000/NĐ-CP, điều chỉnh
địa giới hành chính huyện Bảo Lạc và thành lập huyện Bảo Lâm thuộc tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 13/12/2007, Chính phủ ra Nghị định số 183/2007/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới
hành chính xã, thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện: Bảo Lạc, Thông Nông,
Trùng Khánh, Phục Hoà thuộc tỉnh Cao Bằng.
Ngày 18/10/2010, thị xã Cao Bằng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định số
926/QĐ-BXD, công nhận là đô thị loại III. Ngày 25/9/2012, Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 60/NQ-CP, thành lập Thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng.
Như vậy, dù nhiều lần thay đổi tên gọi, điều chỉnh địa giới hành chính, song
lãnh thổ Cao Bằng cơ bản vẫn ổn định. Hiện nay, Cao Bằng có 13 đơn vị hành
chính cấp huyện (01 thành phố và 12 huyện); 199 xã, phường, thị trấn (14 thị
trấn, 4 phường, 181 xã); có 46 xã thị trấn biên giới, có 2 cửa khẩu quốc gia,
1 của khẩu quốc tế.
Thiên nhiên đã tạo cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thác
Bản Giốc, động Ngao huyện Trùng Khánh; hồ Thang Hen huyện Trà Lĩnh... Cao Bằng
là nơi có nhiều khu di tích lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ
nước, bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc như hai di tích Quốc gia đặc biệt: Khu
di tích lịch sử Pác Bó huyện Hà Quảng, Rừng Trần Hưng Đạo huyện Nguyên Bình;
khu di tích Lam Sơn huyện Hoà An, di tích Đông Khê - Đức Long huyện Thạch
An... gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ
đại.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hi vọng bài viết có
thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công
việc. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác
và cơ hội việc làm tại AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
https://caobang.gov.vn/lich-su/lich-su-phat-trien-926096