Tỉnh Vĩnh Phúc

2024/11/27

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. 
Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong những tỉnh thành có hội tụ những nét đẹp văn hóa lịch sử. Vĩnh Phúc không chỉ được biết đến là một trong những vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc mà còn nổi tiếng với vô số địa điểm du lịch hấp dẫn như Tam Đảo, làng hoa Mê Linh, tháp Bình Sơn… Chưa dừng lại ở đó, đặc sản Vĩnh Phúc cũng vô cùng đặc sắc, làm say đắm biết bao tín đồ đam mê ẩm thực.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh: Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Diện tích tự nhiên hiện nay của Vĩnh Phúc rộng 1.236 km2 (theo niên giám thống kê năm 2022), phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội, dân số 1.197.617 người (theo niên giám thống kê 2022). Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.

Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Vĩnh Phúc là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.231 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội.

Địa hình

Phía bắc Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo kéo dài từ xã Đạo Trù (Tam Đảo) - điểm cực bắc của tỉnh đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) - điểm cực đông của tỉnh với chiều dài trên 30 km, phía tây nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, tạo nên dạng địa hình thấp dần từ đông bắc xuống tây nam và chia tỉnh thành ba vùng có địa hình đặc trưng: đồng bằng, gò đồi, núi thấp và trung bình.
Địa hình đồng bằng: gồm 76 xã, phường và thị trấn, với diện tích tự nhiên là 46.800 ha. Vùng đồng bằng bao gồm vùng phù sa cũ và phù sa mới. Vùng phù sa cũ chủ yếu do phù sa của các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Đáy bồi đắp nên, diện tích vùng này khá rộng, gồm phía bắc các huyện Mê Linh1, Yên Lạc, Vĩnh Tường và phía nam các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, được hình thành cùng thời kỳ hình thành châu thổ sông Hồng (Kỷ Đệ Tứ - Thống Pleitoxen). Vùng phù sa mới dọc theo các con sông thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh, phía nam Bình Xuyên, được hình thành vào thời kỳ Đệ Tứ - Thống Holoxen. Đất đai vùng đồng bằng được phù sa sông Hồng bồi đắp nên rất màu mỡ, là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế nông nghiệp thâm canh.
Địa hình đồi: gồm 33 xã, phường và thị trấn, với diện tích tự nhiên là 24.900 ha. Đây là vùng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và hoa màu, kết hợp với chăn nuôi gia súc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi theo hướng tăng sản xuất hàng hóa thực phẩm.
Địa hình núi thấp và trung bình: có diện tích tự nhiên là 56.300 ha, chiếm 46,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa hình vùng núi phức tạp bị chia cắt, có nhiều sông suối. Đây là một trong những ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh quanh Hà Nội, vì có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp tập trung và các khu du lịch sinh thái. Vùng núi Tam Đảo có diện tích rừng quốc gia là 15.753 ha.

Khí hậu

Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm là 23,5 – 25oC, nhiệt độ cao nhất là 38,5oC, thấp nhất là 2oC. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của yếu tố địa hình nên có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ giữa vùng núi và đồng bằng. Vùng Tam Đảo, có độ cao 1.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm là 18,4oC.
Lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm đạt 1.400 - 1.600mm, trong đó, lượng mưa bình quân cả năm của vùng đồng bằng và trung du đo được tại trạm Vĩnh Yên là 1.323,8mm, vùng núi tại trạm Tam Đảo là 2.140 mm. Lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô (từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau) chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.

Tài nguyên nước

Vĩnh Phúc có bốn con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ. Lượng nước hằng năm của các sông này rất lớn, có thể cung cấp nước tưới cho 38.200 ha đất canh tác nông nghiệp, được chia làm hai hệ thống sông chính: hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cà Lồ.

Tài nguyên rừng

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, tính đến ngày 31-12-2011, diện tích có rừng toàn tỉnh là 28.312,7 ha, độ che phủ rừng đạt 22,4%.
Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 9.358,8 ha, chiếm 32,81%, tập trung chủ yếu ở huyện Tam Đảo với diện tích 6.978,3 ha, chiếm 74,49% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh; đây cũng là nơi có Vườn Quốc gia Tam Đảo. Hiện tại, phần lớn rừng tự nhiên do Ban Quản lý rừng của tỉnh giám sát, kiểm tra và quản lý.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có 18.953,9 ha diện tích rừng trồng, chiếm 67%, trong đó, diện tích rừng mới trồng là 977,7 ha, chiếm 3,43%. Tam Đảo cũng là huyện có diện tích rừng trồng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong toàn tỉnh, đạt 28,34%. Tiếp đến là huyện Lập Thạch (tương đương 20,33%), thị xã Phúc Yên (19,01%), huyện Sông Lô (16,78%). Thấp nhất là thành phố Vĩnh Yên, chỉ có 153,3 ha, chiếm 0,007%. Phần lớn rừng trồng do hộ gia đình sở hữu và quản lý, với diện tích 9.161,8 ha (47,76%). Ban Quản lý rừng Vĩnh Phúc quản lý 3.899,2 ha (20,33%). Số còn lại do các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị vũ trang hoặc các tổ chức kinh tế khác khai thác và sử dụng.

Hệ thực vật và động vật

Thảm thực vật ở Vĩnh Phúc thể hiện rõ trong nền cảnh chung của rừng nhiệt đới gió mùa. Đặc biệt Vĩnh Phúc còn có Vườn Quốc gia Tam Đảo; gần đây, qua khảo sát bước đầu, các nhà thực vật học đã thống kê được trong Vườn có 1.436 loài, thuộc 741 chi trong 219 họ của 6 ngành thực vật. Trong đó có 58 loài mang gen quý hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới1. Dựa vào sinh cảnh phân bố, có thể chia hệ thực vật ở Tam Đảo thành các loại: rảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Theo giá trị sử dụng, có thể chia hệ thực vật này thành các nhóm: cây cho tinh dầu, cây làm rau ăn, cây làm cảnh, cây cho gỗ, cây dược liệu, cây cho tinh bột, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm cây cho gỗ và cây dược liệu. Ở Tam Đảo còn có nhiều loài thực vật lần đầu tiên được thu thập và mô tả ở Việt Nam.
Hệ động vật ở Tam Đảo rất phong phú về thành phần loài, với khoảng 1.141 loài, thuộc 150 họ của 39 bộ. Trong đó, 64 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn, 16 loài đặc hữu, 18 loài có tên trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán.
Trong đó, lớp lưỡng cư có 19 loài, đặc biệt, loài cá cóc Tam Đảo thuộc những loài động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ. Lớp bò sát có 46 loài, trong đó tắc kè, kỳ đà, thằn lằn là những loài có số lượng lớn. Lớp chim nhiều hơn cả, có tới 158 loài, trong đó có nhiều loại quý như gà lôi trắng, gà tiền. Lớp thú có 58 loài; các loài lớn như gấu, hổ, báo...; các loài nhỏ như cầy, sóc, chuột, hươu, hoẵng...; một số có giá trị khoa học cao như cheo cheo, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch...
Trong các loài động vật ở rừng Tam Đảo, có 47 loài được xem là quý hiếm, trong đó có loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Vườn Quốc gia Tam Đảo là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu. Với độ che phủ rừng chiếm 90% diện tích, có thể coi Vườn Quốc gia Tam Đảo là kho dự trữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm của nước ta, và là điểm du lịch hấp dẫn.

Văn hóa - Lịch sử

Nếu như môi trường thiên nhiên, khí hậu trong thời kì chuyển từ cuối thế Cánh tân sang Toàn tân không có biến đổi lớn thì cư dân văn hoá Sơn Vi sẽ tiếp tục phát triển cuộc sống trên vùng đồi gò và các thềm sông cổ ven rìa đồng bằng châu thổ và tiến dần xuống khai phá vùng đồng bằng. Ở đó có thể phát hiện được nhiều dấu tích cuộc sống của con người thời đại đá mới sống trong khoảng thời gian từ trên một vạn năm đến khoảng 6.000 - 5.000 năm trước. Nhưng cho đến nay, trên đất Vĩnh Phúc cũng như trên vùng đồi gò Phú Thọ, Hà Tây, sau thời kì văn hoá Sơn Vi chưa tìm thấy được dấu tích văn hoá của con người thời đại đá mới. Các nhà khảo cổ học và cổ sinh học giải thích hiện tượng này bằng sự thay đổi của khí hậu và môi trường.
Tư liệu cổ sinh vật ở miền bắc Việt Nam cho thấy hầu hết hoá thạch động vật trung kì và hậu kì thế Cánh tân khá gần gũi với quần động vật thời Toàn tân, đều là động vật chỉ thị cho khí hậu nóng ẩm. Tuy vậy, giữa quần động vật cuối thời Cánh tân và thời Toàn tân miền Bắc nước ta cũng có một vài khác biệt. Đó là một vài động vật tiêu biểu cho quần động vật vùng Hoa Nam và Đông Nam Á thời Cánh tân đã không thấy trong quần động vật thời Toàn tân như đười ươi (Pongo pygmaeus), voi răng kiếm (Stegodon orientalis), gấu tre (Ailuropoda melanoleuca), voi cổ (Palaeoloxodon namadicus), heo vòi (Tapirus indicus). Về thực vật, thành phần bào tử phấn hoa qua các mẫu phân tích cho thấy trong tầng văn hoá Sơn Vi tồn tại phổ bào tử quyết đặc trưng cho giai đoạn khí hậu cuối thời Cánh tân gồm họ dương xỉ (Polypodiaceae) và kim mao (Cyatheaceae). Còn trong tầng văn hoá Hoà Bình không thấy bào tử phấn của dương xỉ và kim mao …
Những phân tích về động, thực vật đó cho thấy có sự thay đổi nào đó về khí hậu và môi trường từ cuối thế Cánh tân sang thế Toàn tân ở miền Bắc nước ta là điều rõ ràng. Song, từ đấy giải thích sự vắng mặt của con người sau thời văn hoá Sơn Vi trên vùng đồi gò, thềm sông ở vùng trung du Bắc bộ, trong đó có Vĩnh Phúc thì chưa có được sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu.
Có người cho rằng đợt biển tiến Flandrian xẩy ra ở giai đoạn gián băng cuối cùng, mực nước của nó bao trùm lên 1/2 diện tích khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ít nhất cao hơn mực nước hiện nay khoảng 4m. Lúc đó, toàn bộ đồng bằng Bắc bộ bị chìm ngập và hệ thống sông suối bị đẩy ngược dòng hoặc cân bằng dòng chảy làm tràn ngập các thung lũng. Vì thế cư dân văn hoá hậu kì thời đại đá cũ Sơn Vi trên thềm cổ sông Hồng, sông Lô phải rút về các hang động đá vôi tạo nên văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn.
Song cũng có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế Cánh tân sang Toàn tân, có thể khí hậu cũng ấm dần lên và có chế độ từ khô lạnh chuyển dần lên nóng ẩm và lượng mưa tăng cao, xuất hiện nhiều cơn lũ lớn. Đồng thời, do biển tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ, độ mặn làm ảnh hưởng đến thảm thực vật rừng và các hệ động vật sống theo bầy do đó cũng giảm đi. Vừa có lũ lớn, lại bị biển tiến ngăn cản việc thoát lũ làm cho đồng bằng, thậm chí cả các bậc thềm sông bị ngập lụt, rừng cây bị đổ, bị lấp, bị cuốn trôi. Môi trường săn bắt và hái lượm của con người nơi đây bị thu hẹp lại. Con người lúc đó chưa kịp thích ứng với môi trường mới, phải lui dần về miền thượng du, vùng núi đá vôi và các thung lũng cao, dẫn đến sự vắng bóng dấu tích cuộc sống của con người trên đất trung du trong khoảng đầu thời Toàn tân đến khoảng 6 - 5 ngàn năm trước. Đây cũng là lí do để giải thích sự vắng mặt của con người và văn hoá thời đại đá mới trên đất Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ với sự xuất hiện con người sinh sống từ mấy nghìn năm trước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao tác động của tự nhiên, con người và vùng đất nơi đây đã tạo nên một kho tàng di sản phong phú, đặc sắc về văn hóa. Đó cũng là một vốn quý, một tài sản vô giá của Vĩnh Phúc.
Theo nhiều nhà nghiên cứu (xưa và nay) thì Phú Thọ là vùng đồi núi truyền thuyết của Mẹ Tiên, Vĩnh Phúc là vùng biển truyền thuyết của Cha Rồng.
Bốn ngàn năm trước, đất đai tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay đã nằm trong một cõi chung, có điều chưa gọi là tỉnh, là Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Phúc mà mang địa danh khác, theo cách phân vùng hành chính khác với bây giờ.
Thời đại Hùng Vương, nước ta có Văn Lang. Nước Văn Lang có 15 bộ, trong đó Văn Lang là bộ gốc, trung tâm của nước Văn Lang nằm trên hợp lưu của 3 con sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô. Lãnh thổ bộ Văn Lang trải rộng ra hai bên sông Thao, sông Hồng, từ dãy núi Ba Vì sang dãy núi Tam Đảo. Như vậy, đất đai tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ nằm trong bộ Văn Lang xưa. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta nói, cùng với Phú Thọ, Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ, nơi sinh tụ đầu tiên của cư dân nước Việt.

Các lễ hội đặc trưng

  • Lễ hội Tây Thiên
  • Lễ hội đình Cả năm làng Tích Sơn (xã Tích Sơn nay thuộc phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên).
  • Lễ hội làng Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)
  • Lễ hội làng Lũng Ngoại (còn gọi Lũng Khê, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường)
  • Lễ hội rước tổ nghề làng Hiển Lễ (xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên).
  • Di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu
  • Miếu Đậu (làng Đậu, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên)
  • Miếu Tam Thánh (còn gọi là miếu Ba Vị hoặc miếu Dốc Dinh, xóm Xuôi Ngành, làng Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên)
  • Đền Bạch Trì (thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương)
  • Đền Đuông (xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường)
  • Đền thờ Trần Nguyên Hãn (xóm Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch)
  • Đền thờ Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (nay thuộc Hà Nội)
  • Đền thờ Đỗ Khắc Chung (còn gọi là miếu cụ Đỗ, làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch)
  • Đền Phú Đa (xóm Giếng, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường)
  • Đền Bà (còn gọi là đền Vị Thanh, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên)
  • Đền Thính (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc)
  • Phủ thờ quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì (thôn Yên Lan, xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên)
  • Đình Thổ Tang (xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường)
  • Đình Hương Canh
  • Đình Ngọc Canh
  • Đình Tiên Canh
  • Đình Hiển Lễ (xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên)
  • Chùa Báo Ân (phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên)
  • Chùa Ngũ Phúc (phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên)
  • Chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên)
  • Chùa Động Lâm (còn gọi là chùa Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương)
  • Chùa Hoa Dương (thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường)
  • Chùa Cói (làng Cói, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương)
  • Tháp Bình Sơn (thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô)

Di tích cách mạng

  • Khu căn cứ phía bắc huyện Lập Thạch và Tam Dương
  • An toàn khu Trung ương ở Phúc Yên
  • Nhà in Trần Phú
  • Căn cứ cách mạng Ngọc Thanh
  • Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Hầm chỉ huy của Bộ Chính trị tại Tam Đảo
  • Danh lam thắng cảnh
  • Vườn Quốc gia Tam Đảo
  • Danh thắng Tây Thiên
  • Khu nghỉ mát Tam Đảo
  • Khu du lịch Đại Lải
  • Khu du lịch sinh thái - vườn cò Hải Lựu
  • Núi Sáng
  • Khu nghỉ Đầm Vạc:
  • Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Dân cư

Dân số trên 1 triệu người, có 7 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Mường, người Cao Lan (một nhánh của dân tộc Sán Chay).

Ẩm thực Vĩnh Phúc

Cá thính Lập Thạch

Nhắc đến đặc sản Vĩnh Phúc thì không thể không kể đến món cá thính đặc sản Lập Thạch do người dân Văn Quán sáng tạo ra. Nguồn gốc của món ăn này xuất phát từ mùa mưa, nước lũ tràn về trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch nên người dân có rất nhiều cá. Do không ăn hết, phơi khô và bảo quản khó khăn, chợ thì xa và không có thuyền bè nên người dân đã lấy cá tươi cùng với ngô, đậu rang, muối và lá ổi kết hợp thành món cá thính.


Lâu dần, món cá thính Lập Thạch đã trở thành món ăn đặc sản Vĩnh Phúc nổi tiếng trứ danh. Sau khi rửa sạch cá thì mổ bỏ ruột, bỏ hết phần màng đen trong bụng cá rồi chặt vây, ướp cùng muối trắng và xếp vào lọ, nén chặt.
Cá ướp xong thì vắt hết nước, cho thính ngô và đậu vào bụng cũng như mang cá, bóp kỹ, xếp vào lọ sành phơi khô. Cứ mỗi lớp cá lại cho một lớp lá ổi rồi xếp rơm khô đã vò kỹ, rũ sạch, không còn lá chân lên trên đầu lọ để ủ trong khoảng 3 tháng thì lấy ra nướng than hoa. Trong thời gian ủ, nên thường xuyên kiểm tra xem rơm có bị ướt không. Nếu có thì phải thay ngay để tránh cá bị hỏng.
Món đặc sản Vĩnh Phúc này không khô như cá mắm biển cũng không bị nhão như khi ăn cá tươi hoặc cá rán nên rất bắt vị. Khi gỡ cá sẽ thấy thịt cá có màu mận chính. Trong lúc ăn có thể thấy vị cá ngọt đậm, thính thơm và giòn sừn sựt lạ miệng.

Dứa Tam Dương

Đã kể đến đặc sản Vĩnh Phúc thì không thể nào không nhắc đến dứa Tam Dương. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất. Dứa được trồng tại Tam DƯơng sẽ có những đặc trưng riêng như dứa mỡ gà có vị chua, màu vàng nhạt, dứa hướng đạo có vỏ nhỏ, vị ngọt, chua nhẹ, ruột giòn còn dứa mật thì nhiều nước, rất ngọt,...


Khi ghé thăm huyện Tam Dương, du khách có thể trải nghiệm hai kiểu ăn dứa khác nhau:
Gọt hết mắt và thịt dứa bên ngoài, chừa lại ít ruột bên trong (khoảng nửa quả). Với cách ăn này, bạn sẽ không cảm thấy rát lưỡi dù có ăn nhiều dứa đi chăng nữa.
Đập dứa vào gốc cây hoặc thớt gỗ để ruột dứa nát ra nước mật rồi dùng dao nhọn khoét lỗ vừa phải, ghé miệng và uống. Với cách này, cần xoay dứa liên tục trong khi đập để ruột dứa được nát đều.
Chính cách thưởng thức dứa độc lạ này đã khiến dứa Tam Dương trở thành đặc sản Vĩnh Phúc, tạo được ấn tượng trong mắt du khách.

Tép Dầu Đầm Vạc

“Cỗ chín lợn mười trâu
Cũng không bằng Tép Dầu Đầm Vạc”
Tép Dầu từ lâu đã nổi danh là giống cá đặc trưng ở Đầm Vạc, Vĩnh Phúc. Tép Dầu tại nơi đây có kích thước chiều ngang khoảng 1cm, chiều dài từ 5 - 7cm, khi trưởng thành trong bụng có rất nhiều trứng.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ