Tổng quan về tỉnh Yên Bái

2024/11/25

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể.
Bài viết dưới đây, Công ty chúng tôi sẽ đưa các bạn cùng tham quan và tìm hiểu về tỉnh Yên Bái của Việt Nam, đây là một trong nơi được biết đến với những thửa ruộng bậc thang, mùa vàng, mùa đổ nước. Ngoài ra Yên Bái còn nổi tiếng bởi những đỉnh núi, suối nước nóng, những ngôi làng cổ và nhiều món ăn đặc sắc.

Lịch sử

  • Ngày 29 tháng 4 năm 1955, thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, địa bàn 2 huyện Than Uyên và Văn Chấn thuộc khu tự trị và sau là tỉnh Nghĩa Lộ.
  • Ngày 13 tháng 5 năm 1955, 2 huyện Than Uyên và Văn Chấn chính thức tách khỏi tỉnh Yên Bái để sáp nhập vào khu tự trị Thái - Mèo.
  • Ngày 7 tháng 4 năm 1956, thành lập lại thị xã Yên Bái.
  • Ngày 1 tháng 7 năm 1956, chuyển huyện Yên Bình của tỉnh Tuyên Quang về tỉnh Yên Bái quản lý.
  • Ngày 16 tháng 12 năm 1964, thành lập 2 huyện Bảo Yên (tách ra từ 2 huyện Lục Yên và Văn Bàn) và Văn Yên (tách ra từ 2 huyện Trấn Yên và Văn Bàn).
  • Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Yên Bái hợp nhất với 2 tỉnh Lào Cai và Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
  • Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia lại thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Tỉnh Yên Bái bị tái lập, gồm thị xã Yên Bái và 7 huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình (riêng hai huyện Bảo Yên và Văn Bàn lúc này thuộc tỉnh Lào Cai).
  • Ngày 15 tháng 5 năm 1995, tái lập thị xã Nghĩa Lộ trên cơ sở điều chỉnh 1 phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Văn Chấn.
  • Ngày 11 tháng 1 năm 2002, chuyển thị xã Yên Bái thành thành phố Yên Bái.
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,67 km2, xếp thứ 5 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.


Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý:

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,67 km2, xếp thứ 5 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.
Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái (thành phố Tỉnh lỵ); Thị xã Nghĩa Lộ; 07 huyện: Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn).
Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

Đặc điểm địa hình

Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc - Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn - Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 18 - 200C (Trung bình vùng cao 16-170C); nhiệt độ cao nhất từ 39 - 410C, thấp nhất từ 0- 20C. Gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.700 - 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.963mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.035mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.
* Các mùa chính trong năm: Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt.
  • Mùa lạnh: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115-125 ngày. Vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp. Vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, cá biệt có nơi xuống 0oC, có lúc, có nơi xẩy ra hiện tượng sương muối, băng tuyết hoặc bị hạn hán. Đầu mùa lạnh (từ tháng 12 đến tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn, điển hình là khu vực thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình.
  • Mùa nóng: Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 26oC, tháng nóng nhất 28 - 290C. Mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.250 - 1.600mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa, tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, nhưng trong vùng thung lũng sông Chảy lại giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.
* Chế độ mưa:
Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình. Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.876,5mm/năm; Lục Yên 1.942,6mm/năm; Nghĩa Lộ 1.417,3mm/năm; Mù Cang Chải 1.730,5mm/năm.
Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao, lượng mưa phân bố không đồng đều các tháng trong năm. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 7 đến tháng 8 (với lượng mưa từ 300-400mm/tháng), các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 2 (với lượng mưa từ 18-38mm/tháng).
Do lượng mưa không đều giữa các tháng, tháng 12, 1, 2 là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 28,8mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Vào mùa mưa, ở một số nơi lượng mưa quá lớn như Mù Cang Chải, Trạm Tấu và vùng trong huyện Văn Chấn gây lũ lụt, thiệt hại mùa màng, làm hỏng các công trình giao thông, thủy lợi.
* Chế độ ẩm:
Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối cao, trung bình năm tại các trạm như sau: Yên Bái là 86%; Lục Yên 86%; Nghĩa Lộ 84%, Mù Cang Chải 81%. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 3-5%. Càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất đối với Yên Bái và Lục Yên là tháng 1 – 4; đối với Nghĩa Lộ là tháng 8 – 9; đối với Mù Cang 7 – 8. Những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 5 – 6 là 84% đối với khu vực phía đông; tháng 12 là 82% đối với khu vực phía đông và tháng 3 – 4 là 75 – 76% đối với khu vực vùng cao.
Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xanh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.
* Các hiện tượng thời tiết khác:
Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều. Vùng thấp thuộc thung lũng sông Hồng, sông Chảy thì ít xuất hiện.
Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, một số vùng xảy ra nhiều trận mưa đá như: Mậu A, Tân Đồng, Mù Cang Chải, TP Yên Bái, Yên Bình. Mưa đá thường xuất hiện vào thời gian giao mùa cuối mùa xuân đầu mùa hạ, cuối thu đầu đông (tháng 3 – 5 và tháng 10) và đi kèm với hiện tượng dông và gió xoáy cục bộ.
Ngoài ra ở các vùng cao trên 1000m thỉnh thoảng còn có băng tuyết vào giữa đến cuối tháng mùa đông.
* Các vùng khí hậu:
Với các nét đặc trưng có thể chia Yên Bái thành hai vùng khí hậu lớn, có ranh giới được xác định bởi đường phân thủy của dãy núi cao theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dọc theo hữu ngạn sông Hồng. Trong hai vùng lớn lại có năm tiểu vùng với những đặc điểm khí hậu khác biệt nhau.
Vùng phía Tây: Phần lớn vùng này có độ cao trung bình trên 700m, địa hình chia cắt mạnh, mang tính chất khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có gió Tây Nam nóng, khô nên khí hậu vùng này có nét đặc trưng là nắng nhiều, ít mưa so với vùng phía Đông. Xuất phát từ các yếu tố địa hình, khí hậu, đặc thù có thể chia vùng này thành 3 tiểu vùng sau:
Tiểu vùng Mù Cang Chải: Vùng này có độ cao trung bình từ 900m, có nhiều nắng nhất tỉnh và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Do độ cao địa hình lớn, nên nhiệt độ thấp. Nhiệt độ trung bình 19-200C, về mùa đông lạnh có khi xuống tới 00C. Tổng nhiệt độ năm 6.900-7.3000C, lượng mưa: 1.700-1.750 mm/năm tập trung từ tháng 4 - 9; độ ẩm 81% thích hợp phát triển cây trồng, vật nuôi vùng ôn đới.
Tiểu vùng Tây Nam Văn Chấn: Vùng này có độ cao trung bình 800m, phía Bắc nhiều mưa, phía Nam là vùng ít mưa nhất tỉnh. Nhiệt độ trung bình là 19 - 200C, mùa đông nhiệt độ xuống tới 10C, lượng mưa 1.800 mm/năm, độ ẩm 84%. Thích hợp trồng cây và vật nuôi vùng á nhiệt đới và ôn đới.
Tiểu vùng Văn Chấn - Tú Lệ: Độ cao trung bình vùng này 250-300m, có thung lũng Mường Lò với diện tích trên 2.200 ha, nhiệt độ trung bình 22 - 230C, tổng nhiệt độ cả năm 8.0000C, độ ẩm 84% thích hợp phát triển cây lương thực, cây công nghiệp chè, đặc biệt chè tuyết vùng cao, quế, cây ăn quả và cây lâm nghiệp.
Vùng phía Đông: Khí hậu này chịu ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông Bắc, mưa nhiều về cả số ngày và lượng mưa. Mưa phùn kéo dài ở thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Nhiệt độ trung bình 23-240C, lượng mưa bình quân 1.800-2.000mm/năm, thích hợp phát triển cây nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, chè, cà phê, phát triển thủy sản... có 2 tiểu vùng sau:
Tiểu vùng Nam Trấn Yên - Văn Yên - Thành phố Yên Bái - Ba Khe thuộc thung lũng sông Hồng, dưới chân hệ thống núi Hoàng Liên Sơn - Púng Luông. Nhiệt độ trung bình từ 23 - 240C, tổng nhiệt độ cả năm khoảng 8.0000C. Lượng mưa bình quân 1.800-2.000 mm/năm và là vùng có lượng mưa phùn kéo dài trong thời kỳ đầu năm.
Tiểu vùng Lục Yên - Yên Bình thuộc thung lũng sông chảy vùng hồ Thác Bà, là vùng có diện tích mặt nước nhiều nhất tỉnh - hồ Thác Bà diện tích 23.400 ha, có khí hậu ôn hòa, có điều kiện thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.



Tài nguyên thiên nhiên:

Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Yên Bái là 689.267 ha, trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 617.588 ha, chiếm 89,60% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp là 57.051 ha, chiếm 8,28% tổng diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng là 14.628 ha, chiếm 2,12% tổng diện tích tự nhiên.
Tỉnh Yên Bái có nhiều loại đất thích hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng phòng hộ và trồng rừng kinh tế... tập trung vào các loại đất điển hình sau: Đất phù sa, chiếm 1,33% diện tích tự nhiên của tỉnh; đất xám, chiếm 82,57%; đất đỏ, chiếm 1,76%; đất mùn alít, chiếm 8,1%.
Yên Bái là tỉnh có thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm nghiệp với diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng là 463.811 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 215.912,9 ha, diện tích rừng trồng 247.898,4 ha, sản lượng gỗ khai thác hàng năm khoảng 700 nghìn m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và khoảng 90.000 tấn tre, vầu, nứa. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng trên 63%, đứng thứ 6 trong cả nước.
Tổng diện tích cây chè của toàn tỉnh trên 7.400 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 68.000 tấn với vùng chè tập trung ở các huyện Văn Chấn 4.559 ha, Trấn Yên 630 ha, Yên Bình 500 ha. Yên Bái có diện tích quế lớn nhất nước và chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất, với diện tích trên 81.000 ha, trồng tập trung ở các huyện Văn Yên 43.000 ha, huyện Trấn Yên 13.000 ha, huyện Văn Chấn 10.000 ha, Lục Yên 3.000 ha. Sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 20.000 tấn vỏ quế khô/năm. Diện tích sắn tại tỉnh hiện có khoảng 8.600 ha, sản lượng đạt trên 170.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Văn Yên trên 4.500 ha, Yên Bình trên 700 ha.
Với khoảng 2.000 ha đồng cỏ và có thể tận dụng cỏ dưới tán rừng, vườn rừng là lợi thế lớn trong phát triển chăn nuôi các loại trâu, bò, dê... và các loại gia cầm.

Tài nguyên nước

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió, như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600mm.
- Tài nguyên nước mặt:
Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ m3/năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên), hàng năm cung cấp với khối lượng tới hàng trăm triệu m3/năm. Trong đó, lớn nhất là hồ Thác Bà với diện tích mặt hồ 23.400 ha chiều dài 80 km chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu lòng hồ khoảng từ 15 đến 34 m, tổng lượng nước trong hồ lên tới 2,9 tỷ m3.
Ngoài ra, nguồn nước mặt của tỉnh Yên Bái còn được cung cấp từ lượng nước mưa hàng năm. Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600 mm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố theo mùa, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm từ 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm); đặc biệt 3 tháng có cường độ mưa cũng như lượng mưa lớn nhất là các tháng 6, 7, 8, chiếm từ 45 - 55% lượng mưa cả năm. Những tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm. Các tháng 12 tháng 1 và tháng 2 là những tháng khô hạn nhất, thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào các tháng này.
Nhìn chung, tỉnh Yên Bái có đủ lượng nước mặt để cung cấp cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhưng do đặc điểm của địa hình, chế độ thời tiết và hậu quả của nạn phá rừng từ nhiều năm trước đã làm thay đổi lượng nước mặt giữa 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô mực nước ở các sông suối đều ở mức thấp nhất. Các công trình thủy lợi thiếu nước hoạt động, thủy điện Thác Bà hoạt động ở tình trạng bất lợi, vùng phía Tây thời tiết khô, dòng chảy của nhiều khe suối bị cạn kiệt gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào. Trong mùa mưa lưu lượng và mực nước các sông tăng nhanh, lũ quét xảy ra thường xuyên ở các suối lớn gây thiệt hại mùa màng, nhà cửa, tính mạng của người dân.
- Nước ngầm, nước khoáng: Yên Bái có nguồn nước ngầm đáng kể. Theo các tài liệu địa chất - thủy văn, nguồn nước ngầm và nước khoáng phân bố ở độ sâu 20 - 200m dưới lòng đất. Nước khoáng nóng phân bố chủ yếu ở vùng phía Tây thuộc các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, nhiệt độ trên 400C, hàm lượng khoáng hoá 1-5g/l, có khả năng chữa bệnh khi được xử lý độc tố. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm phân bố không đồng đều trong các thành tạo địa chất khác nhau, mực nước ngầm thay đổi có nơi chỉ vài mét là có nước ngầm, có nơi thì mấy chục mét mới có. Hàng năm có thể khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hàng chục nghìn m3, chủ yếu là hệ thống giếng khơi và giếng khoan.
Nhìn chung, tài nguyên nước của Yên Bái rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm. Vì thế, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt, nếu được khai thác sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống và nhiều lĩnh vực khác.

Tài nguyên rừng:

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của tỉnh. Với hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều họ khác nnhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2022, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là 492.763 ha, chiếm 71,49% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng là 463.811,3 ha (trong đó rừng tự nhiên: 215.912,9 ha; rừng trồng: 247.898,4 ha; rừng trồng: 218.207,3; diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng: 29.691,1 ha). Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Yên Bái là 434.120,2 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 63%. Phân theo loại rừng như sau:
  • Đất rừng sản xuất là 307.014 ha, chiếm 44,54% diện tích tự nhiên, tập trung ở vùng sản xuất nguyên liệu giấy (gồm các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, vùng thấp Văn Yên, vùng ngoài Văn Chấn) và vùng trồng cây đặc sản quế (gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và phân bố rải rác ở các huyện khác: Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Yên Bái).
  • Đất rừng phòng hộ là 149.601 ha, chiếm 21,70% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm huyện Mù Cang Chải), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện: Yên Bình, Lục Yên).
  • Đất rừng đặc dụng là 36.148 ha, chiếm 5,25% diện tích tự nhiên, phân bố tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.

Tiềm năng kinh tế

Những lĩnh vực kinh tế lợi thế:

Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: trồng rừng và chế biến giấy, bột giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế, chè, cà phê; trồng và chế biến sắn, hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: đá quý, cao lanh, fenspat, bột cácbonnát canxi, sắt…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ thuật và các loại vật liệu xây dựng khác.
Yên Bái không chỉ nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Yên Bái còn là địa phương giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc. Yên Bái có khí hậu nhiệt đới ôn hòa; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thiên nhiên trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; con người Yên Bái cần cù, chịu khó và mến khách. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái có nhiều nét văn hóa riêng đậm đà bản sắc dân tộc…đã tạo nên hình ảnh một Yên Bái giàu tiềm năng, thế mạnh, miền đất mới hứa hẹn nhiều cơ hội cho các hoạt động đầu tư phát triển.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, đã tạo điều kiện cho Yên Bái rút ngắn khoảng cách tới các vùng kinh tế trọng điểm như Thủ đô Hà Nội xuống còn dưới 120 km; cửa khẩu Lào Cai xuống còn dưới 130 km; cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190 km, đồng thời giúp cho việc giao lưu hàng hóa từ Yên Bái đến các vùng kinh tế phụ cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hòa Bình… trở nên thuận tiện. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho Yên Bái mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn…, là điều kiện quan trọng để Yên Bái chào đón các nhà đầu tư đến với Yên Bái để cùng hợp tác và cùng phát triển.

Tài nguyên du lịch:

Yên Bái là một tỉnh miền núi, có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”. Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn.
Khu vực Miền Tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m - nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon - nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 350C - 450C; Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải... rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh...
Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa - tâm linh như: Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.

Ẩm thực đặc sắc

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, chia các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản. Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà. Nhìn bên ngoài, miếng thịt trâu màu nâu sẫm, sở dĩ có màu sắc như vậy là do sự khéo léo của người hun thịt, thịt phải được hun thường xuyên bằng than củi lấy từ núi. Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn. Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẩm chéo làm mồi nhậu, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt đọng lại, hòa quyện cùng mùi thơm từ khói củi núi đá và chút cay nồng, chút thơm lạ của mắc khén. Từ miếng thịt trâu bình dị với cách chế biến tinh tế độc đáo, dẫu là thực khách kén ăn cũng dễ dàng bị chinh phục để rồi không khỏi lưu luyến, nhớ về ẩm thực riêng có của người Thái đen Yên Bái.

Muồm muỗm rang - đặc sản Mường Lò

Ở Mường lò cứ đến cuối mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn, con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản của Mường Lò vùng Tây Bắc.
Để chế biến món muồm muỗm rang giòn phải qua 4 khâu cơ bản là “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột". Xong khâu "làm lông", muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo. Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm...) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm, khi ăn ta có thể cảm nhận vị giòn tan, bùi béo, thơm nồng trong miệng, cảm giác thật tuyệt. Món muồm muỗm rang có thêm chén rượu ngô của đồng bào Mường Lò Yên Bái thì mới cảm nhận hết được hương vị của đặc sản núi rừng Tây Bắc.

Mắc khén

Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.
Cây mắc khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén, khi dùng mắc khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con, chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.
Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ