Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới
thiệu đến các bạn văn hóa Hát múa Ải Lao, một trong những di sản văn hóa của
dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay
chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn
hóa của Việt Nam.
Hát múa Ải Lao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết
định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016. Di sản hát múa Ải Lao gắn liền với
truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân. Trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng (diễn
ra từ ngày 7 đến 9 tháng Tư âm lịch hằng năm), phường Ải Lao tham gia thực
hành một số nghi lễ quan trọng ở đền Thượng, đền Mẫu và Miếu Ban.
Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát,
điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ độc đáo bởi nhịp
điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử,
văn hóa khá đặc sắc. Lời ca của Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm
tạ Đức Thánh Gióng mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một lễ hội trang
nghiêm với nhiều nghi lễ. Chính vì vai trò quan trọng của hát múa Ải Lao mà
người dân nơi đây có câu “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.
Nếu như trước đây, hát và múa Ải Lao chỉ biểu diễn ở Hội Gióng thì hiện nay Ải
Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (mồng 8 tháng Hai âm lịch), hội làng Đổng
Xuyên (mồng 8 tháng Tám âm lịch) và một số lễ hội của thành phố, quốc gia.
Điệu hát từ thời Hùng Vương thứ 6
Hát, múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở Lễ hội Gióng, làng
Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và do phường Ải Lao, làng Hội Xá, phường Phúc
Lợi, quận Long Biên thực hành. Theo truyền thuyết và lời kể của các cao niên
làng Hội Xá, thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang có giặc Ân phương Bắc xâm
lược. Thánh Gióng làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt phá cường Ân, khi qua sông Thiên
Đức, đám trẻ trâu làng Hội Xá đã buộc trâu, bò, đi theo Thánh Gióng đánh giặc.
Trong đoàn quân đi theo Thánh Gióng có ông Hoàng Hổ, là một trong những thiên
tướng nhà Trời được sai xuống đi theo Thánh Gióng đánh giặc.
Thắng giặc ngoại xâm, Thánh Gióng lên đỉnh núi Sóc Sơn, cả người cả ngựa bay
về trời. Mẹ Thánh Gióng không thấy con về, bà buồn rầu, thương nhớ. Đám trẻ
trâu được lệnh Nhà vua đã đến bên mẹ Thánh Gióng hát múa cho bà vơi đi nỗi
buồn. Từ đó có tên phường hát múa Ải Lao.
Tại hội Gióng đền Phù Đổng, hát múa Ải Lao được coi là một trong những nghi lễ
quan trọng. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội
quân tổng hợp, đã đoàn kết một lòng vùng lên đánh thắng kẻ thù xâm lược. Các
bài hát Ải Lao có ý nghĩa tâm linh. Trong hát múa Ải Lao có các lớp lang văn
hóa, câu chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Trong thời gian diễn ra
hội Gióng, phường Ải Lao thực hành nhiều bài hát: Hát khi vào đền dâng lễ, hát
thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu, hát sử, hát kéo hội đi đường, hát rước
hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về cây tre, hát săn hố, hát về đền
sau khi thắng trận.
Nét đặc sắc nhất của hát Ải Lao là biến những câu 6, 8 thành ra những câu hát
có từ láy, từ đệm vào, khác tất cả các loại hình khác. Từ từ đệm, từ láy đưa
lên từ 2 câu hát thành ra 3 câu rồi thành 8 nhịp. Nhạc cụ là trống, là mèn, là
sinh đánh theo nhịp hát. Ví như: “Cây, cây gạo là cao á cao. Trèo á lên á là
trèo á lên. Cây, cây gạo là cao á cao. Đồn mà rằng là là hội hội Gióng. Vui
vui sao mà là vui a này. Vui vui sao mà là vui a này”.
Về trang phục, khi được chọn, mỗi thành viên phải tự chuẩn bị cho mình một
chiếc nón dứa, đầu chít khăn và mặc áo dài đen, thắt lưng lụa màu xanh, buộc
nút ở sườn bên trái, chân đi đất. Hàng năm, giáp nào được cử đến hội phải có
mặt ở đình Hội Xá để nhận đầu ông Hổ, rồi mua vải may một tấm da hổ để nối vào
đầu hổ. Tấm vải được nhuộm vàng và vẽ lên đó những chấm lốm đốm cho giống da
hổ. Tan hội, giáp làm lễ cúng ở đình rồi đốt tấm da Hổ. Đầu Hổ được cất vào
trong điện thờ. Xưa, đầu ông Hổ bằng giấy bồi, từ năm 1997, được làm bằng gỗ,
còn tấm da Hổ được may bằng vải dầm bâu (vải thô, cứng) và được cất giữ để
dùng cho các hội kế tiếp. Ngoài những tiêu chí chung để được lựa chọn vào
phường, người đóng vai ông Hổ, ông Câu còn phải biết múa. Riêng ông Hổ phải có
vóc dáng to lớn, khỏe mạnh.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Lũy (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), người có công
lớn trong việc hồi sinh và gìn giữ nghệ thuật hát múa Ải Lao, làng Hội Xá xưa
kia có bốn giáp, mỗi năm một giáp sẽ chịu trách nhiệm tập luyện múa hát. Màn
trình diễn múa hát có nhiều nhân vật, từ người đi câu cho đến ông hổ. Màn
trình diễn rất phức tạp, gồm nhiều bài hát khác nhau. Minh họa cho các bài hát
là những điệu múa của các nhân vật.
Đặc sắc điệu múa hát từ ông Hoàng Hổ, ông Câu cá
Múa hát Ải Lao thuộc những điệu múa cổ ở nước ta. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy
Đính, trong tiếng Hán cổ “Ải Lao” có nghĩa là “buộc trâu”. Cái tên xuất phát
từ việc đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá đã buộc trâu lại để theo Thánh Gióng
đánh giặc.
Có hai điệu múa chính trong hát múa Ải Lao, gồm múa hành lễ và múa nghi lễ,
được thực hiện đầu tiên khi làm lễ trình trước bàn thờ Thánh Gióng. Các bài
hát của phường Ải Lao đều ca ngợi Thánh Gióng và Đức Mẫu. Hiện phường hát múa
Ải Lao tại phường Phúc Lợi còn lưu giữ, bảo tồn được 12 bài hát cổ. Cách hát,
biểu diễn, cách đánh trống, đánh chiêng và đánh xinh, cách làm lễ thánh vẫn
theo lề lối cổ xưa, hầu hết các bài hát cổ vẫn được biểu diễn tại Hội Gióng xã
Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Ông Hoàng Hổ là người múa hành lễ đầu tiên, tiếp theo là các động tác múa cổ
do trịch trống, trịch chiêng và hai người cầm bông thực hiện. Cuối cùng là các
thành viên trong phường Ải Lao biểu diễn múa hành lễ. Các động tác múa của ông
Hoàng Hổ uyển chuyển thể hiện sức mạnh của mãnh tướng, vừa thể hiện được lòng
khâm phục của ông đối với Thánh Gióng. Điệu múa hành lễ của các thành viên
“hàng quân” đứng thành hai hàng dọc quay mặt lên bàn thờ Thánh Gióng.
Với múa nghi lễ, các động tác của ông Hoàng Hổ và ông Câu cá hòa nhập với nhịp
điệu của lời ca. Các điệu múa của những nhân vật này không gò bó theo một
khuôn mẫu có sẵn mà người múa có thể sáng tạo theo cách của mình. Ông Hoàng Hổ
thực hiện các điệu múa làm lễ Thánh, nghi lễ kiểm tra “khám đường và khám mặt
trận” và múa tất cả các bài hát khi phường Ải Lao biểu diễn. Người vào vai ông
Hoàng Hổ phải là người có sức khỏe, vóc dáng cao lớn và có năng khiếu múa. Ông
Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội quân tổng hợp, đoàn
kết mọi giai tầng trong xã hội để một lòng đánh đuổi quân xâm lược. Đây là
truyền thống tốt đẹp được hình thành từ buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân
tộc ta,
Trong khi đó điệu múa của ông Câu cá, chủ yếu được thể hiện ở bài “uốn cảnh”,
thể hiện sự tinh tế vui tươi và mềm mại, động tác đi lẳng lơ. Nhân vật ông Câu
là biểu tượng cho cuộc sống thường ngày, tình yêu đôi lứa. Chính vì vậy, người
đóng vai ông Câu cá trong hát múa Ải Lao phải múa dẻo, tình tứ để có thể
truyền tải được chủ đề của bài hát. Các bài hát Ải Lao được chuyển từ các bài
thơ chủ yếu theo thể lục bát, song thất lục bát và thơ tám chữ bằng cách lặp
từ, thêm các từ đệm, thay đổi cấu trúc bài thơ. Người ta thêm các từ đệm vào
câu thơ để tạo nhịp và duy trì sự hài hòa cho bài hát mà không làm thay đổi ý
nghĩa của lời.Nghệ thuật hát múa Ải Lao chứa đựng các lớp lang văn hóa, câu
chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Trong thời gian diễn ra hội Gióng
đền Phù Đổng vào tháng Tư âm lịch hàng năm, phường Ải Lao thực hành nhiều bài
hát: Hát khi vào đền dâng lễ, hát thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu (mẹ
Thánh Gióng), hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca),
hát kéo hội đi đường, hát rước hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về
cây tre, hát săn hố, hát về đền sau khi thắng trận. Tùy từng thời gian, địa
điểm mà phường hát các bài hát cho phù hợp hoàn cảnh.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp