Hát sình ca của người Cao Lan

2024/12/18

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn nét văn hóa hát sình ca của người Cao Lan, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.


TPO - Mỗi cộng đồng đều có những điệu hát riêng, tạo nên bản sắc. Nhắc đến đồng bào dân tộc thiểu số Cao Lan, người ta nhớ ngay đến làn điệu Sình ca. Họ tự hào rằng, ở đâu có người Cao Lan, ở đó Sình ca. Người Cao Lan hay còn gọi là người Sán Chay (Sán Chay bao gồm Cao Lan và Sán Chí) sống tập trung ở các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Đối với người Cao Lan, hát Sình ca vô cùng quen thuộc. Ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, những điệu Sình ca đã được vang lên bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn. Rồi cứ thế, những điệu Sình ca ngấm dần vào tâm thức. Vào những ngày xuân, ngày hội hay khi đi nương rẫy, người Cao Lan đều hát Sình ca. Sình ca hay shấng cọ, cnắng cọô là hình thức diễn xướng dân gian (đôi khi còn gọi là dân ca). Những câu hát Sình ca không chỉ thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa mà còn có những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan. Như vậy, có thể thấy Sình ca giống như một linh hồn văn hóa của dân tộc Cao Lan. Sình ca Cao Lan bao gồm các thể loại: Sình ca Thsăn lèn (mừng năm mới) là những bài hát để mừng năm mới, chúc tụng nhau đủ đầy, hạnh phúc, nhà nhà vui vẻ.
Sình ca Thsao bạo (đối giao duyên) là những bài hát phổ biến nhất và được nhiều người Cao Lan ưa thích. Nội dung những bài ca này thường là mượn cảnh thiên nhiên để trao đổi, tâm tình với nhau, hỏi thăm gia cảnh của nhau. Họ mượn lời hát để gửi gắm yêu thương, nhớ nhung hay trách móc, giận hờn để sau cuộc hát lại gần nhau hơn. Sình ca Kên láu (hát đám cưới) là thể loại hát vui nhộn và phong phú về số lượng bài. Thường khi đến nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai phải hát thì nhà gái mới cho vào nhà. Từ khi đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng, phải trải qua ít nhất hai đêm hát. Sình ca Tò tan (hát đố) gồm những bài hát được truyền lại và một số bài mới do người Cao Lan sáng tạo ra hàng ngày để đố nhau rồi tự giải nghĩa. Đây cũng thuộc loại hát vui, đầy tính sáng tạo ngẫu hứng, đòi hỏi người hát phải thuộc những bài cổ để trên cơ sở đó sáng tạo những bài mới.
Để những giai điệu trở nên hấp dẫn, hát Sình ca cũng cần phải có những nhạc cụ nhất định, như: sáo, nhị, đặc biệt là trống sành. Qua những làn điệu dân ca này, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Ngoài những bài được truyền lại, người Cao Lan còn có thể hát ngẫu hứng, sáng tạo ra những bài dân ca mới, phản ánh cuộc sống của người dân, ca ngợi Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.
Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều xã có đồng bào Cao Lan sinh sống đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Không chỉ biểu diễn vào dịp lễ, tết các câu lạc bộ còn truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như truyền nghề làm trang phục truyền thống cho lớp trẻ. Nhờ vậy, mà bản sắc văn hóa của người Cao Lan đã và đang được lưu giữ, phát triển trong cộng đồng.

Sình ca - nét đẹp văn hóa của người Cao Lan

PTO - Người Cao Lan ở Đoan Hùng hiện có khoảng 3.500 người, sinh sống quần tụ ở 6 làng thuộc các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, dân tộc Cao Lan ở Đoan Hùng có nhiều phong tục truyền thống và nhiều nét văn hóa cổ như thơ, ca, hò, vè... trong đó đặc biệt làn điệu Sình ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong các ngày lễ hội, trong sinh hoạt và trong cuộc sống hàng ngày của người Cao Lan, nó chẳng khác gì “Quan họ” của người Kinh bắc, hay “Xoan ghẹo” của người Phú Thọ. Hát Sình ca cùng với các điệu múa xúc tép, chim gâu được lưu truyền suốt từ đời này qua đời khác đã làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của người dân Cao Lan.
Theo lời kể của cụ Sầm Xuân Sinh - già làng Ngọc Tân thì tên gọi các điệu múa của người Cao Lan đều bắt nguồn từ nghề trồng lúa và bẫy chim thú, động tác trong các điệu múa rất đơn giản, nhịp nhàng, uyển chuyển cùng với tiếng trống, tiếng khèn đã phản ánh cuộc sống lao động sản xuất cần cù của người Cao Lan, còn làn điệu Sình ca thì được hình thành và gắn liền với câu chuyện tình của nàng Lưu Ba, một thần tượng của người dân tộc Cao Lan. Lưu Ba theo tiếng dân tộc là Lau Slam, xuất thân là một cô gái nghèo, lớn lên trong sự đùm bọc của bản làng, Lau Slam xinh đẹp chẳng khác gì một bông hoa rừng, cô lại có giọng hát hay, đối đáp giỏi và tài sáng tác thơ ca. Mười sáu tuổi, Lau Slam đã sáng tác hầu hết những bài hát để trai gái trong làng hát giao duyên (tức là hát đối đáp, một bên hát xướng, bên kia đối lại). Giọng hát Lau Slam trong như tiếng suối, khi nàng cất lên là sông ngừng chảy, gió ngừng bay, làm ngất ngây các chàng trai trong vùng, lời hát của nàng luôn cầu mong cho tình yêu lứa đôi, cầu mong cho người nghèo thành giàu, người giàu phải thương người nghèo, người ác nghe lời hát của nàng mà thành lương thiện... Có hai loại hình hát Sình ca: Một là hát theo lời hát cổ có sẵn đã được lưu truyền (người Cao Lan coi đó là lời hát của Lau SLam), hai là người hát tự sáng tác trong khi hát đối đáp để giãi bày tâm trạng hoặc đố và giải. Người hát Sình ca không phụ thuộc vào tuổi tác, trẻ thường hát giao duyên, đối đáp, còn người cao tuổi thì hát theo lời cổ. Có thể hát trong lễ hội, hát trên nương rẫy, ngoài đồng ruộng hay hát trong các buổi sinh hoạt thôn xóm...
Đối với dân tộc Cao Lan, nàng Lưu Ba là hiện thân của cái đẹp, cái cao cả, là giá trị đạo đức, nhân văn tồn tại mãi mãi không bao giờ phai mờ qua thời gian. Điệu hát Sình ca do nàng sáng tác cứ ngân vang khắp bản làng và được đồng bào dân tộc Cao Lan giữ gìn như máu trong tim, truyền tụng từ đời này sang đời khác, Người Cao Lan không ai là không biết hát Sình ca. Trong những ngày xuân rạo rực, ngày lễ hội tưng bừng, thanh niên nam, nữ trong làng hát say sưa câu chuyện về Lau Slam và những lời ca bất hủ mà nàng để lại.
Trải qua thời gian, dù cuộc sống của người dân Cao Lan còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những làn điệu Sình ca vẫn được người Cao Lan nơi đây gìn giữ và luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đây chính là một nét văn hóa giàu truyền thống, bản sắc của người dân tộc Cao Lan trên mảnh đất Đoan Hùng.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ